UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có Công văn chỉ đạo UBND các huyện, thị xã và thành phố tổ chức triển khai thực hiện ngay Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 02 năm 2024 từ ngày 15/9 - 15/10/2024.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên giám sát bệnh, phát hiện sớm và tập trung mọi nguồn lực xử lý dứt điểm các ổ dịch mới phát sinh, đặc biệt các ổ dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi, không để dịch bệnh lây lan, kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và thiệt hại kinh tế của người chăn nuôi; trường hợp, dịch bệnh động vật lần đầu tiên xảy ra trên địa bàn quản lý, biểu hiện bệnh không điển hình mới, khẩn trương thông báo đến Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh) để xác định bệnh, lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn biện pháp xử lý ổ dịch theo quy định.
Chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức các đội thực hiện tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, bãi chăn thả…
Tổ chức tiêm phòng đợt 02 năm 2024 cho đàn vật nuôi, đặc biệt đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên vật nuôi theo kế hoạch như bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Cúm gia cầm, Viêm da nổi cục trâu bò, Lở mồm long móng, Dại chó mèo,...; đặc biệt lưu ý, đàn vật nuôi tại các khu vực có nguy cơ cao, vật nuôi đã được tiêm vắc xin nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc xin.
Quảng Ngãi chỉ đạo tổ chức tiêm phòng đợt 02 năm 2024 cho đàn vật nuôi.
Nội dung thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TTBNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; trong đó, tập trung thực hiện các nội dung:
Chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức các đội thực hiện tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, bãi chăn thả, chợ buôn bán động vật sống và sản phẩm động vật ở dạng tươi sống, địa điểm thu gom động vật sống và sản phẩm động vật để buôn bán, kinh doanh, khu vực chôn lấp, xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh, khu vực thu gom, xử lý chất thải của động vật,... việc phun khử trùng được thực hiện sau khi đã được vệ sinh cơ giới như: quét dọn, cọ, rửa sạch,...
Thường xuyên kiểm tra và yêu cầu các cơ sở: Chăn nuôi tập trung, giết mổ động vật tập trung, ấp trứng gia cầm, thủy cầm,... chủ động bố trí kinh phí để thực hiện việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại cơ sở và khu vực xung quanh dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y.
Kết thúc “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi” đợt 02 năm 2024, UBND các huyện, thị xã và thàng phố tổng hợp kết quả thực hiện, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 20/10/2024 để tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh theo yêu cầu.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm chủ trì, phân bổ vắc xin, hoá chất từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ theo Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, đảm bảo nhu cầu của các địa phương để thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường và tiêm phòng đợt 02 năm 2024.