Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 9 tháng 4 năm 2024 | 9:22

Đảm bảo phúc lợi động vật: Sản phẩm chăn nuôi đủ điều kiện xuất khẩu tới nhiều thị trường

Hội thảo “Phúc lợi động vật, phát triển chăn nuôi bền vững và xuất khẩu” vừa được Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VFAEA) tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những điều quan trọng mà người chăn nuôi cần quan tâm hiện nay là, một số nhà thu mua, nhãn hàng lớn, chuỗi bán lẻ trên thế giới đang có tỉ lệ thu mua sản phẩm trứng gà được chứng nhận phúc lợi động vật, hay cam kết loại bỏ dần thịt heo (lợn) được nuôi trong lồng nhốt mà chỉ mua thịt heo được nuôi từ mô hình chăn nuôi phúc lợi động vật.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, việc đảm bảo phúc lợi động vật sẽ gắn với an toàn sinh học, để sản phẩm chăn nuôi đủ điều kiện xuất khẩu tới nhiều thị trường.

Khái niệm còn mới

Phúc lợi động vật được hiểu đơn giản là đối xử tốt với động vật để con vật có trạng thái tốt nhất về mặt thể chất, tinh thần, tránh những đau đớn không đáng có, cho dù đó là con vật nuôi làm thực phẩm, công cụ sản xuất, thú cưng, hay động vật hoang dã bị nuôi nhốt. Chuồng nuôi là nơi để vật nuôi được thể hiện những bản năng cơ bản như chạy nhảy, nô đùa và được thể hiện những cảm xúc riêng.

Tại Việt Nam đã được luật hóa trong Luật Thú y năm 2015 và Luật Chăn nuôi năm 2018, trong đó, quy định chi tiết những vấn đề liên quan đến phúc lợi động vật từ chăn nuôi cho đến vận chuyển, giết mổ.

Phúc lợi động vật từ chăn nuôi còn rất mới ở Việt Nam, nhưng tại các quốc gia châu Âu, từ năm 2018, người dân đã bắt đầu quan tâm đến phúc lợi động vật, bằng việc không nuôi nhốt con vật trong lồng.

Tuy phúc lợi động vật từ chăn nuôi đã được Luật hóa nhưng khái niệm này vẫn còn khá mới mẻ với người dân. TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, cho biết, tại Việt Nam, phúc lợi động vật vẫn là khái niệm còn mới và không phải người chăn nuôi nào cũng hiểu được. “Phúc lợi động vật là nhân tố cực kỳ quan trọng để phát triển ngành chăn nuôi bền vững”, TS. Hạ Thúy Hạnh nhấn mạnh.

Chia sẻ về phúc lợi động vật trong chăn nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế, TS. Cù Thị Thiên Thu, giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết, từ năm 2018, châu Âu có thông điệp rõ ràng: “Chấm dứt kỷ nguyên nuôi con vật nhốt lồng trong trang trại”.

Để sản phẩm từ gia súc, gia cầm không tồn dư kháng sinh, không chất tăng trưởng, thì việc tạo cho vật nuôi (gà mái đẻ, lợn nái) được “giải phóng” trong lồng nuôi, thay vào đó, được sống trong môi trường tự do đúng tập tính của nó.

Hiệu quả kinh tế cao

Theo TS. Sara Shield, Giám đốc khoa học Tổ chức HSI (Tổ chức Quốc tế Đối xử nhân đạo với động vật), phúc lợi động vật trang trại không chỉ được quan tâm ở các nước có thu nhập cao, mà ở bất kỳ quốc gia nào.

“Phúc lợi động vật trong chăn nuôi là yếu tố rất quan trọng. Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) năm 2008 đã thông qua Bộ luật Thú y động vật trên cạn, quy định: “Heo nái và hậu bị, cũng như các giống heo khác, là động vật có tập tính xã hội và thích sống thành đàn. Do đó, nên sống theo nhóm trong thời kỳ mang thai.

Để bắt kịp tốc độ phát triển khoa học kỹ thuật, những thay đổi trong doanh nghiệp toàn cầu, chính sách pháp luật và thể chế, cần đầu tư vào chăn nuôi không sử dụng lồng ép trên nái mang thai”, TS. Sara Shield nhấn mạnh.

TS. Sara Shield phân tích thêm, việc nuôi nhốt lợn nái trong lồng hay nuôi theo phúc lợi động vật đều phải đảm bảo công tác an toàn dịch bệnh, không để dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào trong khu vực chăn nuôi, đảm bảo dinh dưỡng, vắcxin phòng bệnh đúng… là như nhau. Do đó, chi phí nuôi theo phúc lợi động vật chỉ làm tăng 1 phần rất nhỏ chi phí ở khâu mật độ nuôi.

Do vậy, việc nuôi lợn nái theo nhóm 7 ngày sau phối năng suất hoàn toàn tốt, thậm chí tốt hơn nái nhóm 28 ngày.

“HSI đang làm việc với các bên liên quan, cơ quan nhà nước, khách hàng và người chăn nuôi để xúc tiến mô hình này”, TS. Sara Shield thông tin thêm, so với các nước trong khu vực như Malaysia, Philippine, Singapore, Việt Nam cũng là 1 trong những nước đang tiệm cận và đi dần dần đến phúc lợi động vật trong chăn nuôi.

Là doanh nghiệp có hơn 50 năm trong ngành trứng gia cầm, Công ty cổ phần Ba Huân đã có quy mô trang trại rộng khắp trên cả nước. Ông Đoàn Ngọc Duy, Giám đốc Khối chiến lược Công ty cho biết, với những thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay, doanh nghiệp cho ra những dòng sản phẩm từ trứng gà có tính bền vững, thân thiện với môi trường, sản phẩm có thể gắn với nhân đạo.

“Chứng nhận Humane Certified (Tổ chức Chứng nhận Trang trại chăm nuôi nhân đạo, phúc lợi động vật từ công đoạn sản xuất đến giết mổ) đúng với định hướng của công ty, cho ra nhiều sản phẩm mới bao gồm các sản phẩm có tiêu chuẩn động vật ăn thực vật. Từ đó, tạo cơ hội mở ra thị trường mới, cũng như mở rộng cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm chăn nuôi, nâng tầm giá trị thương hiệu thực phẩm Việt trên thị trường quốc tế”, ông Duy nói.

Chăn nuôi bền vững, không thể thiếu phúc lợi động vật

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, ngành chăn nuôi nước ta đạt tốc độ tăng trưởng bình quân cao (từ 4,5 - 6%/năm), trong đó tổng sản lượng thịt hơi các loại tăng trưởng trung bình 2,7%/năm; sản lượng trứng tăng 7,1%/năm và sản lượng sữa tươi nguyên liệu tăng 4,5%/năm. Năm 2023, giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi tăng trưởng ước đạt 5,72%, đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp.

Ngoài những thành tựu đạt được của năm 2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan mong muốn, trong thời gian tới, Viện Chăn nuôi sẽ nghiên cứu về lĩnh vực phúc lợi động vật. Bởi ngành chăn nuôi đang hướng đến chăn nuôi bền vững, không thể thiếu việc đảm bảo phúc lợi động vật.

Bộ trưởng dẫn ví dụ, tại các quốc gia châu Âu, từ năm 2018 người dân đã bắt đầu quan tâm đến phúc lợi động vật, bằng việc không nuôi nhốt con vật trong lồng. Việc đảm bảo phúc lợi động vật sẽ gắn với an toàn sinh học, giảm kháng sinh trong chăn nuôi. Đó sẽ là những giải pháp để sản phẩm chăn nuôi đủ điều kiện xuất khẩu tới nhiều thị trường.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, phúc lợi động vật được hiểu một cách đơn giản là việc đối xử tốt với động vật để con vật có trạng thái tốt nhất về thể chất, tinh thần, tránh những đau đớn không đáng có. Cho dù đó là vật nuôi làm thực phẩm, công cụ sản xuất hay thú cưng.

“Trước thực trạng tỷ lệ mắc ung thư ngày càng gia tăng, khiến chúng ta phải quay lại đặt câu hỏi: Thức ăn, thực phẩm con người nạp vào cơ thể đã thực sự tốt? Do vậy, trước khi mua các sản sản phẩm thịt, người tiêu dùng cũng đang có mối quan tâm đến thực phẩm từ những con vật nuôi được sống như thế nào trong điều kiện chuồng trại”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Để sản phẩm từ gia súc, gia cầm không tồn dư kháng sinh, không chất tăng trưởng, việc tạo điều kiện cho vật nuôi gà mái đẻ, lợn nái được “giải phóng” trong lồng nuôi, thay vào đó, được sống trong môi trường tự do đúng tập tính của nó. Khi vật nuôi không bị stress, sẽ cho chất lượng thịt, trứng năng suất hơn, chất lượng hơn.

5 tiêu chí đảm bảo phúc lợi động vật:

Động vật không bị đói khát.

Động vật không bị khó chịu cả về thể chất và tinh thần.

Động vật không bị đau đớn, thương tật, bệnh tật.

Động vật không bị sợ hãi và lo lắng.

Động vật được tự do thể hiện các hành vi bản năng.

 

 

Khánh Ngân
Ý kiến bạn đọc
Top