Giá xăng dầu đã giảm 3 lần liên tiếp, nhưng nhiều mặt hàng ở vùng ĐBSCL vẫn chưa giảm giá, trong khi đó, nhiều ngư dân ở đây lo bị thua lỗ, thậm chí ngại ra khơi vì giá dầu vẫn đang ở mức cao, trong khi sản lượng đánh bắt ngày càng giảm.
Giá nhiều mặt hàng chưa "hạ nhiệt"
Giá xăng, dầu giảm mạnh từ ngày 21/7, nhưng hiện phần lớn các mặt hàng tiêu dùng, thiết yếu ở các tỉnh, thành ở DDBSCL vẫn chưa giảm. Tại một số chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP. Rạch Giá (Kiên Giang) vẫn chưa "hạ nhiệt", dù trước đó đã “leo thang” tăng theo giá xăng, dầu. Tại chợ Bắc Sơn, phường Vĩnh Lạc, từ đầu tháng 7/2022, thịt lợn đang trên đà tăng giá liên tục, cách 1 tuần tăng khoảng 5.000 đồng/kg, chỉ đến khi xăng, dầu giảm thì giá thịt heo mới “đứng” giá.
Anh Đặng Xuân Thủy, chủ sạp thịt heo Xuân Thủy, lô 70, chợ Bắc Sơn cho biết, hiện, giá thịt nạc 110.000 đồng/kg; thịt đùi 95.000 đồng/kg; sườn non 160.000 đồng/kg… Giá này đang là giá “đứng” trên đà tăng tính từ ngày giá xăng giảm đến nay. Giá bán lẻ thịt lợn tại chợ hiện nay vẫn chưa thấy dấu hiệu giảm.
Anh Cao Minh Thuận, chủ cửa hàng tạp hóa 27 Lạc Hồng, TP. Rạch Giá vừa nhận được thông báo từ nhà phân phối sẽ tăng giá từ 4-21% các sản phẩm thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Procter & Gamble (P&G) Việt Nam, áp dụng từ ngày 1/8/2022. Theo đó, giá bán lẻ tại cửa hàng cụ thể như: sữa tắm Safeguard loại 720ml giá 135.000 đồng/chai, tăng 21%; dầu gội Rejoice loại 1,2 lít giá 230.000 đồng/chai, tăng 10%; nước giặt Ariel loại can 2 lít giá 140.000 đồng/lít, tăng 5%…
Theo anh Thuận, đa phần các mặt hàng tăng giá, chỉ có dầu ăn giảm giá sau khi giá xăng, dầu giảm. Cụ thể, dầu ăn Olita Tường An giá từ 220.000 đồng/can giảm còn 200.000 đồng/can loại 5 lít; dầu ăn Olita Tường An giá từ 46.000 đồng/chai giảm còn 43.000 đồng/chai loại 1 lít… Tuy nhiên, giá giảm này không đáng là bao so với giá dầu ăn đã tăng trước đó nhiều lần.
Bà Lê Thị Liên, ngụ số 2, đường Lê Chân, TP. Rạch Giá tâm sự, sau một thời gian dài các mặt hàng thiết yếu tăng theo giá xăng, dầu. Nay xăng, dầu đã giảm giá, nhưng tôi thấy các mặt hàng tại chợ vẫn “neo” ở mức giá cũ, chưa có dấu hiệu giảm. Tôi mong giá thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ giảm càng sớm càng tốt để tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy.
Tại tỉnh Tiền Giang, Đồng Táp, Long An cũng xảy ra tình trạng tương tự. Một tiểu thương tại chợ Thạnh Trị (phường 4, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), chia sẻ, xăng, dầu giảm giá tiểu thương ở chợ rất mừng. Tuy nhiên, giá nhiều loại hàng hóa, thực phẩm vẫn duy trì ở mức cao, chưa thấy rục rịch giảm.
Ông Võ Chí Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Hữu Thành Phát (TP. Mỹ Tho, Tiền Giang) cho biết, do xăng, dầu tăng giá trong thời gian qua nên giá các mặt hàng tiêu dùng tăng từ 5% - 20%, tùy theo nhóm hàng; chi phí vận chuyển cũng tăng khoảng 20%. Nhóm hàng tăng cao nhất là các loại bánh, kẹo…Do các chi phí vận chuyển, đầu vào tăng cao nên bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phải tăng giá hàng hóa. Cũng theo ông Thành, xăng, dầu mới giảm giá trong thời gian ngắn nên giá hàng hóa hiện chưa biến động, cước vận tải cũng chưa giảm.
Còn theo ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Vĩnh Kim, dù giá xăng, dầu đã giảm, nhưng chưa thể tác động đến việc hạ nhiệt giá hàng hóa. Cụ thể, giá cước vận chuyển hàng hóa chưa giảm, do đó chưa có tác động cao đến giá hàng hóa. Một số mặt hàng trước đây đã tăng giá hiện vẫn đang giữ giá. Trên thực tế, dù giá xăng, dầu giảm nhưng nhiều hàng hóa không giảm cũng một phần do các nhà sản xuất và đơn vị bán lẻ chung tay giữ giá.
Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, hiện nay muốn giảm giá hàng hóa trước hết phải giảm cước phí vận chuyển. Bởi giá xăng, dầu ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vận chuyển, từ đó kéo theo giá nhiều loại hàng hóa “té nước theo mưa”.
Ngư dân sợ thua lỗ
Sau ba đợt điều chỉnh gần đây đã làm giá xăng dầu giảm khá nhiều. Trong lần điều chỉnh gần đây nhất, giá dầu đã giảm khoảng 4.000 đồng/lít, từ mức hơn 30.000 đồng xuống chỉ còn hơn 26.000 đồng/lít. Đối với ngư dân, nhiên liệu dầu luôn là chi phí chính mỗi chuyến ra khơi nên giá giảm liên tiếp họ rất mừng.
Tại tỉnh Kiên Giang, sau thời gian dài tàu nằm bờ do lo ngại thua lỗ vì giá dầu, nhiều ngư dân đã tiến hành ra khơi. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tàu Mười Lộc (ở phường Vĩnh Thanh Vân, TP.Rạch Giá, Kiên Giang) sau 3 tháng cả 3 chiếc tàu đánh bắt phải nằm bờ, nay đã bắt đầu cho tàu hoạt động trở lại. Theo ông Thuỷ, nhờ nhà nước điều chỉnh giá xăng dầu giảm mà mấy chiếc ghe của gia đình mới có điều kiện ra khơi bám biển, tiếp tục đánh bắt.
Tuy nhiên, niềm vui của ngư dân chưa thật sự trọn vẹn, bởi giá dầu vẫn ở mức cao hơn khoảng 10.000 đồng/lít so với cùng kỳ. Với chi phí xăng dầu chiếm từ 60 – 80% chi phí mỗi chuyến biển, tùy ngành nghề thì chưa đảm bảo cho ngư dân có lời. Đặc biệt, trong điều kiện sản lượng đánh bắt có chiều hướng ngày càng giảm, ngư dân ra khơi nhưng vẫn rất lo lắng vì thu lỗ.
Ông Đoàn Quốc Lượm, chủ tàu ở thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) cho hay, giá dầu giảm là theo mức giá kỷ lục thôi chứ bây giờ vẫn ở mức cao. Ba chiếc ghe nhà tôi chuyến rồi lấy sở phí 330 triệu tiền dầu. Mấy bữa nay ra làm nói chung khó khăn, ngư trường biển giờ suy giảm. Trước mỗi nước đánh bắt được khoảng 50 tấn cá bây giờ còn khoảng 30 - 35 tấn trở lại.
Toàn tỉnh Cà Mau có khoảng 4.500 tàu cá hoạt động đánh bắt, Kiên Giang có hơn 9.800 tàu. Tỷ lệ tàu ra khơi đánh bắt gần đây đã tăng nhiều, tuy nhiên, vẫn chưa đạt mức cao. Cả Cà Mau và Kiên Giang đều đã thông qua chính sách hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình tàu cá để bớt khó khăn cho ngư dân. Các tỉnh có thế mạnh về khai thác thủy hải sản trong vùng ĐBSCL cũng đang có những kế hoạch nhằm khuyến khích ngư dân ra khơi bám biển.
Phần lớn doanh nghiệp “thờ ơ” với việc giảm giá
Sau hơn 2 tuần giá xăng dầu giảm mạnh, mặt bằng giá cả, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu, chưa hề thay đổi, thậm chí còn tăng lên. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, sau khi giá xăng dầu đi xuống, phần lớn doanh nghiệp “thờ ơ” với việc giảm giá các mặt hàng, dịch vụ cũng là điều có thể hiểu được.
Muốn giảm giá sản phẩm, dịch vụ thì các doanh nghiệp cũng phải tính toán, cơ cấu lại toàn bộ chi phí khác như: logistic, nhân công, sản phẩm đầu vào chứ không chỉ riêng xăng dầu. Hiện xăng dầu giảm giá mới chỉ là bớt khó cho doanh nghiệp chứ không phải giúp có lãi như khi xăng dầu ở mức giá 20.000 - 21.000 đồng/lít, ông Lâm phân tích.
Còn TS Lê Đăng Doanh nhận định, có thể doanh nghiệp đã mua các nguyên liệu đầu vào khi giá đang còn cao nên giờ phải tiêu thụ hết các sản phẩm đã sản xuất ra với giá cao để đủ bù hoặc tránh lỗ. Sau đó may ra họ mới giảm giá sản phẩm với đầu vào thấp.
Một nguyên nhân khác mà các chuyên gia cho rằng khiến doanh nghiệp "ngại" điều chỉnh giá sản phẩm, đó là lo ngại xăng dầu giảm giá không mang tính bền vững, ổn định, có thể chỉ giảm một thời gian ngắn rồi lại tăng.
Ông Lê Hoàng Anh, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, phân tích, thị trường Việt Nam có độ mở rất lớn và chịu tác động rất lớn từ nền kinh tế thế giới. Thị trường quốc tế vẫn còn nhiều bất ổn nên giá xăng dầu có thể còn biến động, gây tâm lý e ngại của doanh nghiệp, giá cả hàng hóa vì thế chưa thể giảm được. Nhiều doanh nghiệp khi được hỏi cũng khẳng định phải dự phòng những rủi ro, vì thế cần tính toán chiến lược dài hạn.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói, khi nhiều mặt hàng đã thiết lập mặt bằng giá mới thì việc giảm giá sau khi xăng dầu hạ nhiệt là rất khó. Các tiểu thương sẽ tiếp tục giữ giá để hưởng lợi cho đến khi thị trường phản ứng tiêu cực thì họ mới thay đổi giá.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định, tâm lý của người bán hàng là thuận mua, vừa bán, nên khi giá cả đưa ra được chấp nhận rồi thì động lực để hạ xuống là không có. Giữ được mức giá đã được chấp nhận mang lại nguồn lợi ích lớn cho họ. Chỉ khi nào mức độ cạnh tranh thị trường khiến người tiêu dùng không thể chấp nhận thì các doanh nghiệp, tư thương mới chấp nhận thay đổi.
Thời gian qua, Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành đã tìm nhiều cách để giảm giá xăng, dầu từ đó hạn chế tác động tiêu cực từ giá xăng cao mang lại. Việc xăng, dầu đã giảm nhưng giá nhiều mặt hàng chưa giảm đã khiến người tiêu dùng gặp khó khăn, cùng với đó là gây khó khăn trong công tác điều hành vĩ mô của Chính phủ. Thiết nghĩ, các địa phương, bộ ngành cần đẩy mạnh công tác giám sát giá đối với những mặt hàng thiết yếu từ đó đưa giá về với sát với giá trị thực của thị trường.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân thu nhập thấp là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững. Trong bối cảnh việc triển khai các chương trình nhà ở xã hội trong thời gian qua còn nhiều vướng mắc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) với trách nhiệm của NHTM Nhà nước, Ngân hàng vì cộng đồng đã tích cực đồng hành cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp tín dụng ưu đãi để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2030.