Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2024  
Thứ hai, ngày 13 tháng 11 năm 2023 | 10:22

ĐBSCL thúc đẩy thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản

Không nằm ngoài xu hướng thương mại điện tử trong việc giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Để nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã và đang triển khai các giải pháp đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử đến các doanh nghiệp, HTX và người sản xuất.

TMĐT đã mở ra cơ hội mới

Những năm qua, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến đã và đang đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và người tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đóng gói, bảo quản bưởi da xanh tại Bến Tre.

Theo báo cáo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, năm 2022 quy mô giao dịch TMĐT bán lẻ chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Riêng đối với lĩnh vực bán lẻ hàng hóa, năm 2022 tỷ lệ bán lẻ hàng hóa trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hóa khoảng 7,2%. Có thể nhận thấy, TMĐT tiếp tục là một trong những lĩnh vực giao thương, trao đổi hàng hóa đa dạng hiệu quả, tăng trưởng nhanh và ổn định.

Tại Diễn đàn Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại Cần Thơ và đồng bằng Sông Cửu Long, diễn ra mới đây, các đối tác đã chia sẻ những giải pháp trong thương mại điện tử hay dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử được triển khai thực tế với nhiều mô hình vận hành khác nhau. Điều này cho thấy sự phát triển đa dạng, phong phú của các loại hình thương mại điện tử hiện nay.

Điển hình như mô hình tiêu thụ nông sản, đặc sản qua Sendo Farm/Postmart, mô hình xuất khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp nhỏ địa phương qua nền tảng Shopee International Platform (SIP), xuất khẩu theo mô hình B2B qua Alibaba, B2C qua Amazon hay giải pháp đến từ Fado – Ratraco Solutions vận chuyển hàng hóa xuất khẩu bao gồm cả thương mại điện tử xuyên biên giới từ khu vực các tỉnh phía Nam qua các thị trường như Trung Quốc, Trung Á, Nga, Châu Âu … bằng hình thức đường sắt liên vận quốc tế.

Tại TP. Cần Thơ, thời gian qua hoạt động TMĐT phát triển khá sôi động với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Hiện thành phố có trên 1.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã ứng dụng TMĐT trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo số liệu báo cáo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, chỉ số phát triển TMĐT năm 2023 của TP. Cần Thơ đứng thứ 9/63 tỉnh, thành; xếp hạng thứ 6 về chỉ số giao dịch TMĐT B2C (doanh nghiệp và khách hàng), thứ 13 về chỉ số giao dịch TMĐT B2B (doanh nghiệp và doanh nghiệp).

Các sản phẩm của tỉnh Long An trên sàn thương mại điện tử Postmart.

Thông tin từ Sở Công thương tỉnh Long An, hiện có 51 gian hàng đăng ký tham gia với 485 sản phẩm được trưng bày trên các sàn TMĐT. Đặc biệt, Sở đã hỗ trợ 20 doanh nghiệp đưa sản phẩm của tỉnh lên 6 sàn TMĐT lớn trong nước là Tiki, Sendo, Lazada, Shopee, Voso và Postmart; đồng thời, hỗ trợ 6 doanh nghiệp đưa sản phẩm lên sàn TMĐT xuất khẩu Alibaba.

Bên cạnh đó, Sở còn phối hợp Bưu điện tỉnh, Viettel hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh, HTX, DN... trong tỉnh quảng bá hình ảnh, phát triển sản phẩm và nhận diện thương hiệu trên sàn TMĐT (https://postmart.vn, https://voso.vn). Đến nay, có 63.244 tổ chức, cá nhân bán hàng trên 2 sàn TMĐT này với 7.653 sản phẩm được đăng ký.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Thanh Truyền, các sàn giao dịch TMĐT đã mở ra cơ hội cho các sản phẩm nông nghiệp vươn ra các thị trường trong nước và quốc tế. Với các HTX có chuỗi sản xuất và chế biến sẽ có thị trường lớn, thuận lợi trong việc tìm kiếm đối tác. Đồng thời, sàn TMĐT cũng không giới hạn về quảng bá và hình ảnh của các sản phẩm, người bán hàng chủ động đưa sản phẩm của mình lên sàn. Người mua, người bán tự giao dịch qua các lệnh, đơn hàng, tiền cũng được thanh toán qua tài khoản, hạn chế dùng tiền mặt.

Thời gian tới, mục tiêu của tỉnh vẫn là mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh giao dịch TMĐT, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn TMĐT; thúc đẩy tiêu thụ nhanh nông sản khi vào vụ cao điểm thu hoạch, giúp nông dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào trung gian.

Đại diện Sở Công thương An Giang, các nền tảng phục vụ cho thương mại điện tử được khai thác hiệu quả, giúp các doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối mới trong thời đại công nghệ số, nâng cao năng lực cạnh tranh, thông qua tiết giảm chi phí nhân lực, tài chính so với phương thức kinh doanh truyền thống. Từ đó, có thêm nhiều cơ hội tiếp cận thị trường trong nước và hướng tới thương mại điện tử xuyên biên giới… góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển thương mại điện tử của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 đạt kết quả đáng phấn khởi.

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, mong muốn Bộ Công thương cũng như các Bộ, ngành sẽ có nhiều hoạt động kết nối, chia sẻ những định hướng quản lý nhà nước và phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy chuyển đổi số địa phương và tăng cường quản lý giám sát hoạt động thương mại điện tử. Từ đó, doanh nghiệp địa phương có thể nâng cao kỹ năng, năng lực vận hành thương mại điện tử, phát triển thương hiệu sản phẩm, chủ động thúc đẩy mở rộng kênh phân phối mới cũng như hỗ trợ hoạt động xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới thông qua sự hỗ trợ của các bên. Tất cả những điều này đều nằm trong mục tiêu thúc đẩy việc phát triển TMĐT trong liên kết vùng tại Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Đông Nam Bộ, khai thác những tiềm năng, lợi thế của vùng.

Hỗ trợ phát triển thương mại điện tử

Với lợi thế phát triển các sản phẩm chủ lực như: nông sản, thủy hải sản, gạo, thủ công mỹ nghệ, thị trường thương mại điện tử tại các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng, phát triển đa dạng, phong phú và hội nhập sâu rộng với thương mại điện tử khu vực.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Sở, ngành tỉnh Trà Vinh đưa doanh nghiệp, Hợp tác xã làm việc, tham quan thực tế các sàn thương mại điện tử.

Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, UBND tỉnh Long An ban hành kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Cùng với đó, UBND tỉnh đề ra các giải pháp thiết thực để hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp mở cửa hàng trên sàn TMĐT. Các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cũng chủ động tham gia sàn giao dịch TMĐT để trao đổi, mua bán và xây dựng website quảng bá thương hiệu, sản phẩm.

Tại Cần Thơ, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, tầm quan trọng của TMĐT trong thời đại kinh tế số, xã hội số và chuyển đổi số hiện nay. Cần Thơ sẽ tiếp tục phối hợp, tăng cường mối quan hệ hợp tác với các địa phương, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh Đông Nam Bộ nhằm tăng tính kết nối giữa các địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cùng nhau phát triển, góp phần đưa TMĐT trở thành một trong những động lực phát triển kinh tế của cả nước.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử, Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử, tổ chức đào tạo, tập huấn giải pháp phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm quản trị doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất - kinh doanh; triển khai biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh tích cực tham gia các nền tảng xuất khẩu trực tuyến. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các hệ thống nhà hàng, khách sạn, quán ăn, cà-phê, triển khai mô hình chợ công nghệ 4.0, mô hình “tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt”…

Đồng thời, tổ chức các sự kiện thương mại điện tử thường niên mang tính kích cầu cho thị trường trong nước và mở rộng hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, hỗ trợ và khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các giải pháp thanh toán đảm bảo trong giao dịch thương mại điện tử; duy trì hoạt động thường xuyên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của tỉnh trên môi trường trực tuyến.

Các sàn thương mại điện tử như Sendo, Shopee, Postmart đã cùng chung tay xây dựng chương trình bán hàng Việt trên sàn thương mại điện tử.

Về vấn đề này, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chia sẻ, thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử là chủ trương xuyên suốt và là một trong những định hướng trọng tâm của Đảng, Chính phủ nhằm phát huy lợi thế của phương thức phân phối hiện đại, phát triển kinh tế vùng. Quyết định 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 nêu rõ những mục tiêu như: Hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển thương mại điện tử; xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử, đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới.

Thời gian qua, Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành cũng như các địa phương, Hiệp hội và doanh nghiệp đã và đang triển khai nhiều hoạt động, giải pháp hỗ trợ thị trường thương mại điện tử phát triển, trong đó có khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Liên kết vùng trong thương mại điện tử là hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, các cơ quan quản lý nhà nước trong các vùng kinh tế để khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử nội vùng và liên vùng.

Theo các chuyên gia, để tăng cường quản lý và định hướng thúc đẩy phát triển liên kết vùng ĐBSCL trong phát triển thương mại điện tử hiện nay, cần thúc đẩy chuyển đổi số gắn với phát triển thương mại điện tử địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp Việt và thị trường xuất khẩu, cần tăng cường phối hợp hai chiều giữa cơ quan nhà nước và địa phương để thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử. Đồng thời, các địa phương cũng cần chủ động kết nối với nhau để phát huy sức mạnh lẫn nhau.

Bên cạnh đó, cũng cần thúc đẩy triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường thương mại điện tử phát triển. Nâng cao năng lực thực thi kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia. Kêu gọi xã hội hóa và sự chung tay của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ và chuyển giao về giải pháp phù hợp với phát triển kinh tế vùng.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Phân khu Victoria - mảnh ghép đắt giá trong lòng đại đô thị thông minh

    Phân khu Victoria - mảnh ghép đắt giá trong lòng đại đô thị thông minh

    Là phiên bản nâng cấp nhất trong dòng sản phẩm Imperia Smart City do MIK Group phát triển, phân khu The Victoria hứa hẹn sẽ là dự án thu hút sự quan tâm của khách hàng và nhà đầu tư.

  • HoREA đề xuất giảm lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội

    HoREA đề xuất giảm lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội

    So với các chính sách trước đây, Luật Nhà ở năm 2023 và Nghị định số 100/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (NƠXH) có hiệu lực từ 01/8/2024 có nhiều ưu đãi hơn cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê và khuyến khích tư nhân tham gia xây dựng NƠXH, được thể hiện qua các điều kiện ưu đãi về lãi suất cho vay và thời hạn vay tối đa.

  • Thị trường phía Tây đón nguồn cung căn hộ cao cấp mới

    Thị trường phía Tây đón nguồn cung căn hộ cao cấp mới

    Quy hoạch hạ tầng tiện ích đã hiện hữu, sản phẩm độc đáo cùng chủ đầu tư uy tín là loạt lý do khiến các dự án chung cư mới tại thị trường Tây Hà Nội đều nhanh chóng “hết hàng”.

  • Bí quyết dưỡng nhan từ sâu bên trong của phụ nữ hiện đại

    Bí quyết dưỡng nhan từ sâu bên trong của phụ nữ hiện đại

    Sức khỏe và sắc đẹp là điều bất kỳ người phụ nữ nào cũng mong muốn sở hữu. Giữa nhịp sống hiện đại với bộn bề trách nhiệm trong gia đình, ngoài xã hội, nếu không có những bí quyết riêng thì người phụ nữ thật khó để có được cùng lúc hai điều này.

  • “Sống sành” cùng thẻ tín dụng PVcomBank Lifestyle Mastercard

    “Sống sành” cùng thẻ tín dụng PVcomBank Lifestyle Mastercard

    Nhằm tri ân các chủ thẻ tín dụng Lifestyle Mastercard, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) mới đây vừa triển khai chương trình “Sống sành” với thông điệp “Cùng thẻ bạn yêu, làm điều bạn thích”, mang đến gần 20.000 mã ưu đãi hấp dẫn dành cho các khách hàng trên Shopee và Xanh SM.

  • Hè tưng bừng, chọn SeABank - Nhiều lợi ích - Ít âu lo

    Hè tưng bừng, chọn SeABank - Nhiều lợi ích - Ít âu lo

    Nhân dịp hè 2024, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, Hose: SSB) triển khai chương trình ưu đãi “Chọn SeABank - Nhiều lợi ích - Ít âu lo” với nhiều lợi ích thiết thực dành cho khách hàng cá nhân khi vay mua nhà, vay kinh doanh với lãi suất chỉ 5,5%/năm, chi tiêu thẻ không lo phí, an tâm sống khỏe.

Top