Mỗi năm có hàng triệu con gia súc, gia cầm được nhập lậu vào Việt Nam. Điều này không chỉ khiến cho sản xuất trong nước gặp áp lực lớn mà còn mang theo nhiều hệ lụy, nhất là vấn đề dịch bệnh.
Nhiều hệ lụy
Hiện nay, tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, mỗi ngày có hàng vạn con gia cầm được nhập lậu vào Việt Nam. Theo cơ quan quản lý, đây là nguyên nhân dẫn đến các chủng virus cúm gia cầm và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm, sức khỏe người dân, gây bức xúc trong xã hội. Đồng thời, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư phát triển chăn nuôi trong nước.
Theo đó, việc nhập lậu các giống gà, vịt không rõ nguồn gốc dẫn đến sự xâm nhập các chủng virus cúm gia cầm thể độc lực cao và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác từ nước ngoài vào Việt Nam. Việc vận chuyển con giống gia cầm qua nhiều địa phương, nếu không bị bắt giữ, sẽ dẫn đến việc lây lan và trở thành những ổ dịch lớn rất khó kiểm soát.
Cơ quan Công an đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ nhập lậu con giống gia cầm.
Con giống nhập lậu không được kiểm dịch, không được tiêm phòng vắcxin, lại nhiễm sẵn nhiều mầm bệnh, khiến tỷ lệ chết rất cao. Rất nhiều con giống nhập về nuôi sau 1-3 tháng thì mắc bệnh và chết.
Sau khi bán con giống cho người tiêu dùng là họ phủi trách nhiệm, mặc người chăn nuôi, không “bảo hành” cho người chăn nuôi trong trường hợp con gà, con vịt bị mắc bệnh chết hoặc không đảm bảo chất lượng. Do đó, khi người chăn nuôi mua các con giống gia cầm này về, nếu xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ con giống chết rất cao, dẫn đến thiệt hại rất lớn về kinh tế.
Ông Nguyễn Văn S., chủ trang trại chăn nuôi quy mô hơn 8.000 con gà tại xã Thanh Bình (Chương Mỹ - Hà Nội), chia sẻ: “Tỷ lệ nuôi sống những con gà nhập lậu cho đến lúc xuất chuồng chỉ đạt khoảng 70%, thiệt hại rất lớn. Trong khi đó, nếu nuôi các giống gà của doanh nghiệp uy tín, tỷ lệ chết chỉ khoảng 5 - 7%. Chưa kể các chi phí đội lên, thì nuôi gà nhập lậu lỗ khá cao. Hiện tại, hầu hết các trang trại đều nói không với gà nhập lậu”.
Nỗi lo gà giống nhập lậu
Mới đây, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam trả lời báo chí về tình trạng buôn lậu gia cầm giống qua biên giới. Theo ông Trọng, tình trạng này diễn ra hàng chục năm nay, đặc biệt là biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, chủ yếu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và Hà Giang. Việc vận chuyển con giống nhập lậu theo rất nhiều cách, kể cả vận chuyển trứng sang Việt Nam để ấp.
Theo ông Trọng, khi giá con giống ở Việt Nam và Trung Quốc chênh lệch lớn thì người ta bất chấp mọi quy định, bất chấp ảnh hưởng đến sản xuất trong nước cũng như tình hình an ninh xã hội, an ninh kinh tế và cả an toàn dịch bệnh để vận chuyển lậu con giống gia cầm.
Hiện náy, thời điểm tháng 9, tháng 10, người chăn nuôi bắt đầu tái đàn để cung ứng gà thịt vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, gà giống bắt đầu bán chạy hàng. Lợi dụng thời cơ này, gà giống 3 không (không vaccine, không nguồn gốc, không kiểm dịch) nhập lậu ào ạt vào Việt Nam để tiêu thụ.
Theo số liệu từ Cục Thú y, từ đầu năm 2023 đến đầu năm 2024, tại 13 tỉnh có báo cáo đã phát hiện 131 vụ, bắt giữ 159.979 con gia súc, gia cầm, 43.912 quả trứng, 116.183 kg sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc được nhập vào Việt Nam.
Tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp. Mỗi ngày có hàng vạn con gia cầm được nhập lậu vào Việt Nam. Nóng nhất là tại tỉnh Quảng Ninh, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và bắt giữ nhiều chuyến vận chuyển trứng và con giống gia cầm, số lượng lên tới con số hàng vạn.
Cục Chăn nuôi cho biết, Việt Nam có nhu cầu giống gia cầm trên 1 tỷ con mỗi năm. Giống gia cầm nhập lậu chỉ cần bán bằng với giá trong nước đã cho lãi lớn. Chính vì vậy, nhiều đầu nậu đã bất chấp những hậu quả đưa con giống gia cầm nhập lậu vào trong nước tiêu thụ.
Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các chủng virus cúm gia cầm và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm, sức khỏe người dân, gây bức xúc trong xã hội. Đồng thời, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư phát triển chăn nuôi trong nước.
Để phòng tránh rủi ro trong quá trình sản xuất, kinh doanh, người chăn nuôi cần hết sức tỉnh táo khi lựa chọn con giống để tái đàn. Nói không với con giống không có nguồn gốc xuất xứ, không vì con giống giá rẻ mà lĩnh hậu quả khó lường.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến lưu ý, cùng với việc ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm, cần tập trung phát triển sản xuất con giống chất lượng cao, giảm giá thành, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở biên giới, phục vụ xuất nhập khẩu.
Quyết liệt chống buôn lậu gia súc, gia cầm
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024, sản xuất nông lâm thủy sản đã chịu nhiều tác động từ dịch bệnh, hạn hán và biến động thị trường. Riêng tháng 9, bão số 3 (Yagi) và mưa lớn kéo dài trên diện rộng ở miền Bắc đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản. Các địa phương hiện đang nỗ lực khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất và ổn định đời sống người dân.
Kết quả là 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21%. Trong đó, nông sản đóng góp 24,85 tỷ USD, tăng 27,7%; lâm sản 12,46 tỷ USD, tăng 20,3%; thủy sản 7,23 tỷ USD, tăng 9,5%; và chăn nuôi đạt 376 triệu USD, tăng 3,8%.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chúng ta buộc phải mở cửa thị trường, tạo điều kiện thúc đẩy chất lượng sản xuất và cập nhật các tiến bộ khoa học công nghệ. Ngành chăn nuôi trong nước có quy mô rất lớn. Nếu không duy trì phát triển ngành chăn nuôi, sẽ rất khó để đạt được mức tăng trưởng chung cho toàn ngành nông nghiệp. Do đó cần phải kiên quyết chống buôn lậu gia cầm ở phía Bắc và lợn ở phía Nam để bảo vệ quy mô và tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nước. Đảm bảo chất lượng sản phẩm nhập khẩu, duy trì hiệu quả sản xuất trong nước và thúc đẩy hội nhập quốc tế.
Thực tế, theo đại diện Cục Thú y cho biết, từ đầu năm 2023 đến đầu năm 2024, tại 13 tỉnh có báo cáo đã phát hiện 131 vụ, bắt giữ 159.979 con gia súc, gia cầm, 43.912 quả trứng, 116.183 kg sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc được nhập vào Việt Nam. Trong đó, tỉnh Lạng Sơn phát hiện 31 vụ với 101.800 con gia cầm giống, 4.000 gia cầm thịt, 8.532 kg/sản phẩm động vật; tỉnh Cao Bằng phát hiện 59 vụ với 39.000 gia cầm giống, 347 gia súc, 16.012 quả trứng giống, 31.351 kg/sản phẩm động vật; tỉnh Long An với 5 vụ, đã tiêu hủy 68 con heo, 26 con bò…
Để ngăn chặn tình trạng này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng địa phương phải tập trung phòng chống buôn lậu gia súc, gia cầm một cách thường xuyên liên tục. “Chi cục Thú y các địa phương phải là nòng cốt để phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông và quản lý thị trường kiểm soát vận chuyển, mua bán giống gia cầm nhập lậu. Đặc biệt, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành không thể đứng ngoài cuộc”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Trước đó, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng, nhất là Ban Chỉ đạo 389 Trung ương và địa phương phải vào cuộc kịp thời, quyết liệt để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển con giống từ nước ngoài vào Việt Nam. Đặc biệt, phải kiểm soát ngay từ khu vực biên giới. Kiểm soát chặt các chợ đầu mối, điểm trung chuyển để “chặt đứt” các điểm tập kết gia cầm giống quy mô lớn tỏa đi các tỉnh, thành. Cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức để thay đổi hành vi người chăn nuôi. Làm sao để người dân không tham rẻ, “tẩy chay” con giống gia cầm không rõ nguồn gốc, có như vậy mới bảo vệ được đàn gia cầm trong nước, bảo vệ được lợi ích cho người chăn nuôi và điều quan trọng là không cho dịch bệnh lây lan, phát triển.