Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024 | 9:25

Đẩy mạnh thương mại điện tử: Phải tìm cách liên kết, tạo “kiềng ba chân”

Ngày nay, thương mại điện tử (TMĐT) đang trở thành trào lưu của các quốc gia có nền tảng công nghệ phát triển như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... và lan rộng tới các quốc gia đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam...

TMĐT không chỉ giúp các doanh nghiệp (DN), HTX, các hộ sản xuất tại địa bàn vùng  sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đa dạng kênh tiêu thụ, mà còn tạo ra các cơ hội đưa thương hiệu sản phẩm vươn xa, từ đó mở rộng thị phần thông qua không gian tiêu thụ không biên giới.

Tạo đầu ra cho đặc sản vùng miền

TMĐT nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc. Từ đó, các doanh nghiệp Việt ngày càng ý thức hơn về việc làm sao để bán được sản phẩm ra nước ngoài, đặc biệt là nông sản, để giảm phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch.

Sự đa dạng về mô hình hoạt động, về đối tượng tham gia và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa TMĐT trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số của quốc gia.

Với đặc điểm bán hàng không biên giới, TMĐT giúp người tiêu dùng thông qua internet để mua sắm tại các thị trường quốc tế; đồng thời, giúp cho các cá nhân, doanh nghiệp dễ dàng hơn khi giới thiệu và giao sản phẩm của mình đến tay khách hàng quốc tế.

Đây được đánh giá là kênh kết nối, đưa những sản phẩm của khu vực này  tiếp cận người tiêu dùng trong cả nước, tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền. Đặc biệt, góp phần tích cực và phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Giúp các hộ nông dân có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đánh giá, tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của bà con vẫn còn hạn chế do địa bàn chia cắt, đi lại khó khăn. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản lượng thấp và chất lượng mẫu mã là những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho người dân vùng này.

Theo bà Nga, nhiều hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương với những nền tảng thương mại điện tử lớn như: Sendo, Tiki, Shopee, Lazada hay Postmart… đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa trên các sàn TMĐT.

Cụ thể, những sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, hải đảo như vải thiều Lục Ngạn, cam Cao Phong, chè Shan tuyết, mận Tam hoa Bắc Hà, mật ong bạc hà Hà Giang, nước mắm Phan Thiết… đã được đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh TMĐT, mang đến làn sóng mới trong sản xuất kinh doanh và giảm sự phụ thuộc vào phương thức bán hàng truyền thống.

Tháng 8/2023, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Tỉnh đoàn Sơn La tổ chức chương trình tập huấn tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn.

Tại chương trình, đoàn viên, thanh niên tỉnh Sơn La đã được tập huấn kỹ năng bán các sản phẩm OCOP trên các nền tảng TMĐT, mạng xã hội.

Phiên chợ livestream giới thiệu và bán sản phẩm na Võ Nhai, nông sản Thái Nguyên.

Sau hơn 4 giờ với 12 phiên livestream  (phát sóng trực tiếp, quay clip và cung cấp hình ảnh thực tế của sản phẩm), các nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội đã bán được 5 tấn nhãn Sông Mã, 2.350 đơn hàng khác, doanh thu đạt gần 500 triệu đồng.

Cùng với nhãn Sơn La, năm 2023, dưới sự hỗ trợ của các nền tảng TMĐT như Shopee, Lazada… và đặc biệt là sự vào cuộc của Tiktok, nhiều loại nông sản đã có những phiên bán hàng qua livestream thu về kết quả rất khả quan như bí xanh thơm Bắc Kạn, vải thiều Lục Ngạn…

Với sự hỗ trợ, song hành của TikTok Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động như kết nối với các địa phương tổ chức các phiên chợ OCOP.

Sau hơn một năm triển khai các Chợ phiên OCOP trên nền tảng TikTok Việt Nam, đã có hơn 800 phiên livestream đạt 1,4 tỷ lượt xem. Qua đó, hỗ trợ cho hơn 3.000 chủ thể OCOP trên cả nước làm quen với kinh doanh trực tuyến… Bình quân mỗi phiên livestream, doanh thu đạt 130-150 triệu đồng.

Phải tìm cách liên kết, tạo “kiềng ba chân”

Bên cạnh cơ hội phát triển, tăng trưởng mở rộng thị trường đối với nông sản vùng núi, biên giới, việc bán hàng thông qua kênh livestream của nông dân vẫn còn nhiều hạn chế, vì vậy, họ rất cần được đào tạo, bởi đây là phương thức tiêu thụ mới với bà con nông dân, sản phẩm nông sản đa số sản xuất với quy mô nhỏ, mang tính thời vụ, thông tin về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm còn hạn chế.

Do vậy,  công việc cần tập trung trước mắt của các cơ quan, ban ngành là đào tạo nguồn nhân lực TMĐT, đào tạo cho người nông dân và các doanh nghiệp cách ứng dụng TMĐT một cách hiệu quả. Cụ thể, người  nông dân, HTX cần được đào tạo, hỗ trợ để trở thành những nhà bán hàng TMĐT thực thụ thay vì chỉ đưa sản phẩm lên sàn như hiện nay.

Cùng với đó, HTX và nông dân cần có một tư duy đổi mới để có thể tận dụng được hết mức các lợi ích của TMĐT. Bởi, kinh doanh qua sàn TMĐT không chỉ dừng lại ở thu hoạch và bán hàng mà cần có sự đầu tư vào khâu đóng gói, hậu cần, vận chuyển hay làm hình ảnh quảng bá để cải tiến cách làm và phát triển sản xuất kinh doanh một cách tối ưu.

Bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương cũng như doanh nghiệp cần có những giải pháp đồng bộ hơn về mặt tổ chức công nghệ, nguồn nhân lực, xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung làm cơ sở cho phát triển sản phẩm hàng hóa tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường cũng như là quy định của các sàn TMĐT.

Từ kinh nghiệm triển khai chương trình đào tạo bán hàng trực tuyến tại Đồng Tháp, bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, Viện trưởng Viện Ứng dụng Khoa học Công nghệ và đào tạo Mekong, chia sẻ: Ngoài kỹ năng, cần đào tạo cho các chủ thể về công nghệ, cách vận hành, không chỉ sản xuất và bán hàng, mà cả quy trình vận đơn, đóng gói cho đến việc giải quyết cả phàn nàn của khách hàng. Đó là một đào tạo chuyên sâu vì kỹ năng bán hàng không phải ai cũng có. Cùng với đó, phải tìm cách liên kết, tạo kiềng ba chân: Nông dân người nuôi trồng, sản xuất + doanh nghiệp chế biến và doanh nghiệp bán hàng.

Năm 2022, giá trị xuất khẩu qua thương mại điện tử của Việt Nam đạt hơn 80 nghìn tỷ đồng, dự kiến đạt 300 nghìn tỷ đồng vào năm 2027. Tuy nhiên, do doanh nghiệp Việt chủ yếu là nhỏ, vừa, siêu nhỏ nên thách thức khi xuất khẩu thương mại điện tử tập trung vào kiến thức, năng lực, quy định, chi phí, thông tin tiếp cận thị trường, năng lực cạnh tranh,... nhất là vấn đề logistics còn yếu. Đối với xuất khẩu nông sản qua thương mại điện tử thì còn thêm các vấn đề về chỉ dẫn địa lý, bảo hộ sở hữu trí tuệ, quy trình sản xuất an toàn, khả năng cung ứng và có dịch vụ chăm sóc khách hàng... Tóm lại, nhận thức và nguồn lực là hai khó khăn lớn.

 

Chí Thanh
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top