Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 12 tháng 1 năm 2023 | 11:21

Các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán

Thời điểm cận Tết Nguyên đán là thời điểm các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng thực phẩm tung ra thị trường những sản phẩm phục vụ cho nhu cầu sử dụng của người dân. Đây cũng là thời điểm các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm bẩn được vận chuyển đi chế biến và tiêu thụ và nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tại các địa phương trong dịp này rất cao.

Dừng sản xuất và thu hồi các mẫu thực phẩm không đạt

PGS, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, để bảo đảm tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân cũng như ổn định thị trường thực phẩm Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân năm 2023, triển khai từ 5/12/2022.

Kiểm tra trái cây được bày bán tại các siêu thị

Theo kế hoạch, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã, trong đó tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp này có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.

Tăng cường phổ biến, tuyên truyền pháp luật để người sản xuất, kinh doanh biết trách nhiệm của mình từ khâu đăng kí, kiểm nghiệm điều kiện sản xuất, công bố, giám sát nguồn nguyên liệu, sử dụng phụ gia...; phổ biến để các cơ quan quản lý thực hiện các cấp từ kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm...; phổ biến, tuyên truyền để người tiêu dùng biết trách nhiệm của mình như mua, sử dụng thực phẩm đúng hướng dẫn nhà sản xuất, chọn, bảo quản thực phẩm...

PGS, TS Nguyễn Thanh Phong nhận định: Các đoàn thanh tra, kiểm tra đã thực hiện tốt công tác lấy mẫu. Song song với đó, chúng tôi đã chỉ đạo các phòng kiểm nghiệm trả kết quả sớm, ưu tiên kết quả các đoàn thanh tra kiểm tra gửi để có kết quả không đạt phải thông báo ngay để dừng sản xuất, thu hồi sản phẩm. Kết quả ban đầu cho thấy, các số mẫu đa số đạt, chưa phát hiện sản phẩm gửi về Trung ương chưa đạt.

Bà Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, nhằm bảo đảm bảo sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn, ngăn chặn thực phẩm giả, kém chất lượng cũng như phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết và lễ hội xuân năm 2023, Ban Chỉ đạo liên ngành TW về an toàn thực phẩm đã thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành về vấn đề này. Trong quá trình kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết, nếu phát hiện các vi phạm sẽ áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, danh tính, địa chỉ các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ công bố công khai trên website của Cục An toàn thực phẩm để người tiêu dùng nắm được. Với các địa phương sẽ công bố công khai trên hệ thống thông tin của xã phường. Ở cấp trung ương sẽ đăng tải trên các website của Bộ, ngành.

Bắt quả tang nhiều cơ sở ngâm hóa chất tẩy trắng măng, ngó sen tại chợ Bình Điền

Ngày 11/1/2023, Đội 5, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP HCM cho biết vừa phát hiện, bắt quả tang 3 cơ sở sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, không nhãn mác để tẩy trắng măng và ngó sen tại Chợ đầu mối nông sản Bình Điền.

Lực lượng chức năng phát hiện một cơ sở ngâm hóa chất tẩy trắng măng.

Trước đó, tối 6/1/2023, nhiều tổ công tác đồng loạt tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm đối với một số ô vựa kinh doanh rau, củ, quả tại Chợ đầu mối nông sản Bình Điền, quận 8.

Tại vựa rau, củ, quả, Cảnh sát phát hiện một vựa đang ngâm măng bằng hóa chất không nhãn mác, không hạn sử dụng trong 10 bồn nhựa với khối lượng 950kg chuẩn bị bán ra thị trường.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và tạm giữ 950kg măng đã ngâm hóa chất, 2kg hóa chất để xử lý.

Tại một cơ sở khác, Cảnh sát cũng bắt quả tang nhiều người đang tẩy trắng 850kg măng, thu giữ 18kg hóa chất các loại. Tại hai ô vựa này còn có hàng chục tấn măng đang chờ ngâm với hóa chất để bán ra thị trường.

Một tổ công tác khác tiến hành kiểm tra cơ sở sơ chế ngó sen và thu giữ 135kg ngó sen đã ngâm hóa chất, và 620gam hóa chất màu trắng.

Quảng Ninh xử phạt trên 4 tỷ đồng các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm trong năm 2022

Trong năm 2022, các sở, ngành, địa phương của tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện hơn 12.000 cuộc thanh, kiểm tra; phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 915 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính trên 4 tỷ đồng và tịch thu hơn 30 tấn thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Số thực phẩm không rõ nguồn gốc bị lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh phát hiện

Tính riêng trong tháng 12/2022, đã có 59 tổ chức, cá nhân trên toàn tỉnh Quảng Ninh bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm với tổng số tiền xử phạt gần 479 triệu đồng. Trong số 59 tổ chức, cá nhân bị xử phạt về an toàn thực phẩm thì có 38 tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm mức độ và nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.

Điển hình như: Cửa hàng UNIQUE - thực phẩm sạch (số 22+ 24 đường Hùng Vương, phường Hòa Lạc, TP. Móng Cái) do ông Bùi Duy Khánh là chủ, bị phạt 70 triệu đồng; ông Hoàng Mạnh Tuấn (phường Hà Khẩu, TP. Hạ Long) bị phạt 30 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Quyết (khu 1, phường Hà Khẩu, TP. Hạ Long) bị phạt 50 triệu đồng; ông Hoàng Văn Hùng (xã Tân Mỹ, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) bị phạt 30 triệu đồng; bà Phùng Thị Chuyên (khu 4, phường Trần Phú, TP. Móng Cái) bị phạt 25 triệu đồng; cửa hàng Trangfood (khu 5, phường Mông Dương, TP. Cẩm Phả) bị phạt 16 triệu đồng…

Xử phạt cơ sở sản xuất cà muối lớn tại TP. Vinh

Bà Hồ Thị Hoa, Trưởng phòng y tế TP Vinh, Nghệ An cho biết, đoàn Kiểm tra Liên ngành TP Vinh vừa tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất cà muối Vân Minh của của ông Nguyễn Trọng Minh (địa chỉ tại số 72, đường Nguyễn Chích, phường Quang Trung) - đây là cơ sở sản xuất cà muối được đánh giá là lớn nhất ở thành phố Vinh.

Cơ sở sản xuất cà muối mất an toàn vệ sinh.

Qua kiểm tra, cơ sở này không có giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm… Kiểm tra thực tế cho thấy cơ sở cũng không đủ điều an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở có 02 nhân viên đang sản xuất, đóng gói sản phẩm cà muối trong khu vực chế biến với không gian chưa đầy 10m2 được che chắn tạm bợ, ẩm mốc. Đoàn thực hiện kiểm đếm có khoảng 600 hộp cà muối, củ kiệu muối, hành muối, rau tiến vua muối (mỗi hộp có trọng lượng 01 kg) sắp sửa xuất ra thị trường; 20 thùng phi (mỗi thùng có dung tích 180 lít) đang đựng cà muối. Tất cả các thùng phi, xô chậu đều không có nắp đậy, không đảm bảo vệ sinh.

Ngoài ra, khu vực sản xuất, kho chứa thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm đều có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập.

Để mọi người dân được đón Tết Nguyên đán Quý Mão đầm ấm, vui, hạnh phúc bên gia đình, người thân, bạn bè và được an toàn về thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân sử dụng rượu bia ở mức cho phép để bảo đảm sức khỏe cũng như an toàn. Các gia đình đừng biến tủ lạnh thành kho dự trữ, vì hiện nay ngày mồng 1, mồng 2 Tết các cơ sở kinh doanh đã có thực phẩm tươi sống để bán, cho nên không nhất thiết phải tích trữ thực phẩm trước đây.

Mặt khác, người tiêu dùng khi lựa chọn thực phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ, thực hiện sử dụng, bảo quản thực phẩm đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Vì có rất nhiều trường hợp hạn còn nhưng việc bảo quản sai dẫn đến tình trạng hạn sử dụng còn nhưng biến chất, sử dụng có thể bị ngộ độc.

 

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top