Kết quả trong báo cáo sơ bộ về chất lượng nước ở Đầm Lăng Cô của Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế (Sở TN&MT Thừa Thiên – Huế) cho thấy giá trị pH trong nước ở đầm này cao hơn giá trị giới hạn của chất lượng nước quy định tại chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng biển.
>> Cá lồng nuôi trên sông Bồ chết hàng loạt
Sau khi nhận được phản ánh của người dân và chính quyền địa phương, Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tiến hành khảo sát, đo nhanh và lấy mẫu nước phân tích ở khu vực nuôi cá lồng của các hộ dân và khu vực nước đầm gần công trình thi công hầm đường bộ Hải Vân (thuộc Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân). Và ngày 23/10, chi cục đã có báo cáo sơ bộ về chất lượng nước ở nơi đây.
Nguyên nhân ban đầu là do pH trong nước cao hơn bình thường
Theo báo cáo, tất cả các mẫu nước được lấy ở tầng mặt, giữa và đáy ở khu vực đầm Lăng Cô đều có hàm lượng ôxy hòa tan trong nước lớn hơn 5,0, đảm bảo giá trị giới hạn của thông số chất lượng nước phù hợp với vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh. Nhưng, giá trị pH đo được dao động từ 8,9-9,1, cao hơn giá trị giới hạn của thông số chất lượng nước quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển (từ 6,5-8,5). Đây cũng có thể là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sự sống và phát triển của thủy sản trong đầm Lăng Cô.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết, đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Để có kết quả chính thức thì phải qua nhiều bước kiểm tra và phân tích nữa. Đặc biệt, là cần phải kiểm tra kĩ liệu ở khu vực này có dịch hay nhiễm bệnh không, đồng thời nghiên cứu sâu sự ảnh hưởng của pH ở giá trị cao đối với đời sống thủy sản.
Cá sắp đến mùa thu hoạch tự nhiên chết trắng
Liên quan về sự việc này, ông Lê Bá Phúc, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết: Để làm rõ nghi ngờ từ phía người dân, Sở đã tiến hành kiểm tra và nhận định dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng nước tại đầm Lăng Cô. Vì thế, Sở TN&MT tỉnh cũng yêu cầu Ban Quản lý Dự án hầm đường bộ Hải Vân thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình thi công đã cam kết.
Đồng thời, Sở cũng đã đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh thực hiện việc giám sát các công trình đang thi công trên địa bàn khu kinh tế có nguồn thải ảnh hưởng đến chất lượng nước đầm Lăng Cô, yêu cầu chủ dự án thực hiện các biện pháp xử lý chất thải nhằm đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, tránh để chất thải chưa qua xử lý vào nguồn nước trong đầm Lăng Cô.
Như Báo Kinh tế nông Thôn đã đưa tin trước đó, từ đầu tháng 10 đến nay, các hộ nuôi cá lồng ở khu vực cửa biển đầm Lập An, TT. Lăng Cô, huyện Phú Lộc đứng ngồi không yên vì cá sắp đến mùa thu hoạch tự nhiên chết trắng, nhiều hộ đứng trước cảnh trắng tay, nợ nần.
Cá chết với số lượng lớn khiến người dân hoang mang, lo lắng
Số lượng cá chết các hộ dân dao động từ khoảng 1 tấn đến 4 tấn. Mà cá ở đây lại có giá trị thương phẩm cao như cá bớp, cá hồng đỏ với mức giá là 160 - 180.000 đồng. Ước tính, con số thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng.
Ngay sau khi nhận được tin báo từ người dân và chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế đã về tận nơi trực tiếp khảo sát thực trạng, tiến hành lấy mẫu nước, mẫu cá chết để kiểm tra, phân tích để sớm đưa ra kết quả cho người dân.
Phan Tiến
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.