Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 7 năm 2023 | 9:44

DN xuất khẩu nông sản Việt Nam cẩn trọng trước tình trạng gian lận thương mại hiện nay

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết tổng cộng 15 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), giúp mở ra cánh cửa gia nhập vào các thị trường rộng lớn chưa từng có, từ đó tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội hấp dẫn, doanh nghiệp Việt cũng phải đối mặt với không ít rủi ro khi tham gia giao dịch thương mại với đối tác nước ngoài.

Hình thức thủ đoạn lừa đảo tương tự

Trên thực tế, những vụ lừa gạt trong mua bán hàng hóa qua biên giới không phải là tình huống hiếm gặp đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện tượng này được diễn ra dưới nhiều hình thức và rất khó lường, thường xuyên được Bộ Công Thương và Thương vụ Việt Nam tại các thị trường cảnh báo. Tuy nhiên, với tâm lý chủ quan và sự thiếu hiểu biết trong giao dịch ngoài biên giới, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn tiếp tục trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo mang tầm cỡ quốc tế.

Trong đó, bài học từ vụ lừa đảo 75 container hạt điều nhân có giá trị rất lớn đã xảy ra trong năm 2022 là một ví dụ điển hình: Nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Ý đã xảy ra tình trạng bị đối tác lừa đảo, bộ chứng từ gốc của lô hàng bị mất. Sau thời gian dài được sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chức năng và tốn nhiều chi phí liên quan, doanh nghiệp mới lấy lại được lô hàng trên.

Việc ký kết và tham gia các FTA thế hệ mới sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu. Nguồn: internet

Mới đây nhất, theo báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), thời gian gần đây, các doanh nghiệp là thành viên của VPA đã kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang UAE gồm tiêu, quế, hồi, hạt điều. Tuy nhiên, các công ty này cho biết các giao dịch có dấu hiệu gian lận thương mại từ cùng một người mua và cùng một ngân hàng có trụ sở tại Dubai, UAE.

Trước đó, đã có 4 container, trị giá 400.000 USD bị mất trắng tại cảng Jebel Ali, UAE. Hiện tại, có 1 container hoa hồi có khả năng bị mất (hàng dự kiến cập cảng ngày 26/7/2023) cũng với thủ đoạn lừa đảo tương tự.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cụ thể: Theo các điều khoản thanh toán được quy định trong hợp đồng, tất cả các lô hàng được thanh toán theo điều khoản thanh toán nhờ thu (D/P). Có nghĩa là bộ chứng từ gốc sẽ được ngân hàng của bên bán chuyển đến ngân hàng của bên mua, sau đó bên mua sẽ thanh toán cho ngân hàng của bên mua. Sau khi ngân hàng bên mua nhận đủ số tiền sẽ đồng thời chuyển tiền sang ngân hàng bên bán. Khi đó, ngân hàng của bên mua mới được phép giao bộ chứng từ gốc cho bên mua để nhận hàng.

Tuy nhiên, nếu ngân hàng của người mua chưa chuyển tiền cho ngân hàng của người bán thì người mua sẽ không thể lấy bộ chứng từ gốc để lấy hàng tại cảng. Như vậy, các giao dịch nêu trên có dấu hiệu gian lận xảy ra tại ngân hàng nơi công ty Việt Nam gửi bộ chứng từ D/P. Các quan chức ngân hàng này có thể tham gia vào vụ việc này.

Mặt hàng hạt tiêu, hồi, hạt điều, quế từ Việt Nam xuất khẩu sang UAE đang có dấu hiệu gian lận thương mại.

Tương tự, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cũng cho biết, đơn vị này vừa nhận được kiến nghị của Công ty Tín Mai về vụ việc nghi bị lừa đảo trong xuất khẩu điều nhân sang thị trường Dubai. Cụ thể, người mua đã ứng 15% tiền hàng, công ty đã giao hàng và ngày 24/6 đã đến cảng Jebel Ali (UAE). Hàng đã được lấy và trả container rỗng ngày 27/6, trong khi Công ty Tín Mai vẫn chưa được thanh toán 85% trị giá còn lại; mặc dù ngân hàng phía Việt Nam đã gửi 2 điện (Swift) đến ngân hàng bên mua yêu cầu thanh toán và hoàn trả bộ chứng từ nhưng không được thực hiện.

Nhận thấy sự việc có dấu hiệu lừa đảo của khách hàng hoặc ngân hàng bên mua, để hỗ trợ các doanh nghiệp liên quan, các hiệp hội cho biết sẽ sớm liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại UAE nhờ hỗ trợ.

Được biết, ngày 25/7, Bộ Công Thương đã có một cuộc họp khẩn gồm có Đại sứ UAE tại Việt Nam, đại diện của các đơn vị gồm Ngân hàng Trung ương Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp là chủ các lô hàng xuất khẩu sang Dubai.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại UAE sớm xử lý vụ việc nêu trên. Thương vụ đã có Công hàm gửi Bộ Ngoại giao UAE, Cảnh sát Dubai, Ngân hàng Trung Ương UAE và một số Ngân hàng và Hãng tàu có liên quan; Làm việc với Chi nhánh Ngân hàng có liên quan tại Dubai; Làm việc với Cảnh sát Dubai và nộp hồ sơ trình báo về vụ việc; Làm việc với Hãng tàu và Cơ quan chức năng của cảng Jebel Ali.

Cẩn trọng trong tìm hiểu đối tác xuất khẩu

Các chuyên gia lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều nói riêng và nông sản nói chung cần tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường, khách hàng, đặc biệt là các khách hàng lạ từ các thị trường mới, thị trường nhỏ, pháp lý không cao.

"Để tránh các rủi ro, bị lừa đảo khi xuất khẩu, cần tìm hiểu kỹ khách hàng trước khi giao dịch như đề nghị cung cấp bản sao giấy phép kinh doanh, mã số thuế, hộ chiếu trang có ảnh của người đại diện hợp pháp công ty.... và nhờ các cơ quan chức năng của Việt Nam tại nước sở tại thẩm tra, xác minh các thông tin này", đại diện Vinacas khuyến cáo.

Với 21 năm làm kinh doanh, ông Nguyễn Huy Hùng, Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Phúc Sinh cho biết chính doanh nghiệp ông cũng từng gặp những tình huống này. Cách đây hơn chục năm, khi giao 37 containers hạt tiêu trị giá 2,43 triệu USD, đối tác yêu cầu giao vận đơn cho họ để họ kiểm soát “đường đi” của hàng.

Doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều nói riêng và nông sản nói chung cần tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường, khách hàng.

Chính điều này khiến doanh nghiệp nghi ngờ và kiểm tra tài khoản ngân hàng của đối tác. Khi kiểm tra thì thấy khách hàng này không có tài khoản ngân hàng, nên doanh nghiệp ngừng giao dịch.

Để hạn chế rủi ro, theo ông Hùng, khi làm ăn cần tìm hiểu thông tin của khách hàng thông qua các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam. Doanh nghiệp phải nắm bắt và tìm hiểu được thông tin ngân hàng đối tác. Khi kinh doanh không được phép đưa số vận đơn cho khách hàng – đây là nguyên tắc cứng khi làm kinh doanh.

“Quan trọng nhất, doanh nghiệp tránh vội vàng, cẩu thả, sai sót cơ bản trong thanh toán quốc tế. Nếu nghĩ đơn giản là chúng ta đã thành công thì dễ bị sập bẫy”, ông Hùng cảnh báo.

Còn trong thanh toán, ông Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam. khuyến cáo rằng trong trường hợp người mua yêu cầu chỉ dùng một bộ vận đơn do hãng tàu cấp (ký phát) thì nên sử dụng vận đơn theo lệnh và ở phần "Người nhận hàng nêu trên vận đơn, ghi là "theo lệnh của ngân hàng". 

Ngân hàng này là ngân hàng mà người bán nhờ thu tiền và giao chứng từ cho người mua. Người bán sẽ chỉ thị cho ngân hàng này khi nhận được tiền hàng của người mua thì ký trên vận đơn và ghi rõ là chuyển quyền nhận hàng cho họ.

“Với cách làm này, người mua không thể cho rằng có thể gây ra chậm trễ cho họ trong việc nhận hàng vì họ chỉ cần trả tiền hàng là sẽ có vận đơn để nhận hàng và nếu vận đơn có bị thất lạc khi gửi đến ngân hàng thì người nhận hàng cũng không nhận được hàng vì vận đơn không hợp lệ (chưa có ký chuyển quyền nhận hàng của ngân hàng) nên hãng tàu không trả hàng”, ông Lễ phân tích.

Ông Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và và Trọng tài viên Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB)

Nếu người mua yêu cầu dùng vận đơn đích danh là loại vận đơn ghi rõ tên người nhận hàng trên vận đơn thì người bán nên sử dụng nghiệp vụ vận đơn chủ và vận đơn thứ cấp. Như vậy, trên vận đơn chủ, ghi tên người nhận hàng là đại lý của người giao nhận.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Italia đồng tình, doanh nghiệp cần soạn thảo hợp đồng ký kết phù hợp với năng lực công ty mình, với phương thức thanh toán hợp lý, bởi không có phương thức thanh toán nào hoàn hảo, đều có rủi ro nhất định. Doanh nghiệp xuất khẩu nên yêu cầu người mua đặt cọc 10% để chứng minh họ có tài khoản tại ngân hàng – đây là bằng chứng chứng minh người mua.

Như vậy, có thể thấy việc trực tiếp xác minh thông tin khách hàng là công việc cần triển khai đầu tiên, đặc biệt quan trọng đối với doanh nghiệp Việt Nam khi có giao kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài. Thêm vào đó, khi có giao dịch thông qua môi giới, doanh nghiệp không nên quá ỷ lại mà luôn cần yêu cầu bên môi giới cung cấp địa chỉ, thông tin liên hệ của người mua để có thể xác minh trực tiếp dù hai bên đã có quan hệ tin tưởng đến đâu. Đối với các hợp đồng có giá trị lớn, doanh nghiệp thậm chí cần cử người sang nước đối tác để gặp trực tiếp đối tác đàm phán, trao đổi…

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại cho rằng các hoạt động lừa đảo tương đối phổ biến trong giao dịch thương mại quốc tế, dù với bất cứ thị trường nào. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nghiên cứu thông tin kỹ lưỡng trong các thương vụ qua biên giới của mình, nếu thấy vấn đề gì chưa chắc chắn cần liên hệ trực tiếp tới thương vụ Việt Nam tại các nước thị trường để thẩm định thông tin, đồng thời khuyến khích thuê công ty tư vấn để thẩm tra hợp đồng, giảm thiểu tối đa rủi ro có thể xảy ra.

Khuyến cáo doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch thanh toán

Trên thực tế, nhiều trường hợp doanh nghiệp có sự tìm hiểu kỹ càng về đối tác xuất nhập khẩu cũng như lựa chọn các phương thức thanh toán phù hợp nhưng vẫn gặp phải rủi ro do các phương thức lừa đảo quốc tế ngày càng phát triển tinh vi. Do vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn các phương án dự phòng cho trường hợp phát sinh sự cố để kịp thời hành động nhanh chóng, giảm thiểu tối đa thiệt hại có thể xảy ra.

Để tránh những thiệt hại đáng tiếc, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp về các giao dịch chứng từ hóa đơn thanh toán... tại các thị trường có rủi ro cao. Hiện nay, tình trạng lừa đảo tại thị trường khu vực Trung Đông đã xuất hiện nhiều hơn trước, chủ yếu tập trung ở các công ty thương mại có quy mô nhỏ. Hình thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là các doanh nghiệp nước ngoài khi ký hợp đồng mua bán với các công ty Việt Nam thường yêu cầu điều khoản thanh toán TT hoặc phát hành séc cho bên bán cầm cố.

Đây là hai hình thức có nhiều rủi ro nhất. Bởi hình thức thanh toán này nghĩa là bên mua sẽ nhận hàng rồi mới thanh toán tiền cho bên bán.

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) vừa vào cuộc sau khi nhận được thông tin có thêm doanh nghiệp điều Việt Nam xuất khẩu sang UAE nghi bị lừa 2 container hàng

Bên mua Phát hành séc có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định rồi giao cho bên bán cầm cố. Phương thức này có nhiều rủi ro như bên mua phát hành séc mà không có tiền trong tài khoản; bên bán không thể đến ngân hàng bên mua để nhận tiền vì không có thẻ căn cước. Bên bán cũng không thể kiểm tra thông tin tài khoản của bên mua vì Ngân hàng tại một số nước Trung Đông không cung cấp thông tin khách hàng cho bên thứ 3.

Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị các doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch với các doanh nghiệp nước ngoài cần phải thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để đảm bảo an toàn nhất. Các phương thức thanh toán như mở LC, hoặc đại diện doanh nghiệp sang tận nơi giao chứng từ và nhận tiền.

Phương thức thanh toán D/P cũng có mức độ an toàn hơn so với thanh toán TT và séc, nhưng lưu ý các ngân hàng bên bán khi chuyển giao chứng từ cho ngân hàng bên mua phải đảm bảo an toàn, tránh trường hợp xảy ra như các vụ việc nêu trên do khâu giao chứng từ (DHL) và nhận chứng từ (Nhân viên an ninh ngân hàng) không có ký nhận, dẫn đến sự việc nhân viên an ninh ngân hàng giao chứng từ cho bên mua để đi nhận hàng mà bên mua không thanh toán tiền cho ngân hàng bên mua để trả cho ngân hàng bên bán.

 

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top