Sau 20 năm, Ấn Độ tiếp tục cấp phép canh tác thương mại cây trồng biến đổi gen (BĐG) đối với bông và cải mù tạt.
Cánh đồng cải mù tạt tại Sambhal, Ấn Độ (Nguồn: Rural voice).
Khuyến nghị tích cực trồng thương mại bông và cải mù tạt BĐG
Theo các nguồn tin cấp cao, quá trình cho phép canh tác thương mại hai loại cây này gần như không còn gặp trở ngại gì, chỉ còn đợi việc phê duyệt theo hình thức từ Hội đồng Thẩm định Kỹ thuật Di truyền (Genetic Engineering Appraisal Committee - GEAC). Theo ghi nhận từ báo Rural Voice, tiểu ban do GEAC chỉ định đã đệ trình báo cáo đánh giá lên cơ quan này, trong đó đưa ra những khuyến nghị tích cực đối với việc trồng thương mại bông và cải mù tạt BĐG.
Trước đó, vào năm 2002, bông Bt - một giống bông BĐG, lần đầu được phê duyệt canh tác thương mại tại Ấn Độ. Kể từ thời điểm đó, quốc gia này không cấp phép thêm loại cây trồng BĐG nào khác. Các giống bông Bt được phát triển bởi tập đoàn Monsanto của Hoa Kỳ thời điểm đó và công ty Mahyco của Ấn Độ, trong đó công nghệ là thuộc quyền sở hữu Monsanto.
Theo nguồn tin cho biết, tiểu ban do GEAC chỉ định đã được yêu cầu nghiên cứu và đánh giá ảnh hưởng bất lợi nếu có của giống bông BĐG mang gen HTBt, từ đó đưa ra đề xuất. Vì không tìm thấy bất kỳ bằng chứng bất lợi nào về bông HTBt, nên tiểu ban này đã đưa ra báo cáo tích cực cho việc phê duyệt. Một trong các thành viên của tiểu ban nói rằng việc trồng bông HTBt đã được tiến hành bất hợp pháp từ lâu tại Ấn Độ, chiếm khoảng 30% tổng diện tích canh tác. Tương tự như vậy, hạt giống loại này cũng đang được đưa ra thị trường một cách bất hợp pháp. Do đó, việc chính thức phê duyệt giống cây này sẽ có lợi nhiều hơn trong việc hỗ trợ nông dân có thể tiếp cận nguồn hạt giống hợp pháp đúng chất lượng và đơn vị cung cấp hạt giống sẽ phải có trách nhiệm nếu xảy ra bất kỳ trường hợp sai sót nào.
“Bật đèn xanh” với cải mù tạt BĐG
Một loại cây trồng khác có khả năng cao được GEAC chấp thuận là cải mù tạt BĐG. Cải mù tạt đóng vai trò quan trọng như một nguyên liệu để chế biến dầu ăn tại Ấn Độ. Tuy vậy, quốc gia này đã liên tục thất bại trong việc thúc đẩy năng suất cải mù tạt. Các nhà khoa học cho rằng giải pháp nằm ở việc cho phép trồng cải mù tạt BĐG. Tiến sĩ Deepak Pental, cựu Phó hiệu trưởng trường Đại học Delhi đã phát triển giống cải mù tạt Dhara Hybrid-11, hay còn gọi là DMH-11, một giống cải mù tạt lai BĐG. Hiện tại, việc canh tác giống cây này vẫn chưa được chấp thuận, tuy nhiên, tiểu ban đã đưa ra khuyến nghị ủng hộ việc thương mại hoá giống cây này.
Tiến sĩ Pental đã tạo ra DMH-11 thông qua công nghệ chuyển gen, chủ yếu liên quan đến hệ thống gen bar, barnase và barstar. Gen barnase gây bất dục đực, trong khi gen barstar khôi phục khả năng tạo hạt giống màu mỡ của DMH-11. Quá trình này cũng bao gồm việc chèn một gen thứ ba có tên là Bar. Năm 1991, Hoa Kỳ đã cấp bằng sáng chế cho giống cải BĐG này. Tiến sỹ Pental đã "tinh chỉnh" quy trình này và ông cũng đã nhận được bằng sáng chế giống cây này từ Hoa Kỳ.
Điều thú vị là DMH-11, giống cải mù tạt BĐG dựa trên công nghệ Barnase-Barstar của Tiến sĩ Pental, thậm chí đã được phê duyệt trong cuộc họp lần thứ 133 của GEAC. Tuy nhiên, ngay sau đó, quyết định phê duyệt lại bị trì hoãn trong cuộc họp thứ 134. Căn nguyên của những lo ngại đối với cải mù tạt BĐG đó là tác động của cây trồng này đối với ong. Người ta lo ngại rằng cây trồng BĐG sẽ làm giảm số lượng ong, từ đó ảnh hưởng tới quá trình thụ phấn tự nhiên và tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp.
Một nhà khoa học nông nghiệp kỳ cựu nói rằng các giống cải dầu được tạo ra nhờ áp dụng kỹ thuật Barnase-Barstar tương tự hiện đang được canh tác trên quy mô lớn ở Canada với diện tích khoảng 21 triệu mẫu Anh. Tại Canada, số lượng đàn ong đã tăng rất mạnh dù cho diện tích canh tác cải dầu tăng lên. Theo dữ liệu từ một nghiên cứu, trong khi diện tích canh tác cải dầu đã tăng từ 10 triệu mẫu năm 1988 lên 21 triệu mẫu vào năm 2019, số lượng đàn ong đã tăng từ mức chỉ khoảng 10 triệu lên 25 triệu trong cùng thời kỳ.
Một trong những thành viên của tiểu ban trả lời với báo Rural Voice rằng tạo ra các giống lai với chất lượng tốt hơn đóng vai trò cần thiết trong việc gia tăng sản lượng cải mù tạt tại Ấn Độ. Hiện, các công ty tư nhân vẫn đang bán một số giống lai trên thị trường, tuy nhiên năng suất thực sự chỉ có thể đạt được khi giống BĐG được chấp thuận. Ấn Độ cũng không thể thoát ra khỏi vòng xoay phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu dầu ăn trong nước. Trong tình hình như vậy, việc phê duyệt cải mù tạt BĐG có thể tạo nên một cú hích để tăng trưởng sản lượng dầu tại quốc gia này. Điều này đã từng xảy ra đối với cây bông trước đó khi cây trồng này đã giúp Ấn Độ chấm dứt sự phụ thuộc vào nhập khẩu và cho phép nước này trở thành một nước xuất khẩu bông lớn trên thế giới.
Giáo sư KC Bansal, Thư ký Học viện Khoa học Nông nghiệp Quốc gia (NAAS) và là cựu Giám đốc Cục Quốc gia về Nguồn gen Thực vật (NBPGR), trả lời báo Rural Voice: “Barnase – Barstar là một công nghệ biến đổi gen đã được chứng minh có thể phát triển ưu thế lai trên cải mù tạt. Chúng ta phải thúc đẩy công nghệ này, từ đó phát triển cải mù tạt lai BĐG vì lợi ích của nông dân, người tiêu dùng và quốc gia để giảm sự phụ thuộc của chúng ta vào nhập khẩu dầu. Hơn nữa, các dòng cải mù tạt bố mẹ chuyển gen sử dụng các gen Barnase và Barstar sẽ cho thấy lợi ích trong việc chuyển các gen này vào đa dạng các dòng bố mẹ khác, từ đó phát triển ra nhiều cây lai với năng suất cao hơn".
Bên cạnh đó, vào tháng 3 năm nay, Chính phủ Ấn Độ đã phê duyệt phát triển các giống cây trồng mới sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gen SDN-1 và 2. Hướng dẫn đánh giá và phê duyệt các cây trồng sử dụng công nghệ này đã được ban hành vào tháng 5 và sau đó Quy trình Vận hành Chuẩn (SOP) cũng đã được ban hành vào tháng 9. Những động thái này từ chính phủ Ấn Độ báo hiệu rằng họ đang thay đổi lập trường của mình đối với vấn đề phê duyệt các giống cây trồng mang đặc tính cải tiến sử dụng công nghệ sinh học, bao gồm cả cây trồng BĐG. Nếu việc phát hành thương mại bông HTBt và cải mù tạt BĐG được “bật đèn xanh”, thì đây sẽ là lần đầu tiên sau 20 năm cây trồng BĐG được chấp thuận để canh tác đại trà tại Ấn Độ./.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.