Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 10 năm 2022 | 16:35

Cảnh giác trước dịch sốt xuất huyết sẽ gia tăng

Số ca mắc xuất huyết đang tiếp tục có dấu hiệu gia tăng tại nhiều địa phương. Các chuyên gia lo ngại, trong tháng 11 và 12 tới có thể sẽ là đỉnh dịch của sốt xuất huyết năm nay. Người dân cần chủ động các biện pháp phòng, chống dịch như diệt bọ gậy, lăng quăng, ngủ mắc màn… không để muỗi đốt.

Hà Nội có hơn 8.400 ca mắc sốt xuất huyết

Báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính đến ngày 23-10, toàn thành phố ghi nhận 8.481 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó đã có 12 ca tử vong, số ca mắc tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2021 (2.627 ca mắc, 0 ca tử vong).

Hà Nội đã có hơn 8.400 ca mắc sốt xuất huyết (ảnh minh họa)

Bệnh nhân phân bổ tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 530/579 xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tập trung tại một số quận, huyện vùng ven như: Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì.

Trong năm 2022, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng nhanh và tăng vượt mức trung bình giai đoạn 2019 - 2021.

Liên quan đến ổ dịch sốt xuất huyết, đến nay toàn thành phố ghi nhận 720 ổ dịch sốt xuất huyết, hiện tại còn 156 ổ dịch đang hoạt động.

Theo nhận định của CDC Hà Nội, trong năm 2022, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng nhanh và tăng vượt mức trung bình giai đoạn 2019-2021. Đến nay, toàn thành phố ghi nhận 720 ổ dịch, hiện tại còn 156 ổ dịch đang hoạt động.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội dự báo, đỉnh dịch sốt xuất huyết có thể rơi vào trung tuần tháng 11. Do đó, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm, cảnh báo, tư vấn điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh kịp thời. Đồng thời, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh sốt xuất huyết tại các cơ sở điều trị và tại cộng đồng để khoanh vùng, xử lý ổ dịch sớm nhất.

Theo Bác sĩ Nguyễn Minh Thái, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa), Phó chủ nhiệm chuyên khoa đầu ngành Truyền nhiễm Hà Nội, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết khoảng 80% là lành tính. Không phải bệnh nhân sốt xuất huyết nào cũng phải nhập viện. Với bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, trên những cơ địa đặc biệt như người béo phì hoặc có bệnh mạn tính sẽ được các bác sĩ chỉ định nhập viện điều trị kịp thời.

TP. Hồ Chí Minh có hơn 66 nghìn ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay

TP. HCM, tính từ đầu năm tới nay đã ghi nhận 66.699 ca bệnh. Chỉ trong tuần 42, TP. HCM ghi nhận gần 2.000 ca bệnh sốt xuất huyết. Dù số ca sốt xuất huyết đang có xu hướng giảm nhưng tính tới hiện nay, số ca mắc đã tăng gấp 7 lần, số ca nặng tăng 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021 và đã có 29 ca tử vong.

Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM (Ảnh: P.T)

Sở Y tế TP. HCM đã yêu cầu các cơ sở trên địa bàn Thành phố triển khai quy trình báo động đỏ đối với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue nặng, nguy kịch có nguy cơ tử vong để kịp thời cứu sống bệnh nhân.

Ngành y tế TP. HCM cũng đã thành lập Tổ chuyên gia điều trị sốt xuất huyết với 33 thành viên với nhiệm vụ hướng dẫn điều trị sốt xuất huyết; phân tích, rút kinh nghiệm từ các trường hợp nặng, tử vong; tham gia tập huấn, tư vấn từ xa, hội chẩn, xử trí bệnh nhân sốt xuất huyết nặng...

PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP. HCM cho biết, sốt xuất huyết dengue do 4 tuýp huyết thanh của virus dengue gây ra. Nhiễm virus dengue thứ phát có thể làm tăng nguy cơ sốt xuất huyết nghiêm trọng hơn.

"Nói một cách khác, những lần nhiễm virus về sau sẽ khiến người bệnh có thể diễn biến nặng hơn so với lần nhiễm trước đó. Tuy nhiên, việc sốt xuất huyết có diễn biến nặng hơn hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị có kịp thời và đúng phác đồ hay không.

Hơn hết, công tác phòng chống sốt xuất huyết cần thường xuyên, lâu dài và rất cần sự chung tay góp sức của người dân, cộng đồng và xã hội" – ông Trung nhấn mạnh.

Tại TP. HCM, Sở Y tế Thành phố vừa có văn bản khẩn gửi các cơ sở y tế trên địa bàn về việc triển khai quy trình báo động đỏ đối với bệnh nhân sốt xuất huyết. Cụ thể, khi người bệnh sốt xuất huyết nặng trong tình trạng nguy kịch, có nguy cơ đe dọa tính mạng, cơ sở y tế phải kích hoạt quy trình thực hiện báo động đỏ đối với người bệnh nội viện hoặc liên viện để kịp thời cấp cứu.

Quy trình báo động đỏ nội viện hoặc liên viện đối với bệnh nhân được kích hoạt khi có một trong các điều kiện, như người bệnh ngưng thở đột ngột, tim ngưng; người bệnh nặng có suy hô hấp, suy tuần hoàn, nhưng không thể tiếp cận đường thở, mạch máu; người bệnh nặng (sốc, suy tạng nặng) không đáp ứng điều trị hồi sức tích cực hoặc vượt khả năng điều trị, nhưng không thể chuyển viện an toàn.

Trường hợp người bệnh sốt xuất huyết nặng có xuất huyết nặng (thường gặp xuất huyết tiêu hóa ồ ạt) trong tình trạng nguy kịch không đáp ứng điều trị nội khoa, cần phải can thiệp cầm máu khẩn cấp, nhưng ngoài khả năng của bệnh viện và có nguy cơ tử vong nếu chuyển viện, tùy tình huống và năng lực điều trị của bệnh viện để kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện hoặc liên viện hoặc cả hai nhằm đảm bảo kịp thời cứu sống bệnh nhân.

Dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết cần nhập viện

Theo các bác sĩ, để chẩn đoán chính xác bệnh nhân sốt xuất huyết cũng như mức độ giảm tiểu cầu thì cần phải làm xét nghiệm máu. Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình từ 150-450 G/L. Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50 G/L, mức nghiêm trọng là 10-20 G/L.

PGS.TS. Đỗ Duy Cường khuyến cáo, nếu tiểu cầu giảm nhanh hoặc có biểu hiện xuất huyết chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, rong kinh-rong huyết (nữ giới), cũng như có hiện tượng cô đặc máu, như chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan, tụt huyết áp, men gan tăng cao… bệnh nhân cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, việc truyền tiểu cầu chỉ tiến hành khi nào xuống thấp dưới 5 G/L hoặc có biểu hiện chảy máu. Sau khi hết sốt vài ngày, tiểu cầu sẽ tăng trở lại bình thường.

PGS.TS. Đỗ Duy Cường cũng lưu ý, người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản để phát hiện sốt xuất huyết sớm. Nếu đúng sốt xuất huyết, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà, không nhất thiết phải nhập viện nếu không có chỉ định.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trong những ngày đầu có thể chăm sóc tại nhà, cặp nhiệt độ hoặc theo dõi các dấu hiệu toàn thân khác. Nếu đau mỏi người, sốt thì dùng hạ sốt, giảm đau, tránh dùng nhóm thuốc như aspirin, ibuprofen vì có thể gây chảy máu, không dùng kháng sinh, không tự ý truyền dịch như đạm, albumin, truyền máu hay dung dịch cao phân tử mà cần sự theo dõi, chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa.

Bệnh nhân cần uống nhiều nước, như nước hoa quả hoặc oresol, bù nước đầy đủ, ăn uống nghỉ ngơi. Sau ngày thứ 5 có thể sẽ hết sốt. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có biểu hiện thoát dịch hoặc cô đặc máu sẽ dẫn đến hiện tượng tụt huyết áp, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, tay chân lạnh, nôn, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, phụ nữ có thể rong kinh, rong huyết. Đấy là những dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện.

Dọn vệ sinh nhà và nơi ở sạch sẽ để muỗi vằn không có nơi sinh trưởng

Theo Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn, năm 2022 là năm chu kỳ bùng phát dịch sốt xuất huyết vì dịch thường bùng phát sau 3-5 năm (trước đó năm 2017 dịch bùng phát mạnh tại Hà Nội). Bên cạnh đó, tình hình thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, số lượng cơn bão có thể kéo dài trong tháng 10, 11, 12, lượng mưa lớn, do đó, bệnh sốt xuất huyết cũng sẽ kéo dài theo. Dịch bệnh có thể không chỉ đạt đỉnh dịch vào tháng 10 như mọi năm, mà có thể vào giữa tháng 10, tháng 11.

Diệt bọ gậy không cho muổi vằn phát triển để phòng chống bệnh sốt xuất huyết 

Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cũng cho biết, nếu chúng ta hiểu rõ về dịch bệnh sốt xuất huyết, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của cơ quan y tế, thì người dân hoàn toàn có thể phòng, chống được dịch. Theo đó, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Người dân loại trừ được bọ gậy, dụng cụ chứa nước không có bọ gậy, không có muỗi thì không có sốt xuất huyết. Nhưng hiện nay, một số hộ gia đình vẫn chưa chủ động dọn vệ sinh sạch sẽ, qua kiểm tra vẫn phát hiện dụng cụ chứa nước có bọ gậy...

Trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho rằng, để hạn chế dịch bệnh sốt xuất huyết cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các ban, ngành, đơn vị, người dân tham gia vào hoạt động chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, thực hiện loại trừ ổ bọ gậy. Đối với chủ gia đình có nhà cho thuê trọ cần hướng dẫn, quán triệt người đến thuê nhà, phòng trọ chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết...

Đặc biệt, ý thức của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình cần chủ động dọn vệ sinh làm sạch trong nhà mình, làm sạch cảnh quan môi trường xung quanh, nơi công cộng, đường làng ngõ xóm, không có dụng cụ chứa nước, không có ổ bọ gậy, không có muỗi, không có dịch bệnh sốt xuất huyết. Đơn giản, mỗi ngày, mỗi người chỉ cần bỏ ra 5 - 10 phút chủ động loại trừ ổ bọ gậy như tất cả dụng cụ trong nhà. Phế thải không dùng đến cần thu gom, tiêu hủy.

Theo thống kê, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 270.278 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 108 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (56.240/21) số mắc tăng 4,8 lần, số tử vong tăng 87 trường hợp. Riêng trong tuần 42, cả nước ghi nhận 9.677 trường hợp mắc sốt xuất huyết. So với tuần trước (11.260) số mắc giảm 14,1%.

Khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục ghi nhận ca mắc và tử vong do SXH ở mức cao. Khu vực miền Bắc đã ghi nhận sự gia tăng số mắc và đã có trường hợp tử vong. Dự báo trong thời gian tới, số mắc và tử vong tiếp tục diễn biến phức tạp và số mắc ở mức cao do cao điểm mùa dịch hàng năm từ nay đến 

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top