Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 29 tháng 4 năm 2024 | 10:1

Bắt nhịp thị trường, nâng tầm sản phẩm các làng nghề truyền thống

"Đất có nghề, quê khởi sắc”, nhiều làng nghề ở các địa phương đã có sự chuyển mình nhanh chóng, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Nghề cắt may ở làng Táo (xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hà Nội: Làng Táo bắt nhịp thị trường

Từ nơi thuần nông, không có nghề phụ, những năm qua, người dân làng Táo (xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã năng động tìm hướng phát triển kinh tế, phá được thế độc canh cây lúa để chuyển sang trồng hoa mang lại giá trị cao hơn. Bên cạnh đó, địa phương còn “nhân cấy” thành công nghề cắt may, vừa được thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội”. “Đất có nghề, quê khởi sắc”, làng Táo đã có sự chuyển mình nhanh chóng, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Nghề may ở làng Táo manh nha hình thành đến nay đã hơn 20 năm. Có lúc sản xuất rất “thịnh” nhưng cũng có lúc gặp nhiều khó khăn. Nhất là trong khoảng 3 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường gần như đóng băng, hàng sản xuất ra không tiêu thu được, nhiều xưởng phải ngừng sản xuất. Trong “cái khó” đã ló “cái hay” - đó cũng là thời điểm người sản xuất nhìn lại những hạn chế để tìm hướng đi mới hiệu quả hơn bằng cách đa dạng mẫu mã sản phẩm và khâu tiêu thụ.

Hội trưởng Hội Cắt may làng Táo Nguyễn Văn Quỳnh cho biết, trước đây, anh chỉ bán hàng cho các đầu mối tại các chợ truyền thống nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng nổ, anh đã chọn kinh doanh thêm bằng hình thức thương mại điện tử. Từ những bỡ ngỡ ban đầu, đến nay sản phẩm may mặc của cơ sở đã có mặt trên rất nhiều sàn thương mại. Kinh doanh trực tuyến không tốn chi phí, mức độ bán hàng bao phủ toàn quốc và phù hợp xu thế tiêu dùng hiện đại của giới trẻ nên sức tiêu thụ rất tốt.

Để phát triển, các hộ sản xuất ở làng Táo cũng nhanh nhạy trong nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, chủ động thay đổi kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm. Anh Đỗ Danh Linh, chủ cơ sở sản xuất trẻ thế hệ 9X ở làng Táo cho biết: Sản phẩm chính của gia đình là áo polo, áo chống nắng, quần áo gió, nỉ, thể thao. Đầu mùa xuân, anh cho xưởng cắt may áo chống nắng, áo phông; đến mùa thu may áo phao, áo chống rét… Trước mỗi vụ sản xuất, anh phải tìm hiểu thị hiếu thị trường để từ đó quyết định sử dụng chất liệu vải gì, màu sắc ra sao, thiết kế như thế nào… "Phải bắt kịp với xu hướng thời trang cao cấp, hàng may kỹ, chất liệu vải tốt, mẫu mã rất thời trang… mới tăng sức cạnh tranh trên thị trường”, anh Linh nói.

Theo Chủ tịch UBND xã Tam Thuấn Nguyễn Văn Đính, làng Táo là sự kết hợp của 3 thôn: Táo 1, Táo 2, Táo 3, với hơn 2.500 nhân khẩu. Hiện cả làng có 153/627 hộ làm nghề may mặc, chiếm khoảng 24,4% số hộ. Trung bình mỗi tháng, làng Táo đưa ra thị trường khoảng 2 triệu sản phẩm may mặc các loại, doanh thu mỗi năm xấp xỉ 100 tỷ đồng. Nghề may chiếm 81,6% tổng giá trị sản xuất mỗi năm của làng. Đáng chú ý, làng Táo hiện có rất nhiều tỷ phú, đặc biệt là những người trẻ, năng động trong sản xuất, kinh doanh. Còn tính thu nhập bình quân của người thợ làm nghề đạt 120 triệu đồng/ năm. “Nhờ phát triển song hành sản xuất nông nghiệp và làng nghề, đời sống nhân dân làng Táo ngày càng được nâng cao. Hiện 100% đường làng, ngõ xóm nơi đây đã bê tông hóa, các trục chính được nhựa hóa, bảo đảm phong quang sạch đẹp, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao của bà con trong làng phát triển mạnh”, Chủ tịch UBND xã Tam Thuấn Nguyễn Văn Đính cho biết.

Về những dự định phát triển làng nghề cho tương lai, Chủ tịch UBND xã Tam Thuấn Nguyễn Văn Đính cho biết: Thời gian tới, xã Tam Thuấn sẽ tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho làng nghề, lựa chọn những sản phẩm chất lượng cao để tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm của thành phố. Đặc biệt, làng Táo có vị trí tiếp giáp với quốc lộ 32 nên giao thông rất thuận lợi. Nơi đây cũng kết nối dễ dàng đến chùa Thầy (huyện Quốc Oai) và di tích lịch sử đền Hát Môn (đền thờ Hai Bà Trưng, huyện Phúc Thọ). Cùng với lợi thế có nghề trồng hoa, xã sẽ gắn kết với phát triển làng nghề cắt may để trở thành một trong những điểm đến du lịch.

Hội trưởng Hội Cắt may làng Táo Nguyễn Văn Quỳnh cho biết thêm: Hội đang có hơn 100 hội viên. Thời gian tới, Hội định hướng sẽ thành lập Hợp tác xã may mặc hoặc Hiệp hội may mặc làng Táo để có bước phát triển bài bản hơn, cùng hỗ trợ nhau trong sản xuất. Các hộ sản xuất ở làng Táo mong muốn được các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ xây dựng điểm sản xuất tập trung để tách sản xuất ra xa khu dân cư. Bên cạnh đó là đầu tư bãi trung chuyển hàng hóa bởi hiện nay sức sản xuất trong làng rất lớn, trong khi đó, đường giao thông ngõ xóm vốn nhỏ, hạn chế khi vận chuyển hàng. Người dân cũng mong muốn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng một khu trưng bày bán các sản phẩm làng nghề… để du khách tới tham quan, mua sắm gắn với phát triển du lịch.

Trao Bằng công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho đại diện chính quyền và nhân dân địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Lê Văn Thu cho biết, để làng nghề có bước tiến xa hơn, cấp ủy, chính quyền và các cơ sở sản xuất cần làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, xử lý tốt các vấn đề về chất thải, bảo đảm sức khỏe cho người lao động. Cùng với đó, làm tốt công tác quy hoạch về hạ tầng giao thông, bãi đỗ xe, khu trung tâm giới thiệu sản phẩm của làng nghề, tạo điều kiện cho các hộ phát triển nghề…

Hà Nam: Nâng tầm sản phẩm nghề truyền thống

Từ một cơ sở sản xuất nhỏ, chưa có thương hiệu, đến nay, sản phẩm phở khô Khánh Linh của Hợp tác xã (HTX) Bún phở khô Khánh Linh, xã Công Lý, huyện Lý Nhân đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến, tin tưởng và lựa chọn sử dụng. Nhờ không ngừng đầu tư công nghệ mới vào quy trình sản xuất, hiện mỗi ngày cơ sở sản xuất từ 1,5 - 2 tấn thành phẩm các loại, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế ở địa phương.

Hợp tác xã Khánh Linh đang tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động.

20 năm trước, chị Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc HTX Bún phở khô Khánh Linh về làm dâu ở xã Công Lý. Nhà chồng chị có nghề truyền thống làm miến hàng chục năm, chị Hoa nhanh chóng học và tiếp nối nghề truyền thống của gia đình. Trong quá trình sản xuất, nghiên cứu, tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng; trực tiếp về một số làng nghề ở Hải Dương, Bắc Giang... chị Hoa cùng gia đình quyết định đầu tư máy móc làm thêm sản phẩm bún phở khô. Nhanh chóng được khách quen mua miến lâu năm của gia đình đón nhận, đặt mua ngày càng nhiều; được người tiêu dùng ưa thích... sản phẩm phở khô trở thành sản phẩm sản xuất chính của gia đình. Không chỉ sản xuất phở khô thông thường, chị Hoa còn nỗ lực nghiên cứu, tìm hiểu để đa dạng các sản phẩm nhằm mở rộng thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhận thấy tác dụng của các loại rau củ quả và gạo lứt đối với sức khỏe con người, chị Hoa đã mạnh dạn sản xuất thêm hai loại sản phẩm mới, đó là phở rau củ quả và phở gạo lứt. Hai sản phẩm mới của HTX đã nhanh chóng được thị trường và người tiêu dùng đón nhận, tin tưởng.

Chị Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc HTX Bún phở khô Khánh Linh chia sẻ: Để mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường, song song với việc không ngừng đầu tư công nghệ mới, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã các loại sản phẩm mong muốn của tôi là trong thời gian tới HTX sẽ có thêm sản phẩm mới như các loại phở khô thảo dược có tác dụng góp phần cải thiện, nâng cao sức khỏe, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng...

Từ một cơ sở sản xuất nhỏ, làm thủ công, mỗi ngày sản xuất từ 2 – 3 tạ sản phẩm, rồi tăng lên 6-7 tạ sản phẩm/ngày đến thời điểm này cơ sở sản xuất bún phở khô Khánh Linh đã đầu tư máy móc hiện đại, mỗi ngày sản xuất từ 1,5- 2 tấn thành phẩm, giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động ở địa phương (chủ yếu là lao động nữ) với mức lương từ 7 – 11 triệu đồng/người/tháng.

Cơ sở sản xuất ngày càng phát triển nhưng lúc đầu chị Hoa không nghĩ tới việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Nhờ có sự động viên, hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ của cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã (LHPN) xã Công Lý, cán bộ Hội LHPN huyện Lý Nhân, sau khi được tham gia các lớp tập huấn về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp do hội LHPN các cấp tổ chức chị Hoa đã thay đổi suy nghĩ. Chị tiếp tục mạnh dạn đầu tư trang thiết bị máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm... quyết tâm xây dựng thương hiệu – bún phở khô Khánh Linh cho các sản phẩm truyền thống của gia đình. Hiện các sản phẩm bún phở khô của HTX có đầy đủ tem nhãn, mã vạch để truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, sản phẩm phở khô của HTX đã được công nhận OCOP 3 sao.

Bằng sự nỗ lực không ngừng trong việc mở rộng, phát triển sản xuất tháng 4 năm 2023, HTX vinh dự được tiếp đón Đoàn công tác của Trung ương Hội LHPN Việt Nam do đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam làm Trưởng đoàn về thăm, tặng quà và động viên chị Hoa và HTX. Tháng 6/2023 sản phẩm phở khô Khánh Linh của HTX được chọn là sản phẩm đại diện của Hội LHPN tỉnh Hà Nam tham gia trưng bày sản phẩm tại chương trình: “Chợ quê an toàn” và Hội thi nấu ăn “Bữa cơm gia đình - Ấm áp yêu thương” tại thành phố Hải Phòng. Điểm đáng ghi nhận, sản phẩm bún phở khô Khánh Linh của HTX còn vinh dự được lựa chọn tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” cấp vùng năm 2023 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Kết quả dự án của chị Hoa đã lọt vào vòng chung kết của cuộc thi và đạt giải Khuyến khích.

Nói về tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu, chị Hoa khẳng định: Ngày trước, sản phẩm chưa có thương hiệu, nhưng với lượng khách hàng quen, tôi nghĩ, cứ làm như vậy là được rồi. Tuy nhiên, sau khi được tạo điều kiện thuận lợi để tham dự các lớp tập huấn về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp do hội LHPN các cấp tổ chức tôi đã thay đổi cách suy nghĩ. Tôi hiểu ra rằng, muốn phát triển nghề, nâng cao thu nhập nhất định phải xây dựng thương hiệu để khách hàng, người tiêu dùng dễ dàng “nhận diện” được sản phẩm của mình. Từ khi sản phẩm có thương hiệu, khách hàng tìm về cơ sở đặt mua hàng đông hơn, sản phẩm của HTX được mời tham dự nhiều hội chợ và các chương trình trưng bày, quảng bá sản phẩm truyền thống... qua đó giúp HTX có cơ hội tìm hiểu, kết nối, mở rộng thị trường.

Hiện nay, sản phẩm bún phở khô Khánh Linh đã có mặt ở thị trường nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Cơ sở còn làm gia công cho công ty xuất khẩu xuất hàng đi các nước châu Âu. Chị Nguyễn Thị Hoa chia sẻ: Trong sản xuất kinh doanh, quan trọng nhất phải giữ được chữ tín và chữ tâm. Giờ khách hàng rất thông thái, sản phẩm phải thực sự bảo đảm an toàn và chất lượng khách hàng mới tin tưởng, lựa chọn. Tôi rất vui và phấn khởi khi những sản phẩm truyền thống của gia đình ngày càng đa dạng, được nâng tầm, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, thị trường không ngừng được mở rộng. Thời gian tới, HTX Bún phở khô Khánh Linh tiếp tục quan tâm đầu tư máy móc hiện đại, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa thêm các loại sản phẩm, không ngừng nỗ lực giữ vững và phát triển thương hiệu trên thị trường.

Thái Bình: Quyết tâm đưa sản phẩm làng nghề vươn xa

Năm 2020, Quỳnh Phụ triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Sau hơn 4 năm, toàn huyện có 22 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Quyết tâm đưa sản phẩm vươn xa, huyện chỉ đạo các địa phương nỗ lực giữ vững thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bánh đa Quỳnh Côi, thôn Dụ Đại, xã Đông Hải (Quỳnh Phụ) là một trong những sản phẩm đầu tiên của huyện Quỳnh Phụ được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao vào năm 2020. Đây là sản phẩm truyền thống của làng nghề có hàng chục năm tuổi, vì vậy việc nâng cao chất lượng sản phẩm luôn được các hộ gia đình chú trọng.

Tráng bánh đa bằng máy giúp nâng cao năng suất và bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Anh Hoàng Phó Nam, chủ cơ sở sản xuất bánh đa Quỳnh Côi chia sẻ: Bánh đa là sản phẩm được dùng thường xuyên trong các bữa ăn của gia đình, nhu cầu sử dụng cao nên từ khâu lựa chọn nguyên liệu, chúng tôi yêu cầu rất kỹ. Gạo để làm bánh phải lấy từ địa chỉ có uy tín, không có tạp chất, không bị ẩm mốc; quy trình sản xuất phải an toàn, sạch sẽ, bảo đảm an toàn thực phẩm. Đặc biệt, khi sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao có mã vạch, mã truy xuất nguồn gốc sẽ là cơ hội để cơ sở cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm chất lượng hơn. Hiện tại, trung bình mỗi ngày cơ sở cung cấp ra thị trường khoảng 3 tấn bánh, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động.

Với cơ sở sản xuất rượu Lừng Hồng, xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ) do anh Nguyễn Đức Lừng làm chủ, năm 2023 cơ sở này có 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao là rượu nếp cái hoa vàng và rượu nếp men lá, hiện nay sản phẩm từng bước khẳng định được uy tín với khách hàng.

Anh Lừng tâm sự: Rượu là hàng hóa tiêu thụ đặc biệt, liên quan trực tiếp sức khỏe con người nên để có được giọt rượu ưng ý phải trải qua rất nhiều công đoạn và quy trình kiểm soát chặt chẽ: gạo phải có nhà cung cấp theo tiêu chuẩn gạo sạch, men chỉ lấy tại một nơi sản xuất, khi nấu chỉ lấy một loại gạo, một loại men có thương hiệu để không ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở. Hiện mỗi tháng gia đình tôi bán ra trên 4.000 lít rượu phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Từ khi thành lập, sản phẩm đã xuất bán ra thị trường được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, bước đầu đã tạo được uy tín với khách hàng.

Cơ sở sản xuất rượu Lừng Hồng, xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ) luôn quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ vững thương hiệu. 

Huyện Quỳnh Phụ hiện có 22 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 18 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Theo quy định, sau 3 năm công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP, ngành chức năng sẽ đánh giá lại các tiêu chí, nếu sản phẩm nào không bảo đảm sẽ bị rớt xuống hạng sao thấp hơn hoặc thu hồi giấy chứng nhận đạt sao. Có thể thấy, chương trình mỗi xã một sản phẩm tuy mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân khu vực nông thôn song nếu không giữ vững được chất lượng nguy cơ các sản phẩm OCOP bị thu hồi chứng nhận rất cao. Vì vậy, để sản phẩm OCOP phát triển bền vững đòi hỏi phải có sự nỗ lực, cố gắng của các chủ thể, chính quyền địa phương, các hợp tác xã, doanh nghiệp cần linh hoạt, có giải pháp cụ thể và chiến lược phát triển sản phẩm OCOP lâu dài.

Theo anh Hoàng Phó Nam, chủ cơ sở bánh đa Quỳnh Côi: Hiện nay, các sản phẩm luôn có sự cạnh tranh, hướng lợi ích tốt nhất đến người tiêu dùng, muốn sản phẩm vươn xa, được nhiều người biết đến chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Mấy năm gần đây, cơ sở chúng tôi đầu tư 1,8 tỷ đồng mua máy tráng công suất lớn, nồi hơi, máy thái, xây dựng nhà xưởng khép kín; giờ sản phẩm có mã vạch, mã truy xuất nguồn gốc nên được mọi người rất tin dùng.

Với cơ sở sản xuất rượu của anh Nguyễn Đức Lừng, việc tập trung quảng bá sản phẩm thời gian qua được anh chú trọng. Anh Lừng cho biết: Cơ sở sản xuất rượu của gia đình mới hoạt động được hơn 2 năm nên việc mở rộng được thị trường là rất quan trọng. Bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng tôi còn quan tâm thiết kế mẫu mã bao bì và đầu tư quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, trưng bày tại các hội chợ, các điểm giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh... Từ đó, chúng tôi mong muốn các sản phẩm của gia đình sẽ ngày càng phát triển và đứng vững trên thị trường.

Ông Đỗ Tiến Công, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Phụ cho biết: Để các sản phẩm duy trì và phát triển, thời gian qua huyện Quỳnh Phụ cùng các địa phương luôn quan tâm hỗ trợ, đồng hành cùng chủ thể; đồng thời xây dựng kế hoạch nhằm định hướng phát triển sản phẩm OCOP bền vững, trong đó tăng cường vai trò và sự giám sát của chính quyền địa phương trong việc phát triển và đánh giá sản phẩm OCOP, có chính sách hỗ trợ kịp thời. Thời gian tới, huyện cũng như chính quyền địa phương sẽ sát cánh cùng các chủ thể trao đổi và xây dựng kế hoạch phát triển cho từng sản phẩm, xác định những chỉ tiêu còn có thể nâng điểm, nâng hạng và thực hiện các biện pháp, hướng dẫn cho các chủ thể hoàn thiện hồ sơ. Bên cạnh đó, huyện cũng đề nghị các sở, ngành, đơn vị có liên quan hỗ trợ cho từng chủ thể cải thiện từng tiêu chí, bảo đảm nâng hạng các sản phẩm, quyết tâm nỗ lực duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. 

Thanh Tâm (t/h theo hanoimoi.vn, baohanam.com, baothaibinh.com...)
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top