Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 10 tháng 7 năm 2023 | 15:35

Chăn nuôi bớt khó khăn, thị trường ngày càng khởi sắc

Thời gian tới, có thể giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo chiều hướng giảm dần. Điều này có lợi cho người chăn nuôi vì giá thành sản xuất sẽ giảm.

Hiện, giá lợn hơi xuất chuồng đang ở mức khá cao. (Ảnh minh họa)

Giá thức ăn giảm

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết, tính từ tháng 10/2020 đến ngày 21/5, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 40% và chưa một lần điều chỉnh giảm. Người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn bởi giá thành sản xuất tăng cao trong khi giá bán sản phẩm lại giảm và neo ở mức thấp.

Nay, giá thức ăn chăn nuôi giảm 400 đồng/kg (khoảng 3%), tuy không nhiều so với mức tăng trước đó. Nhưng, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới đang hạ nhiệt, giá cước vận chuyển về Việt Nam cũng giảm gần về mức cũ trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19. Thế nên, thời gian tới, có thể giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo chiều hướng giảm dần. Điều này có lợi cho người chăn nuôi vì giá thành sản xuất sẽ giảm.

“Nhưng còn về giá thịt gà, giá heo hơi hiện rất khó dự báo xu hướng sắp tới”, ông Đoán cho hay

Nhận xét về tình hình chăn nuôi trong 6 tháng qua, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết chăn nuôi gia súc, gia cầm nói chung gặp nhiều khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào (thức ăn chăn nuôi, các chi phí khác…) đã tăng trong thời gian dài và hiện đang ở mức cao nhưng giá xuất bán sản phẩm đầu ra không ổn định, lợi nhuận của người chăn nuôi bị giảm.

Trong quý 1, giá bán thịt lợn hơi ở mức thấp, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không thể bù lỗ nên đã phải dừng nuôi. Tuy nhiên sang đến quý 2, giá thịt lợn hơi đã tăng nhanh, hiện giá lợn hơi xuất chuồng đang ở mức khá cao 60-65 nghìn đồng/kg, chăn nuôi lợn đã đạt được lợi nhuận khá.

Khu vực doanh nghiệp và chuỗi liên kết sản xuất đang  có xu hướng mở rộng sản xuất khi giá sản phẩm đầu ra tăng. Tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 6/2023 tăng khoảng 2,5% so với cùng thời điểm năm 2022; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước đạt 2325,6 nghìn tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 6/2023 tăng khoảng 0,9% so với cùng thời điểm năm 2022; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước đạt 1041,8 nghìn tấn, tăng 4,8%; sản lượng trứng gia cầm 6 tháng đầu năm ước đạt 9,1 tỷ quả, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo ông Tống Xuân Chinh, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong tháng 6/2023 ước đạt 44 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2023 đạt 232 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 6/2023 ước đạt 303 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2023 đạt 1,67 tỷ USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 618 triệu USD, giảm 12,3%; giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 626 triệu USD, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành chăn nuôi vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu thức ăn nhập khẩu. Kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tháng 6/2023 ước đạt 560 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 8,2 triệu tấn thức ăn gia súc và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tiêu tốn 3,4 tỷ USD;  giảm 3,3% về khối lượng và 7,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Một số nguyên liệu nhập khẩu chính: đậu tương 1,31 triệu tấn (836 triệu USD); ngô hạt 3,3 triệu tấn (1,1 tỷ USD); khô dầu các loại 2,3 triệu tấn (1,1 tỷ USD); lúa mì và lúa mạch 978 nghìn tấn (321 triệu USD); cám các loại 285 nghìn tấn (70 triệu USD); gạo, tấm 237 nghìn tấn (79 triệu USD); thức ăn bổ sung 190 nghìn tấn (232 triệu USD)…

Trong nửa đầu năm, Việt Nam cũng xuất khẩu một lượng thức ăn chăn nuôi, đem về kim ngạch ước 500 triệu USD. Nhưng vậy, cân đối thương mại, toàn ngành chăn nuôi nhập siêu hơn 3,4 tỷ USD.

Những chuyển biến tích cực

Nhận định về tình hình chăn nuôi 6 tháng cuối năm, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng bức tranh ngành chăn nuôi đã có biến chuyển tích cực hơn, giá các sản phẩm đầu ra đã tăng trở lại. Cùng với đó, giá phần lớn các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như đậu tương, ngô, lúa mì… đều đã giảm nhiệt so với năm ngoái.

Ngành chăn nuôi đã có biến chuyển tích cực hơn, giá các sản phẩm đầu ra đã tăng trở lại.

“Tuy vậy, dịch bệnh vật nuôi vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao. Ngoài ra, kinh tế thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới thông qua 16 hiệp định thương mại tư do thế hệ mới đã ký, và 2 hiệp định còn đang trong giai đoạn đàm phán cũng sẽ tác động đến ngành chăn nuôi”, ông Dương Tất Thắng nói.

Trong đó khu vực CPTTP và EVFTA đều là những nước có không gian chăn nuôi lớn hơn Việt Nam, sẽ càng gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Cạnh tranh ngày càng lớn về giá, về chất lượng, đa dạng sản phẩm trước bối cảnh sản phẩm chăn nuôi của Mỹ và châu Âu như thịt gà, thịt lợn xuất vào thị trường Việt Nam.

Trong nửa cuối năm 2023, Cục Chăn nuôi sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án, trong đó có 5 đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045; chỉ đạo phát triển sản xuất, đồng bộ các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt trên lợn và gia cầm.

Cục sẽ tập trung nâng cao năng lực sản xuất và kiểm soát chất lượng con giống, tăng cường kiểm tra công tác quản lý chất lượng giống của các địa phương, cơ sở chăn nuôi giống lợn, gia cầm cấp cụ kỵ, ông bà. Tiếp tục rà soát hệ thống sản xuất giống vật nuôi, trên cơ sở Dịch vụ công và chuyển đổi số, ứng dụng công bố tiêu chuẩn áp dụng của các cơ sở giống trên hệ thống.

Bên cạnh đó, phối hợp với Cục Thú y và các đơn vị liên quan trong triển khai phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng và cúm gia cầm và lở mồm long móng.

Tăng cường các kênh theo dõi sát diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới, có biện pháp chỉ đạo kịp thời nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi trong bối cảnh giá vật tư đầu vào ở mức cao và đảm bảo về chất lượng thức ăn chăn nuôi.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu Cục Chăn nuôi phải bám sát 5 đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 gồm: Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Phát triển khoa học – công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi.

“Đây là những đề án được xây dựng rất công phu, khoa học, trên cơ sở của Chiến lược, là “rường cột” để thực hiện chiến lược về giống, công nghiệp giống, thức ăn, môi trường, thiết bị chăn nuôi, chế biến, khoa học công nghệ và cũng là những căn cứ pháp lý quan trọng, xuyên suốt trong một thời gian dài”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cạnh tranh “thịt ngoại”

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã chi gần 626 triệu USD (khoảng 14.700 tỉ đồng) để nhập khẩu thịt heo, thịt gà, thịt bò, thịt trâu... Thông tin được Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nêu trong báo cáo tại hội thảo phổ biến kiến thức chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tuần hoàn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường diễn ra ngày 10/7.

Cụ thể, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2023 đạt 232 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 65 triệu USD (tăng 10% so với cùng kỳ 2022) thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 68 triệu USD (tăng 39%).

Ở chiều ngược lại, 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã chi 1,67 tỉ USD (giảm 10%) để nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi.

Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 618 triệu USD (giảm 12%). Giá trị nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 626 triệu USD (giảm 4%).

Còn theo bản tin thị trường nông lâm thủy sản của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhập khẩu thịt những tháng đầu năm 2023 có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Đơn cử tháng 5-2023, Việt Nam nhập khẩu 57.000 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 109 triệu USD (tăng 10% về lượng, nhưng giảm 10% về trị giá so với cùng kỳ năm trước).

Đây là tháng thứ 4 liên tiếp lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Các chủng loại thịt và sản phẩm từ thịt nhập khẩu chủ yếu trong tháng 5-2023 gồm thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm, thịt trâu tươi đông lạnh. Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của heo, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh. Thịt heo và thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…

Trong đó, nhập khẩu thịt gia cầm, phụ phẩm ăn được sau giết mổ (của heo, trâu, bò sống) ướp lạnh hoặc đông lạnh có xu hướng tăng. Trong khi nhập khẩu thịt heo và thịt bò giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Với nhập khẩu thịt heo, trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 29.000 tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 74 triệu USD (giảm 20% về lượng và giảm 6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước).

Nga, Brazil, Đức, Hà Lan và Canada là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cả tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh cho Việt Nam.

Thực tế, ghi nhận trên thị trường các mặt hàng thịt nhập ngoại đang được rao bán tràn lan với giá khá rẻ.

Đơn cử, một website của Công ty xuất nhập khẩu H.N. (ở quận 12, TP.HCM) rao bán thịt bò Mỹ, Úc giá dao động 50.000 - 350.000 đồng/kg, tùy loại. Thịt trâu Ấn Độ 60.000 - 140.000 đồng/kg, tùy loại. Giá thịt heo nhập khẩu được rao bán 30.000 - 200.000 đồng/kg tùy loại.

Khai thác thị trường ngách khi linh động tổ chức việc giết mổ

Ông Nguyễn Thanh Phi Long, đại diện Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình, đơn vị đầu tư hệ thống trang trại chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Đồng Nai chuyên cung cấp đi thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận cho biết, hiện công suất giết mổ của DN giảm 40% so với trước dịch bệnh Covid-19 do thị trường tiêu thụ chậm. Sức mua chậm nhưng giá heo, gà vẫn tăng cao là do nguồn cung giảm mạnh. Ngay cả thời điểm giá heo, gà tăng ở mức người nuôi có lợi nhuận nhưng DN nói riêng và nhiều trang trại chăn nuôi đang tạm ngưng hoạt động chưa tính chuyện đầu tư lứa mới. Ngành chăn nuôi vẫn chưa thoát khỏi khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi và các chi phí khác vẫn cao. Trong khi đó, thị trường đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi biến động bất thường, rủi ro thua lỗ vẫn rất cao.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng bức tranh ngành chăn nuôi đã có biến chuyển tích cực hơn, giá các sản phẩm đầu ra đã tăng trở lại.

Các DN, cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai gặp khó khi giá heo, gà đầu vào tăng cao trong khi thị trường tiêu thụ vẫn chậm do người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu. Nhiều khách hàng hoạt động trong lĩnh vực bếp ăn công nghiệp và chế biến hiện đều giảm lượng đơn hàng. Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đến hết ngày 20/5/2023, có khoảng 509 nghìn lao động bị ảnh hưởng việc làm như mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương.

Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu (TT. Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu) chia sẻ, từ sau đại dịch Covid-19, công suất giết mổ của DN giảm hơn so với trước. Nguyên nhân chính vì người dân cắt giảm chi tiêu, một phần do xu hướng người tiêu dùng chuyển sang ăn chay, giảm tiêu dùng thịt. Trước khó khăn về đầu ra, DN đang đầu tư vào khâu chế biến sản phẩm từ thịt như: giò hoa ngũ thảo, chả lụa, lạp xưởng, xúc xích… Có lợi thế đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại, DN khai thác thị trường ngách khi linh động tổ chức việc giết mổ, pha lóc thịt, có đội xe cung cấp thịt cho khách hàng theo giờ. Nhiều khách hàng cần nguồn thịt nóng để làm chả giò DN vẫn đáp ứng được trong khi những tập đoàn lớn không có lợi thế này./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top