Cùng với lô hàng đầu tiên được xuất khẩu thành công sang thị trường Trung Quốc, ngành sản xuất, chế biến yến sắp đón thêm nhà máy mới đi vào vận hành, đón cơ hội xuất khẩu dồn dập ngay trong năm 2024.
Chuẩn hóa nuôi và chế biến tổ yến đáp ứng thị trường.
Tiếp cận thị trường có sức mua cao nhất
Cuối tuần qua, lô sản phẩm tổ yến đầu tiên của Việt Nam, do Công ty cổ phần Dinh dưỡng Avanest Việt Nam sản xuất đã được xuất khẩu thành công sang thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư ký vào cuối năm 2022.
Lô hàng xuất khẩu chỉ ít ngày sau khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận cho Avanest và một doanh nghiệp khác của Việt Nam là Công ty cổ phần Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa được xuất khẩu các sản phẩm tổ yến sang thị trường này.
Trong đó, Avanest Việt Nam được xuất khẩu 2 loại sản phẩm mà Công ty đăng ký là tổ yến sạch và yến hũ chưng sẵn, còn Sanvinest Khánh Hòa nhận giấy phép đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm yến sào Sanvinest Khánh Hòa nguyên chất.
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Nông nghiệp và PTNT), việc Trung Quốc chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm tổ yến từ Việt Nam tạo ra nhiều cơ hội cho ngành chăn nuôi chim yến và sản xuất, chế biến tổ yến của Việt Nam.
Cả nước hiện có 42/63 tỉnh, thành phố có nuôi chim yến với trên 22.000 nhà yến, sản lượng tổ yến khoảng 150 tấn, giá trị trên 600 triệu USD. Nếu hoạt động đầu tư của doanh nghiệp tiếp tục gia tăng, ký kết được nhiều hợp đồng mới, khả năng tiến tới doanh thu tỷ USD từ xuất khẩu mặt hàng này không quá xa.
Ngay sau lô hàng đầu tiên của Avanest, theo kế hoạch, ngày 24/11 tới, Công ty cổ phần Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa tiếp tục xuất khẩu sản phẩm yến sào Sanvinest Khánh Hòa nguyên chất sang thị trường tỷ dân này.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sản phẩm tổ yến lớn nhất thế giới, với nhu cầu hơn 300 tấn/năm, chiếm khoảng 80% thị phần toàn cầu. Với nhu cầu lớn như vậy, hàng năm Trung Quốc nhập khẩu lượng lớn yến sào từ các nước khác.
Nhập khẩu tổ yến chính ngạch vào Trung Quốc năm 2020 là 220 tấn, năm 2021 khoảng hơn 300 tấn và năm 2022 là 452 tấn. Trung Quốc nhập khẩu yến sào từ nhiều quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và nay có thêm Việt Nam.
“Trung Quốc là thị trường vô cùng tiềm năng cho tổ yến Việt Nam, xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ tạo cơ hội cho ngành nuôi yến phát triển theo chuỗi giá trị để mang về giá trị gia tăng tốt nhất”, ông Lê Thành Đại, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam khẳng định.
Đầu tư tăng năng lực
Ngành yến Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao, đặc biệt là sau khi Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc được ký kết.
Dư địa còn rất lớn, nhưng điều quan trọng là các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy trong việc nuôi, khai thác tổ yến để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm từ thị trường nhập khẩu.
Ngành yến của Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao.
Để chuẩn bị tốt cho công tác xuất khẩu yến sào nguyên chất trong thời gian tới, Công ty cổ phần Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa đã đầu tư xây dựng chuỗi nhà yến theo đúng quy chuẩn, chất lượng cao với 305 nhà yến đạt sản lượng khoảng 30 tấn mỗi năm; thực hiện chuỗi liên kết sản phẩm, xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc yến sào hướng đến phục vụ xuất khẩu.
Doanh nghiệp còn đầu tư xây dựng thêm 2 nhà máy là Nhà máy Chế biến nguyên liệu yến sào Sanvinest Khánh Hòa và Nhà máy Nước giải khát cao cấp yến sào Khánh Hòa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Công ty chuẩn bị đưa vào hoạt động Nhà máy Chế biến nguyên liệu yến sào Sanvinest Khánh Hòa (Cụm công nghiệp Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh), từ đó nâng cao năng lực chế biến, mở rộng xuất khẩu.
Cùng với đó, để chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho chế biến sâu, Công ty cổ phần Dinh dưỡng Avanest Việt Nam còn ký biên bản ghi nhớ với 5 hiệp hội nuôi yến của Bình Định, Quảng Ngãi, An Giang, huyện Chư Sê (Gia Lai), Hội Yến sào Quảng Đà.
Trung Quốc đã mở cửa thị trường cho tổ yến của Việt Nam, nhưng cũng đặt ra nhiều tiêu chuẩn với mặt hàng này trong cả chuỗi giá trị sản xuất. Đó là lý do, Nghị định thư yêu cầu tới 16 điều, bao gồm các quy định liên quan đến an toàn dịch; an toàn thực phẩm (giám sát sản phẩm tổ yến theo các tiêu chuẩn của Việt Nam và Trung Quốc); xây dựng và vận hành có hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm (đảm bảo các sản phẩm tổ yến có thể truy xuất được tới các nhà nuôi chim yến); hoàn tất quy trình đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu; các yêu cầu khác về quy trình sản xuất, bao bì, nhãn mác.
Từ thực tế ký kết các nghị định thư cho nông sản xuất khẩu gần đây, đặc biệt với sầu riêng và chuối được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, ngành yến kỳ vọng sẽ có sự bứt phá trong việc khai thác thị trường, tăng tốc xuất khẩu. Chỉ sau gần 15 tháng ký Nghị định thư và tròn 1 năm xuất khẩu lô hàng đầu tiên, đến nay, doanh thu xuất khẩu sầu riêng đã đạt gần 1,6 tỷ USD. Còn mặt hàng chuối cũng mang về hơn 310 triệu USD vào năm 2022, tăng 35% so với năm 2021 và dự kiến đạt 400 triệu USD trong năm nay.
Chuẩn hóa để tăng thêm số lượng cơ sở được thị trường Trung Quốc chấp thuận
Ngành yến kỳ vọng sẽ có sự bứt phá trong việc khai thác thị trường và khả năng tiến tới doanh thu 1 tỷ USD từ xuất khẩu là không quá xa. Nhưng điều này cũng đòi hỏi nhà nước, doanh nghiệp và người nuôi cần có những giải pháp tổng thể. Theo đó, vấn đề đặt ra cho người nuôi yến đó là phải chuẩn hóa để tăng thêm số lượng cơ sở được thị trường Trung Quốc chấp thuận.
Dây chuyền sản xuất nước yến sào cao cấp Sanest công nghệ châu Âu.
Thông tin vui về xuất khẩu này đã khiến ông Phi (xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang, Khánh Hòa), một người có 20 năm theo nghề nuôi yến có thêm niềm tin về con đường phát triển. Nhưng từ chỗ chỉ bán trong nước, giờ ra thị trường lớn thì tư duy cũng phải thay đổi. Được biết, ông Phi hiện đã kết hợp với làng yến Mai Sinh để chuẩn hóa các công đoạn.
Ông Phi chia sẻ: "Xây dựng đúng quy chuẩn thì con yến nó mới về ở với mình, chứ xây tự phát bắt chước thì không đúng nữa rồi. Tôi ngày xưa cũng làm như vậy nhưng sau này cũng phải cải tiến hết".
Để nhà yến được cấp mã định danh có thể xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, các cán bộ kỹ thuật phải thiết lập một quy trình chuẩn từ vệ sinh nhà nuôi yến đến kỹ thuật thu hoạch, lấy mẫu, kiểm nghiệm.
Anh Nguyễn Xuân Viễn - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật công nghệ nuôi chim yến Khánh Hoà cho biết, định kỳ hàng năm các nhà yến đều được lấy mẫu kiểm nghiệm về mặt dịch bệnh thú y cũng như chất lượng tổ yến được kiểm nghiệm về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để đáp ứng yêu cầu của Nghị định thư với 16 tiêu chí về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Các doanh nghiệp hiện nay chưa được cấp mã cũng đang nỗ lực thay đổi hạ tầng nhà xưởng, chuẩn hóa quy trình vệ sinh của công nhân.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo sạch khuẩn, khép kín quy trình chế biến, đầu tư máy móc chế biến cũng là những yếu tố quan trọng để các cơ sở có hy vọng được cấp mã số.
Bên cạnh 2 doanh nghiệp đã được chấp thuận xuất ngạch chính ngạch thì Việt Nam hiện đã có 46 doanh nghiệp được hướng dẫn thủ tục đăng ký xuất khẩu, trong đó có 11 doanh nghiệp nộp hồ sơ lên hệ thống, 9 doanh nghiệp đã hoàn thiện hồ sơ và gửi sang hải quan Trung Quốc đánh giá, 2 doanh nghiệp còn lại đang được xem xét.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sắp tới, ngoài những doanh nghiệp được xuất khẩu, còn cần tập huấn kỹ thuật cho người nuôi để đảm bảo truy suất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, đáp ứng các tiêu chí cao của thị trường. Ngoài ra, phải có hệ sinh thái là doanh nghiệp, hợp tác xã gắn với chuỗi khép kín.
Với lợi thế có 42 trên 63 tỉnh thành có chim yến, cộng thêm điều kiện tự nhiên thuận lợi, Việt Nam đang có nhiều cơ sở để hình thành một ngành công nghiệp về yến. Trên cơ sở luật chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng sẽ quy hoạch để nước ta có những nhà yến với chất lượng tốt nhất và năng suất nhất phục vụ cho việc xuất khẩu ra thị trường thế giới./.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.