Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 16 tháng 9 năm 2023 | 15:27

Đặc sản bưởi Phúc Trạch vào mùa

Những ngày này, tại huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) - “thủ phủ” trồng bưởi Phúc Trạch - đang nhộn nhịp vào vụ thu hoạch. Các cấp, ngành đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp kết nối, mở rộng thị trường, xúc tiến tiêu thụ bưởi giúp người dân.

Sản lượng dự kiến đạt trên 21.000 tấn

Toàn huyện Hương Khê hiện có 2.768ha bưởi Phúc Trạch, trong đó diện tích cho sản phẩm là 1.912ha, được trồng nhiều tại các xã Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Gia Phố, Hương Thủy, Hương Giang...

Ông Cao Đình Thục (thôn Hương Đồng, xã Lộc Yên) phấn khởi cho biết: Năm nay, gia đình trồng 125 gốc bưởi Phúc Trạch, trong đó có 80 gốc cho sản phẩm. Vụ này sẽ bán ra thị trường 1.500 - 2.000 quả với giá bình quân thương lái mua tại vườn từ 17.000 đến 25.000 đồng/quả, trừ chi phí, ước thu về 40 - 50 triệu đồng.

Ông Cao Đình Thục, thôn Hương Đồng, Hương Khê phấn khởi vì năm nay bưởi được mùa, được giá, đầu ra ổn định.

“Vườn bưởi của gia đình với diện tích khoảng 12 sào (1 sào Trung Bộ = 500m2), dự kiến cho thu hoạch trên 10.000 quả. Để đảm bảo chất lượng khi đưa sản phẩm ra thị trường, chúng tôi lựa chọn quả chín sớm để cắt tỉa (khác với việc thu hoạch đại trà như trước đây). Nhờ được hướng dẫn chuyển đổi số, hiện nay, đa số sản phẩm bưởi của gia đình đang được tiêu thụ qua mạng xã hội. Thời điểm đầu mùa, giá khá ổn định, cao hơn năm 2022, dao động từ 10.000 đến 30.000 đồng/quả”, anh Nguyễn Hữu Hải (thôn Phú Lễ, xã Phúc Trạch) chia sẻ.

Tại các vườn bưởi Phúc Trạch.

Theo người dân, mùa bưởi Phúc Trạch năm nay, do thời tiết nắng nóng, hạn hán nhiều, mưa ít, điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, công tác chăm sóc, thụ phấn đúng quy trình kỹ thuật nên bưởi cho quả nhiều, hình thức đều, đẹp, chất lượng tốt, ăn giòn, ngọt và giá khá cao. Đây là điều kiện thuận lợi để bà con tiêu thụ sản phẩm và khẳng định chất lượng đặc sản.

Ông Nguyễn Trí Đồng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hương Khê, chia sẻ: Hiện nay, hầu hết các hộ dân đã nắm vững kỹ năng thụ phấn bổ sung, tỉa quả và bón phân đúng từng thời kỳ phát triển của quả. Đặc biệt, nhiều hộ dân đã thực hành quy trình sản xuất VietGap, GlobalGap, tiêu chuẩn hữu cơ…; đầu tư thiết bị, máy móc để chăm sóc bưởi, cung cấp đủ nước trong mùa hạn hán… Nhờ vậy, chất lượng bưởi Phúc Trạch đang ngày càng được nâng lên.

Theo đánh giá ban đầu, tổng sản lượng bưởi năm 2023, toàn huyện Hương Khê ước đạt trên 21.000 tấn, tương đương giá trị 500 tỷ đồng.

Nỗ lực mở rộng thị trường, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm

Nhằm hỗ trợ tiêu thụ, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, khẳng định giá trị, sự khác biệt về đặc sản vùng miền của bưởi Phúc Trạch, huyện Hương Khê đã thành lập Tổ công tác quảng bá, kết nối tiêu thụ bưởi. Đồng thời, ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động truyền thông, xúc tiến tiêu thụ…

Theo đó, Hương Khê xác định thị trường tiêu thụ trong nước là cơ bản, trong đó quan tâm duy trì các thị trường truyền thống; tạo điều kiện mở rộng thị trường mới tại Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh...; các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh; đồng thời quan tâm hướng tới xuất khẩu.

Ông Đặng Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, cho biết, cùng với việc tiêu thụ thông qua các chợ đầu mối, truyền thống, huyện đặc biệt quan tâm, thúc đẩy phân phối sản phẩm vào các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: BigC, Co.opmart, Vinmart+...; các sàn thương mại điện tử (Postmart.vn, Shopee, Lazada, Sendo…) và trên nền tảng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok…). Đồng thời, kết nối, giới thiệu cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tiếp cận thị trường mới qua các hội chợ thương mại trên toàn quốc.

Huyện cũng tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, quản lý để chống ép giá gây thiệt hại cho người sản xuất, nhất là các hộ quy mô sản xuất nhỏ lẻ; quan tâm chỉ đạo công tác chuyển đổi số, minh bạch thông tin về sản phẩm, phục vụ tốt công tác truy xuất nguồn gốc.

Đồng thời, phối hợp với MTTQ và các tổ chức đoàn thể xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể về quảng bá, tiêu thụ bưởi Phúc Trạch. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về cấp, sử dụng tem chỉ dẫn địa lý. Tổ chức kiểm tra việc quản lý, sử dụng tem nhãn đúng theo quy định; không để bưởi ở địa phương khác trà trộn làm ảnh hưởng đến thương hiệu bưởi Phúc Trạch.

Trung tâm Hỗ trợ nông dân Hà Tĩnh tích cực kết nối để xúc tiến kết nối, tiêu thụ bưởi Phúc Trạch.

Ông Phan Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân Hà Tĩnh), cho biết:  Trung tâm đang phối hợp Hội Nông dân huyện Hương Khê khảo sát các hộ trồng bưởi theo quy trình VietGap và hữu cơ nhằm đánh giá chất lượng, xây dựng bảng giá sản phẩm để xúc tiến kết nối, tiêu thụ bưởi Phúc Trạch. Đặc biệt, Trung tâm đã có thư ngỏ gửi tới Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, từ đó gửi tới 63 tỉnh, thành trên cả nước để kết nối tiêu thụ; đồng thời gửi các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.

Trung tâm cũng cử cán bộ chuyên môn tổ chức phát trực tiếp thực tế vườn bưởi trên các trang mạng xã hội; xây dựng video, hình ảnh, phóng sự các vườn bưởi đạt chất lượng, sản xuất đúng quy trình để quảng bá, giới thiệu sản phẩm bưởi Phúc Trạch tới khách hàng trên mọi miền Tổ quốc. Thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng chuyển đổi số trong kết nối, tiêu thụ nông sản, tạo động lực cổ vũ, động viên  nông dân thi đua lao động, sản xuất.

Cùng đó, Hội Nông dân Hà Tĩnh cũng đã quan tâm chỉ đạo, phát huy vai trò của tất cả các cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ kết nối tiêu thụ bưởi. Trong những ngày đầu mùa, Trung tâm đã kết nối tiêu thụ trên 5 tấn bưởi tại thị trường một số tỉnh, thành như: Bình Dương, Sơn La, Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh...

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
Top