Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những nơi có nhiều tiềm năng và lợi thế rất lớn trong nuôi cá sấu. Riêng tỉnh Đồng Tháp phong trào nuôi cá sấu phát triển tốt. Để xuất khẩu cá sấu chính ngạch vào Trung Quốc được thuận lợi, Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp.
Xuất khẩu gặp khó
Nghề nuôi cá sấu ở Việt Nam phát triển hàng chục năm qua, các sản phẩm như thịt, da... có giá trị rất cao. Cá sấu rất dễ nuôi, người nuôi có thể tận dụng các sản phẩm động vật có thể bỏ đi để nuôi cá sấu. Hiện tại trên cả nước có 278 cơ sở nuôi cá sấu với 674.000 cá thể. Trong đó, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành và phát triển phong trào nuôi cá sấu. Thực tế đã có nhiều hộ "đổi đời" nhờ mô hình này. Song, hiện nay nhiều người nuôi cá sấu ở khu vực này đang lại lao đao như thời gian gần đây.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, trước năm 2019, nghề nuôi cá sấu ở Đồng Tháp rất phát triển nhưng sau đó thị trường bị thu hẹp. Đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 36 cơ sở nuôi. Số cá thể cũng giảm dần qua từng năm. Rất cần có thị trường ổn định để nghề nuôi cá sấu phát triển…
Việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho cá sấu sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành hàng này ở Việt Nam phát triển nhanh và bền vững hơn.
Không chỉ ở Đồng Tháp, người nuôi cá sấu ở nhiều địa phương khác tại ĐBSCL cũng đang gặp hoàn cảnh tương tự. Huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu từng được mệnh danh là "thủ phủ" của nghề nuôi cá sấu, bởi có hàng ngàn hộ tham gia. Nhưng giờ đây, con số này đã giảm hẳn trong khi lượng cá sấu thương phẩm "ứ đọng" nhiều nhất tỉnh Bạc Liêu.
Ông Trương Thanh Mai, Giám đốc Công ty Crocodile Phương Tín, Bạc Liêu cho hay, từ sau đại dịch đến nay giá giảm rất mạnh chỉ còn 1/3 so với trước. Người nuôi thì bỏ ao, bỏ nghề. Doanh nghiệp thì phải gồng mình chịu đựng cho đến năm nay.
Ông Phạm Văn Mười, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua tình hình nuôi cá sấu ở tỉnh Bạc Liêu có phần chậm lại do xuất khẩu khó khăn. Đời sống của bà con nuôi cá sấu khá bấp bênh. Để gây dựng một đàn cá sấu hàng ngàn con cần phải mất nhiều năm. Dù rớt giá và chi phí thức ăn tăng cao nhưng không ít hộ nuôi ở ĐBSCL vẫn cố gắng cầm cự. Thứ nhất là để giữ giống, thứ hai là để bảo tồn nguồn gen chờ tình hình khả quan hơn.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính cá sấu sống của Việt Nam, còn lại xuất đi các nước Nhật Bản, Thái Lan, Singapore và một số nước thuộc EU. Năng lực xuất khẩu của các trại được cấp Giấy phép Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) tại khu vực Nam bộ là hơn 114.000 cá sấu sống. Tuy nhiên, mới chỉ xuất được khoảng 32.800 con do Hải quan Trung Quốc không cho nhập cá sấu sống từ ngày 21/11/2019, kể cả đã được cấp CITES.
Việc xây dựng, đàm phán, thống nhất và ký được các Nghị định thư về xuất khẩu cá sấu nuôi từ Việt Nam sang Trung Quốc là nỗ lực rất lớn trong thời gian dài của các cơ quan Việt Nam và Trung Quốc. Do đó, việc xuất khẩu cá sấu sang thị trường Trung Quốc sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, người chăn nuôi của Việt Nam phát triển, ổn định đầu ra cho sản phẩm, mang lại lợi ích kinh tế cao…
Đồng Tháp có 36 cơ sở, hộ gia đình nuôi cá sấu với tổng đàn khoảng 190.000 cá thể. Trong đó, Doanh nghiệp tư nhân Mỹ Hiệp (huyện Cao Lãnh) được cấp Giấy chứng nhận trại nuôi sinh sản cá sấu nước ngọt vì mục đích thương mại và xuất khẩu, với tổng đàn trên 177.000 cá thể. Đối với 35 hộ còn lại chủ yếu nuôi thuần dưỡng con non, xuất bán cho các hộ khác tiếp tục gây nuôi thương phẩm, không nuôi sinh sản. |
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo đơn vị chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ địa phương, các doanh nghiệp, hộ nuôi cá sấu thủ tục, tổ chức xét nghiệm các loại dịch bệnh theo yêu cầu xuất khẩu cá sấu sang Trung Quốc theo quy định của Nghị định thư. Đồng thời, tổ chức xây dựng hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc cá sấu và dịch bệnh trên cá sấu. Điều này giúp hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu sản phẩm phát triển giúp bảo vệ thương hiệu, nâng tầm giá trị doanh nghiệp…
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng có công văn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các huyện, thành phố Cà Mau phối hợp chặt chẽ với Cục Thú y và các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT trong quá trình tổ chức thực hiện; chủ động chỉ đạo, hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở nuôi cá sấu tuân thủ quy định pháp luật về chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh và các quy định khác có liên quan. Đồng thời, xây dựng hệ thống quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu nuôi; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý nuôi phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.
Triển khai nhiều giải pháp
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT có Công văn gửi các cơ quan chuyên môn của địa phương và các doanh nghiệp có hoạt động nuôi cá sấu tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ các nội dung của Nghị định thư và các quy định của Việt Nam để có kế hoạch cụ thể, tổ chức sản xuất, phát triển bền vững, có trách nhiệm ngành nuôi cá sấu và đặc biệt được chấp thuận xuất khẩu cá sấu sang Trung Quốc.
Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương triển khai các giải pháp để cho ra sản phẩm đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu của phía Trung Quốc.
Đối với công tác quản lý nuôi cá sấu, tổ chức xây dựng, trình cấp có thẩm quyền của địa phương phê duyệt, thực hiện quy hoạch nuôi cá sấu, bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về nuôi cá sấu, phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và không gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân tại vùng nuôi cá sấu. Rà soát, đánh giá thực trạng các cơ sở nuôi cá sấu hiện có tại địa phương, bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; lập danh sách các cơ sở đáp ứng yêu cầu gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT để hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh trên cá sấu, chỉ đạo, hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở nuôi cá sấu tuân thủ đầy đủ các quy trình, biện pháp vệ sinh thú y và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cá sấu, đảm bảo không để phát sinh dịch bệnh trên đàn cá sấu nuôi, đặc biệt là đối với các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có ảnh hưởng đến thương mại theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH), yêu cầu của Trung Quốc và hướng dẫn của Cục Thú y.
Xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí, nguồn lực triển khai giám sát để chứng minh trong vùng nuôi cá sấu, cơ sở nuôi cá sấu không có các loại dịch bệnh theo yêu cầu tại Nghị định thư. Phòng, chống nhập lậu, vận chuyển trái phép, hợp thức hóa nguồn gốc cá sấu từ nước ngoài vào Việt Nam; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý nuôi cá sấu, phòng, chống dịch bệnh, giám sát dịch bệnh trên cá sấu, quản lý thông tin, dữ liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đối với doanh nghiệp, người nuôi và xuất khẩu cá sấu, tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ các nội dung của Nghị định thư và các quy định của Việt Nam để có kế hoạch cụ thể, tổ chức sản xuất, phát triển bền vững, có trách nghiệm ngành nuôi cá sấu và thực hiện đầy đủ các quy định, yêu cầu tại Nghị định thư để được chấp thuận xuất khẩu cá sấu sang Trung Quốc. Chủ động rà soát, đầu tư nâng cấp các điều kiện của cơ sở nuôi, cơ sở cách ly, quản lý, vận chuyển,...bảo đảm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường và không gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân tại vùng nuôi cá sấu.
Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Trung ương, địa phương tổ chức triển khai giám sát để chứng minh tại cơ sở nuôi, cơ sở cách ly cá sấu không có các loại dịch bệnh theo yêu cầu tại Nghị định thư. Áp dụng các biện pháp quản lý, theo dõi hàng ngày, kiểm tra lâm sàng từng cá thể và lấy mẫu xét nghiệm để chứng minh cá sấu khỏe mạnh, không có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm và không dương tính với các loại dịch bệnh theo yêu cầu tại Nghị định thư. Xây dựng hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu, tài liệu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc cá sấu và dịch bệnh trên cá sấu. Có văn bản gửi Cục Thú y đề nghị hướng dẫn, hỗ trợ các thủ tục xuất khẩu cá sấu Trung Quốc. Chuẩn bị hồ sơ, thông tin, dữ liệu để đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu theo yêu cầu của Trung Quốc và hướng dẫn của Cục Thú y.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những nơi có nhiều tiềm năng và lợi thế rất lớn trong nuôi cá sấu. Riêng tỉnh Đồng Tháp thì phong trào nuôi cá sấu phát triển tốt. Để việc chăn nuôi khỉ và cá sấu phát triển bền vững, Thứ trưởng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương tập trung tháo gỡ khó khăn cho địa phương và doanh nghiệp chăn nuôi khỉ và cá sấu. Kiểm tra, lựa chọn cá thể có nguồn giống tốt nhằm nâng cao giá trị vật nuôi.
Bên cạnh đó, tập trung ban hành văn bản pháp luật sát với thực tiễn cho ngành nuôi khỉ và cá sấu; thực hiện việc chăn nuôi khỉ và cá sấu theo hướng đa dạng sinh học, truy xuất nguồn gốc nhằm đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu. Các doanh nghiệp chăn nuôi phải chủ động liên hệ các đối tác để mở rộng hướng xuất khẩu khỉ và cá sấu. Các tỉnh khu vực ĐBSCL cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung phát triển ngành chăn nuôi khỉ và cá sấu…
Tổng hợp từ nguồn: Baodongthap.vn; Camau.gov.vn; VTV.vn
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.