Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 2 năm 2023 | 15:49

Bức tranh xuất khẩu thủy sản sẽ không thể bừng sáng ngay được

Tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản chỉ đem về 600 triệu USD, giảm tới 31% so với tháng 1/2022. VASEP dự báo, bức tranh xuất khẩu thủy sản sẽ không thể bừng sáng trở lại ngay trong những tháng đầu năm khi mà nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.

VASEP dự báo, bức tranh xuất khẩu thủy sản sẽ không thể bừng sáng trở lại ngay trong những tháng đầu năm.

Bức tranh xuất khẩu thủy sản

Kết thúc tháng đầu năm cho thấy, xuất khẩu thủy sản chỉ đem về 600 triệu USD, giảm tới 31% so với tháng 1/2022. Trong đó: xuất khẩu tôm các loại được hơn 169 triệu USD (giảm 46% so với cùng kỳ năm trước); xuất khẩu cá tra cá tra được 107 triệu USD (giảm 50%); xuất khẩu cá ngừ được gần 60 triệu USD (giảm 32%). Một số loại thủy sản chủ lực khác vẫn tăng về giá trị xuất khẩu, đó là: kim ngạch các loại cá khác đạt 169 triệu USD (tăng 6%); xuất khẩu mực và bạch tuộc đạt gần 66 triệu USD (tăng 4%)…

"Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chính trong tháng 1/2023 đều giảm mạnh, trong đó thị trường Hoa Kỳ giảm 56%; Trung Quốc – Hồng  Kông giảm 55%; thị trường EU giảm 35%...".

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023 vẫn còn nhiều rủi ro, bao gồm nguy cơ leo thang chiến tranh ở Ukraine và sự xuất hiện của một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương có thể tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung thủy sản ở các thị trường lớn. Bối cảnh đó cũng có thể coi là cơ hội cho thủy sản Việt Nam tăng cung cấp sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU…

VASEP dự báo, bức tranh xuất khẩu thủy sản sẽ không thể bừng sáng trở lại ngay trong những tháng đầu năm khi mà nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.

Tuy nhiên, đối với các thị trường tiêu thụ, thủy sản vẫn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và nhu cầu sẽ không thể sụt giảm quá mạnh. Sẽ có điều chỉnh về nhu cầu theo phân khúc sản phẩm. Theo đó, lợi thế sẽ nghiêng nhiều hơn về các ngành hàng có giá vừa phải vì phù hợp với tầng lớp người tiêu dùng thu nhập thấp hoặc trung bình – vốn là nhóm bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi lạm phát.

Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa mang lại hy vọng lớn về sự hồi phục nhu cầu không chỉ ở thị trường này mà cả các thị trường khác trên thế giới, khi mà du lịch và giao thương được thông suốt. Và sự hồi phục mà thị trường này mang lại cũng sẽ có kết quả rõ ràng ít nhất là từ quý 2/2023. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn có thể lạc quan vào những thị trường được đánh giá có nền kinh tế tăng trưởng trong năm nay như khu vực châu Á, Trung Đông…

Để “sức khỏe” doanh nghiệp được duy trì ổn định

Trong bối cảnh đó, quan trọng là doanh nghiệp thủy sản cần đảm bảo sức khỏe tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục có thể đáp ứng nguồn cung.

Hơn nữa, doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế của từng ngành hàng về nguồn cung và yếu tố thị trường tiêu thụ thông qua việc nắm bắt thông tin thị trường và dự báo. Bên cạnh đó, điều kiện cho môi trường kinh doanh cũng đang dần được cải thiện theo hướng hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu nhiều hơn.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thuỷ sản sẽ không sụt giảm quá sâu và sẽ dần phục hồi trở lại.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai (tỉnh An Giang). (Ảnh: Vũ Sinh)

Bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sông Tiền phân tích, thủy sản là một trong những mặt hàng thực phẩm thiết yếu chỉ sau lương thực nên dù bối cảnh nào thì người tiêu dùng cũng cần sử dụng đến. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát, thu nhập eo hẹp thì họ sẽ có điều chỉnh phân khúc sản phẩm phù hợp theo túi tiền, đặc biệt là trung bình đang bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi lạm phát. Các sản phẩm bình dân, có giá cả phải chăng như cá tra của Việt Nam sẽ có lợi thế hơn các sản phẩm phân khúc cao khác.

"Tình trạng sụt giảm đơn hàng thuỷ sản đã kéo dài từ đầu quý IV/2022, nhiều nhà nhập khẩu đã ngưng đơn từ 4-5 tháng thì lượng hàng tồn kho hiện tại cũng sắp cạn. Vì vậy, dự báo đến cuối quý I hoặc đầu quý II năm nay các khách hàng sẽ phải nhập hàng mới, tình hình đơn hàng sẽ được cải thiện ít nhiều. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể tiếp cận vào những thị trường được đánh giá có nền kinh tế tăng trưởng khả quan trong năm nay như khu vực châu Á, Trung Đông để cải thiện đơn hàng.", bà Nguyễn Thị Ánh chia sẻ thêm.

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP cho biết liên quan đến ngành hàng thủy sản, nhiều chính sách quy định bất cập trước đây đã được sửa đổi, tháo gỡ trong năm 2022.

Trước hết phải nói đến Thông tư 06/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung các Thông tư về kiểm dịch thủy sản, trong đó đã bãi bỏ quy định kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh dùng làm thực phẩm nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu. Sau 7 năm kiến nghị, Thông tư 06/2022 là kết quả của sự kiên trì và thành công của VASEP và các doanh nghiệp thủy sản.

Năm 2022 cũng đánh dấu một năm thành công của Hiệp hội trong vận động chính sách liên quan một số nội dung của Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020. Sau nhiều kiến nghị, ngày 10/1/2022, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, trong đó trên 70% các kiến nghị của các Hiệp hội đã được Chính phủ tiếp thu, sửa đổi.

Bên cạnh đó, VASEP với nhiều hiệp hội ngành hàng khác đã cùng kiến nghị các vấn đề liên quan đến Thu phí sử dụng hạ tầng, dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cảng biển tại Tp. Hồ Chí Minh và Dự thảo Luật thực hiện Dân chủ ở cơ sở. Kết quả là TPHCM đã giải quyết một phần các kiến nghị của các Hiệp hội (như giảm mức thu phí hạ tầng cảng biển với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu khi mở tờ khai ngoài TP.HCM xuống ngang bằng với mức thu phí khi doanh nghiệp mở tờ khai tại TP HCM, giảm mức phí đối với hàng gửi kho ngoại quan, hàng chuyển khẩu) từ ngày 1/8/2022.

Đối với Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Quốc hội cũng thông qua Luật, theo đó có đáp ứng kiến nghị của VASEP là không áp dụng Quy định về Ban Thanh tra Nhân dân cho các doanh nghiệp và tổ chức tư nhân.

Tuy vậy, theo bà Lê Hằng, hiện vẫn còn những vướng mắc tồn tại cũng đã lâu mà VASEP và doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục đồng hành để kiến nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét tháo gỡ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hợp pháp và hợp lý.

"Năm 2023 được dự báo là năm khó khăn đối với doanh nghiệp xuất khẩu vì kinh tế thế giới có dấu hiệu suy thoái ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và thực phẩm. Cộng đồng doanh nghiệp ngành thủy sản kỳ vọng môi trường kinh doanh trong nước sẽ bớt áp lực hơn với doanh nghiệp, để sức khỏe doanh nghiệp được duy trì ổn định đối phó với lạm phát và các chi phí đầu vào tăng cao và để có đà hồi phục khi thế giới ổn định trở lại".

Thêm 23 doanh nghiệp thủy sản được xuất khẩu vào Trung Quốc

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hệ thống hướng dẫn đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc (CIFER) thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức phê duyệt, bổ sung thêm 23 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu thủy sản vào thị trường này.

Tôm Cà Mau đã có mặt ở thị trường châu Âu, Hàn Quốc. Ảnh: Phong Phú

Đây là kết quả nỗ lực làm việc của các cục, đơn vị chức năng tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2023 vừa qua, khi vẫn chủ động duy trì kết nối, đàm phán với các cơ quan chức năng phía Trung Quốc trong xử lý kịp thời các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Như vậy, đến nay, hệ thống CIFER của Tổng cục Hải quan Trung Quốc có hơn 800 doanh nghiệp Việt Nam được công bố đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Vasep cho biết, các doanh nghiệp đều đang kỳ vọng nhu cầu thị trường sẽ được cải thiện và xuất khẩu thuỷ sản quay lại đà tăng trưởng từ quý II/2023. Theo kịch bản khả quan đó, xuất khẩu thuỷ sản năm 2023 có thể mang về 10 tỷ USD./.

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top