Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 9 tháng 3 năm 2017 | 10:54

5 trẻ tử vong, bệnh dịch ho gà diễn biến phức tạp

So với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc bệnh ho gà những tháng đầu năm 2017 đã gia tăng tại một số tỉnh thành phố phía Bắc. Đáng tiếc, đã có 5 trẻ tử vong do căn bệnh này.

Các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đi vắc xin đủ liều, đúng lịch để phòng bệnh ho gà hiệu quả.

“Do điều kiện thời tiết chuyển lạnh, độ ẩm cao nên các bệnh đường hô hấp gia tăng, trong đó có bệnh ho gà, số trường hợp mắc tập trung chủ yếu lứa tuổi nhỏ từ 2 - 3 tháng tuổi do chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ”, PGS.TS Trần Đắc Phu lý giải về xu hướng gia tăng.

Đáng nói, trong vài năm gần đây, nhiều trẻ dưới 2 tháng tuổi (chưa đến tuổi chỉ định tiêm mũi 1) cũng mắc bệnh ho gà. Trong khi về nguyên tắc, trong 2 tháng đầu trẻ được bảo vệ nhờ miễn dịch từ mẹ truyền sang. Có nghĩa, các bà mẹ đó không được tiêm phòng, hoặc chưa mắc ho gà nên không có miễn dịch, vì thế trẻ sinh ra không có miễn dịch.

Hiện nay, tuy số ca mắc chỉ ghi nhận rải rác tại các địa phương, song các chuyên gia y tế vẫn rất lo ngại về nguy cơ lây lan, khuyến cáo các địa phương và người dân cần chủ động phòng chống vì đây là bệnh truyền nhiễm, lây lan nhanh qua đường hô hấp, dễ dẫn đến tử vong.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, qua hơn 30 năm triển khai chương trình tiêm chủng , số trường hợp ho gà đã giảm hàng trăm lần so với trước khi triển khai chương trình. Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả phòng bệnh hữu hiệu.

Do đó, ngoài việc đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch, những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nếu chưa từng mắc ho gà cũng cần tiêm vắc xin dịch vụ phòng bạch hầu-ho gà-uốn ván để tạo miễn dịch cho bản thân và cho trẻ sơ sinh sau này.

Trước diễn biến bất thường của bệnh dịch ho gà, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố yêu cầu rà soát việc tiêm phòng vắc xin ho gà đối với trẻ nhỏ.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương thực hiện tiêm bổ sung ngay trong tháng đối với các trường hợp trì hoãn tiêm vắc xin này, kiên quyết xóa các vùng lõm trong tiêm chủng.

Bên cạnh đó, giám sát chủ động, xét nghiệm, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, cách ly kịp thời không để dịch bùng phát. Đồng thời, tăng cường các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, đảm bảo môi trường thông thoáng, giữ vệ sinh cá nhân để phòng nguy cơ lây bệnh.

Với người dân, Bộ Y tế khuyến cáo cần chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà (vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván - DTP hoặc vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virus viêm gan B và Haemophilus influenzae type b - Quinvaxem) đủ liều, đúng lịch.

Bệnh thường gặp chủ yếu ở trẻ em 1- 6 tuổi, trẻ càng nhỏ tuổi bệnh càng nặng. Bệnh có biểu hiện: Sốt, ho dữ dội thành cơn kéo dài và có tiếng thở rít, chảy nước mắt, nước mũi, kèm theo nôn có đờm dãi trắng và rất dính.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà trẻ phải nghỉ học, cách ly, đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top