Gần 300 gốc đào bích của người dân tại thôn Phù Trì, xã Kim Hoa (huyện Mê Linh, TP. Hà Nội) bị kẻ gian chặt hạ cành, gây thiệt hại tiền tỷ, trong khi thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ không còn bao xa. Các cơ quan chức năng cần khẩn trương điều tra và xử lý nghiêm những đối tượng phá hoại này.
Người dân tại thôn Phù Trì cho biết, vào đêm 5/10 rạng sáng 6/10, kẻ gian đã đột nhập vào khu vực trồng đào Tết của nhiều hộ dân ở đây, phá hoại gần 300 gốc đào chuẩn bị bán Tết, gây thiệt hại ước tính gần tỉ đồng.
Hàng trăm gốc đào thế bị phá hoại
Bà Nguyễn Thị Tình (thôn Phù Trì, xã Kim Hoa), người bị thiệt hại nặng nhất trong vụ phá hoại vườn đào cho biết, an ninh ở đây rất đảm bảo, chưa bao giờ xảy ra sự việc như thế này bao giờ, vì vậy việc trông coi cũng không chặt chẽ.
"Có khoảng 30 hộ dân bị kẻ gian phá hoại vườn đào, chặt cành rồi bẻ toạc nhiều cây, làm hỏng thế đào, mất hết giá trị, chỉ có thể làm củi. Thế là bao nhiêu công sức của chúng tôi đổ xuống sông xuống bể" - bà Tình nói.
Vườn đào của gia đình anh Cường bị kẻ gian phá hoại
Gia đình nhà anh Nguyễn Mạnh Cường (thôn Phù Trì) cũng mất ăn mất ngủ nhiều ngày nay vì tiếc của. Anh cho biết: “Nhà tôi bị phá mất hơn 20 gốc, thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Cả nhà ai cũng xót xa mà không biết phải làm thế nào”.
Ông Hà Minh Lập, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hoa, cho biết: Ngay sau khi nhận được tin báo từ người dân về việc bị kẻ gian phá hoại gần 300 gốc đào Tết, Công an xã Kim Hoa đã khẩn trương thành lập tổ công tác đến làm việc với bà con và thống kê thiệt hại.
"Hiện tại, để đảm bảo việc xác minh và làm rõ vụ án được diễn ra nhanh chóng và hiệu quả, cơ quan chức năng đã tăng cường thêm lực lượng từ Phòng Cảnh sát hình sự Công an huyện Mê Linh cùng các đơn vị nghiệp vụ liên quan khẩn trương truy tìm kẻ gian phá hoại đào của người dân” - ông Lập nói.
Phần lớn các cây đào bị kẻ gian phá hoại là đào thế lâu năm, bị bẻ từ giữa thân cây đào làm mất đi dáng thế, hầu hết những cây đào thế này đã được đánh số và đã nhận tiền cọc của khách.
Các hộ dân bị kẻ gian chặt phá đào mong muốn lực lượng chức năng sớm tìm ra thủ phạm để xử lý nghiêm minh. Hàng trăm gốc đào bị chặt phá phải bỏ đi, có lẽ phải gây dựng lại từ đầu. Năm nay, nhiều hộ dân xác định bị thiệt hại nặng nề, gần như không còn đào để bán Tết như mọi năm nữa.
Các cơ quan chức năng cần điều tra và xử lý nghiêm các đối tượng phá hoại tài sản của nông dân.
Hành vi của những kẻ phá hoại này đã cấu thành tội "Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" theo quy định tại điều 178 BLHS 2015; được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tùy theo giá trị tài sản bị hủy hoại bao nhiêu thì đối tượng bị xử lý theo khung hình phạt từ 6 tháng đến 20 năm; cụ thể: Nếu giá trị tài sản từ 2 - dưới 50 triệu đồng thì người phạm tội bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu giá trị tài sản từ 50 đến dưới 200 triệu đồng thì người phạm tội bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Nếu giá trị tài sản từ 200 đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Nếu giá trị tài sản 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. |