Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 16 tháng 5 năm 2023 | 14:59

Đất trồng lúa có phải là đất trồng cây hàng năm không?

Đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm đều thuộc nhóm đất nông nghiệp. Nhiều người thắc mắc, vậy đất trồng lúa có phải là đất trồng cây hàng năm không?

Đất trồng lúa có phải là đất trồng cây hàng năm?

Để trả lời cho câu hỏi “đất trồng lúa có phải là đất trồng cây hàng năm”, trước tiên cần hiểu rõ thế nào là đất trồng lúa và thế nào là đất trồng cây hàng năm?

Theo điểm a, khoản 1, Điều 10 Luật Đất đai 2013, đất trồng cây hàng năm thuộc nhóm đất nông nghiệp, bao gồm: Đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác. Trong đó:

- Đất trồng lúa: Là loại đất có các điều kiện phù hợp để trồng lúa, bao gồm đất chuyên trồng lúa nước (đất trồng được hai vụ lúa nước trở lên trong năm) và đất trồng lúa khác (đất trồng lúa nước còn lại và đất trồng lúa nương).

(Căn cứ các khoản 1, 2, 3, 4, Điều 3, Nghị định định 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ).

Đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm đều thuộc nhóm đất nông nghiệp (Ảnh minh họa).

- Đất trồng cây hàng năm khác: Là loại đất có mục đích sử dụng để trồng cây hàng năm khác không phải là lúa nước, gồm các cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá 01 năm, kể cả cây hàng năm lưu gốc để thu hoạch không quá 05 năm.

(Căn cứ khoản 8, Điều 3, Nghị định 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ).

Như vậy, căn cứ theo các quy định nêu trên, có thể thấy, đất trồng lúa chính là đất trồng cây hàng năm, tuy nhiên, chỉ được sử dụng vào mục đích trồng lúa mà không được trồng các cây hàng năm khác.

Muốn trồng cây hàng năm khác trên đất trồng lúa, phải làm gì?

Như đã nói ở trên, đất trồng lúa chỉ được sử dụng vào mục đích để trồng lúa nước và các loại lúa khác. Do vậy, người sử dụng đất không được phép tự ý trồng các loại cây hàng năm khác trên đất trồng lúa.

Để trồng cây hàng năm khác trên đất trồng lúa, người sử dụng đất cần làm thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa.

Điều kiện trồng cây hàng năm khác trên đất trồng lúa

Khoản 1, Điều 13, Nghị định 94/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện chuyển từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm như sau:

- Không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa;

- Không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa.

- Phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm khác của xã, phường, thị trấn.

Trình tự, thủ tục đăng ký trồng cây hàng năm khác trên đất trồng lúa

Theo khoản 3, Điều 13, Nghị định 94/2019/NĐ-CP của Chính phủ, trình tự, thủ tục chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây hàng năm khác như sau:

Bước 1: Gửi đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

- Mẫu đăng ký là Mẫu số 04.CĐ. 

- Nơi gửi: Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất.

Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết yêu cầu

-  Trường hợp bản đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng không hợp lệ: Trong thời gian 03 ngày làm việc, UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất phải hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân điều chỉnh, bổ sung bản đăng ký theo đúng quy định.

- Trường hợp bản đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa hợp lệ: Trong thời gian 05 ngày làm việc, UBND xã, phường, thị trấn có ý kiến “Đồng ý cho chuyển đổi” và đóng dấu vào bản đăng ký, vào sổ theo dõi, gửi lại cho người sử dụng đất.

- Nếu không đồng ý, UBND xã, phường, thị trấn phải trả lời bằng văn bản cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có yêu cầu.

Trồng cây hàng năm trên đất trồng lúa khi chưa chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xử lý thế nào?

Theo khoản 1, Điều 13, Nghị định 91/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 4, Điều 1, Nghị định 04/2022/NĐ-CP của Chính phủ, trường hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng khi chưa có ý kiến đồng ý cho chuyển đổi của Ủy ban nhân dân cấp xã có thể bị xử phạt theo mức sau:

- Phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng dưới 0,5ha;

- Phạt tiền từ 02 - 05 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 0,5ha đến dưới 01ha;

- Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 01ha trở lên.

Đồng thời, bị buộc đăng ký việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng với Ủy ban nhân dân cấp xã.

 

Linh Trang
Ý kiến bạn đọc
Top