Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 5 tháng 6 năm 2023 | 14:22

Cùng hành động chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và lương thực, thực phẩm thích ứng biến đổi khí hậu

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Sứ mệnh đổi mới sáng tạo nông nghiệp vì khí hậu (AIM for Climate - AIM4C) 2023 diễn ra đầu tháng 5 tại Washington D.C (Hoa Kỳ), các nước đều thống nhất cho rằng: Nông nghiệp và hệ thống lương thực, thực phẩm là một phần tất yếu trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bền vững môi trường toàn cầu.

Đã đến lúc cần chuyển đổi mạnh mẽ tư duy để nhìn nhận nông nghiệp và hệ thống lương thực, thực phẩm là giải pháp chứ không phải là vấn đề đối với biến đổi khí hậu.

Thời tiết cực đoan khiến năng suất lúa của Trung Quốc giảm dần

Theo một nghiên cứu dẫn đầu bởi các chuyên gia Trung Quốc, lượng mưa tăng mạnh đã làm giảm 8% năng suất lúa gạo của quốc gia này trong hai thập kỷ qua. Các nhà khoa học dự đoán, vào cuối thế kỷ này, lượng mưa cực lớn có thể làm giảm thêm 7,6% sản lượng lúa gạo ở Trung Quốc, ngoài ra còn các tác động khác do biến đổi khí hậu như sự nóng lên toàn cầu và tăng lượng khí thải CO2.

Jian Yiwei, tác giả chính của bài nghiên cứu, nghiên cứu sinh tại Đại học Bắc Kinh, cho biết, các hiện tượng cực đoan được dự đoán sẽ càng trở nên khốc liệt hơn trong tương lai, gia tăng mối đe dọa tới năng suất  nông nghiệp Trung Quốc.

Theo Báo cáo tổng hợp lần thứ sáu từ Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) vào tháng 3, trong 50 năm qua, biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân chính làm chậm tốc độ tăng trưởng năng suất nông nghiệp toàn cầu, dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực ở một số vùng của châu Phi, châu Á, Trung - Nam Mỹ và nhiều khu vực dễ bị tổn thương khác.

Là một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc đã bắt đầu nhận thấy những tác động tiêu cực của sự nóng lên toàn cầu, thể hiện qua mực nước biển dâng cao, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cực đoan và băng tan.

Thông qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện ra hai cơ chế cơ bản mới. Jian và các thành viên đã sử dụng dữ liệu lượng mưa hàng giờ được thu thập từ các quan sát trên toàn quốc và nhận thấy rằng mức giảm sản lượng do lượng mưa cực đoan tương đương với mức giảm do nắng nóng cực đoan và lớn hơn mức giảm liên quan đến hạn hán, cực lạnh và các hiện tượng cực đoan khác.

Nhằm giải mã các tác động của lượng mưa cực đoan đối với sản lượng lúa gạo, nhóm tác giả đã thực hiện 64 thí nghiệm kiểm soát lượng mưa từ năm 2018 đến năm 2019. Lượng mưa cực đoan đã làm giảm năng suất lúa gạo ở Trung Quốc thông qua việc giảm lượng đạm có sẵn trong đất và gây tổn hại vật lý cho các cụm nhánh ở ngọn cây lúa khiến cho cây khó trổ bông, tạo hạt.

Hạn hán tàn phá mùa màng, Hoa Kỳ nhập khẩu lúa mì từ châu Âu

Theo nguồn tin ẩn danh (do các giao dịch mang tính riêng tư), ít nhất hai lô hàng ngũ cốc của Ba Lan đã đến Florida trong năm nay, và dự kiến có nhiều chuyến hàng hơn nữa trong vài tháng tới. Công ty kinh doanh nông sản Andersons Inc. đã cung cấp lúa mì cho nhà máy bột mì của Ardent Mills (cơ sở xay xát bột mì) ở Tampa.

Thu hoạch lúa mì ở Plainville, Kansas. Ảnh: Daniel Acker/Bloomberg.

Miroslaw Marciniak, nhà phân tích thị trường tại InfoGrain ở Warsaw, cho biết: “Đó là con đường thương mại bất thường, nhưng cũng không quá khó hiểu vì hiện tại giá lúa mì tại Hoa Kỳ đang tăng cao. Các nhà máy chế biến ở Bờ Đông vận chuyển ngũ cốc từ châu Âu sẽ được giá rẻ hơn so với việc gom hàng từ Kansas”.

Lúa mì vụ đông đỏ, cứng của Hoa Kỳ - loại lúa mì được sử dụng để chế biến bánh mì đa dụng - đã được giao dịch với giá cao hơn nhiều so với các loại cây trồng từ các nhà cung cấp lớn khác trên toàn cầu. Trong khi đó, một số quốc gia Đông Âu đang phải gánh chịu thặng dư. Điều này gần đây đã gây ra những hạn chế đối với hàng nhập khẩu từ Ukraine, quốc gia đang trải qua mâu thuẫn chính trị căng thẳng.

Chênh lệch giá lớn đã tạo cơ hội để Ardent Mills đạt được các thỏa thuận với nguồn cung lúa mì từ một số nước châu Âu, và các lô hàng sẽ được vận chuyển đến Hoa Kỳ chậm nhất là tháng 10. Các thỏa thuận cũng cho phép vận chuyển ngũ cốc đến một cơ sở khác của Ardent Mills ở Albany, New York.

Dữ liệu thương mại từ Liên minh châu Âu cho thấy, Ba Lan đã vận chuyển khoảng 79.000 tấn lúa mì đến Hoa Kỳ trong niên vụ 2022 - 2023. Đồng thời các nguồn tin cho biết sẽ có thêm những chuyến hàng như vậy từ Baltic đến Hoa Kỳ.

Khô hạn kéo dài nhiều năm ở Đại bình nguyên Bắc Mỹ đã gây thiệt hại nặng nề cho những cánh đồng lúa mì nổi tiếng của quốc gia này. Một số cây trồng trong mùa vụ này phát triển còi cọc do thiếu độ ẩm đến mức không tạo ra nổi hạt lép. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ ước tính, nông dân nước này có thể chỉ thu hoạch được 67% diện tích trồng lúa mì vụ đông trong năm nay, tỷ lệ thấp nhất kể từ năm 1917.

Việt Nam kêu gọi hành động vì an ninh lương thực

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Sứ mệnh đổi mới sáng tạo nông nghiệp vì khí hậu, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, đại diện cho Bộ Nông nghiệp và PTNT, đã tham dự phiên khai mạc và họp kỹ thuật. Tại đây, ông Tuấn kêu gọi các quốc gia cùng hành động kịp thời để chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và lương thực, thực phẩm vì khí hậu.

“Tất cả chúng ta đều chia sẻ chung một hành tinh, một sức khỏe, một hệ thống lương thực - thực phẩm, một năng lực tái tạo và một thịnh vượng. Chính phủ Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ và hành động cụ thể để triển khai các cam kết này có trách nhiệm như Cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Cam kết giảm phát thải khí mê tan toàn cầu, Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”, ông Tuấn cho biết. 

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (giữa) tham dự phiên họp khai mạc và họp kỹ thuật Hội nghị Thượng đỉnh Sứ mệnh đổi mới sáng tạo nông nghiệp vì khí hậu tại Washington D.C từ ngày 8-10/5.

Ông Tuấn khẳng định, Việt Nam đánh giá cao và ủng hộ Sáng kiến đổi mới sáng tạo nông nghiệp vì khí hậu do Hoa Kỳ và UAE khởi xướng, cũng như Sáng kiến gần đây do Hoa Kỳ khởi xướng về Liên minh hành động “Thúc đẩy tăng trưởng năng suất bền vững cho an ninh lương thực và bảo tồn tài nguyên” (SPG). 

Việc thực hiện các cam kết quốc tế nêu trên phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển bền vững của Việt Nam. Ông Tuấn nêu rõ, phát triển nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực là một trong những trụ cột của Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, trong đó Việt Nam ưu tiên phát triển nông nghiệp sinh thái, phát thải thấp và thích ứng với khí hậu gắn với cải thiện sinh kế cho cư dân nông thôn. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030” nhằm đạt được đầy đủ các mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam đã tham gia có trách nhiệm tại Hội nghị Thượng đỉnh Hệ thống lương thực, thực phẩm của Liên Hợp quốc năm 2021 và vừa đăng cai tổ chức thành công Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững tại Hà Nội từ ngày 24 - 27/4/2023. Việt Nam đang làm việc với các đối tác quốc tế để đóng vai trò tiên phong trong chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm.

Đại diện của Việt Nam cũng nêu rõ sự cần thiết phải hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia và các bên liên quan trong các hệ thống nông nghiệp để thúc đẩy nông nghiệp sáng tạo và thông minh với khí hậu, đóng góp vào an ninh lương thực toàn cầu, phục vụ lợi ích của cả người sản xuất và tiêu dùng cũng như các nước xuất khẩu và nhập khẩu lương thực, thực phẩm. Trong khi đó, các bên vẫn cần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và giảm lượng khí thải các bon.

Chanh
Ý kiến bạn đọc
  • Chủ động liên kết, phát huy sức mạnh của Hội trong phát triển kinh tế VAC thời kỳ mới

    Chủ động liên kết, phát huy sức mạnh của Hội trong phát triển kinh tế VAC thời kỳ mới

    Xuyên suốt các hoạt động trong thời gian qua và sắp tới, Hội Làm vườn Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm vấn đề hợp tác, phối hợp công tác của Hội với ngành Nông nghiệp và PTNT, các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức hội, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan trong và ngoài nước.

  • ĐBSCL chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng với hạn, mặn

    ĐBSCL chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng với hạn, mặn

    Trước tình trạng hạn, mặn ngày càng diễn ra nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều nông dân đã chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất đã thích ứng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu được dự báo sớm và biết cách thích ứng tốt, nông dân vẫn có thể sống khỏe giữa hạn, mặn.

  • Cây gió trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Hà Tĩnh

    Cây gió trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Hà Tĩnh

    Điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, đất đai bằng phẳng, những năm qua người dân xã Phúc Trạch, xã Hương Khê (Hà Tĩnh) không ngừng mở rộng diện tích trồng cây gió trầm. Với nhiều chính sách khuyến khích trong đầu tư phát triển kinh tế, nhất là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, cây gió trầm đã góp phần quan trọng giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Top