Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 22 tháng 9 năm 2022 | 15:53

Bảo hiểm nông nghiệp: Nông dân thiếu "mặn mà", cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức

Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) được ví như "phao cứu sinh" của nông dân khi gặp khó khăn trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà đến nay bà con vẫn chưa mặn mà với BHNN.

                                                   Nhiều nông dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của BHNN. 

 

Sản phẩm bảo hiểm còn ít

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, nền nông nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhưng cũng chất chứa những rủi ro hiện hữu và lặp đi lặp lại nhiều lần khiến nông dân rơi vào cảnh khó khăn. Cụ thể là rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, sâu bệnh, giá cả thị trường và đối tượng gây hại khác.

Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về BHNN quy định, BHNN là loại hình bảo hiểm cho đối tượng sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; theo đó bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Nghị định cũng khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện BHNN và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do các rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất.

Theo phân tích của các chuyên gia, nhờ giảm thiểu rủi ro tài chính, BHNN có thể khuyến khích đầu tư nhiều hơn cho hoạt động nông nghiệp vì khi có BHNN, nông dân dễ tiếp cận các khoản vay và đầu vào (đầu tư giống, vật tư chất lượng cao) sản xuất giá trị cao hơn; lợi ích mang lại của bảo hiểm rất lớn (ngắn hạn và dài hạn) trong bảo vệ tài sản, phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng cường khả năng ứng phó với các rủi ro trong sản xuất.

Tuy nhiên, thực tế thì nông dân lại chưa mặn mà bởi gần như nông sản nào cũng có rủi ro và có thể triển khai mua bảo hiểm nhưng hiện nay số lượng nông sản được bảo hiểm còn rất ít, chưa kể đối tượng mua bảo hiểm phải là tổ chức (nhiều nông dân). Cụ thể là bảo hiểm cho lúa gạo đối với trồng trọt; trâu, bò đối với chăn nuôi; tôm thẻ, tôm sú đối với ngành thủy sản. Trong khi đó, các loại cây trồng, vật nuôi có tính rủi ro cao cũng cần được bảo hiểm như điều, cà phê, cao su, hồ tiêu, gà, vịt…

Tỉnh Lâm Đồng là vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trọng điểm của Việt Nam và khái niệm BHNN không còn mới với nông dân nữa. Tuy nhiên, đến nay nông dân Lâm Đồng mới chỉ tiếp cận BHNN ở lĩnh vực chăn nuôi. Tại lớp tập huấn BHNN do Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ban Quản lý dự án, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột trung tuần tháng 9 vừa qua, ông Phan Hữu Dụng, Phó Ban Kinh tế - Xã hội (Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng) cho hay, thông qua công ty bảo hiểm, nông dân Lâm Đồng đã có những hiểu biết nhất định. Một số tổ chức nông dân đã triển khai mô hình BHNN đối với bò sữa và chăn nuôi heo. Tuy nhiên, nhiều nông dân sản xuất ở các lĩnh vực khác như hoa màu, cà phê, sầu riêng… vẫn chưa mua được bảo hiểm và mong muốn được tiếp cận với BHNN.

Ông Nguyễn Khắc Toàn, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phân tích, BHNN đang gặp phải các rào cản như: ít sản phẩm; chính sách chưa hỗ trợ cho nhiều đối tượng nông dân; ngành sản xuất, cây con được bảo hiểm bị giới hạn…

Đẩy mạnh công tác thông tin, hỗ trợ

Bản chất của BHNN là số đông những người tham gia hỗ trợ cho số ít những người bị rủi ro. Tuy nhiên, thực tế số nông dân tham gia BHNN không nhiều nên doanh nghiệp bảo hiểm không có lợi nhuận trong việc thiết kế, triển khai các sản phẩm BHNN.

Ông Nguyễn Khắc Toàn, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thông tin, những năm qua, Chính phủ đã có các nghị định về chính sách BHNN nhưng nguồn lực hạn chế, do đó những chính sách này mới dừng ở đối tượng hộ nghèo và cận nghèo. Với trách nhiệm là tổ chức đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nông dân, những năm qua Hội Nông dân Việt Nam đã thực hiện tốt công tác tham mưu về việc có các chính sách hỗ trợ phí BHNN cho nông dân nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Theo ông Toàn, hội nông dân các cấp sẽ đẩy mạnh công tác thông tin để nông dân biết, tham gia bảo hiểm với số lượng đủ đông; cùng với đó doanh nghiệp bảo hiểm cần thiết kế nhiều sản phẩm BHNN phù hợp với mong muốn, yêu cầu của nông dân trong sản xuất nông nghiệp; Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ về phí bảo hiểm để nông dân có thêm cơ hội tham gia. Do đó, rất mong cơ quan chức năng và doanh nghiệp có động thái để Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN sớm đi vào cuộc sống.

Ông Trương Đình Ry, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Buôn Hồ cho hay, BHNN hiện nay chủ yếu thực hiện trên diện tích lớn, trong khi đó đa phần nông dân vẫn còn sản xuất quy mô nông hộ, manh mún. Do đó, thời gian tới, hội sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, hỗ trợ nông dân thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để bà con có thêm cơ hội tiếp cận BHNN.

Nhận thức của nông dân về Bảo hiểm nông nghiệp

Nông nghiệp mặc dù là ngành có GDP không cao trong tổng GDP Việt Nam (chỉ 14% tổng GDP năm 2021) nhưng lại là ngành sản xuất quan trọng ở Việt Nam. Tỉ lệ lao động trong nông nghiệp chiếm hơn 30% lực lượng lao động theo thống kê năm 2021.

 

Sản xuất nông nghiệp luôn đối mặt với rủi ro. Trong ảnh: Vườn hồ tiêu ở xã Ea M'droh, huyện Cư M'gar bị khô cháy do hạn hán.

 

Sản xuất nông nghiệp ở nước ta lại thường xuyên phải đối mặt với rất nhiều rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường. Bình quân mỗi năm ở nước ta, thiên tai cướp đi mạng sống của gần 500 người, thiệt hại trên 1,5 tỷ USD.

Việc tổ chức sản xuất nông nghiệp của Việt Nam nhiều năm qua chưa đạt kết quả như mong muốn, nền nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, sức cạnh tranh yếu, sản xuất không gắn với thị trường, sản xuất không theo yêu cầu của thị trường, sản xuất không theo đúng quy hoạch ngành hàng, sản phẩm... dẫn đến hiện tượng “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”.

Tham gia BHNN là giải pháp chủ động ứng phó, đối mặt với những thiệt hại do rủi ro trong quá trình sản xuất nông nghiệp thông qua việc triển khai BHNN cho nông dân là việc làm cần thiết, cấp bách.

Thực tế triển khai BHNN ở nước ta, được Công ty Bảo Việt bắt đầu triển khai từ năm 1982 tại hai huyện Nam Ninh và Vụ Bản (Nam Định). Đến năm 1998, đã mở rộng dịch vụ tới 26 tỉnh, nhận bảo hiểm cho 200.000 ha lúa. Đến năm 1999, Bảo Việt phải bỏ cuộc (thu phí được 13 tỷ đồng nhưng phải bồi thường 14,4 tỷ đồng).

Nhận thấy tầm quan trọng của BHNN đối với ngành sản xuất nông nghiệp nói riêng, đối với nền kinh tế nói chung, tháng 03/2011 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 315/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm BHNN ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2013 tại 21 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Sau khi triển khai Quyết định 315/QĐ-TTg, BHNN đã được tiến hành thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố với 135.916 hộ dân đã tham gia ký kết hợp đồng, trong đó 85% là số hộ nghèo; tổng giá trị bảo hiểm cây trồng, vật nuôi, thủy hải sản là trên 2005 tỷ đồng; phí bảo hiểm gần 127 tỷ đồng; tổng số tiền bồi thường trên 35 tỷ đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm tham gia triển khai thí điểm BHNN là Bảo Việt và Bảo Minh.

Tuy nhiên, sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, từ năm 2014 đến 2018, việc triển khai BHNN đã không có kết quả gì khả quan.

Trước thực trạng trên, xác định được vai trò quan trọng của BHNN, Chính phủ đã ban hành Nghị đinh số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 về bảo hiểm nông nghiệp. Ngày 28/6/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 22 -QĐ/TTg về triển khai các chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đối với các tổ chức, cá nhân, đơn vị kinh tế.

Kết quả có 3 doanh nghiệp bảo hiểm là Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo Việt), Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (Bảo Minh) và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) được Bộ Tài chính phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp để thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Các doanh nghiệp bảo hiểm trên đã thực hiện cấp đơn bảo hiểm tại Nghệ An, Thái Bình (đối với cây lúa); Hà Giang, Bình Định (đối với vật nuôi), nhưng với số lượng rất hạn chế.

Thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP chưa nhiều; chính sách hỗ trợ BHNN diễn ra trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát; các doanh nghiệp bảo hiểm gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận người nông dân do phải tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

BHNN là nghiệp vụ phức tạp, rủi ro cao, xuất phát từ thực tế biến động khó lường của thiên tai, dịch bệnh; việc triển khai đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm phải có năng lực tài chính lớn, đội ngũ cán bộ có năng lực, kinh nghiệm và mạng lưới phân phối sản phẩm đủ rộng đảm bảo khả năng tiếp cận đến cơ sở (cấp thôn, xóm, hợp tác xã), có sự tham gia bảo vệ của nhà tái bảo hiểm quốc tế và với sự hỗ trợ kịp thời, phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền tại cơ sở. Do đó, trên thực tế hiện nay, không nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tham gia thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN.

BHNN về cơ bản vẫn là sản phẩm mới, phức tạp không chỉ đối với bản thân người nông dân mà còn đối với đội ngũ cán bộ thực thi chính sách tại cơ sở; việc tổ chức thực hiện tại một số địa phương, cơ sở vẫn còn lúng túng. Việc triển khai BHNN khó khăn do các nguyên nhân về chính sách, sản phẩm và đặc biệt là nhận thức của người nông dân về BHNN còn yếu kém.

“Đánh” mạnh vào giải pháp truyền thông tác động đến nhận thức người nông dân

Trong khảo sát do tác giả thực hiện năm 2022 cho 735 nông dân thuộc 4 tỉnh triển khai tốt nhất BHNN hiện nay: Hà Bội, Thái Bình, Nghệ An, Hà Giang, có 69,9% nông dân chưa từng nghe đến BHNN 20,6% đã nghe nhưng chưa tham gia, chỉ có 9,5% đang tham gia BHNN. Trong nhóm 514 người chưa từng biết đến BHNN có 90% đều thấy nghi ngờ về độ tin cậy của bảo hiểm.

Nội dung khảo sát về các kênh tiếp cận thông tin trong nhóm 221 người gồm những người đang sử dụng BHNN và đã biết đến BHNN, trong đó 9,9% số người tiếp cận thông qua báo, đài (báo chí chính thống), 1,8% thông qua mạng xã hội, 12,6% truyền tai nhau và 75,5% thông qua các cuộc hội thảo, trao đổi về BHNN được tổ chức bởi các công ty bảo hiểm, hội Nông dân Việt Nam, các cuộc họp ở địa phương. Như vậy, có thể thấy nhận thức của người nông dân về BHNN còn nhiều yếu kém. Hình thức tiếp cận chủ yếu thông qua kênh offline trực tiếp.

 

Người trồng cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La được bổ sung vào đối tượng được hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

 

Do đó, trong thời gian tới để nâng cao nhận thức của người nông dân về BHNN dẫn đến tham gia BHNN cần phải tăng cường hoạt động tuyên truyền, vận động:

Một là, xác định đối tượng tuyên truyền là hội viên hội nông dân. Trước mắt cần tập trung cho cán bộ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đặc biệt là cán bộ quản lý cấp vụ và cán bộ tham mưu chuyên môn, nghiệp vụ; cán bộ Hội Nông dân cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở; hội viên nông dân, đặc biệt là những hội viên nông dân đang sản xuất tập trung, có quy mô, sản lượng cây trồng, vật nuôi, thủy sản ở quy mô vừa và lớn.

Hai là, xác định đúng nội dung tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền trước hết là tính ưu việ, đặc điểm của bảo hiểm nói chung và BHNN nói riêng. Sau đó, tuyên truyền về chủ trương và chính sách của nhà nước về BHNN cho nông dân; kinh nghiệm về sự thành công của nông dân ở các nước phát triển khi được BHNN hỗ trợ khi phải đối mặt với rủi ro trong sản xuất; giới thiệu các nghiệp vụ, sản phẩm BHNN cụ thể phù hợp với nông dân. Và cuối cùng, vận động nông dân tham gia BHNN theo hướng dẫn của cán bộ Hội, của ngành nông nghiệp và cán bộ các doanh nghiệp bảo hiểm được nhà nước cấp phép.

Ba là, xác định hình thức tuyên truyền chủ yếu thông qua hội thảo. Các hội nghị tập huấn, từ tập huấn giảng viên nguồn (TOT) đến giảng viên cơ sở; các hội thảo, tọa đàm, các diễn đàn; các hội thi, hội diễn, sân khấu hóa được lồng ghép giới thiệu nội dung về BHNN; tuyên truyền thông qua các tài liệu, bản tin, chuyên đề của các cấp Hội, báo chí của Trung ương Hội và các chương trình tuyên truyền của Hội Nông dân các tỉnh, thành phố trên báo, đài địa phương.

Bốn là, tăng cường nguồn kinh phí cho công tác tuyên truyền thông qua nhiều nguồn; kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho triển khai công tác Hội và phong trào nông dân (xác định BHNN là một nhiệm vụ của các cấp Hội); kinh phí từ các chương trình, dự án chuyên đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn (trong đó đề cập tới BHNN cho nông dân); từ Hiệp hội bảo hiểm và các doanh nghiệp bảo hiểm khi triển khai các chương trình phối hợp; nguồn lực từ các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho lĩnh vực BHNN hoặc các lĩnh vực khác có liên quan đến BHNN./.

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top