Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 10 tháng 8 năm 2024 | 10:24

Cần gỡ khó để doanh nghiệp không còn lúng túng trong đăng ký mã số xuất khẩu nông sản

Sau hơn 2 năm thực hiện việc đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc theo Lệnh 248 và Lệnh 249 của Tổng cục Hải Quan Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp còn lúng túng, loay hoay trong việc đáp ứng các yêu cầu và đăng ký mã số xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc theo quy định tại hai lệnh này.

Các doanh nghiệp tại Lào Cai đã xuất khẩu được một số mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc.

Doanh nghiệp lúng túng trong đăng ký mã số xuất khẩu nông sản

Thực tế này được bà Phan Thị Mến - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn khoa học và Công nghệ Sutech nêu ra tại hội thảo hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc, được tổ chức tại tỉnh Lào Cai mới đây. Lệnh 248 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc quy định về quản lý đăng ký DN của nước ngoài khi XK hàng nông sản làm thực phẩm vào thị trường này và Lệnh 249 về các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Theo bà Mến, sau 2 năm thực hiện, nhiều DN vẫn lúng túng, loay hoay trong việc đáp ứng các yêu cầu và đăng ký mã số XK nông sản sang Trung Quốc theo quy định tại các lệnh 248 và 249.

Dẫn chứng vấn đề này, bà Mến cho hay: "Năm vừa rồi chúng tôi tư vấn cho khoảng 500 DN XK sang thị trường Trung Quốc, trong quá trình đi tư vấn, có một DN xuất khẩu rất lớn, doanh thu vài nghìn tỷ đồng/năm làm hồ sơ xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng không đáp ứng đủ yêu cầu chỉ với lý do không chứng minh được nguồn nước mà DN sử dụng". Theo bà, nếu DN cố tình không tuân thủ sẽ rất khó có thể tham gia vào "cuộc chơi" xuất khẩu.

Nêu một số khó khăn trong việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, bà Cao Thị Hòa Bình - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai cho biết, yêu cầu về tiêu chuẩn của nước nhập khẩu (Trung Quốc) đối với các mặt hàng nông sản ngày càng khắt khe, thường xuyên thay đổi gây khó khăn nhất định cho địa phương và DN xuất khẩu trong quá trình cập nhật thông tin cũng như việc áp dụng thực hiện. Việc cấp mã số vùng trồng mới đi vào hoạt động, nên nhận thức của một số chủ thể còn hạn chế; công tác quản lý mã số vùng trồng còn khó khăn do chưa bố trí được kinh phí trang thiết bị phục vụ kiểm tra, giám sát thường xuyên, áp dụng công nghệ số đối với các vùng nguyên liệu.

Cần chuẩn hóa ngay từ đầu

Ngoài các yêu cầu từ việc đăng ký XK thực phẩm có nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc theo Lệnh 248 và Lệnh 249, các DN Việt Nam hiện nay cũng phải tuân thủ các quy định khi tham gia Hiệp định thương mại tự do được 10 nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5 nước đối tác của ASEAN là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 (gọi tắt là khối RCEP).

Trong đó, Trung Quốc là thị trường XK nông sản lớn nhất của Việt Nam trong khối này. Hiện, nước ta có 12 loại nông sản được phép XK sang Trung Quốc, trong đó các mặt hàng truyền thống gồm xoài, nhãn, vải, chôm chôm, mít và thanh long. Một số loại trái cây mới được phép XK trong những năm gần đây gồm măng cụt (2019), thạch đen (2020), sầu riêng, khoai lang (2022), chuối (2022), dưa hấu (2023) và dừa (2024). Chanh leo và ớt hiện đang được quy định tạm thời, trong khi các mặt hàng như quả có múi, dược liệu và trái cây đông lạnh đang tiếp tục đàm phán.

 Trung Quốc là thị trường XK sầu riêng lớn nhất của Việt Nam.

Theo ông Lương Ngọc Quang - đại diện Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật), thị trường Trung Quốc đang áp dụng những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là các giao dịch hàng hóa theo hình thức tiểu ngạch. Để đảm bảo việc XK, các nhà XK cần đàm phán mở cửa cho từng loại sản phẩm riêng lẻ và ký kết lại nghị định thư XK đối với các loại quả truyền thống....

Theo ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, hiện nay DN XK vẫn chưa thực sự tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu. Người sản xuất ở một số nơi còn sử dụng các loại thuốc BVTV, thuốc kháng sinh, phân bón không đúng hướng dẫn.. "Không còn cách nào khác phải tăng cường liên kết theo hướng đồng quản lý an toàn thực phẩm, chất lượng, góp phần chuẩn hóa ngay từ nguyên liệu đầu vào. Chỉ khi nào từng khâu làm tròn trách nhiệm của mình, nền nông nghiệp Việt Nam mới thoát cảnh e dè trước những thay đổi của thị trường nhập khẩu" - ông Nam nhấn mạnh.

Thị trường ngày càng minh bạch quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu

Muốn xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, một trong những điều kiện bắt buộc phải có là mã số được công khai trên hệ thống thông tin điện tử CIFER (https://cifer.singlewindow.cn) của GACC. Sau khoảng 30 tháng thực hiện Lệnh 248 và Lệnh 249, đã có hơn 3.000 mã số hàng Việt đăng ký xuất khẩu.

Đồng hành trên hành trình đưa nông sản Việt vào “thị trường tỷ dân”, bà Phan Thị Mến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn khoa học và Công nghệ SUTECH chứng kiến không ít câu chuyện “khóc dở mếu dở”.

Bước đầu tiên trong quy trình đăng ký trên CIFER là mở tài khoản xuất khẩu cho doanh nghiệp. Có doanh nghiệp hàng sang đến nơi nhận mới biết sai tên tiếng Anh của công ty vì lỗi bất cẩn, không kiểm tra kỹ thông tin khi đăng ký tài khoản. Lô hàng không thể thông quan, buộc phải quay về.

Trong khâu chuẩn bị hồ sơ, nhiều chuyện tưởng nhỏ mà hóa ra không nhỏ. Có doanh nghiệp xuất khẩu gạo thuộc Top đầu Việt Nam, doanh thu hơn 60.000 tỷ đồng/năm, vẫn bị phía Trung Quốc từ chối cấp mã số chỉ vì không chứng minh được nguồn nước sử dụng trong quá trình sản xuất, do chuyên viên xây dựng hồ sơ nghĩ một cách đơn giản rằng đây là chuyện bình thường, không cần đưa vào hồ sơ.

“Các doanh nghiệp muốn đăng ký xuất khẩu thành công cần có quy trình nội bộ chi tiết liên quan đến sản xuất, quản lý chất lượng và xuất khẩu (bản chất là phải xây dựng cơ sở dữ liệu), lưu trữ và quản lý có hệ thống. Phía Trung Quốc đánh giá trực tuyến rất nghiêm ngặt. Năm vừa rồi, SUTECH tư vấn khoảng 500 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, luôn nhắc nhở rằng bên cạnh giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, trong hồ sơ cần phải báo cáo đầy đủ cả hoạt động tư vấn, đánh giá thực tế, kết quả kiểm nghiệm, biểu mẫu cụ thể. Nếu không, doanh nghiệp rất khó tham gia "cuộc chơi" xuất khẩu”, bà Mến lưu ý.

Cũng theo Tổng Giám đốc SUTECH, thời gian chấp nhận hồ sơ xét duyệt của GACC khá dài, trung bình 45 – 60 ngày. Có khi 3 tháng không doanh nghiệp Việt nào được phía Trung Quốc phê duyệt hồ sơ, song có ngày lại duyệt cả 10 doanh nghiệp.

Một phần nguyên do cũng bởi phía Việt Nam không quy định thời gian nhận – trả kết quả thủ tục hành chính; đội ngũ nhân sự của các cơ quan quản lý thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách thẩm định hồ sơ còn mỏng, vừa rồi lại có sự thay đổi cơ cấu tổ chức, kéo dài thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp.

“Nhiều đơn vị xuất khẩu sắn lát qua mùa vụ rồi vẫn không được phía Trung Quốc chấp nhận, phải xoay hướng khác để tiêu thụ sản phẩm. Thậm chí có doanh nghiệp chờ qua 2 mùa sắn vẫn chưa được cấp mã số để xuất khẩu sắn lát sang Trung Quốc. Có doanh nghiệp ở Phú Thọ mất 1,5 năm mới được phê duyệt mã chuối tươi”, bà Mến nêu thực trạng.

Mã số do GACC cấp có thời hạn 5 năm kể từ ngày chấp nhận cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, trong 5 năm này, vẫn có thể xảy ra trường hợp mã số bị thu hồi khi có lô hàng vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Năm 2023, phía Trung Quốc đã cảnh báo vi phạm với 12 doanh nghiệp Việt có lô hàng nước ép trái cây cấp đông, sau đó thu hồi 5 mã số.

Vừa rồi phía Trung Quốc kiểm tra kim loại nặng có trong nền mẫu nông sản tươi, phát hiện một số hàng Việt Nam bị nhiễm E.Coli.

Với những loại sản phẩm chế biến sâu như chè, doanh nghiệp đăng ký trực tiếp với GACC, khi lô hàng bị cảnh báo vi phạm (như tồn quá mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay có nấm mốc), nếu doanh nghiệp không khắc phục sẽ bị thu hồi hàng, mã số bị tạm dừng, không xuất khẩu được.

Thị trường Trung Quốc dần khó tính hơn, chuẩn hóa hơn các hệ thống an toàn thực phẩm khi cho phép doanh nghiệp nước ngoài có thể xuất khẩu sản phẩm thực phẩm vào thị trường này. Thời gian vừa rồi, rất nhiều mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói (đặc biệt là với mã sầu riêng) của chúng ta bị phía Trung Quốc cảnh báo tạm dừng. Mọi thông tin đều công khai, minh bạch trên hệ thống điện tử của GACC. Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt có thể nhìn thấy ngay “vận mệnh” của mình trên đó. Khi bị cảnh báo cần nhanh chóng điều tra nguyên nhân và sớm khắc phục”, bà Mến khuyến nghị.

“Các thị trường ngày càng minh bạch quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu. Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt khó hoàn thiện hồ sơ đáp ứng mọi yêu cầu, tiêu chuẩn của họ tức thì mà cần xác định làm chuẩn từ đầu, có quá trình. Dự kiến tới năm 2028 cơ bản không còn xuất khẩu tiểu ngạch mà 100% nông sản Việt sẽ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Doanh nghiệp Việt phải lớn dần về tư duy, nhận thức, chủ động hơn mới có thể giữ vị thế xuất khẩu”, bà Mến nhấn mạnh.

Ứng dụng công nghệ số để gỡ khó

Ứng dụng công nghệ số được xem là giải pháp hữu hiệu và khả thi, giúp giải quyết những hạn chế, bất cập, để nông sản Việt chinh phục thành công thị trường Trung Quốc cũng như nhiều thị trường quốc tế khác.

Đơn cử, ứng dụng công nghệ vào các khâu chăm sóc, thu hoạch sẽ đảm bảo chất lượng cho nông sản xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, giảm thiểu nguy cơ bị trả về.

Nhiều loại nông sản Việt xuất khẩu qua các cửa khẩu ở Lào Cai sang thị trường Trung Quốc (Ảnh: Bình Minh).

“Lợi ích của ứng dụng công nghệ số rất rõ, song nhiều khi “cái khó bó cái khôn”. Bên cạnh hạn chế về hạ tầng công nghệ tại tỉnh miền núi địa hình phức tạp, trình độ tiếp cận công nghệ của bà con cũng là một vấn đề. Trước từng có dự án do một tổ chức NGO triển khai nhằm tập huấn, hướng dẫn bà con cách ứng dụng nhật ký điện tử trên smartphone, ghi chép hàng ngày thông tin về quá trình chăm sóc cây trồng, lưu trữ dữ liệu trên phần mềm, qua đó theo dõi sát sao chất lượng nông sản xuất khẩu. Thế nhưng, không ít bà con vẫn chưa hình thành thói quen ghi chép nhật ký, ngại ngần khi hệ thống phần mềm yêu cầu nhiều thao tác, quy định bảo mật”, bà Bình cho hay.

“Chúng tôi đang đề xuất với tỉnh cho lĩnh vực trồng trọt đi tiên phong trong ngành nông nghiệp về ứng dụng công nghệ số. Để hỗ trợ bà con nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ số, chúng tôi đã chia sẻ khá nhiều thông tin hữu ích qua Trang Khuyến nông hoặc website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và cả Báo Lào Cai điện tử. Rất mong thời gian tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu”, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai nói thêm.

Ứng dụng công nghệ số cũng sẽ có thể hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt kịp thời nắm bắt thông tin cần thiết về những chỉ tiêu, quy định cần phải đáp ứng.

“SUTECH đang xây dựng hệ thống phần mềm ứng dụng trên smartphone, có tính năng cảnh báo mã số vi phạm, giúp doanh nghiệp tra cứu nhanh chóng thông tin về tình trạng lô hàng xuất khẩu. Cùng với đó, chúng tôi cũng đang xây dựng cơ sở dữ liệu nội bộ, tập hợp tất cả mã số vùng trồng, mã số đơn vị đóng gói nông sản xuất khẩu, số liệu diện tích vùng trồng… của các hợp tác xã, doanh nghiệp từng được SUTECH tư vấn xuất khẩu thành công, phân loại dữ liệu thành các nhóm ngành hàng cụ thể như gạo, chuối, quế…, khá hữu ích cho công tác quản lý, giám sát, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu nông sản Việt”, Tổng Giám đốc Phan Thị Mến tiết lộ.

Trăn trở lớn của bà Mến lúc này là làm sao đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói cho các hợp tác xã, doanh nghiệp xuất khẩu.

“Nếu quá trình xây dựng các quy định pháp lý liên quan đến luật, nghị định kéo dài quá lâu, thì phải có hướng dẫn tạm thời, quy định cụ thể thời gian nhận hồ sơ tại các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng như thời gian chuyển hồ sơ sang phía Trung Quốc phê duyệt, để việc cấp mã số được tiến hành nhanh nhất, bớt khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu”, Tổng Giám đốc SUTECH đề xuất./.

 

Thanh Tâm (t/h theo thoibaonganhang.vn, vietnamnet.vn...)
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top