Thế nào là đất BHK? Đây là vấn đề được nhiều người sử dụng đất quan tâm nhưng không phải ai cũng nắm rõ các quy định pháp luật liên quan đến loại đất này.
Đất BHK là gì? Mục đích sử dụng đất BHK
Tại Điều 10, Luật Đất đai 2013 quy định các loại đất được phân loại căn cứ vào mục đích sử dụng đất gồm 03 nhóm lớn: Đất nông nghiệp; Đất phi nông nghiệp; Nhóm đất chưa sử dụng.
Trong đó, nhóm đất sản xuất nông nghiệp thuộc đất nông nghiệp gồm (căn cứ Thông tư 25/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường): Đất chuyên trồng lúa nước (LUC); Đất trồng lúa nước còn lại (LUK); Đất trồng lúa nương (LUN); Đất cỏ dùng vào chăn nuôi (COC); Đất bằng trồng cây hàng năm khác (BHK); Đất nương rẫy trồng cây hàng năm khác (NHK)…
Như vậy, BHK là ký hiệu của đất bằng trồng cây hàng năm khác, đây là loại đất trồng cây hàng năm thuộc nhóm đất nông nghiệp.
Tuy nhiên, cùng là loại đất trồng cây hàng năm, nhưng pháp luật đất đai phân biệt đất bằng trồng cây hàng năm khác (BHK) với đất nương rẫy trồng cây hàng năm khác (NHK) ở yếu tố địa hình, vị trí của thửa đất.
Đất BHK được các cá nhân/ hộ gia đình thuê có thời hạn thuê không quá 50 năm (ảnh minh họa).
Cụ thể, đất bằng trồng cây hàng năm khác có thể được hiểu là loại đất ở khu vực đồng bằng được sử dụng với mục đích trồng các loại cây hàng năm (cây trồng có thời gian sinh trưởng, phát triển và thu hoạch trong năm như: Cây họ Đậu, cây cà chua, cây ngô, cây khoai, các loại rau (rau bắp cải, su hào, rau cải, rau muống, mướp…).
Đất bằng trồng cây hàng năm khác cũng là loại đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điều 98, Luật Đất đai 2013. Theo đó, người sử dụng đất phải có nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích đã được Nhà nước công nhận và theo quy định pháp luật.
Hạn mức giao đất và thời hạn sử dụng đất BHK
Điều 192, Luật Đất đai 2013 quy định về hạn mức giao đất trồng cây hàng năm đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau:
- Tối đa 03ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long;
- Tối đa 02ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao nhiều loại đất bao gồm đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì tổng hạn mức giao đất không quá 05ha.
Theo quy định tại Điều 125 và Điều 126, Luật Đất đai 2013, thời hạn sử dụng đất BHK gồm 2 loại:
- Đất sử dụng ổn định lâu dài (không giới hạn thời gian);
- Đất có thời hạn sử dụng.
Bên cạnh đó, Luật còn quy định rõ thời hạn sử dụng đất trong trường hợp chuyển mục đích sử dụng và chuyển quyền sử dụng đất:
- Trường hợp thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của địa phương thì thời hạn sử dụng tối đa 05 năm.
- Cá nhân hoặc hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất do Nhà nước giao, công nhận quyền sử dụng có thời hạn sử dụng là 50 năm. Sau 50 năm, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được xem xét gia hạn thêm 50 năm.
- Cá nhân, hộ gia đình thuê đất nông nghiệp thì có thời hạn thuê đất tối đa 50 năm. Nếu hết thời hạn thuê đất mà vẫn nhu cầu sử dụng thì được Nhà nước xem xét tiếp tục cho thuê.
- Tổ chức được giao hoặc cho thuê đất để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất không quá 70 năm.
Hết thời hạn sử dụng, gia hạn đất BHK thế nào?
Ở phần trên đã giải thích, đất BHK thuộc nhóm đất nông nghiệp, do đó, căn cứ Khoản 1, Điều 126 Luật Đất đai 2013, cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên loại đất này được quyền gia hạn để tiếp tục sử dụng đất với thời hạn 50 năm.
Căn cứ Khoản 3, Điều 74 Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ, hồ sơ gia hạn đất BHK gồm:
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất;
- Bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Hồ sơ nộp đến UBND cấp xã nơi có đất. Sau đó, UBND cấp xã kiểm tra hồ sơ, xác nhận hộ gia đình, cá nhân đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai;
- Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra hồ sơ, xác nhận thời hạn được tiếp tục sử dụng đất, chỉnh lý, cập nhật vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Đất BHK có chuyển đổi lên đất ở được không?
Bên cạnh việc hiểu rõ đất BHK là gì, vấn đề về chuyển đổi đất BHK lên đất ở cũng được người sử dụng đất đặc biệt quan tâm.
Theo đó, để được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất BHK thành đất ở thì thửa đất, người sử dụng đất phải thỏa mãn quy định tại Điều 52, Luật Đất đai 2013 như sau:
Điều 52. Căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
1. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Như vậy, theo quy này thì người sử dụng đất muốn được chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp trồng cây hàng năm thành đất ở thì phải thỏa mãn đồng thời cả 2 điều kiện sau:
- Nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất có trong đơn phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện nơi có đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Người sử dụng đất phải có đơn đề nghị/xin chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó điền đầy đủ thông tin tại các mục có trong đơn như diện tích, vị trí thửa đất có nhu cầu chuyển mục đích…