Hiện, số ca mắc xuất huyết tại ổ dịch ở xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà tĩnh đã lên tới 35 người. Hà Tĩnh đang triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý, không để dịch lan rộng.
Từ đầu năm đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Tĩnh chỉ khoảng 50 ca, trong đó 40 ca nội tại và 10 ca ngoại lai. Tuy nhiên, diễn biến ổ dịch tại thôn 2, xã Hải Phong, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh hiện đang phức tạp.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh khuyến cáo người dân không nên chủ quan với dịch sốt xuất huyết
Thôn 2, xã Hải Phong có 400 hộ với hơn 1.500 nhân khẩu, mật độ dân cư đông, môi trường sống ẩm thấp, các phế thải, dụng cụ chứa nước trong hộ dân vẫn còn nhiều… Những yếu tố này là điều kiện hình thành ổ dịch và nguy cơ lây lan sang thôn 1 rất cao.
Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhiều ngày qua, ngành Y tế thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã phối hợp với địa phương ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước, thu gom phế thải, khơi thông cống rãnh... Ngành chức năng phun hóa chất diệt muỗi cho các hộ dân ở thôn 2 và thôn 1 xã Hải Phong. Cán bộ y tế kịp thời đưa các trường hợp mắc sốt xuất huyết đến cơ sở y tế điều trị.
Tuy nhiên, theo đánh giá, ở thôn 2, xã Hải Phong, công tác vệ sinh môi trường còn chưa tốt, các phế thải, dụng cụ chứa nước trong hộ dân, nơi công cộng còn nhiều, chưa được xử lý triệt để khiến mật độ muỗi, bọ gậy rất cao. Chính vì vậy, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt từ cấp ủy, chính quyền địa phương xã Kỳ Lợi và thị xã Kỳ Anh trong thời gian tới thì ổ dịch vẫn còn nguy cơ cao.
Dân cư đông đúc, môi trường ẩm thấp... là điều kiện thuận lợi để dịch sốt xuất huyết hoành hành tại thôn 2 Hải Phong.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh khuyến cáo, hiện thời tiết nắng nóng xen kẽ những đợt mưa, độ ẩm cao, tạo điều kiện cho muỗi và bọ gậy phát triển nhanh gây nguy cơ bùng phát, lây lan dịch.
Biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Vì vậy, người dân cần chủ động đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thường xuyên vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật liệu phế thải (chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe, vỏ xe cũ, hốc tre)… để muỗi không đẻ trứng.
Các địa phương tích cực phun hóa chất phòng, chống dịch, tham gia diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường tại khu dân cư do ngành y tế và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội phát động.