Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 24 tháng 11 năm 2022 | 14:45

Bài học rút ra từ sau vụ ngộ độc tại trường iSchool Nha Trang

Sự việc xảy ra tại Trường iSchool Nha Trang, vào ngày 17/11 sau bữa ăn trưa tại trường đã có hơn 800 học sinh bị ngộ độc, điều đau xót là đã có một em học sinh tử vong. Nguyên nhân do thực phẩm chiên bị nhiễm khuẩn, theo các chuyên gia việc nhiễm khuẩn này có thể xảy ra sau khi chế biến món ăn.

Điều này gióng lên một hồi chuông cảnh báo cho công tác quản lý bữa ăn học sinh cần phải được chặt chẽ hơn nữa và bài học được rút ra từ sau vụ ngộ độc này.

Ngộ độc thực phẩm trong nhà trường không phải hiếm

Chuyện học sinh trong các nhà trường ngộ độc thực phẩm không phải là câu chuyện hiếm gặp, vì thế khi tiếng trống khai giảng của năm học mới chưa được cất lên, các nhà trường đã phải làm công tác lựa chọn nhà cung cấp thực phẩm, đơn vị chế biến thực phẩm, cung cấp xuất ăn cho học sinh, khử trùng các dụng cụ nấu ăn, làm vệ sinh cho khu vực chế biến thức ăn cho học sinh trước đó hàng tuần. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe cho học sinh ngay từ những ngày đầu cắp sách đến trường, nhưng những vụ ngộ độc thực phẩm đối với các em học sinh vẫn xảy ra.

Mới đây nhất, tại Trường iSchool Nha Trang (phường Xương Huân, thành phố Nha Trang) đã xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm làm cho hơn 800 em học sinh bị ngộ độc, có 387 em học sinh phải nhập viện điều trị, trong đó có 01 em học sinh đã tử vong.

Học sinh trường Ishcool Nha Trang bị ngộ độc thực phẩm điều trị tại Bệnh viện 22/12. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan y tế và báo cáo nhanh của Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, hơn 800 học sinh Trường Ischool Nha Trang bị ngộ độc có ăn các món: cánh gà chiên, gà luộc xé, canh thịt heo trong bữa ăn trưa 17-11 tại trường.

Trước đó vào ngày 28/4, tại trường tiểu học Ban Mai (địa chỉ Số 41- 43 đường 19/5, Văn Quán, Quận Hà Đông, Hà Nội) có 7 học sinh lớp 3A8 có nhiều biểu hiện nghi ngộ độc thực phẩm.

Theo một phụ huynh có con bị nghi ngờ có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm chia sẻ: "Sau bữa cơm trưa khoảng 3-4 tiếng đồng hồ thì một vài học sinh trong lớp có dấu hiệu đau bụng quằn quại và nôn mửa. Nhà trường đã thông báo tới tôi và các phụ huynh đến đón con về và theo dõi tình trạng của từng cháu".

Tuy nhiên, 7 học sinh này ngày càng có dấu hiệu ngộ độc nặng và đã được gia đình đến đón và đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Quân Y 103, Bệnh viện đa khoa Thiên Đức và Bệnh viện Nhi TW.

Báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo Hà Đông về sự cố nghi liên quan tới an toàn thực phẩm của trường Tiểu học Ban Mai cho biết, vào lúc 8 giờ 15 phút ngày 16/8, đại diện nhà trường có nhận được thông tin 1 học sinh lớp 2A5 đau bụng. Qua trao đổi từ cha mẹ học sinh thì con có dấu hiệu đau bụng, đi ngoài trong đêm ngày 15/8 và rạng sáng ngày 16/8. Đến sáng 16/8, gia đình thấy sức khỏe con ổn định và cho con đến trường học tập bình thường.

Sáng ngày 16/8, qua rà soát tình hình sức khỏe học sinh toàn trường, cho kết quả có 75/1.466 học sinh nghỉ học. Trong đó có 4 học sinh nghỉ do đau bụng. 10 học sinh ho, sốt và 61 học sinh nghỉ vì lí do khác (về quê, đi du lịch...). 1 học sinh được đưa đi khám tại phòng khám tư, cho kết quả bị rối loạn tiêu hóa.

Được biết, tất cả thực đơn của học sinh đều được nấu trực tiếp tại bếp ăn của nhà trường, học sinh không được mang đồ ăn ngoài vào khi đến trường.

Ngộ độc thực phẩm sau chế biến nguy cơ cũng rất cao

Kết quả kiểm nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang trên 8 mẫu thức ăn tại trường Ischool Nha Trang, nơi xảy ra vụ ngộ độc khiến hơn 600 học sinh nhập viện, cho thấy vi khuẩn Salmonella, Bacillus cereus và E. Coli có trong mẫu cánh gà chiên. Ngoài ra, vi khuẩn Bacillus cereus còn có trong mẫu nước mắm. Trước đó, kết quả cấy phân của bệnh nhân cho thấy vi khuẩn Salmonella.

Suất ăn trưa 17/11 của học sinh trường Ischool, sau đó hơn 600 em bị ngộ độc. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Theo bác sĩ Doãn Uyên Vy (chuyên gia chống độc, phụ trách Phòng khám Chống độc Bệnh viện Chợ Rẫy), thực phẩm lúc chiên ở hơn 100 độ C thì vi khuẩn khó sống sót (Salmonella bị tiêu hủy ở nhiệt độ 80 độ C) nên khả năng nhiễm khuẩn có thể xảy ra từ môi trường nhà bếp - nơi để cánh gà sau khi chiên xong. Bởi vi khuẩn ngoài tồn tại trong thực phẩm tươi sống còn lây lan qua các dụng cụ như dao, mâm đựng gà, bề mặt làm bếp, bàn tay người chế biến... "Cánh gà chiên sau khi để nguội mà vẫn cấy ra vi khuẩn, chứng tỏ bị nhiễm sau khi chiên rán", bác sĩ Vy nói, thêm rằng đây cũng có thể là nguyên nhân nước mắm bị nhiễm khuẩn Bacillus.

Cùng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết khuẩn E.Coli, Salmonella trong mẫu cánh gà chiên có thể do đã nhiễm trong quá trình đóng gói, bảo quản, trình bày thức ăn sau khi chế biến, do ô nhiễm nguồn nước hoặc bàn tay người thao tác bị nhiễm khuẩn chạm vào món ăn. "Nếu nhiễm từ khâu nguyên liệu cánh gà chưa chế biến, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt trong quá trình chiên rán nhiệt độ cao và sẽ không tìm thấy trong thành phẩm", bác sĩ Cấp nói.

Ở góc độ chuyên gia, bác sĩ Vy đưa ra giả thuyết vi khuẩn Salmonella có thể lây lan qua cánh gà chiên từ món sốt trứng, bởi món này là lòng đỏ trứng còn sống, không được nấu chín ở nhiệt độ cao. Vỏ trứng gà thường dễ dính Salmonella từ phân gà, dễ lây lan qua bàn tay người nấu bếp cầm trứng đập vỏ. "Một vài mẫu xét nghiệm sốt trứng âm tính Salmonella không có nghĩa là hơn 800 phần ăn đều âm tính, không có khuẩn này", bà nói, cho biết thêm khuẩn Salmonella dễ sinh sôi nảy nở ở môi trường nhiệt độ từ 5 đến 60 độ C.

Bà đề nghị thực hiện ITAS - kỹ thuật khám sàng lọc riêng của bệnh nhân nhiễm độc để truy tìm độc chất và nguồn độc, từ đó giúp cắt bỏ nguồn độc cho bệnh nhân. Các chuyên gia phải phân tích kết quả xét nghiệm, xem xét toàn bộ tình huống, bối cảnh xảy ra, triệu chứng của các bệnh nhân... để tìm ra chính xác nguồn độc tại sao xảy ra, từ đó mới giúp phòng tránh được ngộ độc lần kế tiếp.

"Sau khi xác định thủ phạm thì việc tìm ra nguồn độc từ đâu rất quan trọng, chẳng hạn môi trường nhà bếp dơ và tồn tại ổ vi khuẩn, cần phải xử lý để tránh nhiễm khuẩn sau này", bác sĩ Vy phân tích.

Sau vụ việc đáng tiếc này xảy ra, dư luận không khỏi lo lắng về tình trạng an toàn ở các trường học có ăn bán trú cho học sinh. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn trường học nói riêng và người dân nói chung cần rút ra bài học kinh nghiệm và có các giải pháp để phòng tránh việc ngộ độc thực phẩm bằng một số cách như:

Bài học rút ra từ vụ ngộ độc thực phẩm tại trường

Thứ nhất, chọn thực phẩm tươi, sạch; thực hiện ăn chín, uống chín; không để thức ăn sống lẫn với thức ăn chín; không sử dụng thức ăn quá hạn, bị ôi thiu; rửa sạch tay trước khi chế biến, giữ vệ sinh trong quá trình chế biến. Đối với rau củ cũng phải được rửa sạch, tối thiểu ba lần dưới nước sạch.

Thứ hai, cất thực phẩm vào tủ đá nếu để lâu, ăn ngay cũng để trong tủ mát thì sẽ hạn chế rất nhiều bị nhiễm khuẩn.

Thứ ba, không sử dụng lại các loại thực phẩm để lâu ngày, thực phẩm đã có dấu hiệu thay đổi về mùi, màu sắc... so với ban đầu.

Thứ tư, không sử dụng các loại thực phẩm được khuyến cáo có khả năng chứa chất độc, các loại thực phẩm lạ.

Thứ năm, chọn mua các loại thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, đọc kỹ các thông tin trên nhãn, thông tin liên quan đến thực phẩm.

Thứ sáu, nên chọn thực phẩm mùa nào ăn thức ấy. Nên sử dụng rau củ, quả (cà rốt, su hào, su su, khoai tây, bí đỏ, bí ngô, bí đao... ) đỡ nhiễm khuẩn hơn những loại rau có lá.

Thứ bảy, để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt ở các bếp ăn tập thể phải kiểm soát được từ khâu thu mua thực phẩm, quá trình lưu trữ, việc chế biến.

Thứ tám, bữa ăn phải đáp ứng tiêu chí an toàn thực phẩm, sạch, đảm bảo đủ dinh dưỡng và ngon miệng.

Thứ chín, phải tuyển dụng và đào tạo nhân sự chuyên trách thường xuyên kiểm tra về an toàn và phải xây dựng văn hóa an toàn trong trường học.

Cuối cùng, các cơ quan chức năng cần tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục về kiến thức an toàn thực phẩm và các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm; công tác kiểm tra, hướng dẫn công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn trường học về điều kiện an toàn thực phẩm.

Kiểm soát chặt chẽ việc bảo đảm vệ sinh cá nhân, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, bảo quản đối với các thực phẩm ăn ngay cung cấp cho học sinh, chỉ cho phép sử dụng sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo quản ở điều kiện phù hợp theo yêu cầu.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top