Tết đến, Xuân về là thời điểm mong chờ nhất trong năm của những người dân sản xuất các sản phẩm cung ứng hàng Tết. Các nhà vườn và làng nghề đang rục rịch chuẩn bị để "tung" hàng Tết cung ứng nhu cầu người mua.
Miến đang được đóng gói.
Bắc Ninh: Nghề làm miến dong chuẩn bị “tung hàng” vụ Tết
Chỉ còn hơn một tháng là đến Tết Nguyên đán, các hộ dân thôn Đức Lân, xã Yên Phụ (Yên Phong) nhộn nhịp, khẩn trương sản xuất miến dong để kịp đơn hàng phục vụ nhu cầu của nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Ở thôn Đức Lân miến dong được sản xuất quanh năm, nhưng từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch được coi là vụ chính vì tập trung phục vụ hàng Tết. Vào những ngày cuối năm không khí sản xuất tấp nập, rộn rã. Đi từ đầu làng đã thấy từ các lò, miến vừa được ra phên đến đâu liền được người lao động nhanh tay chuyển lên giàn phơi đến đấy, tranh thủ lúc trời nắng ráo.
Bí quyết chế biến miến ngon của người Đức Lân là chọn sản phẩm được sản xuất từ 100% tinh bột dong riềng, tuyệt đối không sử dụng hóa chất, không phẩm màu, không chất tẩy, chỉ sử dụng nước sạch trong chế biến, lọc bột nhiều lần để loại bỏ tạp chất, lấy tinh bột nguyên chất. Đặc biệt khâu đánh bột vừa tới, nếu khô hoặc nhão quá đều ảnh hưởng đến chất lượng miến thành phẩm, tráng hấp bánh phải đủ nhiệt… Miến ra khuôn được phơi nắng trên các giàn tre để không bị giòn, gãy. Tùy theo nhiệt độ, nắng, gió mà người thợ căn thời gian phơi bánh để đủ khô, khi xếp, gấp vào nhau không bị kết dính, nhưng cũng không được khô quá làm gẫy lá bánh, không thái thành sợi miến được.
Tất cả những công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì, khéo léo của người thợ nên sợi miến trong, dai, khi ăn sợi mềm, có độ giòn, mùi thơm của dong riềng. Cũng vì thế mà miến dong của thôn Đức Lân luôn giữ được uy tín, hàng làm ra đến đâu tiêu thụ hết ngay đến đấy.
Chị Nguyễn Thị Dinh chia sẻ, ngày thường gia đình chị làm 5 tạ bột nhưng cách 5-10 ngày làm một lần, còn dịp Tết làm 5 tạ bột liên tục 20 buổi/tháng, tuỳ thuộc vào thời tiết nếu trời mưa chỉ làm được 10-15 buổi/tháng. Nếu quá trình phơi bánh, phơi miến gặp thời tiết âm u, độ ẩm cao hoặc mưa không phơi khô được, những tấm bánh, sợi miến sẽ bị mốc thì tất cả mọi công sức lao động là số không.
Mỗi ngày, gia đình chị sản xuất hơn 400 kg miến dong thành phẩm để tiêu thụ khắp thị trường trong và ngoài tỉnh như: Hà Nội, Hải Phòng, Huế và ngược lên Cao Bằng, Bắc Kạn… với giá 50.000 – 55.000 đồng/kg. Trước kia, việc sản xuất chủ yếu bằng thủ công nên gia đình phải thuê khoảng 20 người nhưng vài năm gần đây do đầu tư thiết bị máy bán tự động tạo năng suất cao nên đã giảm bớt công lao động; hình thức, chất lượng sản phẩm cũng được cải tiến phù hợp với người tiêu dùng. Hiện gia đình chị tạo việc làm cho 7-10 lao động với mức lương 250.000đ/ngày/người.
Để sản phẩm chất lượng 100% từ dong riềng, cứ đến chính vụ, gia đình chị Dinh mỗi năm nhập 50 – 80 tấn bột, cũng tuỳ từng năm sản xuất nhiều hay ít, có năm nhập 100 tấn bột dong riềng nguyên chất từ Bắc Kạn để sản xuất quanh năm. Nhờ kỹ lưỡng trong khâu chọn nguyên liệu nên sợi miến thành phẩm vừa trong, vừa dai, khi ăn vừa mềm sợi lại có độ giòn tự nhiên, có vị thơm ngon của dong riềng. Vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được đặc biệt chú ý từ khâu chọn nguyên liệu đến thành phẩm đóng gói đem đi tiêu thụ. Năm 2016 gia đình chị Dinh đăng ký kinh doanh đầy đủ mã số mã vạch, thương hiệu, nhãn hiệu được chứng nhận của ngành chức năng về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.
Ông Nghiêm Đình Hùng, Trưởng thôn Đức Lân, xã Yên Phụ cho biết: Đức Lân có nghề làm miến dong, bánh đa nem, mì gạo… nhưng nghề làm miến dong hiện thôn chỉ còn 2 hộ duy trì thường xuyên. Đây là nghề phụ ở địa phương cho thu nhập khá tốt, giúp cho nhiều lao động của địa phương có việc làm trong những lúc nông nhàn với mức thu nhập 4 đến 5 triệu đồng/tháng. Hiện nay thị trường đầu ra chưa có sự kết nối sản phẩm mang tính chuyên nghiệp cũng như khâu giới thiệu, quảng bá, mà chủ yếu các hộ gia đình phải chủ động nên cũng là yếu tố khó khăn trước mắt của bà con nhân dân. Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện trong tiêu thụ sản phẩm, có chính sách hỗ trợ kinh phí để đầu tư máy móc, mở rộng sản xuất; tạo điều kiện cho nhân dân phát triển thương hiệu miến sạch, trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Hưng Yên: Tất bật thu hoạch và phân phối để vụ cam thắng lợi
Hiện nay, cam và một số nông sản của tỉnh bắt đầu cho thu hoạch. Nhằm mở rộng kênh tiêu thụ và góp phần quảng bá, nâng cao thương hiệu cam Hưng Yên, ngành công thương đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến tiêu thụ, kết nối các nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp với các đơn vị phân phối lớn trên toàn quốc và các sàn thương mại điện tử.
Nông dân xã Tam Đa (Phù Cừ) thu hoạch cam.
Những ngày này, Hợp tác xã nông nghiệp Ngũ Phúc, xã Tam Đa (Phù Cừ) đang tất bật thu hoạch cam và xuất bán ra thị trường. Cam của hợp tác xã chủ yếu được phân phối đến các cửa hàng, điểm bán lẻ trong tỉnh và các địa phương như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng... Ông Trần Văn Bính, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ngũ Phúc cho biết: Với diện tích 50ha, năm nay, hợp tác xã ước sản lượng đạt hơn 600 tấn cam. Nhờ sản xuất theo hướng an toàn, cam của hợp tác xã cho chất lượng vượt trội, khẳng định được thương hiệu. Cam quả to, mã vàng óng, thơm, ngọt, được người tiêu dùng đánh giá cao. Hiện nay, giá cam tại vườn được bán với giá 25 – 30 nghìn đồng/kg. Để hỗ trợ người dân tiêu thụ cam thuận lợi, hợp tác xã tích cực liên hệ, phối hợp với các ngành chức năng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Tham dự các hội nghị xúc tiến tiêu thụ nông sản của tỉnh tổ chức; tăng cường tiêu thụ sản phẩm qua thương lái tại các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh; phối hợp với Sở Công Thương đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng an toàn; kết nối với các sàn thương mại điện tử để đưa cam đến người tiêu dùng nhanh nhất với 3 tiêu chí: Chất lượng, an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh...
Xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên) hiện có trên 90ha trồng cam, chủ yếu là 2 giống cam Hưng Yên và cam đường canh. Ông Nguyễn Văn Biết, Giám đốc Hợp tác xã nông sản chất lượng cao Quảng Châu cho biết: Thời điểm này, các nhà vườn đã bắt đầu thu hoạch cam Hưng Yên, giá bán hiện ở mức 30 - 35 nghìn đồng/kg, cao hơn năm ngoái khoảng 10 nghìn đồng/kg. Để bảo đảm tiêu thụ sản phẩm cam thuận lợi, hợp tác xã đã liên hệ với các đối tác để đưa sản phẩm vào bán tại một số chuỗi cửa hàng an toàn trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, hầu hết các vườn cam của hợp tác xã đã được khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt mua, chín đến đâu tiêu thụ đến đó. Một số nhà vườn còn bán lẻ sản phẩm qua các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo. Khi khách đặt mua hàng online, chúng tôi sẽ thu hoạch, đóng gói sản phẩm rồi vận chuyển tới địa chỉ theo yêu cầu…
Phát huy lợi thế điều kiện đất đai, khí hậu, sự quan tâm ứng dụng rộng rãi tiến bộ kỹ thuật trong canh tác…, tỉnh đã xây dựng được các vùng trồng cam tập trung, tạo ra những vườn cam trĩu quả, màu sắc hấp dẫn, hương thơm, vị ngọt đậm đà. Toàn tỉnh hiện nay có trên 4,2 nghìn ha cây ăn quả có múi, trong đó, trên 2 nghìn ha trồng cam, với khoảng trên 500ha cam sản xuất theo quy trình VietGAP. Các nhà vườn, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp tại các vùng trồng cam của tỉnh như thành Phố Hưng Yên, các huyện: Kim Động, Khoái Châu, Văn Giang... đang vào mùa thu hoạch, tiêu thụ cam. Năm nay, sản lượng cam toàn tỉnh ước đạt 35 nghìn tấn quả. Khảo sát thực tế tại các địa phương cho thấy, năm nay cam Hưng Yên tiêu thụ thuận lợi, bán được giá cao hơn so với năm trước.
Nhằm hỗ trợ người sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến tiêu thụ, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, cấp mã số vùng trồng cho nhóm cây ăn quả nói chung, trong đó có cây cam để minh bạch thông tin đến người tiêu dùng. Ngoài ra, các ngành chức năng còn hỗ trợ các hợp tác xã, nhà vườn tham gia nhiều sự kiện xúc tiến thương mại nông sản do các bộ, ngành của Trung ương, tỉnh tổ chức và phối hợp tham gia các hoạt động hội chợ, triển lãm hàng nông sản tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện nay, Sở Công Thương đang tìm kiếm, kết nối thêm các đầu mối lớn nhằm mở rộng kênh tiêu thụ cam cho các nhà vườn cũng như quảng bá thương hiệu cam Hưng Yên. Toàn tỉnh phấn đấu khoảng 50% sản lượng cam được tiêu thụ ở thị trường nội tỉnh, còn lại là tiêu thụ thị trường ngoại tỉnh.
Đồng chí Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, để bảo đảm vụ cam 2022 thắng lợi và phát triển sản xuất cam hiệu quả, bền vững, sở đang tích cực triển khai các giải pháp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Theo kế hoạch, nhiều hoạt động xúc tiến tiêu thụ cam sẽ được tổ chức như: Phiên chợ cam Hưng Yên tại khu đô thị Ecopark (Văn Giang). Cùng với đó, sở đẩy mạnh kênh tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử; duy trì các kênh bán hàng qua hệ thống chuỗi các cửa hàng an toàn, siêu thị; tạo kết nối cung - cầu giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, nhà vườn. Dự kiến phiên chợ cam Hưng Yên năm 2022 diễn ra vào ngày 17/12. Để đưa được cam vào các hệ thống phân phối uy tín, các nhà vườn phải thực hiện đúng quy trình sản xuất theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật; quan tâm chất lượng hàng hóa để bảo đảm theo yêu cầu cam kết. Bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống, các cơ sở cần chủ động tiếp cận với các kênh online, thương mại điện tử.
Vĩnh Phúc: Làng nghề cá chép đỏ hối hả vào mùa
Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến thời điểm thu hoạch cá chép đỏ phục vụ Tết ông Công ông Táo (ngày 23 tháng Chạp). Thời điểm này, hàng trăm hộ nuôi cá chép đỏ tại làng nuôi cá Phủ Yên (gồm 4 thôn Phủ Yên 1, Phủ Yên 2, Phủ Yên 3, Phủ Yên 4) xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường đang tích cực chăm sóc, phòng bệnh để cá sinh trưởng và phát triển tốt, đạt năng suất cao, mẫu mã đẹp phục vụ thị trường.
Làng nuôi cá Phủ Yên rộn ràng chuẩn bị vào mùa.
Từ cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch, làng nuôi cá Phủ Yên lại rộn ràng chuẩn bị vào mùa thu hoạch cá chép đỏ. Trên các ao nuôi, người nông dân đang tất bật thả lưới, đánh giá và phân loại cá để lên kế hoạch nuôi phù hợp. Năm nay, ước tính sản lượng cá chép đỏ của làng tăng mạnh so với năm trước, là nguồn cung cấp dồi dào cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận như Hà Nội, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái…
Gia đình bà Khổng Thị Thu ở thôn Phủ Yên 1 đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi cá. Với tổng diện tích mặt nước hơn 2 ha, quanh năm ao nuôi đủ các chủng loại cá như trắm, trôi, mè... Tuy nhiên, đến tháng 7 âm lịch hằng năm, gia đình bà sẽ bắt đầu thả cá chép đỏ giống xuống ao nuôi kết hợp. Sau khoảng 5 tháng nuôi thả chăm sóc, cá chép đỏ sẽ được thu hoạch với trọng lượng 20-30 con/kg, kích cỡ vừa phải, khỏe, vây nhọn, vẩy ánh, có màu đỏ rực như màu cờ.
Bà Thu chia sẻ: “Năm nay, gia đình tôi nuôi khoảng 2 tấn cá chép đỏ, sản lượng nhiều gấp đôi năm trước. Dù còn khoảng 3 tuần nữa mới đến thời điểm thu hoạch, nhưng hiện tại các thương lái đã sớm đặt mua cá. Cũng bởi có kinh nghiệm nuôi cá lâu năm, nên gia đình tôi luôn tính toán số lượng nuôi cá chép đỏ cũng như đầu ra nên không lo cá không bán được”.
Cách nhà bà Thu không xa, trang trại cá của gia đình ông Phan Văn Minh với diện tích hơn 2.000 m2 cũng nuôi cá chép đỏ. Nhìn lớp lớp cá chép đỏ quẫy tung bọt trắng, ông Minh phấn khởi chia sẻ: “Năm nay khí hậu, thời tiết thuận lợi, nên cá chép đỏ sinh trưởng, phát triển tốt, không bị mắc bệnh như năm trước.
Dự kiến năm nay gia đình tôi sẽ thu hoạch khoảng 1 tấn cá chép đỏ. Tùy vào nhu cầu thị trường, hằng năm, giá thương lái thu mua cá chép đỏ sẽ giá dao động từ 80 - 100 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ đi chi phí, chỉ riêng nuôi cá chép đỏ, gia đình tôi thu nhập từ 100-150 triệu đồng/vụ”.
Nắm bắt được nhu cầu thị trường, ngoài nuôi cá giống, từ năm 2018, ông Minh đã học hỏi kinh nghiệm nuôi cá chép đỏ với sản lượng trung bình mỗi năm khoảng 1 tấn. Thức ăn cho cá chép đỏ khá đơn giản, ít tốn kém, có thể tận dụng cỏ, rau, ngô, bèo, kết hợp cho ăn thêm cám viên. Cá chép đỏ có sức đề kháng tốt, nên trong quá trình nuôi ít gặp rủi ro hơn so với các loại cá truyền thống.
Đến tham quan và đặt hàng cá tại nhà ông Minh, anh Nguyễn Văn Dũng, thương lái ở Sơn Tây (Hà Nội) cho biết: “Cá chép đỏ ở làng Phủ Yên, xã Yên Lập có hình dáng đẹp, đỏ đều, cá sống khỏe nên được người dân nhiều nơi ưa chuộng. Năm nào tôi cũng về đây thăm nắm và đặt hàng trước từ 1 - 2 tháng. Đến ngày 20 tháng Chạp, tôi đến lấy cá và đưa về nhập sỉ cho các đại lý ở thành phố và chợ quê các huyện lân cận”.
Hiện nay, toàn xã Yên Lập có khoảng 350 hộ gia đình tham gia nuôi trồng thủy sản, trong đó hơn 100 hộ nuôi cá chép đỏ với tổng diện tích ao nuôi khoảng 60 ha. Mỗi năm, các hộ dân cung cấp cho thị trường hàng chục tấn cá chép đỏ phục vụ Tết ông Công ông Táo. Tuy nuôi cá chép đỏ có tính thời vụ, nhưng lại mang giá trị kinh tế cao và đã trở thành vụ thu nhập chính cho nhiều hộ dân trong vùng.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.