Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 10 năm 2023 | 10:29

Cần đẩy mạnh xuất khẩu thanh long sang thị trường EU

Cây thanh long được người Pháp mang đến Việt Nam từ thế kỷ 19, sinh trưởng và phát triển thuận lợi trong điều kiện khí hậu nhiệt đới có đầy đủ ánh sáng, ở vùng có mùa mưa và mùa khô rõ rệt, đến hết năm 2022, tất cả 63 tỉnh, thành đều trồng thanh long.

Đến nay, Việt Nam là một trong những nước có diện tích và sản lượng thanh long hàng đầu châu Á. Thanh long hiện xuất khẩu vào 40 nước và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường tiêu thụ chính là các nước châu Á. Ngoài thị trường châu Á, trong thời gian tới, để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU - thị trường quy định rất nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật, người sản xuất,  doanh nghiệp và các địa phương cần có giải pháp tổ chức sản xuất đồng bộ.

Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chia sẻ một số thông tin về hiện trạng, tiềm năng và một số giải pháp liên quan đến sản xuất thúc đẩy xuất khẩu thanh long sang thị trường EU.

Hiện trạng vùng trồng thanh long

Năm 1995,  cả nước mới có 2,3 nghìn hecta thanh long, sản lượng 22,8 nghìn tấn. Đến năm 2022, diện tích thanh long nước ta đạt 54,8 ngàn hecta, năng suất 243,7 tạ/ha, sản lượng 1.285,9 nghìn tấn, trong đó:

- Vùng Trung du miền múi phía Bắc diện tích thanh long 2,1 nghìn hecta, sản lượng 16,8 nghìn tấn;

- Bắc Trung Bộ diện tích thanh long 1,1 nghìn hecta, sản lượng khoảng 11,5 nghìn tấn;

- Duyên hải Nam Trung Bộ có diện tích thanh long lớn nhất 28 nghìn hecta, sản lượng đạt 595,1 nghìn tấn, trong đó tập trung chủ yếu ở tỉnh Bình Thuận, diện tích 27,8 nghìn hecta, sản lượng 594 ngàn tấn;

- Tây Nguyên có diện tích thanh long 996 ha, sản lượng 10,3 nghìn tấn;

- Đông Nam Bộ có diện tích thanh long 19,1 nghìn hecta, sản lượng 37,1 nghìn tấn;

- Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích thanh long 19,1 nghìn hecta, sản lượng 598,9 nghìn tấn, tập trung chủ yếu ở Long An (diện tích 8,3 nghìn hecta, sản lượng 262,8 ngàn tấn), Tiền Giang (diện tích 9 nghìn hecta, sản lượng 307,5 nghìn tấn).

Như vậy, cây thanh long đã hình thành vùng sản xuất hành hóa tập trung tại 2 vùng là Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó chủ yếu ở 3 tỉnh là Bình Thuận, Long An và Tiền Giang, thuận lợi cho tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn phục vụ xuất khẩu, trong đó có thị trường EU.

Cơ cấu giống

Hai giống thanh long chủ lực trong sản xuất hiện nay gồm: thanh long vỏ đỏ ruột trắng, thanh long vỏ đỏ ruột đỏ. Trong đó:

Giống thanh long vỏ đỏ ruột trắng là giống chủ lực, chiếm 80% diện tích thanh long Bình Thuận; Giống vỏ đỏ ruột đỏ là chủ lực tại tỉnh Long An (97%), Tiền Giang (71%), Đồng Nai (98%).

Tính chung trên phạm vi 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, cơ cấu giống thanh long như sau: Giống vỏ đỏ ruột trắng: khoảng 55%, giống vỏ đỏ ruột đỏ: khoảng 40%; giống khác (ruột tím hồng, vỏ vàng,...): 5%.

Các doanh nghiệp cần cung cấp thông tin thị trường, để người sản xuất, các địa phương chuyển đổi cơ cấu giống phù hợp hơn theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật

Để phát triển sản xuất thanh long bền vững, đảm bảo năng suất, chất lượng, sản xuất an toàn thực phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, trong đó có thị trường EU, các địa phương và doanh nghiệp cần tiếp tục chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người sản xuất áp dụng, như:

- Quy trình phòng trừ tổng hợp bệnh đốm nâu (Neoscytalidium dimidiatum) thanh long (Quyết định số 3281/QĐ-BVTV-KH ngày 27/11/2018).

- Quy trình kỹ thuật canh tác thanh long kiểu giàn chữ T (T-bar) cho áp dụng tại các tỉnh phía Nam (Quyết định số 1304/QĐ-TT-CCN ngày 24/9/2019).

- Quy trình kỹ thuật sử dụng đèn LED.TL-T60 WFR/9W điều khiển ra hoa thanh long tại khu vực phía Nam (Quyết định số 150/QĐ-TT-CCN ngày 04/8/2020).

- Quy trình quản lý cây trồng tổng hợp sản xuất trái thanh long (ICM) cho các vùng trồng chính (Quyết định số 328/QĐ-TT-VPPN ngày 18/12/2020).

Hiện nay, Bình Thuận có có 12,4 nghìn hecta được cấp giấy chứng nhận VietGAP, 560 ha được cấp Giấy chứng nhận GlobalGAP. Tại Tiền Giang, diện tích sử dụng các chế phẩm sinh học chiếm 60 - 70% diện tích trồng thanh long, có 2.388 ha thanh long được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP.

Các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu thanh long cần tiếp tục hướng dẫn người sản xuất áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt để đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ xuất khẩu thanh long sang thị trường EU.

- Quy trình kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ cho cây thanh long cho các tỉnh Nam Bộ (Quyết định số 261/QĐ-TT-VPPN ngày 27/12/2021).

Các địa phương cần tiếp tục tổ chức tốt sản xuất rải vụ thu hoạch thanh long nhất là vùng Nam Bộ, coi đây là phương thức sản xuất quan trọng, tạo điều kiện giảm áp lực tiêu thụ tập trung vào chính vụ, góp phần tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm thanh long của nước ta với các nước xuất khẩu thanh long, trong đó có thị trường EU.

Tiêu thụ, xuất khẩu

Khoảng 80 - 85% sản lượng thanh long được xuất khẩu, 15 - 20% tiêu thụ trong nước.

Gía trị xuất khẩu (GTXK) thanh long Việt Nam liên tục tăng, từ  57,15 triệu USD năm 2010 lên trên 100 triệu USD năm 2011 và vượt mốc 1 tỷ USD từ năm 2017 đến năm 2020. Đồng thời, thanh long chiếm tỷ trọng chủ yếu, trên 30% GTXK ngành rau quả liên tục từ năm 2015 - 2020.

Công nhân tuyển lựa trái thanh long Long An xuất khẩu. Ảnh: Thanh Bình.

Từ năm 2021 đến nay, GTXK thanh long có xu hướng giảm, đạt dưới 1 tỷ USD và chỉ chiếm dưới 30% GTXK rau quả; 7 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu đạt 396,3 triệu USD, bằng 12,8% tổng GTXK rau quả.

Thị trường xuất khẩu truyền thống, lớn nhất là Trung Quốc; kế đến là Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Indonesia; gần đây, chúng ta đã mở mới thị trường khó tính đầy tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ, Úc.

Đối với thị trường Trung Quốc: với trên 1 tỷ USD và chiếm trên 92% GTXK thanh long hàng năm từ năm 2018 - 2020; trong 7 tháng đầu năm 2023 đạt 328,5 triệu USD (gần 83%);

Đối với thị trường EU, GTXK thanh long Việt Nam không lớn: năm 2018 đạt 7,97 triệu USD (0,67%), năm 2019 đạt 10,68 triệu USD (0,85%), năm 2020 đạt 9,53 triệu USD (0,86%). 7 tháng đầu năm 2023 đạt 5,13 triệu USD (1,29%), trong đó Hà Lan là quốc gia nhập khẩu thanh long Việt Nam nhiều nhất với 3,9 triệu USD (76,02% GTXK thanh long vào EU), tiếp đến là Pháp, Đức (14,2% và 8,4%).

Một số thuận lợi chủ yếu

- Việt Nam có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp cho phát triển sản xuất thanh long hàng hóa. Thanh long Việt Nam được đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng, có lợi thế sản xuất rải vụ thu hoạch nhờ áp dụng kỹ thuật chong đèn, cho thu hoạch quanh năm, tăng khả năng cạnh tranh;

- Sản xuất thanh long đã hình thành được các vùng tập trung, tạo điều kiện áp dụng TBKT, tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm;

- Việt Nam thuộc nhóm nước đứng đầu thế giới về diện tích, sản lượng và xuất khẩu thanh long, chiếm thị phần cao nhất ở châu Á (đặc biệt là Trung Quốc), châu Âu và một số thời điểm tại Hoa Kỳ;

- Cơ hội mở rộng thị trường với các FTA được nước ta tham gia ký kết.

Thách thức đổi với phát triển thanh long

- Yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP), mẫu mã thanh long quả tươi xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt trong khi quy mô sản xuất nhỏ lẻ của nông dân là chủ yếu, tổ chức liên kết còn yếu, chưa hiệu quả nên khó khăn trong kiểm soát chất lượng, ATTP.

- Biến đổi khí hậu; sự phát sinh, phát triển của nhiều loại sâu bệnh hại cùng với giá vật tư phân bón tăng cao ảnh hưởng đến đầu tư sản xuất, giá thành, ATTP và sức cạnh tranh.

- Liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và người dân chưa bền vững, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường lớn, khó tính.

- Hệ thống cơ sở sơ chế, đóng gói và kho bảo quản tiên tiến, sản phẩm chế biến sâu còn thiếu, hạn chế về công nghệ.

- Dự báo thị trường tiêu thụ thanh long chính của Việt Nam vẫn là Trung Quốc, thị trường này đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao khi xuất khẩu chính ngạch.

Bên cạnh đó, vài năm trở lại đây, diện tích trồng thanh long ở Trung Quốc tăng "thần tốc" và chạm mốc 67.000 ha, sản lượng khoảng 1,6 triệu tấn vào năm 2021 (vượt so với Việt Nam), cùng với mức tăng sản lượng thanh long của nhiều nước khác (Thái Lan, Philippines, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc,...) nên sẽ ảnh hưởng lớn đến nhập khẩu thanh long từ Việt Nam.

- Xuất khẩu thanh long Việt Nam sang các thị trường mới (Ấn Độ) và các thị trường khó tính (Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, châu Mỹ…) cũng như tiêu dùng trong nước và công nghiệp chế biến tăng trưởng không cao.

Do vậy, dự báo thị trường thanh long sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới nếu Việt Nam tiếp tục tăng diện tích thanh long và chất lượng thanh long không đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.

Định hướng và giải pháp

Tổ chức thực hiện tốt Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT ngày 27/10/2022 phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030:

- Về quy mô sản xuất:

Không gia tăng diện tích thanh long, đặc biệt là tại các vùng đất đai, tưới tiêu không phù hợp, không có điều kiện đầu tư thâm canh, vùng ảnh hưởng của ngập lụt trong mùa mưa và xâm nhập mặn trong mùa khô tại ĐBSCL. Ổn định diện tích thanh long khoảng 60 - 65 ngàn hecta, sản lượng 1,3 - 1,5 triệu tấn. Các vùng sản xuất tập trung gồm: Bình Thuận, Long An, Tiền Giang.

- Tập trung áp dụng đồng bộ các quy trình sản xuất tiên tiến; đảm bảo năng suất, nâng cao mẫu mã, chất lượng, ATTP và truy xuất nguồn gốc.

Nghiên cứu, bố trí cơ cấu giống thanh long đa dạng: ruột trắng, ruột đỏ, vỏ vàng… chất lượng, phù hợp nhu cầu thị trường.

Bố trí diện tích thanh long rải vụ thu hoạch khoảng 60% diện tích, thanh long chính vụ 40% diện tích.

- Từng bước hình thành các vùng sản xuất thanh long theo thị trường xuất khẩu có chứng nhận hoặc cấp mã số vùng trồng. Tổ chức liên kết giữa vùng sản xuất tập trung với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thanh long.

- Tiếp tục đầu tư nghiên cứu phát triển thị trường: Giữ vững thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới, trong đó có thị trường EU trên cơ sở tìm hiểu, đáp ứng tốt các yêu cầu, thị hiếu từng thị trường về mẫu mã, chất lượng (Đối với EU, Hà Lan là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa nông sản, thị trường tiềm năng cho thanh long; với yêu cầu chứng nhận GlobalGAP, kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…).

- Tập trung đầu tư cơ sở sơ chế, chế biến (đặc biệt là chế biến sâu), bảo quản nâng cao giá trị sản phẩm.

(Bài viết sử dụng tư liệu của "Dự án cơ chế hệ thống cho thương mại an toàn hơn - The Systematic Mechanism for Safer Trade Project - SYMST")

 

TS. Lê Văn Đức - TS. Chu Văn Chuông
Ý kiến bạn đọc
Top