Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 5 tháng 12 năm 2022 | 15:58

Các làng nghề và nhà vườn hối hả vào vụ Tết

Các làng nghề, các nhà vườn đang tất bật vào vụ sản xuất cao điểm cuối năm. Tín hiệu tích cực theo mùa xuân đang về cùng những đơn hàng. Các cơ quan chức năng của thành phố đang phối hợp với các địa phương thực hiện nhiều giải pháp để kết nối tiêu thụ sản phẩm làng nghề và nhiều loại nông sản.

Sản xuất miến phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tại xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai).

Hà Nội: Những tín hiệu tích cực đang tràn về làng nghề

Đến thăm xưởng sản xuất miến dong Dương Phương của hộ gia đình bà Vương Thị Hợp, xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai) luôn có hàng chục nhân công ngày đêm sản xuất, đáp ứng các đơn hàng đã được ký kết. “Trung bình mỗi ngày xưởng nhà tôi làm khoảng 4 tấn miến, vào dịp cuối năm như hiện tại phải tăng sản lượng gấp 3-4 lần so với ngày thường để đáp ứng đơn hàng của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đến từ nhiều tỉnh, thành phố… Riêng tháng cao điểm Tết Nguyên đán có thể thu về gần 1 tỷ đồng…” - bà Vương Thị Hợp cho biết.

Hiện tại, xã Tân Hòa có hơn 60 cơ sở làm miến. Nghề này mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ sản xuất và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Theo Chủ tịch UBND xã Tân Hòa Vương Sỹ Trung, hầu hết chủ cơ sở sản xuất miến đã đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm máy móc, trang bị dây chuyền khép kín từ khâu lọc bột, làm chín cho đến tráng miến. Công nghệ hiện đại kết hợp với kỹ thuật làm nghề lâu năm đã tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường tại nhiều tỉnh, thành phố. Những tháng cuối năm, các cơ sở sản xuất đã tăng công suất lên nhiều lần mới đủ sản phẩm cung ứng cho thị trường. Doanh thu từ làng nghề sản xuất miến đạt hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Nhờ đó, đời sống của người dân địa phương khá ổn định.

Cũng hối hả như làng nghề làm miến Tân Hòa, những ngày này, làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng, xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) cũng nhộn nhịp, tất bật hơn, đi đến đâu cũng nghe tiếng đục đẽo lách cách của các hộ làm nghề. Xã Sơn Đồng có 400 hộ với hơn 4.000 lao động theo nghề truyền thống. Vào dịp cuối năm, làng nghề như vào hội bởi lượng hàng hóa phải trả cho khách hàng tăng nhiều lần.

“Hiện nay, sản phẩm của làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng chiếm trên 50% thị trường toàn quốc về tượng và đồ thờ…; được nhiều khách quốc tế đặt hàng và xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới. Những ngày cuối năm, cơ sở sản xuất của gia đình tôi cũng như nhiều cơ sở khác của làng nghề hoạt động hết công suất bởi lượng hàng phải trả cực lớn...” - anh Nguyễn Trung Thành ở xã Sơn Đồng cho biết.

Tương tự, các làng nghề truyền thống làm bánh kẹo, tương nếp, làng nghề hoa cây cảnh… trên địa bàn thành phố cũng đang tập trung cho vụ sản xuất cao điểm để có đủ sản phẩm cung ứng ra thị trường.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, sản phẩm làng nghề Hà Nội đa dạng, phong phú; đa số có mẫu mã đẹp, chất lượng cao; một số mặt hàng có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường quốc tế... Tổng doanh thu từ 318 làng nghề, làng nghề truyền thống và làng có nghề trên địa bàn thành phố đạt trên 20.000 tỷ đồng mỗi năm.

Những năm gần đây nhiều sản phẩm làng nghề đã tham gia xếp hạng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), qua đó định hình thương hiệu, góp phần gia tăng giá trị làng nghề. Để hỗ trợ làng nghề trưng bày, quảng bá sản phẩm dịp cuối năm, nhiều địa phương đã tổ chức hội chợ, gian hàng giới thiệu sản phẩm, qua đó tăng sức mua bán, trao đổi hàng hóa cho các làng nghề.

Từ nay đến cuối năm, huyện Thanh Oai sẽ triển khai từ 2 đến 3 khu trưng bày, hội chợ tại các địa phương để quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề. Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, đây là thời điểm mà người dân, du khách tập trung tham quan, mua sắm nên huyện sẽ hỗ trợ làng nghề triển khai các điểm giới thiệu sản phẩm nhằm đẩy mạnh sức tiêu thụ cho các làng nghề… Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng thông tin, Đông Anh đã xây dựng kế hoạch mở các hội chợ, khu giới thiệu sản phẩm nhằm quảng bá sản phẩm làng nghề của huyện trong dịp cuối năm.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, cùng với việc phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và các địa phương mở thêm điểm giới thiệu, quảng bá, qua đó kết nối đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm làng nghề, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố lân cận hình thành các kênh bán hàng trực tuyến, ứng dụng công nghệ bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại… “Sở NN&PTNT sẽ thành lập đoàn kiểm tra các làng nghề chế biến thực phẩm nhằm giám sát chặt chẽ công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm đưa những mặt hàng có chất lượng, giá trị cao đến với người tiêu dùng Thủ đô…” - Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.

Những tín hiệu tích cực đang tràn về làng nghề Hà Nội trong không khí tất bật, nhộn nhịp với các đơn hàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Nghề truyền thống không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ sản xuất mà còn mang đến những sản phẩm độc đáo, những hương vị ấm áp cho mỗi người, mỗi nhà trong dịp Tết đến, xuân về.

Bắc Ninh: Giải pháp để sản phẩm chủ lực vươn xa

Cùng với hội nhập, ngành Nông nghiệp tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh ở lĩnh vực trồng trọt đủ tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã xuất khẩu sang thị trường Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và các nước trong khu vực ASEAN. Ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất được xem là giải pháp căn bản để thực hiện mục tiêu trên.

Đóng gói rau sạch cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Thị trường OECD là diễn đàn hợp tác dành cho các thành viên, hiện là chính phủ của 38 nước kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới và 70 nước không phải là thành viên, cùng nhau bàn bạc, trao đổi kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề kinh tế cũng như các vấn đề chung khác, nhằm  mục đích tìm ra các chính sách phát triển kinh tế cùng phúc lợi của người dân. Để góp mặt nông sản vào thị trường này đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, năm 2022, diện tích sản xuất cây hằng năm giảm 2.334,5ha so với năm 2021. Do vậy, ngành tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích các cây ngắn ngày, có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao; thị trường ưa chuộng, tiêu thụ ổn định; giảm dần diện tích cây dài ngày, giá trị kinh tế thấp; hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung  ứng dụng công nghệ cao, an toàn... Tập trung vào một số sản phẩm chủ lực: Sản xuất lúa gạo; diện tích ước đạt hơn 60.000 ha; sản lượng ước đạt gần 400.000 tấn; gồm các giống chủ lực BC15, TBR225, Đài thơm 8, Bắc thơm số 7, Nếp 97, BM9603, PD2... Từng bước hình thành nhiều vùng lúa năng suất, chất lượng với quy mô từ 3 ha trở lên, giúp người dân đẩy mạnh tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, đặc biệt thuận lợi cho công tác liên kết tiêu thụ sản phẩm. Về rau các loại, diện tích gieo trồng khoảng 12.500 ha, gồm: Khoai tây, chủ yếu trồng vụ đông ở các huyện Quế Võ, Yên Phong, Tiên Du, sản lượng khoảng 29.500 tấn, gồm các giống chủ lực Marabel, Atlantic, Solara...; đã được Cục sở hữu trí tuệ công nhận quyền sở hữu Nhãn hiệu tập thể “Khoai tây Quế Võ”; Cà rốt, sản lượng khoảng 58.400 tấn, trồng chủ yếu trên đất bãi ở các địa phương Gia Bình, Lương Tài, Quế Võ; đang hoàn thiện hồ sơ để cấp Bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu cho sản phẩm cà rốt của huyện Gia Bình.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản xuất và đầu tư kho lạnh bảo quản, cung cấp cho các siêu thị trong và ngoài tỉnh như Công ty TNHH xuất, nhập khẩu nông sản Hải Phong; Công ty CP AGRITECH; doanh nghiệp tư nhân Trường Tuệ... Về các sản phẩm Hành tỏi, Dưa hấu, Bí xanh, ớt được trồng chủ lực ở các huyện Gia Bình, Lương Tài, được thị trường rất ưa chuộng, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số nước trong khu vực.   

Đối với sản xuất cây lâu năm, toàn tỉnh đã hình thành 24 vùng sản xuất tập trung, quy mô từ 2 ha trở lên như vùng cam Đường canh, cam Vinh, bưởi Diễn, ổi..., bước đầu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Công Trình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Sở tham mưu với tỉnh có cơ chế, chính sách để thực hiện công tác quy vùng, tích tụ tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cho ra sản phẩm nông sản chất lượng cao. Hiện tại, phần lớn nông sản tiêu thụ nội địa, bước đầu có một số nông sản tươi tiếp cận thị trường xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan. Tuy nhiên, phương thức tiêu thụ chưa bài bản, khoa học, mà vẫn do thương lái thu mua trực tiếp tại ruộng, giá bán không ổn định, phụ thuộc về giá khá cao vào yếu tố thời vụ, chưa có tính ổn định, gây tâm lý lo lắng cho người sản xuất.

Trước thực tế đó, ngành Nông nghiệp thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp thông minh, nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm theo hướng ổn định, bền vững. Tập trung thực hiện các dự án xây dựng hệ thống thông tin ngành Nông nghiệp và PTNT; xây dựng mô hình ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong sản xuất lúa, rau màu, cây ăn quả an toàn; ứng dụng công nghệ thủy canh, tưới nhỏ giọt, công nghệ 4.0, sử dụng đèn LED... trong sản xuất rau, hoa giá trị kinh tế cao trong nhà màng, nhà lưới; tuyển chọn các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu để đưa vào sản xuất nhân rộng. Áp dụng rộng rãi phương pháp bảo quản lạnh và lạnh đông, công nghệ chiếu xạ, công nghệ sấy lạnh, sấy nhanh trong bảo quản nông sản, thực phẩm. Xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản và chế biến nông sản như: Công nghệ bao gói khí quyển kiểm soát, công nghệ bảo quản nhanh kết hợp chất hấp thụ etylen trong bảo quản rau, hoa, quả tươi; công nghệ tạo màng trong bảo quản rau, quả...

Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhập và chuyển giao các công nghệ tiên tiến, hiện đại trên thế giới, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản... để từng bước xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản bền vững, khoa học, thúc đẩy sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh vươn xa ra thị trường các nước.

Thanh Hóa: Tạo chỗ đứng trên thị trường cho mặt hàng trái cây

Những năm qua, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây cam, bưởi vào trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật, nên năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên. Sản phẩm cam, bưởi Thọ Xuân dần tạo lập chỗ dứng trên thị trường.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây cam, bưởi vào trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hiện nay, toàn huyện có 216,9 ha cây ăn quả các loại, như: bưởi Luận Văn, bưởi Diễn, cam... mang lại thu nhập cao cho nông dân. Nhằm tiếp tục xây dựng vùng cây ăn quả có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao và bền vững, huyện Thọ Xuân đặt mục tiêu giai đoạn 2020-2025 sẽ phát triển mới trên 200 ha cây ăn quả tập trung, tại 3 vùng chuyên canh gồm: vùng cây bưởi Diễn tại các xã Xuân Hồng, Bắc Lương; vùng cây cam V2, cam Xã Đoài tại các xã Xuân Hồng, Xuân Trường và vùng cây bưởi Luận Văn tại các xã Xuân Bái, Thọ Xương, thị trấn Lam Sơn.

Huyện Thọ Xuân đang tiếp tục đẩy mạnh đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động người dân lựa chọn cây giống chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật.

Đặc biệt, để đảm bảo thị trường tiêu thụ giữ vững giá trị của các loại cây ăn quả, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con phát triển các mô hình liên kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả; xây dựng các kênh thị trường thông qua các phương thức hội chợ, tiếp thị, quảng cáo, xúc tiến thương mại; có chính sách khuyến khích các công ty ký hợp đồng với các hộ trên địa bàn huyện thu mua sản phẩm...

Từ những cơ chế, chính sách ưu đãi, sự quan tâm đầu tư về khoa học - kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, xây dựng thương hiệu cũng như sự nỗ lực, thay đổi tư duy trong sản xuất của nông dân, mô hình trồng cam, bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ là điểm nhấn trong ngành nông nghiệp của huyện, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top