Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 7 năm 2024  
Thứ năm, ngày 11 tháng 7 năm 2024 | 11:26

Cần Thơ số hóa tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP

Hiện TP Cần Thơ có 148 sản phẩm được công nhận OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), trong đó, có 73 sản phẩm 3 sao, 75 sản phẩm 4 sao (2 sản phẩm tiềm năng 5 sao).

Bên cạnh phát triển về số lượng, chất lượng, vấn đề tìm đầu ra là mối quan tâm hàng đầu của các chủ thể, kênh phân phối dòng sản phẩm này. Hòa vào xu thế phát triển chung, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP đang dần số hóa các quy trình sản xuất, quản trị và chuyển sang bán hàng online trên nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Thao tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP Sầu riêng Chị Thảo

Hợp lực vì mục tiêu chung

Ở cấp thành phố, UBND TP Cần Thơ có nhiều chương trình, kế hoạch hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP nói chung cũng như tìm kiếm, mở rộng thị trường cho dòng sản phẩm này trên các kênh bán hàng trực tuyến. Ðơn cử, Kế hoạch số 200/KH-UBND của UBND thành phố về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn TP Cần Thơ; Kế hoạch số 98/KH-UBND của UBND thành phố về việc ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện số hóa trong nông nghiệp giai đoạn 2022-2025; nhiệm vụ khoa học công nghệ về “Xây dựng, khai thác và phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với sản phẩm thuộc Chương trình OCOP năm 2022-2025”…

Từ những định hướng trên, các sở ngành hữu quan đã triển khai các hoạt động cụ thể, sát với yêu cầu thực tiễn. Trong đó, đáng chú ý là hoạt động truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm OCOP. Chẳng hạn, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ thực hiện Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đăng ký và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của TP Cần Thơ”. Qua đó, xây dựng thành công cổng thông tin https://check.cantho.gov.vn/ và phần mềm ứng dụng trên điện thoại di động thông minh sử dụng công nghệ CheckVN, tuân thủ theo các quy định về truy xuất nguồn gốc và theo tiêu chuẩn GS1, có khả năng kết nối, liên thông dữ liệu với các hệ thống quản lý truy xuất. Thông qua dự án đã đăng ký truy xuất nguồn gốc cho nhiều sản phẩm OCOP của thành phố như giá sạch Hồng Nhung (Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hồng Nhung), trà mãng cầu Kim Nhiên (Công ty TNHH Chế biến nông sản Kim Nhiên), trà đông trùng hạ thảo (Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Giọt Phù Sa), Hapi chả viên thát lát - tôm (Công ty CP Thực phẩm Phạm Nghĩa), yến sào Tịnh Hoằng (Công ty TNHH Yến sào Tịnh Hoằng), khô cá tra 1 nắng (Hộ kinh doanh Út Anh)…

Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung và các sản phẩm OCOP nói riêng, ngành Nông nghiệp phối hợp với Tập đoàn Bưu chính viễn thông - VNPT Cần Thơ xây dựng trang thông tin điện tử chonongsancantho.vn. Hiện có 114 đơn vị đăng ký, 168 sản phẩm, với 118.611 lượt truy cập. Trong đó, có 4 sản phẩm OCOP 4 sao (trà mãng cầu, gạo), 6 sản phẩm OCOP 3 sao (2 cam xoàn, 2 mắm cá Lóc, 1 nhãn thanh, 1 rượu mãng cầu). Về phía Sở Công Thương phối hợp với Bộ Công Thương hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ thể OCOP tham gia chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến”. Kết quả toàn bộ 148 sản phẩm OCOP của thành phố đăng tải trên trang canthotrade.com…

Gỡ điểm nghẽn

Thực tế, khâu tìm đầu ra cho sản phẩm đặc sản địa phương nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng vẫn là bài toán khó trong những năm qua. Bán sản phẩm OCOP trên các nền tảng trực tuyến là hướng đi mới, tiềm năng nhưng các chủ thể, cửa hàng kinh doanh OCOP của thành phố còn nhiều hạn chế khi tiếp cận với các nền tảng số. Bán hàng trên các nền tảng trực tuyến khâu quảng bá sản phẩm khác rất nhiều so với truyền thống. Chẳng hạn như viết nội dung sao cho hấp dẫn, chụp hình ảnh, tạo tương tác… Do vậy, nhiều ý kiến đề xuất thành phố tiếp tục triển khai nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ các chủ thể OCOP tiếp cận kỹ năng bán hàng trên nền tảng công nghệ thông tin; kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại sản phẩm với các hệ thống phân phối và người tiêu dùng trên kênh thương mại điện tử, mạng xã hội…

Chị Ngô Thị Thảo, Chủ vườn Sầu riêng Chị Thảo, xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Sầu riêng Chị Thảo đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Bắt nhịp xu thế, những năm qua, tôi cũng tăng cường bán hàng trên các kênh trực tuyến như Facebook, Zalo… và nhận thấy việc xây dựng niềm tin, chứng minh sản phẩm an toàn, chất lượng rất quan trọng. Vì vậy, ngoài chứng nhận OCOP tôi đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền Sầu riêng Chị Thảo và gắn mã QR cho sản phẩm của mình. Tất cả các công đoạn này đều có sự hỗ trợ từ ngành chức năng và tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ này trong hành trình nâng hạng OCOP cho sản phẩm cũng như tiếp cận các khóa đào tạo bán hàng, marketing trên nền tảng trực tuyến…”.

Theo ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng điều phối Xây dựng Nông thôn mới TP Cần Thơ, bên cạnh trợ lực từ Nhà nước, các chủ thể OCOP cần năng động ứng dụng thương mại điện tử tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các kênh bán hàng trực tuyến… Về phía cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng hồ sơ quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về chương trình OCOP. Ðồng thời, đẩy mạnh kết nối phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh hàng trực tuyến online, bán hàng tương tác trực tiếp livestream, đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương. Hướng đến “Mỗi nông dân là một thương nhân”, nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP.

 

Mỹ Thanh/Báo Cần Thơ
Ý kiến bạn đọc
Top