UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quy định, khi các nhà máy sản xuất gạch tuynel, nếu không có nguồn đất sét được cấp phép, phải dừng hoạt động hoặc chuyển đổi sang công nghệ sản xuất khác theo đúng quy định.
Thế nhưng, một số nhà máy vẫn cố tình xây dựng, sửa chữa, nâng công suất, thậm chí còn ngang nhiên khai thác đất trái phép...?!
Ngang nhiên khai thác đất trái phép
Để khẳng định vấn đề này, chúng tôi xin nêu rõ đích danh doanh nghiệp đã bất chấp các quy định của pháp luật để khai thác đất sét trái phép, đó là Công ty CP gạch ngói Cầu Họ. Doanh nghiệp này có trụ sở tại thôn 12, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên. Đây là doanh nghiệp được thành lập dưới hình thức chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần. Chức năng kinh doanh của công ty là sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng bằng đất sét nung. Với chức năng trên, ngày 12/12/2017, Công ty CP gạch ngói Cầu Họ được Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh ký hợp đồng cho thuê 45.127,8 m2 đất để xây dựng văn phòng làm việc và nhà máy sản xuất gạch ngói. Thời hạn thuê đất đến tháng 01/2026.
Hiện trường vụ khai thác đất trái phép tại nhà máy gạch tuynel Cầu Họ bị phát hiện quả tang đêm 30/8/2022.
Theo hồ sơ, các điều khoản trong hợp đồng được quy định khá chặt chẽ. Trong đó, tại Mục 4, Điều 2 quy định: “Việc cho thuê đất không làm mất quyền sở hữu của Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đất đai và mọi tài nguyên nằm trong lòng đất” và tại Điều 3: “Việc sử dụng đất thuê phải phù hợp với mục đích sử dụng đất đã ghi trong Điều 1 và phải tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan”…
Mặc dù hợp đồng thuê đất được quy định chặt chẽ như vậy nhưng chỉ sau một thời gian được thuê đất, khi nguồn đất sét mà Công ty dùng để sản xuất gạch mua ngoài gặp khó khăn, bất chấp quy định, Giám đốc Công ty là ông Trần Xuân Dũng đã chỉ đạo cấp dưới dùng máy móc khai thác “đất trộm” trong khuôn viên trụ sở Công ty nhằm mục đích lấy đất sét để sản xuất gạch bán ra thị trường.
Nhận được phản ánh của người dân về vấn đề trên. Phóng viên Kinh tế nông thôn trong vai khách mua gạch, hàng chục lần đã vào trực tiếp để nắm tình hình. Quả thực, đúng như những gì người dân phản ánh. Khu đất rộng trên 45 ngàn m2 được Nhà nước giao cho Công ty CP gạch ngói Cầu Họ thuê đã bị băm nát, đào bới để lấy đất sét.
Thậm chí, nhiều nhà xưởng xuống cấp, lãnh đạo Công ty này cũng cho dọn, dỡ nhà và san mặt bằng sau đó cứ mỗi đêm khi công nhân nghỉ làm là Giám đốc lại chỉ đạo cấp dưới thân tín dùng máy múc “trộm” lấy đất sét với độ sâu từ 3 đến 4 mét, sau đó dùng máy móc cào các loại rác thải lấp xuống nhằm che dấu vết việc khai thác đất trộm đất nên khi cơ quan chức năng đến kiểm tra rất khó có thể phát hiện.
Trước thực trạng trên, phóng viên đã quyết tâm theo dõi, mật phục. Tuy nhiên, cũng phải rất khó khăn để có kết quả vì mỗi lần lãnh đạo Công ty này chỉ đạo khai thác đất trộm kế hoạch tổ chức rất kín kẽ. Chủ yếu khai thác vào đêm tối và có bảo vệ chặt chẽ nên người ngoài khó xâm nhập vào trong khuôn viên. Chính từ lẽ đó mà tuy nhiều lần phóng viên phát hiện nhưng chỉ cần động tĩnh là ngay lập tức máy dừng múc đất.
Quyết có bằng chứng rõ ràng để phản ánh chính xác sự việc. Tiếp tục thực hiện kế hoạch, đêm 30/8/2022 nhóm phóng viên chúng tôi tiếp tục theo dõi. Đúng như dự đoán, khoảng hơn 19h00, lãnh đạo Công ty này đã chỉ đạo thuộc cấp múc “trộm” đất trái phép ngay sân sắp gạch trong khuôn viên trụ sở Công ty. Quá trình đang thực hiện ghi lại hình ảnh, khoảng gần 20h00 ông Trần Xuân Dũng, Giám đốc Công ty xuất hiện và đứng trực tiếp chỉ đạo múc đất. Cơ hội đến, ngay lập tức chúng tôi xuất hiện trước sự ngỡ ngàng của vị giám đốc và một số thuộc cấp đang thực hiện múc đất trộm.
Bằng chứng rõ ràng không thể biện hộ. Tại đây, ông Trần Xuân Dũng, Giám đốc Công ty đã thừa nhận việc ông chỉ đạo múc trộm đất trong khuôn viên Công ty là sai phạm. Ngày hôm sau, 31/8/2022 chúng tôi có mặt tại trụ sở Công ty CP gạch ngói Cầu Họ làm việc. Cũng tại đây ông Dũng, giám đốc đã thừa nhận việc chỉ đạo múc đất trong khuôn viên là sai phạm quy định và ông Dũng cũng thừa nhận đã nhiều lần múc đất trái phép trong khuôn viên trụ sở Công ty để lấy đất sét.
Nhà máy gạch tuynel Thăng Long (xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh), thuộc Công ty TNHH Thương mại An Thuận Phát từng khai thác đất trong khuôn viên trụ sở nay tuồn gạch vỡ, xỉ than xuống gây ảnh hưởng môi trường
Đó là vụ việc được bắt quả tang việc khai thác đất trái phép.
Vậy còn các nhà máy khác thì sao? Theo ghi nhận của chúng tôi trong hơn 1 tháng đi khảo sát thực tế tại các nhà máy gạch trên địa bàn Hà Tĩnh đã phát hiện ra không ít nhà máy cũng đã từng khai thác đất trái phép trong khuôn viên nhà máy và bây giờ còn để lại dấu tích là những cái hố sâu hoắm sau khi đã múc lấy đất như: Nhà máy gạch tuynel Thăng Long (xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh), thuộc Công ty TNHH Thương mại An Thuận Phát; Nhà máy gạch tuynel Kỳ Tiến, thuộc Công ty Cổ phần Kỳ Tiến (xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh)...
Bên cạnh việc đi cùng với các hoạt động khai thác đất trộm, một số nhà máy không được cấp phép mỏ đất đã tìm cách mua bán đất chui. Chủ yếu vận chuyển về đêm, sử dụng xe trọng tải lớn đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, phá vỡ kết cấu hạ tầng đường giao thông nông thôn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công cuộc xây dựng nông thôn mới của các địa phương…gây bất bình dư luận.
Hiện trạng Nhà máy gạch tuynel Kỳ Tiến, thuộc Công ty Cổ phần Kỳ Tiến (xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh) từng khai thác đất trong diện tích đất cấp làm nhà máy nay để lại những hồ ao, hố sâu
Như vậy, cũng chỉ vì không được cấp phép khai thác mỏ đất sét để sản xuất gạch dẫn đến doanh nghiệp “khát” đất sản xuất nên đã bất chấp các quy định của pháp luật "đành" khai thác đất trộm là một minh chứng cho sự bất cập trong việc cấp phép ồ ạt cho việc xây dựng các nhà máy sản xuất gạch nung (?!).
Việc khai thác đất trái phép như đã nói ở trên đã làm Nhà nước mất đi một nguồn tài nguyên rất lớn kèm theo những hệ lụy liên quan cần quan tâm, đó là việc sau múc đất để lại những cái hố sâu, rộng đã được đổ các loại rác thải xuống để san mặt bằng nhằm xóa dấu vết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đất và môi trường nước về lâu về dài. Rồi hàng chục ngàn mét khối đất sét được khai thác trái phép nói trên hóa đơn nào để hợp thức hóa đầu vào liệu có dấu hiệu trốn thuế và câu chuyện mua bán hóa đơn..?!
Tự ý nâng công suất trái phép
Có lẽ, việc sau chuyển nhượng lại toàn bộ nhà máy từ các chủ đầu tư cũ sang chủ mới, rồi chủ đầu tư mới bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng để sữa chữa, nâng cấp khi nhà máy xuống cấp nghiêm trọng là việc làm cần thiết. Bởi các chủ mới có nguồn lực về tài chính sẽ đầu tư thay thế trang thiết bị, máy móc tốt hơn, hiện đại hơn sẽ mang lại hiệu quả sản xuất cao thì đương nhiên sẽ tạo công việc làm nhiều hơn, đồng nghĩa với việc người lao động sẽ có nguồn thu nhập cao và việc đóng thuế Nhà nước cũng sẽ cao hơn…là điều đáng biểu dương.
Tuy nhiên, theo quy định của việc sửa chữa, xây dựng, nâng cấp nhà máy bắt buộc phải có đầy đủ hồ sơ thiết kế và phải được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và cấp phép. Thế nhưng, ngược lại với những quy định bắt buộc thì một số doanh nghiệp lại tự ý sửa chữa, xây dựng nhà xưởng cao to, rộng lớn để lắp đặt dây chuyền máy móc sản xuất hiện đại nhằm nâng công suất gấp nhiều lần nhưng lại không hề được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thẩm định, cấp phép.
Cụ thể của những việc làm trái quy định pháp luật nói trên được chúng tôi chỉ rõ những sai phạm và có ý kiến phản ánh rõ ràng trong các buổi đến làm việc tại các nhà máy, dưới sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương sở tại khi chúng tôi đến nhà máy tác nghiệp và sau đó, lãnh đạo các nhà máy cũng đã thừa nhận những sai phạm khi chúng tôi chỉ ra.
Nhà máy gạch tuynel Tân Phú, thuộc Công ty CP Kinh doanh vật liệu và xây dựng Hà Tĩnh tự ý sữa chữa, xây dựng khi chưa được các cơ quan chức năng cấp phép gây bức xúc dư luận
Để có cơ sở phản ánh khách quan, trung thực chúng tôi xin được nêu tên một số doanh nghiệp sai phạm đó là: Nhà máy gạch tuynel Tân Phú, thuộc Công ty CP Kinh doanh vật liệu và xây dựng Hà Tĩnh (xã Thạch Kênh, huyện Thạch Hà). Nhà máy này được Công ty CP Kinh doanh vật liệu và xây dựng Hà Tĩnh nhận chuyển nhượng lại không lâu. Sau nhận chuyển nhượng, thời gian gần đây doanh nghiệp này đã bất chấp quy định đầu tư, sữa chữa, xây dựng lại nhà xưởng hết sức quy mô.
Có mặt tại đây chúng tôi chứng kiến hàng chục thợ xây, thợ sắt đang tất bật thi công nhà xưởng sản xuất gạch để lắp đặt dây chuyền máy móc. Theo quan sát của chúng tôi, nếu quy mô xây dựng kiểu này chắc chắn nhà máy sẽ lắp đặt một dây chuyền sản xuất công suất rất lớn. Điều đáng nói là, doanh nghiệp này đầu tư lớn như vậy nhưng hoàn toàn chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định, cấp phép. Trước sự việc rõ ràng, tại trụ sở nhà máy, ông Nguyễn Duy Hảo, Giám đốc Công ty CP Kinh doanh vật liệu và xây dựng Hà Tĩnh đã thừa nhận là việc sửa chữa, xây dựng như thế là hoàn toàn sai phạm.
Mặc dù chưa được cấp phép nhưng nhà máy gạch tuynel Thăng Long, thuộc Công ty TNHH Thương mại An Thuận Phát vẫn ngang nhiên sữa chữa, xây dựng như một đại công trường
Nhà máy gạch tuynel Thăng Long, thuộc Công ty TNHH Thương mại An Thuận Phát (xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh) còn rầm rộ hơn. Làm việc tại đây, chúng tôi đã chứng kiến cảnh các loại thợ đang tấp nập thi công như một “đại công trường”. Nơi thì tốp thợ xây hàng chục người đang khẩn trương xây lò, nơi hàng chục thợ sắt đang làm tất bật, nơi máy múc san gạt mặt bằng. Dạo một vòng chứng kiến sắt thép, máy móc ngổn ngang để chuẩn bị lắp đặt…Tuy nhiên, cũng chẳng khác gì nhà máy gạch tuynel Tân Phú. Nhà máy gạch tuynel Thăng Long thực hiện sửa chữa, xây dựng nâng cấp nhà máy cũng chưa được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cấp phép. Và cũng tại nhà máy này, đại diện là ông Ngô Hồng Sơn, Phó Giám đốc Công ty đã thừa nhận việc nhà máy sửa chữa, xây dựng như vậy khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép là sai.
Hàng đống thiết bị máy móc được nhà máy gạch tuynel Thăng Long, thuộc Công ty TNHH Thương mại An Thuận Phát nhập về để xây dựng nâng công suất khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép
Trước sự việc nêu trên, làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định: Đến thời điểm hiện tại, Sở chưa cấp phép cho nhà máy gạch tuynel nào sửa chữa, xây dựng nâng cấp nhà máy.
Đồng thời, ông Nguyễn Quốc Hà cũng nêu quan điểm, thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ chủ trì thành lập đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra toàn diện các nhà máy gạch tuynel trên địa bàn toàn tỉnh và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Bài 3: Công tác bảo vệ môi trường chưa được coi trọng
>> Bài 1: Nhiều doanh nghiệp “khát” nguyên liệu