Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 5 năm 2023 | 10:11

Đất rừng sản xuất có làm trang trại được không?

Đất rừng sản xuất là một trong các loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp. Vậy, đất rừng sản xuất có được làm trang trại không?

Đất rừng sản xuất dùng vào mục đích gì?

Đất rừng sản xuất thuộc nhóm đất nông nghiệp (điểm c, khoản 1, Điều 10, Luật Đất đai 2013), được sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và mục đích sinh thái, du lịch.

Đất rừng sản xuất hiện nay được phân loại thành:

- Đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên: Đất có rừng tự nhiên và rừng được phục hồi bằng biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên

- Đất rừng sản xuất là rừng trồng: Đất có rừng trồng bằng vốn ngân sách nhà nước, rừng trồng bằng vốn chủ rừng tự đầu tư.

Đất rừng sản xuất có làm trang trại được không? (Ảnh minh họa)

Đất rừng sản xuất có được làm trang trại không?

Theo phân loại đất đai được quy định tại Điều 10, Luật Đất đai 2013:

Điều 10. Phân loại đất

Căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại như sau:

1. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:

c) Đất rừng sản xuất;

h) Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh”.

Theo đó, đất rừng sản xuất và đất xây dựng trang trại đều thuộc nhóm đất nông nghiệp nói chung.

Mặt khác, tại điểm c, khoản 1, Điều 57, Luật Đất đai 2013 quy định về mục đích sử dụng đất:

“Điều 57. Chuyển mục đích sử dụng đất

1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:

c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;…

Như vậy, theo quy định nêu trên thì việc xây dựng trang trại trên đất rừng sản xuất được xác định là chuyển đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp. Hành vi nêu trên được pháp luật cho phép nhưng phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.

Nói cách khác, người sử dụng đất được xây dựng trang trại trên đất rừng sản xuất khi chuyển mục đích sử dụng đất và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Cách xây trang trại trên đất rừng sản xuất hợp pháp

Như nói ở phần trên, trước khi xây trang trại trên đất rừng sản xuất, người sử dụng đất phải chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất. Hồ sơ, thủ tục như sau (căn cứ Điều 69, Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn tại Quyết định 2555/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường):

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Điều 6, Thông tư 20/2014/TT-BTNMT quy định hồ sơ đối với hộ gia đình, cá nhân gồm các giấy tờ sau:

Đơn xin chuyển mục đích sử dụng theo Mẫu số 01.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ, Sổ hồng).

Bước 2: Nộp hồ sơ

Nộp tại:

- Bộ phận một cửa cấp huyện; hoặc

Phòng Tài nguyên và Môi trường.

Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ

Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

Bước 4: Xử lý, giải quyết yêu cầu

- Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích.

- Phòng Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

- Phòng Tài nguyên và Môi trường trình UBND cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng.

- Phòng Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.

- Người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Bước 5: Trả kết quả

Chuyển đất rừng đặc dụng là rừng trồng, đất rừng phòng hộ là rừng trồng, đất rừng sản xuất là rừng trồng sang mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt (theo quy định tại Điều 10, Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ) như sau:

- Phạt tiền 3.000.000 - 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5ha;

- Phạt tiền 5.000.000 - 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5ha đến dưới 01ha;

- Phạt tiền 10.000.000 - 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01ha đến dưới 05ha;

- Phạt tiền 20.000.000 - 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 05ha trở lên.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp chuyển mục đích trên;

- Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 1 Nghị định 91/2019/NĐ-CP; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1, Điều 7 của Nghị định 91/2019/NĐ-CP.

P.V
Ý kiến bạn đọc
Top