Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 15 tháng 3 năm 2021 | 14:50

4 trường hợp được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 107/2020/QH14 về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 đã được sửa đổi bởi Nghị quyết 28/2016/QH14 ngày 11/11/2016.

t24.jpg
Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

 

Thuế sử dụng đất nông nghiệp là loại thuế gián thu được đánh vào việc sử dụng đối với mục đích sản xuất nông nghiệp.

4 trường hợp được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Theo Nghị quyết 107/2020/QH14, kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2025 đối với các đối tượng sau đây:

  1. Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm; diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối.
  2. Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ nghèo.
  3. Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp cho các đối tượng sau đây:

- Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả đất được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển quyền sử dụng đất;

- Hộ gia đình, cá nhân là thành viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nông trường viên, lâm trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật;

- Hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp góp quyền sử dụng đất nông nghiệp của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật hợp tác xã.

  1. Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp.

Đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp thì thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai; trong thời gian Nhà nước chưa thu hồi đất thì phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp.

5 lý do miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong vòng 5 năm từ năm 2021 - 2025 đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp cho một số đối tượng tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV.  Theo nội dung tờ trình, có 5 lý do để miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp:

Thứ nhất, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như quy định hiện hành là cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thứ hai, điều này sẽ tiếp tục góp phần khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từ đó, góp phần đạt mục tiêu về số lượng doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030 và tăng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3%/năm.

Lý do tiếp theo, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ tiếp tục góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Đây sẽ là giải pháp khuyến nông cần thiết để góp phần nâng cao giá trị gia tăng và kết nối chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.

Thứ ba, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ tiếp tục góp phần hỗ trợ tạo thêm công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, góp phần tạo cơ sở cho tập trung đất nông nghiệp để phát triển nông nghiệp hiện đại theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tỷ trọng lao động nông nghiệp ở nông thôn.

Và lý do cuối cùng được Bộ trưởng Tài chính đưa ra là phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

 

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top