Thực tế, nhiều người chưa hiểu rõ về ký hiệu của đất trồng cây lâu năm, do đó, vẫn còn gặp khó khăn khi đọc thông tin bản đồ địa chính trong sổ đỏ. Vậy, đất trồng cây lâu năm ký hiệu là gì? Đất trồng cây lâu năm khác gì với đất vườn?
Ký hiệu đất trồng cây lâu
Căn cứ Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 25/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đất trồng cây lâu năm có ký hiệu là CLN.
Đây là loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp, theo đó, căn cứ Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 27/2018/TT-BTNMT, loại đất này sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm, gồm:
- Cây ăn quả lâu năm: Là cây lâu năm cho sản phẩm là quả để ăn tươi hoặc kết hợp chế biến (măng cụt, nhãn, sầu riêng, vải, xoài, bưởi, cam, chôm chôm, mận, mơ…).
Đất trồng cây lâu năm là loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp (Ảnh minh họa).
- Cây công nghiệp lâu năm: Là cây lâu năm cho sản phẩm dùng làm nguyên liệu để sản xuất công nghiệp hoặc phải qua chế biến mới sử dụng được (cao su, ca cao, cà phê, chè, điều, hồ tiêu, dừa…).
- Cây dược liệu lâu năm: Là cây lâu năm cho sản phẩm làm dược liệu (hồi, quế, đỗ trọng, long não, sâm…).
- Các loại cây lâu năm khác: Là các loại cây lâu năm để lấy gỗ, làm bóng mát, tạo cảnh quan (xoan, bạch đàn, xà cừ, keo, hoa sữa, bụt mọc, lộc vừng,...).
Ngoài ra, đất trồng cây lâu năm còn bao gồm cả trường hợp trồng hỗn hợp nhiều loại cây lâu năm khác nhau hoặc có xen lẫn cây lâu năm và cây hàng năm.
Đất trồng cây lâu năm khác gì với đất vườn?
Pháp luật đất đai hiện hành không có quy định về đất vườn, tuy nhiên, theo hướng dẫn lập biểu kèm theo Quyết định số 507/1999/QĐ-TCĐC ban hành hệ thống biểu mẫu thống kê diện tích đất đai sử dụng thống nhất trong cả nước quy định:
“Diện tích đất vườn gắn liền với đất ở thuộc khuôn viên của mỗi hộ gia đình trong các khu dân cư trồng xen kẽ giữa các loại cây hàng năm với cây lâu năm hoặc giữa các cây lâu năm mà không thể tách riêng để tính diện tích cho từng loại”.
Như vậy, có thể thấy, điểm khác biệt lớn nhất của hai loại đất này chính là mục đích sử dụng. Trong đó:
- Đất vườn là loại đất vừa có thể trồng cây lâu năm và cây hàng năm.
- Đất trồng cây lâu năm: Chỉ được trồng những loại cây chỉ cần trồng một lần nhưng sinh trưởng và thu hoạch trong nhiều năm gồm cây ăn quả lâu năm, cây công nghiệp lâu năm, cây dược liệu lâu năm...
Có được xây nhà trên đất trồng cây lâu năm?
Như đã trình bày ở trên, đất trồng cây lâu năm thuộc nhóm đất nông nghiệp và sử dụng vào mục đích trồng những loại cây chỉ cần trồng một lần nhưng sinh trưởng và thu hoạch trong nhiều năm (mục đích sử dụng đất được ghi rõ tại trang 2 của Giấy chứng nhận theo quy định tại điểm a, khoản 6, Điều 6, Thông tư 23/2014/TT-BTNMT). Trong khi đó, nhà ở, công trình xây dựng được xây dựng trên đất ở (đất thổ cư).
Mặt khác, Điều 6, Luật Đất đai 2013 nêu rõ nguyên tắc sử dụng đất như sau:
“1. Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.
2. Tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh.
3. Người sử dụng đất thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Do đó, người sử dụng đất phải sử dụng đúng mục đích ghi trong Giấy chứng nhận, trường hợp muốn xây dựng nhà ở phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và chỉ được xây dựng nhà ở khi có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở (căn cứ khoản 1, Điều 57, Luật Đất đai 2013).
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp làm đơn xin phép đều được chuyển mục đích sử dụng đất bởi quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất còn căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của UBND cấp huyện.
Tóm lại, người sử dụng đất không được phép xây dựng nhà ở trên đất trồng cây lâu năm nếu chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền (UBND cấp huyện) cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Việc tự ý xây nhà trên đất trồng cây lâu năm sẽ bị xử phạt vi phạm theo quy định pháp luật, theo đó, căn cứ Điều 11 của Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai như sau:
“Điều 11. Sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất rừng phòng hộ, không phải là đất rừng đặc dụng, không phải là đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm b và d khoản 1 Điều 57 của Luật đất đai
1. Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 2.000.000 - 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5ha;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 - 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5ha đến dưới 1ha;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 1ha đến dưới 3ha;
d) Phạt tiền từ 20.000.000 - 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 3ha trở lên.
2. Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,02ha;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 - 8.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02ha đến dưới 0,05ha;
c) Phạt tiền từ 8.000.000 - 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05ha đến dưới 0,1ha;
d) Phạt tiền từ 15.000.000 - 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1ha đến dưới 0,5ha;
đ) Phạt tiền từ 30.000.000 - 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 ha đến dưới 1ha;
e) Phạt tiền từ 50.000.000 - 100.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 1ha đến dưới 3ha;
g) Phạt tiền từ 100.000.000 - 200.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 3ha trở lên”.
Như vậy, nếu tự ý xây nhà trên đất trồng cây lâu năm, người sử dụng đất có thể bị phạt tới 200 triệu đồng.