Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 9 tháng 7 năm 2017 | 4:58

Vượt biên trái phép: Chuyện không mới nhưng chưa bao giờ cũ

Đã có rất nhiều hồi chuông cảnh tỉnh về việc vượt biên trái phép nhưng có vẻ như giấc mơ làm giàu ở một vùng đất mới vẫn vô cùng hấp dẫn khiến nhiều người bất chấp nguy hiểm, bất chấp rủi ro, dấn thân và phải chịu kết cục bi thảm. Vụ 7 người Việt tử nạn khi đang vượt biên từ Trung Quốc sang Đài Loan một lần nữa minh chứng rõ ràng cho nhận định: Không thể làm giàu bằng cách vượt biên.

Người đi, nỗi đau ở lại

Sau hơn 3 tháng mất tích, đến ngày 6-7 hài cốt của anh Đào Sỹ Hùng (30 tuổi, ở xã Kỳ Giang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) - một trong số 9 lao động người Việt gặp nạn ở biển Đài Loan được đưa về quê mai táng.

Một số người hàng xóm kể, mấy năm trước anh Hùng đi làm thuê xa có về xây được ngôi nhà cấp bốn. Giờ anh Hùng mất để lại người vợ trẻ và đứa con trai mới 8 tuổi. Từ ngày nhận tin dữ về chồng, chị Hồ Thị Tiếp nằm quằn quại trên giường, khóc thương chồng đến kiệt sức.

Nhìn di ảnh con trai, ông Đào Hữu Thiện đau đớn kể, ngày 26-2 anh Hùng bắt xe ra Bắc để đi nước ngoài làm thuê. Trước khi đi, anh Hùng có nói nhờ một người tên là Minh ở Lục Ngạn (Bắc Giang) đưa sang Đài Loan bằng con đường “chui”.

“Đến Trung Quốc, con nó có gọi điện về nói là chuẩn bị lên tàu sang Đài Loan. Từ đó tôi không hay tin gì về con nữa…”, ông Thiện ngậm ngùi nói.

Theo ông Thiện, sau khi xem hình ảnh các nạn nhân người Việt gặp nạn ở eo biển Đài Loan, ông mới nhận ra con trai mình. Sau đó ông Thiện đã đến Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao để làm xét nghiệm AND gửi sang Trung Quốc.

Đến 30-6, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu đã cấp giấy phép nhập cảnh tro cốt của anh Hùng.

Một số người nhà của các nạn cho biết, có khoảng 20 người ở các tỉnh Nghệ An, Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Tĩnh và Quảng Trị đóng một khoản tiền từ 40-50 triệu đồng cho cho một đường dây mô giới ở tỉnh Bắc Giang để đưa sang Trung Quốc.

Đến ngày 31-3, nhóm người này đến Trung Quốc và mua lại một chiếc thuyền cũ để vượt biển sang Đài Loan làm thuê “chui” thì mất tích…

Chị Trâm (mẹ của nạn nhân Lưu Xuân Hoàng) đau xót nói về cái chết của con mình

Có mặt tại nhà chị Trần Thị Trâm (xóm 10, xã Nam Lộc, Nam Đàn, Nghệ An) – mẹ nạn nhân Lưu Xuân Hoàng (SN 1991) – 1 trong số các lao động thiệt mạng trong chuyến tàu định mệnh ngày 31/3/2017, bị chìm khi đang di chuyển trên vùng biển Trung Quốc – không ai có thể cầm nổi nước mắt.

Bên bàn thờ lập ở góc, căn nhà trở nên lạnh lẽo hơn khi chỉ còn chị Trâm ở nhà. Anh Lưu Văn Báu (bố của Hoàng) cùng một người cháu đã sang Trung Quốc để xét nghiệm ADN phục vụ cho việc nhận diện thi thể con. “Lúc nãy, ông ấy mới điện về, bảo đến chiều nay mới có kết quả xét nghiệm. Chắc phải vài ngày nữa mới hoàn tất thủ tục để đưa thi thể Hoàng về nước”, người mẹ nước mắt ngắn dài.

Theo lời kể của chị Trâm, sau khi tốt nghiệp cao đẳng ngành điện, Hoàng đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Tháng 5/2016, do lương thấp, công việc không có, Hoàng về nước. Trong thời gian về nước, do không có việc làm, Hoàng nói sẽ tìm cơ hội đi xuất khẩu lao động lần nữa nhưng cụ thể như thế nào thì chưa bàn bạc với bố mẹ.

“Cháu nó đi lúc nào chúng tôi cũng không biết, tưởng con đi chơi với bạn bè. Đi được vài ngày, cháu gọi điện bảo đi Trung Quốc làm ăn. Đến ngày thứ 3, cháu gọi điện về bảo đang lên tàu ra biển rồi sau đó mất liên lạc. Bố mẹ cũng chỉ nghĩ đi xuất khẩu lao động chui, bị phía Trung Quốc bắt giữ thôi, ai ngờ…”, chị Trâm kể tiếp.

Không chỉ có mình Hoàng, theo thông tin từ Sở Ngoại vụ Nghệ An, hiện xác định được danh tính của Lê Đình Hiếu (xã Tràng Sơn, Đô Lương), Hồ Đức Tiến (xã Quỳnh Long, Quỳnh Lưu). Riêng anh Nguyễn Phúc Toàn (xã Văn Thành, Yên Thành) hiện vẫn chưa rõ có cùng đi trên con tàu đó hay không.

Trong khi đó, theo thông tin từ tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu đã phối hợp với các cơ quan chức năng Trung Quốc và trong nước xác minh, sau đó phối hợp cùng gia đình các nạn nhân đối chiếu mẫu ADN. Qua đó đã xác định được 7 thi thể là người Việt Nam, trong đó có 3 nạn nhân ở Nghệ An, 2 nạn nhân ở Quảng Bình, 1 nạn nhân ở Hải Dương, 1 người ở Hà Tĩnh. 2 thi thể vẫn chưa xác định được danh tính. Tổng Lãnh sự quán đã hỗ trợ thân nhân những người bị nạn sang Trung Quốc đưa di hài về nước.

Bộ Ngoại giao sau khi nhận được yêu cầu của 7 gia đình đề nghị tìm người thân bị mất tích đã chỉ đạo Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu liên hệ và đề nghị các cơ quan chức năng Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ tìm kiếm và sớm thông báo cho phía Việt Nam.

“Các cơ quan chức năng của Trung Quốc cho biết, gần đây vùng biển này có hiện tượng tổ chức đưa người vượt biên sang Đài Loan bằng thuyền đánh cá. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp điều tra vụ việc”, thông cáo của Bộ Ngoại giao nêu rõ.

Bài toán khó

Qua tìm hiểu thực tế tại các địa phương khu vực biên giới, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê ngày càng tăng là do thiếu việc làm, nhất là trong thời gian nông nhàn, trong khi đời sống của người dân còn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong khi nhu cầu sử dụng lao động phổ thông tại Trung Quốc rất lớn, giá công lao động được trả cao hơn, trung bình quy đổi được khoảng 200 - 300 nghìn đồng/người/ngày, hình thức thanh toán đơn giản. Ngoài ra, do hạn chế hiểu biết, nhận thức về pháp luật, đường biên giới dài, địa hình phức tạp, có nhiều đường mòn, lối mở; thủ tục pháp lý về xuất nhập cảnh qua lại hai bên biên giới chưa đáp ứng được thực tiễn nhu cầu của người lao động; công tác quản lý dân cư của chính quyền cơ sở còn nhiều hạn chế; lực lượng chức năng làm công tác quản lý, tuần tra biên giới còn thiếu nên chưa ngăn chặn hiệu quả việc người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động làm thuê.

Tại tỉnh biên giới Lạng Sơn, từ năm 2016 đến nay đã có 18.017 lượt công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, trong đó, Phục Hòa 2.478 lượt người, Hạ Lang 1.665 lượt người, Trùng Khánh 5.621 lượt người, Trà Lĩnh 1.895 lượt người, Bảo Lạc 3.130 lượt người… Số công dân xuất cảnh trái phép bị lực lượng chức năng phía Trung Quốc bắt giữ 469 người, đã trao trả 343 người; hiện đang bị giam giữ 32 người. 3 công dân chết do tai nạn trên đất Trung Quốc.

Trước tình trạng gia tăng công dân khu vực biên giới xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng thỏa thuận về quản lý lao động qua biên giới giữa UBND tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) với chính quyền thành phố Sùng Tả, Quảng Tây (Trung Quốc); phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng, ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác quản lý hộ khẩu, đăng ký tạm trú, tạm vắng, tăng cường công tác bám nắm địa bàn, rà soát, kịp thời phát hiện các hoạt động lôi kéo, dụ dỗ đưa người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, nhất là các dấu hiệu nghi vấn liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn… Song, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến kết quả chưa được như mong muốn và trên thực tế số công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê còn lớn hơn rất nhiều so với thống kê - Thượng tá Trương Văn Lai, Phó trưởng Phòng Trinh sát, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết.

Vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê đang là một bài toán chưa có lời giải. Hằng ngày, vẫn còn nhiều người dân vì mong muốn có chút tiền trang trải cuộc sống đã bất chấp mọi hệ lụy và cảnh báo của các cơ quan chức năng để vượt biên trái phép. Những hậu quả của việc này chính là bài học đối với người lao động “chui” nơi đất khách quê người, đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế của chính quyền địa phương trong công tác quản lý lao động, tạo việc làm cho người dân.

D.Hùng (tổng hợp)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top