Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 11 tháng 12 năm 2023 | 19:9

Chợ nông sản lớn nhất thế giới “mê” nông sản Việt

Trung Quốc là thị trường duy nhất trong nhóm các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam tăng trưởng dương trong 11 tháng qua. Đặc biệt, trong 4 tháng liên tiếp gần đây, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào Trung Quốc – “chợ nông sản lớn nhất thế giới” liên tục tăng trưởng mạnh.

Sầu riêng được cấp mã số vùng trồng và mã số đóng gói xuất khẩu.

"Vua" sầu riêng Việt “mê” nhất thị trường Trung Quốc

Thông tin từ Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), trong tháng 10/2023 đã xuất bán 39.100 tấn chuối và 442 tấn sầu riêng…, chủ yếu qua thị trường Trung Quốc, mang về doanh thu 410 tỉ đồng. Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT Công ty HAGL, người có vườn sầu riêng lớn nhất Đông Nam Á, nhiều lần chia sẻ với báo chí và cổ đông rằng ông "mê" nhất thị trường Trung Quốc vì đây là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới ở cả 2 khía cạnh là dân số và khả năng chi trả. "Cái gì mà Trung Quốc đã chịu "ăn" thì chỉ sợ chúng ta không có sức để làm. Và phải làm thật tốt thì không lo không có đầu ra", người được mệnh danh là "vua" sầu riêng khẳng định.

Gần một năm trước, ngày 8/1/2023, Trung Quốc chính thức mở cửa sau gần 3 năm đóng cửa chống dịch. Một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất là rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Số liệu thống kê của hải quan cho thấy, tính từ đầu năm đến hết tháng 10, xuất khẩu rau quả vào Trung Quốc đạt 3,18 tỉ USD, tăng đến 164% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần của Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng từ 44% hồi năm 2022 lên 66% trong năm 2023. Trong khi thị trường Mỹ chỉ đạt 212 triệu USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước; tỷ trọng từ 8% xuống còn 4,4%.

Bên cạnh rau quả, điểm đến quan trọng của mặt hàng thủy sản Việt Nam hiện cũng dịch chuyển dần từ Mỹ sang Trung Quốc. Tính đến tháng 10, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Mỹ và Trung Quốc cùng đạt 1,3 tỉ USD; tuy nhiên mức sụt giảm của thị trường Mỹ đến 33% trong khi Trung Quốc chỉ giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 11, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành khách hàng lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ duy trì xu hướng nhập khẩu mạnh từ nay đến tháng 2.2024 để phục vụ mùa cao điểm tiêu thụ cuối năm và tết Nguyên đán.

Vẫn chưa khai thác hết tiềm năng

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) cho biết: Thương mại nói chung giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn nhiều tiềm năng mà cả 2 bên chưa khai thác hết. Đầu tiên, Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ rộng lớn với 1,4 tỉ dân. Đặc biệt, người dân có thu nhập cao và mức độ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ, hàng hóa chất lượng cao ngày càng lớn; kèm theo đó là thói quen tiêu dùng tương đồng với người Việt Nam. Đây là cơ hội và cả thách thức nếu doanh nghiệp (DN) Việt Nam muốn xâm nhập thị trường quan trọng này.

Theo ông Nguyên, lợi thế lớn nhất của Việt Nam không phải là có chung đường biên giới với Trung Quốc, mà là gần các chợ đầu mối của Trung Quốc nhất. Các tỉnh phía bắc của Việt Nam giáp với các tỉnh đông dân của nước này như: Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam… nơi tập trung các chợ đầu mối nông sản. Từ các chợ này, hàng hóa được lan tỏa đi khắp Trung Quốc. Chúng ta đưa hàng vào các chợ này chỉ mất 100 - 200 km trong khi các nước khác cũng có đường biên giới với Trung Quốc nhưng ở khoảng cách tới cả 1.000 km. Đến năm 2025, nếu toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam của Việt Nam đưa vào sử dụng thì hàng hóa của Việt Nam sẽ tăng tính cạnh tranh khi rút ngắn thời gian vận chuyển. Ngoài đường bộ, chúng ta còn có đường biển với Trung Quốc cũng gần nhất.

"So với các nước khác thì 2 nước vẫn chưa khai thác hết lợi thế. Cụ thể, Thái Lan đã có hơn 20 nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu nông sản, trong khi con số này của Việt Nam mới là 12. Ví dụ, với sầu riêng và dừa, Thái Lan được cấp nghị định thư cả trái tươi, đông lạnh và chế biến; trong khi sầu riêng Việt Nam mới có trái tươi và đang xem xét nghị định thư cho dừa tươi. Nếu được "mở thêm cửa" cho 2 loại này thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm ít nhất 1 - 1,5 tỉ USD. Ngoài ra, số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói của Việt Nam cũng ít hơn so với Thái Lan", ông Nguyên phân tích.

Xét về cơ hội và tiềm năng, thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều triển vọng tăng trưởng cho ngành hàng thủy sản.

Đồng quan điểm, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nêu quan điểm: Năm 2023 là một năm ngành thủy sản đối mặt với nhiều thách thức. Trong khi nhiều thị trường quan trọng sụt giảm mạnh thì Trung Quốc sụt giảm ít nhất. Vì thế, nước này đang trở thành thị trường quan trọng hàng đầu, đặc biệt sau khi kết thúc 11 tháng. Xét về cơ hội và tiềm năng, thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều triển vọng tăng trưởng. Đáng chú ý, Trung Quốc có tính đa dạng cao nên sẽ có nhiều cơ hội cho các sản phẩm như cá tra nhờ giá thành cạnh tranh. Ngoài ra nước này cũng có lượng khách hàng cao cấp nên phù hợp với những sản phẩm tôm chế biến sâu, vốn là thế mạnh của Việt Nam. Nhiều DN thủy sản cũng xác định Trung Quốc là thị trường quan trọng cần tập trung phát triển.

DN rau quả đang mong chờ những thông tin hợp tác mới

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, các doanh nghiệp rau quả đang mong chờ những thông tin hợp tác từ chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển tốt đẹp, giúp xuất khẩu nông sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng. Điển hình, năm ngoái Việt Nam chỉ xuất được khoảng 300 triệu USD sầu riêng nhưng từ khi Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch, xuất khẩu sầu riêng tăng kỷ lục và dự báo năm nay có thể đạt 2,3 tỷ USD. Điều này cũng giúp xuất khẩu rau quả Việt Nam sớm vượt mốc hơn 5 tỷ USD chỉ trong 11 tháng.

Theo ông Nguyên, xuất khẩu rau quả tăng trưởng ấn tượng là do Trung Quốc bãi bỏ chính sách Zero Covid giúp thời gian thông quan xuất nhập khẩu nhanh chóng hơn. Đặc biệt, thời gian qua, hàng loạt nông sản của Việt Nam được ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch vào thị trường 1,4 tỷ dân như sầu riêng, thanh long, nhãn, chôm chôm, chuối, khoai lang và yến sào...

Đại diện Vinafruit cho rằng, Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế để tiếp tục tăng mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc. Mỗi năm nước này chi hơn 15 tỷ USD để nhập khẩu rau quả từ các nước. Những nước hiện đứng đầu danh sách các quốc gia xuất khẩu nhiều vào Trung Quốc là Thái Lan, Chilê và Việt Nam.

“Trong 3 nước, Việt Nam có lợi thế nhất vì rất gần với Trung Quốc. Ngay cả các chợ đầu mối nông sản lớn của Trung Quốc đều nằm dọc biên giới Việt - Trung. Chỉ tính riêng trường hợp Trung Quốc cấp phép xuất khẩu cho sầu riêng đông lạnh của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ tăng thêm 30%”, ông Nguyên nói.

Theo ông Nguyên, hiện Trung Quốc đã mở cửa cho sầu riêng đông lạnh Thái Lan, giúp xuất khẩu sầu riêng Thái Lan vượt 4,4 tỷ USD. Cộng đồng doanh nghiệp rau quả đều rất hy vọng cơ hội này sẽ mở ra đối với sầu riêng Việt Nam sau chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc. Đặc biệt, nếu các mặt hàng khác như dừa tươi, bơ, bưởi,…được ký nghị định thư cũng sẽ giúp ngành rau quả có kim ngạch xuất khẩu tăng thêm ít nhất 1 tỷ USD.

DN nắm bắt cơ hội lớn 

Bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam cho biết, doanh nghiệp (DN) hiện xuất khẩu trên 30 mặt hàng rau quả sang hơn 20 quốc gia. Từ cuối năm ngoái, khi Trung Quốc cho phép sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch mang lại cơ hội lớn cho DN.

Mới đây nhất, một tập đoàn nông sản lớn của Trung Quốc đã chủ động liên hệ qua website của Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam để tìm kiếm và ký kết hợp đồng cung cấp sầu riêng. Đối tác là DN niêm yết trên sàn chứng khoán của Trung Quốc nên quy trình rất chặt chẽ. Họ quan tâm không chỉ sản phẩm, mã số vùng trồng, mà còn công tác quản trị DN, tình hình tài chính và tính tuân thủ pháp luật của DN cung cấp hàng hóa. Quá trình đàm phán hai bên rất kỹ. Đổi lại, cứ mỗi lô hàng, đối tác sẵn sàng thanh toán tiền đặt cọc trước 60% và cung cấp số lượng không giới hạn.

“Từ trước đến nay, DN Việt làm ăn với đối tác Trung Quốc chủ yếu theo hình thức tiểu ngạch nên chúng tôi cũng khá bất ngờ trước sự thay đổi này. Với xu hướng phát triển ngày càng chuyên nghiệp, thời gian tới, DN sẽ tập trung khai thác mạnh mẽ thị trường Trung Quốc”, bà Hồng cho hay.

Bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho hay 90% sầu riêng loại ngon của Việt Nam đã xuất khẩu qua Trung Quốc. Tuy nhiên, xét theo tổng lượng nhập khẩu của thị trường 1,4 tỷ dân, thị phần của sầu riêng Việt Nam tại Trung Quốc mới chỉ chiếm 5%, còn lại là hàng Thái Lan và Malaysia.

“Nhiều người Trung Quốc chưa được ăn sầu riêng, nhiều tỉnh ở Trung Quốc chưa có sầu riêng, đó là cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Thực tế, các đối tác của Chánh Thu tại Trung Quốc cũng yêu cầu rất nhiều nhưng công ty hiện mới chỉ cung cấp được khoảng 1/10”, bà Vy cho hay.

Theo bà Vy, thị trường sầu riêng của Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD trong thời gian tới. Các DN kỳ vọng việc hợp tác chặt chẽ giữa hai nước sẽ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình cấp thêm nhiều mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, tạo điều kiện cho nông sản Việt tiếp tục bùng nổ, chinh phục khách hàng ở “chợ nông sản lớn nhất thế giới”.

DN nên đến Trung Quốc để tìm hiểu thị trường

TS Trà My, Chủ tịch Hội DN Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cho biết, nhiều mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam được tiêu thụ tốt ở Trung Quốc như sầu riêng, hạt điều, cao su… Tuy nhiên, nông dân cũng cần bình tĩnh tìm hiểu và nắm bắt thông tin tốt hơn để tránh tình trạng như cây thanh long hiện nay rất khó tiêu thụ. Việc lao theo mở rộng diện tích vùng trồng sầu riêng sẽ mang lại nhiều hệ lụy không tốt.

Phân loại sản phẩm cà rốt phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Đối với DN Việt Nam, cần chủ động khảo sát thị trường này để hiểu rõ hơn về thị hiếu, nhu cầu, xu hướng tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần biết rõ các quy định xuất nhập khẩu của Trung Quốc để điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, bao bì… Hội DN Việt Nam tại Trung Quốc luôn sẵn lòng chung tay hỗ trợ để đưa hàng nông sản Việt vào thị trường Trung Quốc ở tất cả các khâu.

Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp Bộ Nông nghiệp và PTNT đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như: bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới… Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top