Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024  
Thứ tư, ngày 30 tháng 8 năm 2023 | 16:36

Cần chú trọng phát triển logistics nông sản tại Việt Nam

Logistics nông sản tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt thiếu chuỗi cung ứng nông sản để đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu; cần chú trọng kết nối hạ tầng logistics nhằm thúc đẩy liên kết vùng để sử dụng nguồn lực toàn vùng hiệu quả, có chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho ngành dịch vụ logistics, đặc biệt cold chain logistics (hệ thống chuỗi lạnh).

Xuất khẩu nông sản Việt còn thách thức

Theo TS. Trần Thị Thu Hiền - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương đánh giá, xuất khẩu nông sản có vai trò quan trọng trong nền kinh tế mỗi quốc gia. Việc xuất khẩu nông sản đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, phong phú và đa dạng của người tiêu dùng, giúp giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.

Hiện nay, chính sách hội nhập quốc tế mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực nhờ cắt giảm thuế quan như các mặt hàng gạo, cà phê, thủy sản, rau quả.

Trước hết, nhu cầu về lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng mạnh trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, sự mất ổn định và biến động về kinh tế, chính trị thế giới, mối lo ngại về an ninh lương thực mở ra nhiều cơ hội trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Với nhiều thuận lợi trong sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực như hoa quả vùng nhiệt đới đặc trưng cho khí hậu của nước ta và nhiều mặt hàng đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng được nhu cầu nhiều thị trường, trữ lượng ngày càng lớn và có thể cung cấp cho những thị trường có nhu cầu tiêu thụ cao như Trung Quốc.

TS. Trần Thị Thu Hiền - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương chia sẻ.

Việt Nam có cơ hội tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Trong đó, CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU) là hai Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với nhiều cam kết rất chặt chẽ.

Từ khi EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020, các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam xuất sang EU đã tăng lên hơn 20% trong những năm vừa qua.

Tuy nhiên, bà Hiền quan ngại quá trình hội nhập làm thu hẹp một số lĩnh vực sản xuất có khả năng cạnh tranh thấp. Các nước đang phát triển mạnh sản xuất nông sản với chất lượng cao cũng trở thành đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên các thị trường xuất khẩu gạo như Campuchia, Myanmar, xuất khẩu thủy sản như Ấn Độ, Mexico, Indonesia.

Thị trường tiêu dùng hàng nông sản hướng đến các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, trách nhiệm xã hội đòi hỏi các sản phẩm được khai thác hợp lý. Các quốc gia và người tiêu dùng trên thế giới đang đặt mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải carbon.

Nông sản Việt Nam đối mặt với nguy cơ chịu mức thuế đối với sản 16 phẩm có mức phát thải lớn. Đây cũng là một trong những thách thức với xuất khẩu nông sản Việt Nam. Trong khi hệ thống truy xuất nguồn gốc, quản lý khai thác chưa được thực hiện bài bản, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp bắt đầu quá trình đổi mới để thích ứng được với bối cảnh mới.

Tạo cơ chế thúc đẩy năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá: Để thúc đẩy sự phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp cần tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về nhiều mặt.

Một là, tăng cường các chính sách về hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tạo điều kiện cho việc tiếp cận vốn tín dụng từ khu vực ngân hàng thương mại, từ Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, và từ Quỹ bảo lãnh tín dụng. Nghiên cứu hình thành các gói tín dụng, quỹ tín dụng dành riêng cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó, tổ chức thực thi các chính sách hỗ trợ về tạo quỹ đất, quy hoạch các vùng đất sản xuất nông nghiệp, vùng nguyên liệu minh bạch, ổn định; có các chính sách tích tụ ruộng đất, tập trung đất đai, sớm hình thành thị trường quyền sử dụng đất, đặc biệt là đất nông nghiệp để các doanh nghiệp có cơ hội phát triển và mở rộng sản xuất, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người nông dân và doanh nghiệp.

Hai là, tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh rà soát, chuẩn hóa các thủ tục hành chính theo đó nghiên cứu cắt giảm 40-50% thủ tục hành chính hiện hành, không để tình trạng một mặt hàng phải chịu sự quản lý của quá nhiều đơn vị; chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp luật về đăng ký kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nông nghiệp khi gia nhập thị trường. Đẩy mạnh cải cách quy định về điều kiện kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi thực chất cho các doanh nghiệp, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nông nghiệp giai đoạn 2021-2030.

 Ba là, nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống phân phối đủ năng lực kết nối các chuỗi giá trị, liên kết thị trường nông sản. Từng bước chủ động được thị trường xây dựng thương hiệu nông nghiệp Việt Nam. Nhanh chóng đổi mới mô hình đại diện thương mại ở nước ngoài để xúc tiến nông sản Việt Nam đối với thị trường lớn, trong tâm như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu,... Hình thành các khu vực, vùng canh tác, chế biến, sản xuất kiểu mẫu với cách thức triển khai từ khâu sản xuất tới phân phối sản phẩm đầu ra.

Bốn là, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nông nghiệp. Xây dựng và ban hành chính sách thu hút chuyên gia trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực nông nghiệp, kết nối với doanh nghiệp nông nghiệp; thu hút người lao động có trình độ cao về hợp tác xã nông nghiệp.

Đối với nguồn nhân lực cho nông nghiệp và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ cần hỗ trợ trực tiếp, giao cho doanh nghiệp ký hợp đồng đào tạo lao động và có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ trang trại...

Năm là, thực hiện các chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nông nghiệp, nâng cao nhận thức, đánh giá mức độ sẵn sàng về chuyển đổi số, đồng thời giúp các doanh nghiệp tiếp cận với các tài liệu, hướng dẫn chuyển đổi số trong quá trình sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại đối với hàng nông sản, xây dựng thương hiệu số.

Chú trọng phát triển logistics

Theo Ths. Nguyễn Thắng Lợi – Trưởng Ban nghiên cứu Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam, hiện trạng logistics nông sản tại Việt Nam hiện nay đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng, chính sách, đặc biệt là vấn đề thiếu chuỗi cung ứng nông sản để đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu.

Logistics trong nông nghiệp là một chuỗi các hoạt động: thu hoạch, sơ chế, bảo quản, đóng gói, kho bãi, làm thủ tục hải quan, vận chuyển hàng hóa với mục đích chuyển sản phẩm nông nghiệp từ Nhà nông (vùng nguyên liệu) – nhà cung cấp đến người tiêu dùng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Đối với ngành nông nghiệp, logistics ngày càng đóng vai trò quan trọng và được xác định là lực đẩy để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt. Do đó, ông Lợi đã đề xuất một số giải pháp nhằm đưa logistics trở thành “đòn bẩy” cho nông sản Việt.

Hoàn thiện hệ thống trung tâm logistics nông nghiệp gắn kết vùng sản xuất với thị trường trong nước và xuất khẩu. (Ảnh: Cảng Quốc tế Long An)

Theo đó, đối với cơ quan quản lý, cần chú trọng quy hoạch mạng lưới hạ tầng logistics và đầu tư hạ tầng cho hạ tầng vận tải kết nối đầu nguồn thu hoạch – hạ tầng trung tâm logistics phục vụ hàng nông sản.

Cùng với đó, tăng cường kết nối hạ tầng logistics nhằm thúc đẩy liên kết vùng để sử dụng nguồn lực toàn vùng hiệu quả, có chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho ngành dịch vụ logistics, đặc biệt cold chain logistics (hệ thống chuỗi lạnh).

Đối với các đơn vị kinh doanh nông sản, cần tăng tường tính chuyên môn hóa, giảm tỉ lệ hao hụt, tổn thất qua việc sử dụng phần lớn các dịch vụ thuê ngoài logistics; tích cực hoạt động trong các Hiệp Hội doanh nghiệp để tăng tính kết nối.

Đối với đơn vị cung cấp dịch vụ logistics, cần liên kết các đơn vị để tạo chuỗi dịch vụ logistics tích hợp đối với hàng nông sản xuất khẩu giúp khách hàng giảm chi phí, thời gian.

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • TP. HCM: Thiếu hụt nguồn cung nhà ở thương mại giá bình dân

    TP. HCM: Thiếu hụt nguồn cung nhà ở thương mại giá bình dân

    Cuối tháng 5, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Hiệp hội bất động sản (BĐS) TP. Hồ Chí Minh (HoREA) thông tin, trong những tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố không có dự án nhà ở xã hội nào được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc được cấp giấy phép xây dựng mới.

  • Thể chế đầy đủ thực tiễn vào nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai

    Thể chế đầy đủ thực tiễn vào nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai

    Sáng 18/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, chuyên gia tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến 63 tỉnh, thành phố về dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

  • Muôn vàn lựa chọn ‘tổ ấm trong mơ’ tại The Sola Park

    Muôn vàn lựa chọn ‘tổ ấm trong mơ’ tại The Sola Park

    Với diện tích linh hoạt từ 32 - 75m2 và thiết kế thông minh, các căn hộ ở dự án Imperia Smart City giai đoạn 2 The Sola Park mang đến đa dạng lựa chọn cho các gia đình, khởi đầu hành trình hạnh phúc tại đại đô thị thông minh phía tây Hà Nội.

Top