Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 12 năm 2024 | 11:5

Chủ động phòng, chống hàng giả, kém chất lượng đối với vật tư nông nghiệp

Bên cạnh những tác hại khó lường về môi trường, sức khỏe, việc sử dụng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng còn gây ảnh hưởng lớn đến nhu cầu xuất khẩu của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

Nhiều hệ lụy

Thời gian qua, việc hàng loạt các công ty, doanh nghiệp bị xử phạt về sản xuất và kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả, không đạt chuẩn, đã khiến cho bà con nông dân hết sức lo lắng khi đã và đang sử dụng những sản phẩm vật tư nông nghiệp kém chất lượng.

Theo đó, trong sản xuất nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật thường được bà con sử dụng phòng trừ sâu bệnh, dịch hại. Tuy nhiên, khi lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đặc biệt các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ tác động không nhỏ tới môi trường và sức khoẻ con người.

Đặc biệt, phân bón giả gây ra hệ lụy rất lớn cho người nông dân, nếu dùng phân bón giả hàm lượng dinh dưỡng không đạt thì năng suất xuống, gây hại đất, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước, công sức của người nông dân cả vụ mất hết.

Các ngành chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật

Cụ thể, theo Tổng cục QLTT, mỗi năm cả nước phát hiện, xử lý hàng nghìn vụ phân bón giả, kém chất lượng. Người nông dân rất khó phân biệt được phân bón giả, kém chất lượng khi căn cứ bao bì, nhãn mác vì chỉ nhìn cảm quan thì phân bón giả, kém chất lượng cũng có đầy đủ logo thương hiệu, hàm lượng các chất. Chỉ khi sử dụng phân bón sau vài tháng, đánh giá hiệu quả sử dụng, người dân mới có thể biết hàng giả, hàng thật. Nếu dùng phải phân bón giả, hàm lượng dinh dưỡng không đạt tiêu chuẩn thì năng suất rất thấp, vừa gây hại đất, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước, người nông dân vừa thua lỗ nặng. Với những hộ trồng cây ăn trái, thì thiệt hại về đất, cây trồng có thể sau vài năm mới phát hiện và phục hồi được.

Là tỉnh thuần nông, hằng năm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có trên 330.300ha đất trồng lúa và khoảng 39.000ha đất trồng hoa màu. Để nông sản đạt năng suất, chất lượng thì vật tư nông nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng và quyết định. Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng các loại vật tư nông nghiệp của người dân, các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tỉnh nhập hàng trong và ngoài nước về để cung ứng cho người dân.

Hiện, Sóc Trăng có khoảng 850 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Bên cạnh các cơ sở kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh thì vẫn còn không ít trường hợp trong quá trình hoạt động buôn bán không tuân thủ quy định của pháp luật. Thời gian qua, mặc dù cơ quan quản lý nhà nước đã tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp, tuy nhiên thị trường này vẫn còn những hạn chế vì nguồn cung dồi dào; vì lợi nhuận, nhiều cơ sở kinh doanh chọn nhập hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng với giá rẻ để bán cho người tiêu dùng. 

Do vậy, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tham mưu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức hai cuộc thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất về lĩnh vực phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh. Kết quả, trong quý I /2024, đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 64 tổ chức, cá nhân kinh doanh, phát hiện 18 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt với số tiền 100 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh phân bón không có quyết định được phép lưu hành tại Việt Nam; kinh doanh sản phẩm, hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định về kích thước chữ và số theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; buôn bán thuốc BVTV không có tên trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. 

An Giang mạnh tay trong công tác phòng chống hàng giả lĩnh vực nông nghiệp

An Giang là tỉnh biên giới, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thường xuyên tăng cường quản lý, chủ động kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng này.

2 năm qua (2022 - 2024), Sở NN& PTNT thực hiện 76 cuộc thanh, kiểm tra 773 tổ chức, cá nhân về chấp hành quy định của pháp luật sản xuất - kinh doanh (SXKD) vật tư nông nghiệp; an toàn thực phẩm; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; quầy, sạp kinh doanh sản phẩm động vật; phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm; cơ sở kinh doanh thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi; khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; kiểm lâm…

Kết quả, phát hiện và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 187 cá nhân, tổ chức vi phạm, tổng số tiền phạt trên 3,6 tỷ đồng, giá trị hàng hóa vi phạm gần 7 tỷ đồng. Nội dung vi phạm chủ yếu: Kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; phân bón không có quyết định lưu hành; phân bón giả giá trị sử dụng, công dụng; phân bón, sản phẩm xử lý môi trường có nhãn ghi thông tin không đúng bản chất sự thật hàng hóa; sản xuất thực phẩm nhiễm chất kháng sinh cấm; khai thác rừng trái pháp luật... Tang vật tịch thu (do vắng chủ) 20,3m3 gỗ các loại, tổng giá trị 41,5 triệu đồng.

Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Trần Thanh Hiệp, ngành còn tăng cường phối hợp thanh, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành; nắm bắt thông tin từ dư luận xã hội, báo chí, chú trọng thông tin liên quan đến chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm. Qua đó chủ trì, phối hợp ngành chức năng thanh, kiểm tra kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả. Sở NN& PTNT công bố 6 số điện thoại đường dây nóng, 6 hộp thư điện tử của lãnh đạo đơn vị phụ trách, nhằm tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật để các tổ chức, cá nhân nâng cao ý thức, chấp hành tốt quy định của pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp. Lực lượng chức năng tuyên truyền sâu rộng về mặt hàng, tuyến trọng điểm; phương thức, thủ đoạn phức tạp mới mà các đối tượng thường sử dụng để buôn lậu, gian lận thương mại. Qua đó, vận động Nhân dân đề cao cảnh giác, tích cực tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan lĩnh vực nông nghiệp; kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật để cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, một số người tiêu dùng chưa nhận thức tác hại của việc mua, sử dụng hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng nhái, cũng vì tâm lý ham rẻ. Việc hợp thức hóa bằng hóa đơn bán hàng không đúng thực tế diễn ra thường xuyên; giá trị hàng hóa thường rất thấp so với giá trị thực tế. Việc lưu giữ tang vật vi phạm hành chính còn nhiều bất cập, do không có kho chuyên dụng.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết hợp xử phạt nặng

Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, hiện nay nạn phân bón giả, thuốc BVTV kém chất lượng đã len lỏi khắp các tỉnh, thành phố, khiến nông dân rất lo lắng, hoang mang bởi việc sử dụng các loại sản phẩm chất lượng kém không chỉ gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế, sức khỏe của nhiều người. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự thiếu thông tin của người dân, sự hám lợi của các đại lý, đưa các loại phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng vào từng thôn, bản. Việc làm này không chỉ gây thiệt hại cho người nông dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp sản xuất chân chính.  

Ðể chủ động xử lý các hành vi, vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, góp phần bảo vệ lợi ích người nông dân, các ban, ngành liên quan cần chủ động theo dõi, đánh giá đúng tình hình hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên từng địa bàn. Cùng với đó, tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với những doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV có dấu hiệu vi phạm, từng có vi phạm hoặc có thông tin, tài liệu về hoạt động vi phạm để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm... 

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn nông dân cách phân biệt phân bón, thuốc BVTV là hàng giả, hàng kém chất lượng... đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tự nguyện, tự giác thực hiện đầy đủ quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh; chủ động công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa và niêm yết công khai danh mục, giá bán từng loại sản phẩm mà người nông dân cần được nâng cao nhận thức để sử dụng có trách nhiệm các loại vật tư nông nghiệp.

Ở góc độ quản lý, theo các chuyên gia cho răng, thời gian tới  ngành chức năng cần tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật đến các cơ sở kinh doanh và người dân biết, tránh trường hợp mua bán, sử dụng sản phẩm kém chất lượng, không đúng quy định, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Người dân cần chọn cơ sở kinh doanh và sản phẩm của công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có uy tín để sử dụng… Đồng thời, tăng cường công tác quản lý địa bàn; công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra, kiểm tra đột xuất, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi của người dân.

Được biết, trước tình trạng phân bón thật giả lẫn lộn Sở NN& PTNT tỉnh AN Giang đề xuất các cơ quan chức năng cần quyết liệt, tăng cường phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức người tiêu dùng; phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nắm tình hình, phát hiện, kiểm tra và xử lý, chú trọng địa bàn trọng điểm dễ phát sinh buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ. Đồng thời, kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, giả mạo xuất xứ trong hoạt động thương mại điện tử.

Thời gian tới, ngành chuyên môn tiếp tục thanh, kiểm tra hoạt động SXKD lĩnh vực an toàn thực phẩm; SXKD lĩnh vực vật tư nông nghiệp; SXKD sử dụng thuốc, hóa chất, thức ăn dùng trong chăn nuôi và thủy sản; kiểm tra đột xuất việc thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân SXKD thực phẩm, vật tư nông nghiệp khi có đơn thư kiến nghị, phản ánh hoặc dư luận xã hội.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ nongnghiep.vn, baoangiang, thiennhienmoitruong...)
Ý kiến bạn đọc
Top