Tối 16/12, tại TP. Quy Nhơn ( Bình Định), diễn ra Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ II năm 2023 với chủ đề “Âm vang nhịp điệu núi rừng”.
Liên hoan lần này có sự tham gia 242 nghệ nhân, diễn viên, học sinh đến từ 7 đoàn Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân và Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bình Định lần đầu tiên tham gia nhưng lại cử lực lượng trẻ đông đảo nhất, với 45 học sinh đang học cấp III tham gia trình diễn cồng chiêng và múa xoang phụ họa. Đây là nét mới về lực lượng tham gia Liên hoan và cũng là niềm hy vọng vào lực lượng kế tục sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng nói riêng, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung trên địa bàn tỉnh Bình Định trong thời gian tới.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Bình Định là nơi hội tụ và giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc anh em trong khu vực. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, tỉnh hiện có 39 dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Chăm, Bana, H’rê với lối sống và phong tục tập quán có nhiều sắc thái độc đáo, đa dạng, làm nên nét đặc trưng riêng đậm chất nhân văn và thượng võ của văn hóa Bình Định. Cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định đang lưu giữ vốn văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú và đặc sắc. Kho tàng nghi lễ, lễ hội truyền thống, hòa quyện với hệ thống nhạc lễ, nhạc cụ và các làn điệu dân ca, dân vũ đa dạng, độc đáo, hình thành nên bản sắc văn hoá vừa mang đặc trưng riêng vừa mang đặc trưng chung của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, cồng chiêng là nhạc cụ, phương tiện diễn tấu dân gian quan trọng, mang nhiều giá trị văn hóa, gắn bó mật thiết trong đời sống sinh hoạt tinh thần.
Lãnh đạo tỉnh trao cờ lưu niệm cho các đoàn nghệ nhân.
Các đại biểu đến tham dự.
Với chủ đề “Âm vang nhịp điệu núi rừng”, Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ II năm 2023 là sự kiện có ý nghĩa văn hóa, xã hội sâu sắc nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Định.
Tiết mục mừng được mùa của đoàn huyện Phù Cát.
Các tiết mục văn nghệ đến từ các đoàn tham gia.
Đây là dịp để các diễn viên, nghệ nhân cồng chiêng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc phục hồi, truyền dạy và phát huy nghệ thuật cồng chiêng đặc sắc của các dân tộc. Qua đó, giới thiệu vốn văn hóa phong phú, độc đáo của các dân tộc anh em, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, cùng nhau phấn đấu xây dựng quê hương Bình Định ngày càng giàu đẹp.
Qua liên hoan lần này, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định mong muốn các đơn vị tiếp tục phát huy những tiết mục, nội dung trình diễn tại Liên hoan lần này để đưa về địa phương phục vụ, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, tiếp tục nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ, đội cồng chiêng tiêu biểu, nòng cốt ở các địa phương, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao giải A cho đoàn Vĩnh Thạnh.
Liên hoan lần này, các đại biểu cùng với khán giả được thưởng thức những tiết mục biểu diễn đặc sắc với những sắc thái văn hóa truyền thống của các dân tộc Chăm, Bana, H’rê thông qua phần thể hiện khéo léo, tài hoa của các diễn viên, nghệ nhân đến từ các đoàn như: Nhạc hội trong lễ cúng đỗ đầu năm mới; mừng chiến thắng; Làng H’rê vui hội; Chiêng mừng - âm vang Đak Mang... Đây cũng là dịp để nghệ nhân, diễn viên các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Định gặp gỡ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.