Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 3 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 1 tháng 8 năm 2024 | 15:45

Hà Nội rút báo động lũ, triển khai ngay công tác tổng vệ sinh môi trường

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Hà Nội đã rút báo động lũ, do mực nước sông Tích vào sáng 1/8 đã giảm so với mực nước báo động III. Ngay sau khi nước rút, các địa phương tiến hành tổng vệ sinh môi trường, phun thuốc khử trùng không để dịch bệnh lây lan.

Rút báo động lũ

Cụ thể, mực nước sông Tích tại trạm Thủy văn Vĩnh Phúc vào 8h30' ngày 1/8 là 7,96m (mực nước báo động III là 8,0m). Vì vậy, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Hà Nội đã lệnh rút báo động III trên sông Tích tại địa phận các xã ven đê thuộc các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ.

Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, các đơn vị ở địa phận trên và các ngành, các cán bộ đã được giao nhiệm vụ thi hành nghiêm những quy định khi có lệnh rút báo động III.

Điển hình tại huyện Chương Mỹ, vào 7h00' ngày 1/8, lượng mữa đo được trên địa bàn huyện là: 408,35mm. Mực nước tại sông Bùi là 6,91m; hồ Đồng Sương là 18,26m…

Hiện tại huyện còn 19 thôn, xóm bị ngập; 1.252 hộ bị ảnh hưởng; 6.050 khẩu ngập cần cứu trợ; 721m chiều dài kênh mương bị hư hỏng; 4.685m đê bị ngập; đê hữu Bùi tại vị trí tường kè thôn Đừn, xã Tốt Động xuất hiện hiện tượng rò rỉ qua chân tường kè dài khoảng 200m; chiều dài đoạn đê bị sạt lở là 30m (xã Quảng Bị); đập Vai Vàng bị sạt lở 100m, trạm bơm Lải Cao bị ngập sâu trong nước (xã Tân Tiến)…; 92.450m đường giao thông nội đồng bị ngập; 407m đường giao thông nội đồng bị sạt lở; 28.990m đường giao thông nông thôn bị ngập…

Để khắc phục hậu quả mưa lũ, huyện Chương Mỹ đã huy động 4.721 người và 199 phương tiện tham gia (trong đó, các đơn vị quân đội 450 người, 13 xe các loại, 04 xuồng máy); vật tư đã sử dụng: 6.028m3 đất, cát; 52.675 bao tải; 180m2 bạt nilon. Xí nghiệp Đầu tư và khai thác công trình thủy lợi đã vận hành 12 trạm với 36 máy bơm. Đồng thời Chương Mỹ đã tổ chức tiếp nhận và từ nguồn xã hội hóa, nguồn ngân sách của các đơn vị mua sắm cấp phát hỗ trợ đến các hộ trong vùng ngập úng.

Khẩn trương tiêu úng và cứu trợ cho bà con

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn, do chịu ảnh hưởng của cơn bão số 2 và rìa Bắc rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió trên cao, từ ngày 22 đến ngày 29/7, trên địa bàn huyện Quốc Oai đã xảy ra mưa lớn. Tổng lượng mưa đo được từ ngày 22 đến ngày 31/7 tại Xí nghiệp thủy lợi Quốc Oai là 499 mm.

Huyện Quốc Oai huy động các lực lượng và nhân dân chung sức tham gia phòng chống mưa lũ. Ảnh: VGP/TT

Để ứng phó với mưa bão, UBND huyện đã ban hành 2 Công điện và 4 Lệnh báo động lũ trên sông Tích và sông Đáy; 8 Văn bản chỉ đạo thực hiện ứng phó và khắc phục hậu quả do cơn bão số 2 gây ra...

Đối với Trạm bơm tiêu Yên Sơn, huyện đã tiêu úng cho khu vực các xã: Thị Trấn, Yên Sơn, Sài Sơn, Phượng Cách, một phần xã Phùng Xá huyện Thạch Thất, đặc biệt khu công nghiệp 84 ha. Tại thời điểm diễn ra bão, Trạm bơm Tiêu chưa bàn giao chính thức nên chưa thực hiện tiêu thoát nước cho khu vực trên. Sau khi kiểm tra thực tế, nhận thấy không tiêu thoát nước kịp thời khu vực này sẽ ảnh hưởng lớn đến tài sản của khu vực. Vì thế, ngay trong đêm, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Quốc Oai đã ban hành Văn bản vận hành trạm bơm tiêu Yên Sơn; đồng thời phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Tích tổ chức vận hành ngay Trạm bơm tiêu Yên Sơn. Cùng với đó huyện đã chỉ đạo Xí nghiệp thủy lợi Quốc Oai trước ngày 22/7 mở cống và vận hành tiêu úng nước đệm trong hệ thống nội đồng.

"Nước rút đến đâu tổng vệ sinh môi trường đến đó"

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Quốc Oai cho biết, ngay sau khi Thành phố rút báo động lũ và mực nước sông đã rút. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe và vệ sinh môi trường cho khu vực bị ngập lụt được kịp thời, với phương châm "nước rút đến đâu tổ chức vứt rác, dọn vệ sinh đến đó", ngày 1/8, UBND huyện Quốc Oai đã tổ chức tổng vệ sinh môi trường trong mùa mưa bão trên địa bàn huyện. Đợt tổng vệ sinh lần này sẽ kéo dài đến hết ngày 10/8.

Nước rút đến đâu tập trung tổng vệ sinh ngay đến đó. 

Theo đó, các cơ quan đơn vị như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Huyện đoàn, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Trung tâm Y tế… thực hiện ra quân vệ sinh môi trường khu vực lũ, thực hiện khơi thông cống rãnh, trục vớt rác trôi nổi tại các điểm ngập trũng, đọng nước. Đồng thời thu dọn, vun gạt rác thải, phế liệu, phế thải vận chuyển tới điểm tập kết rác thải; phun thuốc khử trùng phòng chống dịch bệnh.

Tại các xã: Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa, Cấn Hữu, Đông Yên, Hòa Thạch, Ngọc Liệp huy động lực lượng của các tổ chức chính trị và nhân dân trên địa bàn thực hiện tổng vệ sinh môi trường khu vực bị ngập của địa phương mình.

Tại huyện Chương Mỹ, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu, trong những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 2 đã gây ra mưa to và rất to kéo dài. Một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã bị ngập úng như: Thôn Bùi Xá, thị trấn Xuân Mai, xã Thủy Xuân Tiên, xã Tân Tiến, xã Nam Phương Tiến… Để chủ động ứng phó với thiên tai, bão lụt và phòng chống dịch bệnh, UBND huyện Chương Mỹ đã yêu cầu các phòng, ngành và UBND các xã, thị trấn tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ.

Trong đó, Phòng Y tế và TTYT của huyện chủ động rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các khu vực bị ngập úng do ảnh hưởng của thiên tai; sẵn sàng chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra. Đồng thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, đảm bảo nước sạch và quản lý chất thải y tế trong mùa mưa lũ. Thực hiện giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trước, trong và sau mưa lũ, ngập úng như các bệnh: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết.

Đối với các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… Bên cạnh đó, chỉ đạo các Trạm Y tế hướng dẫn người dân triển khai thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt tại các khu vực ngập nước, đảm bảo người dân có nước sạch an toàn để sử dụng.

Triển khai ngay các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lũ, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó; tổ chức gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật, tránh phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Cùng với việc tổng vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, huyện sẽ triển khai phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống của nhân dân. Đối với vùng ngập sau khi rút cạn nước sẽ trồng rau và cây vụ đông sớm (như dưa chuột, cà chua, rau các loại); kiểm soát, hướng dẫn xử lý dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm, vật nuôi.

Chủ động triển khai phương án hỗ trợ khám chữa bệnh, thuốc men và thiết bị y tế. Đảm bảo cứu trợ đời sống cho nhân dân. Không để tình trạng người dân không có nước uống, sinh hoạt và lương thực, thực phẩm thiết yếu.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top