Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 - mùa cao điểm mua sắm trong năm. Thời điểm này, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã có phương án dự trữ hàng hóa, chuẩn bị sẵn nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp trước, trong Tết Nguyên đán.
Thu hoạch rau trồng theo phương pháp thủy canh tại Công ty cổ phần Đầu tư An Hòa (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm). (Ảnh: Nguyễn Quang)
Hà Nội: Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản dịp Tết
Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là thời điểm nhu cầu nông sản, thực phẩm tăng mạnh. Tuy nhiên, Hà Nội mới chủ động được một phần, nên ngành Nông nghiệp Thủ đô tập trung hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã của Hà Nội tăng cường phối hợp với nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã của các tỉnh, thành phố nhằm thúc đẩy liên kết tiêu thụ nông sản...
Trong những ngày này, tại Hà Nội, nông dân trồng rau vụ đông đang tích cực chăm sóc, thu hoạch; đồng thời gieo trồng các loại rau ngắn ngày gối vụ để cung cấp nguồn rau xanh cho thị trường dịp Tết Nguyên đán 2024.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh, với diện tích khoảng 250ha trồng các loại rau, mỗi ngày hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 100 tấn rau các loại. Ngoài ra, vào những ngày cận Tết, hợp tác xã còn liên kết sản xuất với các vùng rau lân cận để tăng sản lượng lên gấp 2 lần so với hiện nay.
Còn theo Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) Đào Quang Vinh, để chuẩn bị nguồn cung thịt lợn cuối năm, doanh nghiệp đã liên kết với các trang trại chăn nuôi lợn, gà, vịt trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận, nhằm ổn định nguồn cung thực phẩm cho thị trường khoảng 300-400 tấn thịt trong và sau Tết Nguyên đán 2024.
Đánh giá về tình hình cung ứng nông sản, thực phẩm cho thị trường dịp Tết, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, Hà Nội là địa phương tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất của cả nước, nhưng hiện các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của thành phố mới đáp ứng được từ 20% đến 70%. Lượng hàng hóa còn thiếu được kết nối, khai thác từ các tỉnh, thành phố bạn và nhập khẩu từ nước ngoài. Ước tính tổng giá trị nông sản phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn thành phố đạt khoảng 40.900 tỷ đồng (tăng 10% so với dịp Tết năm 2023).
Để bảo đảm hàng hóa cho thị trường dịp Tết, Hà Nội đã ký kết hợp tác với 43 tỉnh, thành phố phát triển hơn 946 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nông sản và đặc sản vùng miền của các tỉnh, thành phố với sự tham gia của 1.130 đầu mối, đáp ứng thường xuyên nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn. Trong đó, sản phẩm gạo từ một số tỉnh phía Bắc và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; rau, củ, quả từ Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng…; trái cây từ Hưng Yên, Hải Dương, các tỉnh phía Nam; thủy, hải sản từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An...
Trên thị trường Hà Nội có đa dạng các nguồn cung cấp hàng hóa thực phẩm nông, lâm sản và thủy sản, nên việc bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm là vấn đề hết sức quan trọng, được ngành Nông nghiệp Thủ đô đặc biệt quan tâm.
Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen (quận Thanh Xuân) Nguyễn Tiến Hưng cho rằng, cùng với việc hỗ trợ các hợp tác xã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bảo đảm số lượng, các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh giải pháp liên kết vùng trong cung cấp thực phẩm an toàn cho Hà Nội; có phương án giám sát, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm trên thị trường... để cung ứng nông sản an toàn đến tay người tiêu dùng Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Còn theo Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Visafo (huyện Đông Anh) Lại Đức Dũng, để giám sát chất lượng rau an toàn liên kết với các hộ dân trên địa bàn xã Vân Nội cung cấp cho thị trường dịp Tết, công ty sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất an toàn theo hướng VietGAP. Cùng với đó là cử cán bộ giám sát chất lượng rau an toàn từ sản xuất đến sơ chế, chế biến sản phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Chế biến thịt lợn tại Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín). (Ảnh: Vũ Sinh)
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024, ngành Nông nghiệp Hà Nội tập trung chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất theo kế hoạch năm và chú trọng phòng, chống dịch bệnh động vật. Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội cũng phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương Hà Nội trong việc theo dõi, bám sát tình hình cung - cầu, giá cả, thị trường hàng hóa trên địa bàn để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động.
Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội cũng sẽ thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan kiểm tra những cơ sở giết mổ động vật, cơ sở thu gom thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, khách sạn, siêu thị, trung tâm thương mại và các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm từ thịt. Cùng với đó, tăng cường giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ, tập trung vào các sản phẩm tiêu thụ lớn, có mối nguy cao, vào các dịp cao điểm; đồng thời lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn, vệ sinh thực phẩm theo quy định khi cần thiết, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật…
Hưng Yên: Làng nghề nhộn nhịp cuối năm
Dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, song, thời điểm cuối năm, người dân các làng nghề trong tỉnh tất bật vào vụ sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Từ làng nghề sản xuất đồ gỗ, đồ đồng đến các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, làng nghề trồng hoa, cây cảnh… đâu đâu cũng bắt gặp không khí sản xuất sôi động.
Sản xuất ô mai phục vụ thị trường dịp Tết tại xã Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên).
Từ nhiều năm nay, nghề mộc ở thôn Thụy Lân, xã Thanh Long (Yên Mỹ) không chỉ đem lại thu nhập ổn định cho các hộ gia đình làm nghề, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương mà còn nức tiếng xa gần với các sản phẩm mộc dân dụng. Từ sáng tới đêm, khắp các nhà xưởng tại Thụy Lân đều sáng đèn, vang tiếng máy cưa, máy xẻ, người lao động hăng say làm việc, hoàn thiện sản phẩm để trả hàng đúng hẹn cho khách.
Vào dịp cuối năm, sức mua của người dân tăng cao, mặt hàng mộc dân dụng được nhiều người ưa chuộng. Một số mặt hàng mộc thường được đặt theo nhu cầu của khách hàng. Thời gian hoàn thành sản phẩm mất vài tuần đến vài tháng nên không giống với mặt hàng khác, làng mộc Thụy Lân tất bật với những đơn hàng cuối năm từ khoảng tháng 6 âm lịch. Hiện nay, làng nghề mộc Thụy Lân có trên 100 hộ theo nghề, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động với mức thu nhập từ 12 đến 20 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, nhiều cơ sở thường xuyên không tuyển được người làm vì nghề mộc là công việc vất vả, để trở thành thợ lành nghề phải mất nhiều thời gian nên lao động trẻ thường ngại theo nghề và gắn bó lâu dài.
Có mặt tại cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ nội thất, đồ thờ của gia đình anh Nguyễn Quốc Phòng, thôn Thụy Lân, mặc dù đã gần trưa, không khí lao động tại xưởng vẫn tất bật, khẩn trương, một số khách quen từ các địa phương khác vẫn tranh thủ đến đặt hàng. Anh Phòng cho biết: Nghề mộc bận quanh năm, tuy nhiên bận nhất vào dịp cuối năm. Thường từ tháng 10 âm lịch trở đi, nhiều gia đình mua nội thất về nhà mới, trang trí nhà cửa nên lượng đơn hàng nhiều. Những tháng cuối năm, trung bình mỗi tháng, xưởng mộc của gia đình tôi sản xuất 200 - 300 sản phẩm, gấp 2 – 3 lần so với những tháng đầu năm.
Cũng giống như làng nghề mộc Thụy Lân, tại làng nghề đúc đồng Lộng Thượng, xã Đại Đồng (Văn Lâm) những ngày này, tiếng máy vang rền từ sáng đến tối. Hiện nay, làng nghề đúc đồng Lộng Thượng có khoảng 150 hộ sản xuất, kinh doanh, gia công đồ đồng. Các cơ sở tập trung sản xuất các mặt hàng phục vụ nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, như: Đồ thờ truyền thống, bộ tam, tứ, ngũ sự, đỉnh đồng, hạc đồng, tranh, tượng đồng... Mỗi năm, làng nghề cung cấp ra thị trường hàng nghìn bộ sản phẩm, trong đó, sản phẩm cung cấp ra thị trường 3 tháng cuối năm chiếm gần 2/3 tổng sản phẩm cả năm. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng chung của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các làng nghề nói chung, làng nghề đúc đồng Lộng Thượng nói riêng gặp không ít khó khăn do thị trường tiêu thụ giảm. Song với sự nhạy bén của người làm nghề, hiện nay, làng nghề vẫn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Ông Dương Văn Hồng, một trong những hộ gắn bó lâu năm với nghề đúc đồng ở thôn Lộng Thượng cho biết: Làng nghề đang bước vào vụ sản xuất nhộn nhịp nhất trong năm. Để đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, từ tháng 4 - 5 tôi đã nhập nguyên liệu và sản xuất liên tục. Tuy nhiên, sức tiêu thụ đến nay khá chậm, giảm 40 - 50% so với các năm trước. Hiện nay, mỗi tháng gia đình tôi sản xuất và bán ra khoảng 70 - 80 bộ đồ thờ cúng, tranh treo tường. Mong rằng, từ nay đến cuối năm, đơn hàng tăng để các hộ dân làng nghề có cái Tết đầy đủ, ấm no.
Những ngày cuối năm, các hộ dân làm nghề làm mứt, ô mai ở xã Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên) lại tất bật chế biến sản phẩm phục vụ thị trường. Ông Vũ Văn Quyến, chủ cơ sở sản xuất ô mai Quyến Lưu ở thôn Phương Thượng cho biết: Để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán năm nay, gia đình tôi sản xuất khoảng 10 tấn ô mai, bán với giá từ 150.000 đến 300.000 đồng/kg. Ngoài thị trường tiêu thụ chính là thành phố Hà Nội, năm nay, chúng tôi giới thiệu và bán sản phẩm trên một số sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.
Theo thông tin từ Chi cục Phát triển Nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT), toàn tỉnh hiện có 62 làng nghề, trong đó có 45 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận. Tổng số cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh trong làng nghề là trên 18.100 cơ sở, tạo việc làm cho trên 45.700 lao động; doanh thu năm 2023 của các cơ sở trong các làng nghề ước đạt trên 7.578 tỷ đồng. Thời điểm này được coi là vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Đến với các làng nghề dịp này, chứng kiến không khí lao động khẩn trương, các phương tiện vận chuyển hàng, xe chở khách đến giao dịch nhộn nhịp mới thấy hết được sự sôi động, phát triển của làng nghề truyền thống.
Hà Nam: Chủ động chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
Ngày 30/10/2023, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023, dịp Tết Giáp Thìn năm 2024. Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian tới, thị trường hàng hóa thế giới sẽ còn nhiều biến động do tác động của các vấn đề bất ổn chính trị đang tiếp tục gia tăng tại nhiều khu vực; giá các hàng hóa thiết yếu nhóm năng lượng có xu hướng tăng; giá lương thực ở mức cao; tỷ giá, lãi suất ở mức cao; lưu thông hàng hóa và thương mại gặp trở ngại do ảnh hưởng của bất ổn chính trị, phân chia khu vực...
Khách hàng tham quan, mua sắm tại cửa hàng Winmart+, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý. (Ảnh: Hân Hân)
Để bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2023, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, đồng thời làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2024 của Chính phủ, Bộ Công thương đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Tại Hà Nam, Sở Công thương đã đôn đốc, khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị phân phối xây dựng phương án dự trữ hàng hóa phục vụ Tết, trong đó tập trung vào những mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao như xăng dầu, lương thực, thực phẩm, nước giải khát, bánh kẹo, kiên quyết không để xảy ra tình trạng khan thiếu hàng hóa, mất cân đối cung - cầu trong mùa mua sắm cao điểm Tết.
Theo ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương, nhằm đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, nhất là Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Công thương xây dựng kế hoạch khảo sát, làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường Tết; khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp tập trung tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá, thực hiện chương trình kết nối cung - cầu; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất những mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Sở cũng phối hợp với các địa phương triển khai hoạt động xúc tiến thương mại; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua việc phát triển điểm bán hàng Việt tại các siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại.
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, ngay từ đầu quý IV/2023, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai phương án kết nối với các nguồn cung, đàm phán với nhà cung cấp để bảo đảm về mặt số lượng, giá cả, sẵn sàng tăng sản lượng trong những tình huống khẩn cấp dịp cận Tết khi sức mua tăng cao. Đơn cử như hệ thống cửa hàng Winmart+, cơ cấu các mặt hàng hiện nay đã có sự thay đổi rõ rệt so với những tháng trước. Tại các kệ hàng trong cửa hàng, Winmart+ đã tăng cường bày bán các sản phẩm phục vụ tiêu dùng dịp Tết như bún, phở khô; miến; bánh đa nem; dầu ăn; các loại gia vị; giấy ăn; bánh kẹo; bia; nước giải khát; các loại hạt khô… Để kích cầu tiêu dùng, thu hút khách hàng sử dụng trải nghiệm sản phẩm có nhu cầu cao dịp Tết, hệ thống cửa hàng Winmart+ đã và đang áp dụng hình thức khuyến mãi hấp dẫn như giảm giá trực tiếp từ 20-50%, hay “mua 1 tặng 1”…
Ông Cao Minh Dương, Quản lý hệ thống siêu thị Winmart+ tại Hà Nam cho biết: Để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, từ tháng 10, các cửa hàng của Winmart+ đã triển khai nhập hàng theo kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2024 với số lượng hàng hóa tăng 10-20% so với dịp Tết 2023 và tăng khoảng 50% so với ngày thường. Trong đó, Winmart+ chủ động phương án nhập hàng, bảo đảm không để xảy ra khan hiếm hay thiếu hàng đối với những sản phẩm tham gia bình ổn thị trường Tết như gạo, thực phẩm tươi sống, nước đóng chai các loại. Ngoài ra, dịp Tết năm nay, Winmart+ tăng cường bổ sung nhóm mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng dịp Tết như măng khô, miến, bún phở khô… Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hệ thống cửa hàng của Winmart+ ưu tiên bày bán các dòng sản phẩm thương hiệu Việt, sản phẩm OCOP của tỉnh và các địa phương trên cả nước.
Không chỉ các doanh nghiệp, đại lý lớn mà thời điểm này, các cửa hàng, tiểu thương kinh doanh hàng hóa thiết yếu ở các chợ truyền thống hay các hộ kinh doanh thời vụ Tết cũng đang tích cực nhập hàng, cân đối thu chi nhằm mang đến nguồn hàng phong phú, giá cả ổn định, cạnh tranh trong dịp mua sắm cuối năm 2023, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2024. Các đơn vị, hộ kinh doanh đặc biệt làm tốt việc kết nối, khai thác nguồn hàng hóa nông sản, các mặt hàng đặc sản, truyền thống của các tỉnh, thành trên cả nước để phục vụ nhu cầu thị trường; tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại, giảm giá, trợ giá hấp hẫn để kích cầu tiêu dùng, không để đứt hàng, khan hiếm hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao.
Chị Trịnh Thị Thảo, tổ 4, phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý cho hay: Dù làm công việc hành chính rất bận rộn nhưng năm nào tôi cũng tranh thủ mùa mua sắm cao điểm dịp Tết Nguyên đán để tham gia bán hàng, kiếm thêm thu nhập. Năm nay, từ đầu tháng 10, tôi đã thuê mặt bằng để làm kho chứa hàng và liên hệ với các đơn vị cung ứng để nhập bán các mặt hàng phục vụ Tết với số lượng lớn; trong đó, tôi tập trung bán những nông sản đặc sản vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, sản phẩm OCOP của các địa phương cũng như những mặt hàng có sức tiêu thụ lớn trong dịp Tết Nguyên đán như miến, măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, yến sào, rượu, nho khô, thịt khô các loại...
Được biết, cùng với việc đẩy mạnh theo dõi tình hình giá cả, cung – cầu thị trường, bảo đảm đáp ứng đa dạng các mặt hàng hóa dịp Tết, từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Công thương Hà Nam cũng sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán, góp phần bảo đảm để người dân được vui Xuân, đón Tết đầy đủ, an vui./.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.