Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 22 tháng 6 năm 2024  
Thứ hai, ngày 3 tháng 6 năm 2024 | 16:23

Cần kiểm soát chặt chất lượng rau quả xuất khẩu

Xuất khẩu rau quả đã trở thành điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thời gian qua. Song, điểm yếu của rau quả Việt chính là chất lượng chưa được duy trì ổn định, vẫn còn tình trạng tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm.

Xuất khẩu vải thiều đón nhận tín hiệu vui từ đầu vụ.

 

Những tín hiệu vui

Cuối tháng 5/2024, hai tấn vải thiều tươi đầu tiên của Việt Nam đã cập cảng hàng không sân bay Charles de Gaule ở thủ đô Paris (Pháp). Đây là những lô vải đầu tiên của vụ mùa 2024 đạt tiêu chuẩn GlobalGap được xuất từ Thanh Hà (Hải Dương) đi châu Âu bằng đường hàng không.

Chị Đỗ Thị Quỳnh Phương, đại diện Công ty ACEM, chủ chuỗi siêu thị Chợ Việt Pháp, cho biết đây là những lô hàng đầu tiên trong năm 2024 mà công ty nhập về. Lô vải đợt này có chất lượng tốt, quả đồng đều, tươi, ngọt và mọng nước. Ngay khi vải được đưa lên kệ siêu thị, đông đảo khách hàng đã tới nếm thử và mua về.

Năm nay công ty ACEM dự kiến nhập khoảng 10 tấn vải tươi để đáp ứng nhu cầu cao của khách hàng Pháp.

Trước đó, lô vải u trứng trắng đầu tiên trong mùa vải 2024 của huyện Thanh Hà cũng được lên kệ siêu thị Australia. Mỗi kg vải được niêm yết với giá 34,99 AUD/kg (tương đương 594.000 đồng). Đây là mức giá rất cao gấp 4 lần so vải u trứng trắng bán tại Việt Nam và tăng khoảng 15-20% so cùng kỳ năm ngoái.

Tín hiệu vui của trái vải đã mở đầu cho mùa vải thiều năm 2024 dự báo sẽ hanh thông, thuận lợi, kéo dài thành tích của xuất khẩu trái cây nói chung. Theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21% so cùng kỳ năm 2023. Riêng xuất khẩu rau quả đạt 2,59 tỷ USD, tăng đến 28,1% so cùng kỳ.

Tiếp đà tăng của xuất khẩu rau quả năm trước, 5 tháng đầu năm nay, các thị trường chủ lực của rau quả Việt tiếp tục tăng tốc độ cao. Trong đó đứng đầu là Trung Quốc với hơn 1 tỷ USD, sau đó là Hàn Quốc, Nhật Bản...

Đóng góp lớn vào kim ngạch rau quả vẫn là mặt hàng sầu riêng. Riêng trong năm ngoái, loại quả này đóng góp hơn 2,2 tỷ USD vào doanh thu xuất khẩu toàn ngành hơn 5,6 tỷ USD.

Việt Nam là nguồn cung sầu riêng lớn thứ 2 vào Trung Quốc nhưng đứng thứ nhất về tốc độ tăng trưởng. Xuất khẩu sầu riêng Việt Nam bắt đầu tăng mạnh khi hai nước ký nghị định thư vào tháng 7/2022. Sau đó liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng trong những tháng vừa qua. Cùng với sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh cũng được thị trường này cho phép nhập khẩu chính ngạch.

Bên cạnh sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh, các sản phẩm từ sầu riêng cũng được nhiều thị trường nhập khẩu ưa chuộng. Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ameii Việt Nam chia sẻ, qua khảo sát thị trường Trung Quốc, người tiêu dùng đang rất ưa chuộng các dòng sản phẩm sầu riêng chế biến. Đây là lợi thế cho rau quả Việt Nam sản xuất thêm dòng sản phẩm giá trị gia tăng từ sầu riêng, cũng là hướng đi Công ty Ameii định hình để phát triển trong năm nay về ngành rau quả.

Bên cạnh đó, trái dưa hấu Việt Nam có thêm tin vui từ Nghị định thư chấp nhận nhập khẩu của thị trường Trung Quốc. Khi Nghị định thư mở ra, xuất khẩu dưa hấu có thể tăng gấp đôi, đạt 100 triệu USD vào năm 2024. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là việc kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu sẽ nhanh chóng hơn nhiều, giúp doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi hơn.

Ngoài ra, trái dừa cũng đã được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, sẽ góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả khả quan hơn trong thời gian tới.

Nhu cầu tại thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất là Trung Quốc vẫn đang gia tăng. Do đó, Việt Nam vẫn đang đàm phán với phía Trung Quốc để có thêm mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Đồng thời, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Australia, Hàn Quốc… để đa dạng thị trường cho trái cây Việt Nam.

Khắc phục hạn chế về tiêu chuẩn chất lượng

Từ số liệu xuất khẩu rau quả những tháng vừa qua, có thể thấy, thông qua hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường, tình hình các doanh nghiệp thì hoạt động xuất khẩu mặt hàng này tiếp tục thuận lợi, nhu cầu tại các thị trường truyền thống tiếp tục tăng, đặc biệt là các loại trái cây chủ lực của Việt Nam như sầu riêng, dưa hấu, xoài...

Tuy nhiên, tiêu chuẩn chất lượng của rau quả còn chưa được duy trì ổn định. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ, chất lượng rau quả xuất khẩu còn chưa đồng đều. Nhiều sản phẩm vẫn còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên cần có giải pháp để xử lý.

Thời gian qua, hầu hết các thị trường đều đang siết chặt chất lượng nông sản nhập khẩu. Chẳng hạn, sầu riêng bị các nhà nhập khẩu tại thị trường Nhật Bản phản ánh về chất lượng; ớt bị tăng kiểm tra tại Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Cụ thể, theo Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, Thương vụ đã nhận được thư của Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) thông báo về việc tái chỉ định các thực phẩm nhập khẩu phải kiểm tra khi vào Hàn Quốc. Đây là rào cản khiến rau quả xuất khẩu vào thị trường này khó khăn hơn.

“Bên cạnh đó, còn có hiện tượng tranh mua, tranh bán khi thị trường biến động, nhất là ở vùng nguyên liệu. Đây là vấn đề tồn tại đã lâu, dù có nhiều giải pháp nhưng chưa giải quyết tốt được. Do đó, cần phải xây dựng chuỗi liên kết chặt giữa nhà sản xuất và tiêu thụ để đảm bảo khi thị trường biến động, hoạt động xuất khẩu vẫn được duy trì tốt, nhất là với mặt hàng sầu riêng”, ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ. Đồng thời kiến nghị, các cơ quan chức năng cần phối hợp với địa phương, hiệp hội làm tốt công tác kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm khi thu hoạch. Song song với đó, quản lý tốt lực lượng thương lái, không để xảy ra hiện tượng tranh mua, tránh bán.

Việc cấp mã vùng trồng đúng, hiệu quả và quản lý tốt mã số vùng trồng cũng là hoạt động cấp thiết nhằm duy trì chất lượng rau quả Việt Nam. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh đàm phán xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam với nhiều thị trường khác nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu.

 

Theo nhandan.vn
Ý kiến bạn đọc
  • TP. HCM: Thiếu hụt nguồn cung nhà ở thương mại giá bình dân

    TP. HCM: Thiếu hụt nguồn cung nhà ở thương mại giá bình dân

    Cuối tháng 5, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Hiệp hội bất động sản (BĐS) TP. Hồ Chí Minh (HoREA) thông tin, trong những tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố không có dự án nhà ở xã hội nào được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc được cấp giấy phép xây dựng mới.

  • Thể chế đầy đủ thực tiễn vào nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai

    Thể chế đầy đủ thực tiễn vào nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai

    Sáng 18/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, chuyên gia tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến 63 tỉnh, thành phố về dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

  • Muôn vàn lựa chọn ‘tổ ấm trong mơ’ tại The Sola Park

    Muôn vàn lựa chọn ‘tổ ấm trong mơ’ tại The Sola Park

    Với diện tích linh hoạt từ 32 - 75m2 và thiết kế thông minh, các căn hộ ở dự án Imperia Smart City giai đoạn 2 The Sola Park mang đến đa dạng lựa chọn cho các gia đình, khởi đầu hành trình hạnh phúc tại đại đô thị thông minh phía tây Hà Nội.

Top