Mặc dù gặp nhiều khó khăn do bối cảnh khách quan, nhưng điểm nhấn trong quý I/2023 của ngành Nông nghiệp là việc xuất khẩu gạo, rau quả, hạt điều… đều tăng về giá trị; ngành tiếp tục tăng trưởng.
Ngành cũng đặt mục tiêu trong quý II/2023, tăng trưởng giá trị gia tăng 2,9 - 3,0%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản khoảng 14 tỷ USD.
Đóng góp vào tăng trưởng ngành trồng trọt là lúa gạo, "vừa được mùa, vừa được giá".
Điểm nhấn
Phát biểu báo cáo tại cuộc Họp báo thường kỳ quý I và một số nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, do Bộ này tổ chức sáng nay (31/3), tại Hà Nội, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Nguyễn Văn Việt, cho biết, ba tháng đầu năm, ngành Nông nghiệp và PTNT thực hiện kế hoạch trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát; nhưng giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức cao.
Ngành đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp nhằm ổn định sản xuất, ứng phó với biến động thị trường, thời tiết, dịch bệnh; tăng cường đàm phán mở cửa thị trường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Nhờ vậy, nông nghiệp vẫn đạt tăng trưởng khá; đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định xã hội và an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Văn Việt cho biết, điểm nhấn trong quý I/2023 của ngành là việc xuất khẩu gạo, rau quả, hạt điều… đều tăng về giá trị.
"Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực nông - lâm - thủy sản quý I ước đạt 2,52% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó nông nghiệp tăng 2,43%, lâm nghiệp tăng 3,36% và thủy sản tăng 2,68%", ông Việt nêu rõ.
Một số lĩnh vực có điểm sáng về tăng trưởng như lĩnh vực trồng trọt. Theo đó, giá trị sản xuất trồng trọt tăng khoảng 1,21% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 59,5% tỷ trọng giá trị sản xuất của lĩnh vực nông nghiệp. Đóng góp vào tăng trưởng ngành trồng trọt là lúa gạo, "vừa được mùa, vừa được giá", trong đó, đến nay đã thu hoạch đạt 1.355,4 nghìn hecta lúa, tăng 5,9%, năng suất bình quân đạt 67,1 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha; sản lượng đạt khoảng 9,1 triệu tấn, tăng 7,6%. Nhóm rau quả tăng; nhóm cây công nghiệp cũng tăng.
Toàn cảnh cuộc họp báo.
Theo báo cáo của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản 3 tháng đầu năm ước đạt 20,63 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD; nhập khẩu ước đạt 9,44 tỷ USD; xuất siêu 1,76 tỷ USD.
Những mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, như: gạo đạt 952 triệu USD (tăng 30,2%); nhóm rau quả 935 triệu USD (tăng 10,6%); hạt điều 708 triệu USD (tăng 14,2%); sữa và sản phẩm sữa 33,3 triệu USD (tăng 22,2%); thịt, phụ phẩm từ thịt 37 triệu USD (tăng 80,1%),...
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp cũng có những tăng trưởng đáng kể. Về lĩnh vực trồng trọt, tính chung 3 tháng đầu năm, giá trị sản xuất trồng trọt tăng khoảng 1,21% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 59,5% tỉ trọng giá trị sản xuất của lĩnh vực nông nghiệp chung.
Về chăn nuôi, trong 3 tháng đầu năm, dù dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt nhưng chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá bán thịt hơi vẫn ở mức thấp trong khi giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tăng cao. Chăn nuôi gia cầm trên cả nước phát triển ổn định. Giá trị sản xuất chăn nuôi quý I tăng khoảng 4,69%, chiếm 35,2% tỉ trọng giá trị sản xuất của lĩnh vực nông nghiệp chung; với sản lượng thịt hơi các loại chính đạt trên 1,9 triệu tấn, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước.
Những tháng qua, thời tiết tương đối thuận lợi đối với hoạt động trồng rừng và khai thác rừng trồng trên cả nước nhờ vậy tăng trưởng lĩnh vực lâm nghiệp khá cao, ước đạt 3,66% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay có 718 chủ rừng quả lý 7,65 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp, 417 phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt, đạt 58% tổng số phương án cần phê duyệt.
Tăng trưởng lĩnh vực thủy sản quý I khoảng 2,68% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng thủy sản tháng 3 ước đạt 703,8 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 3 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 1.889,2 nghìn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường xuất khẩu, các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 48,8% thị phần, châu Mỹ 20,3%, châu Âu 12,8%, châu Đại Dương 1,4% và châu Phi 1,2%. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD (chiếm 21,5% thị phần); đứng thứ 2 là Hoa Kỳ đạt 2,04 tỷ USD (chiếm 18,2%); thứ 3 là Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt 936 triệu USD (chiếm 8,4%); thứ 4 Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt 528 triệu USD (chiếm 4,7%).
Về phát triển nông thôn, xây dựng NTM và đổi mới tổ chức sản xuất, đến nay, cả nước có 6.001/8.211 xã (73,08%) đạt chuẩn NTM; có 1,042 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 130 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 18 tỉnh có 100% số xã đạt chẩn NTM, công nhận 9.167 sản phẩm OCOP với 4.704 chủ thể tham gia. Hiện nay, cả nước có 19.768 HTX nông nghiệp, trong đó có trên 60% xếp loại khá, tốt trở lên và 19.660 trang trại.
Càng khó khăn càng phải “dốc hết sức”
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, việc xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khó khăn trong những tháng đầu năm 2023 Bộ đã dự báo được tình hình từ cuối năm 2022.
Nguyên nhân suy giảm do kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại; ảnh hưởng từ xung đột quân sự Nga - Ukraine; tình trạng lạm phát cao tại một số nước trên thế giới đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu. Thêm vào đó, do sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nhiều nước tái xuất khẩu nông sản và tăng cung trên thị trường; trong khi ở trong nước, nhiều doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới năm 2023.
Tại hội nghị giao ban quý I/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, càng khó khăn, thách thức càng đòi hỏi chúng ta cũng phải "dốc hết sức" thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và tiếp tục đổi mới, mà rộng tư duy, hành động nhanh, kết quả thật để khai thông thị trường, trong động lực tăng trưởng mới phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển.
Ông Việt cho biết, có hai khó khăn lớn nhất mà ngành Nông nghiệp xác định là thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa - sức mua giảm. Ngành sẽ tập trung tháo gỡ hai khó khăn này.
Đối với vấn đề thị trường, ngành tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển thị trường thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Cụ thể, trong tháng 4/2023, ngành Nông nghiệp và PTNT đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.
Đồng thời, tổ chức hội nghị các tỉnh biên giới về kết nối giao thương, thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam - Trung Quốc; tham gia chuỗi sự kiện quảng bá nông sản chủ lực của Việt Nam tại Vương quốc Anh; chuỗi sự kiện thực phẩm và đồ uống quốc tế tại Anh nằm trong dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Anh...
Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ nắm bắt tình hình sản lượng các loại cây ăn quả chủ lực để đề xuất chỉ đạo rải vụ cây trồng phù hợp với thị trường tiêu thụ.
Đặc biệt, để đạt được mục tiêu này trong bối cảnh xuất khẩu sụt giảm mạnh trong quý I, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT nắm bắt tình hình sản lượng các loại cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu như thanh long, nhân xoài, sầu riêng, cây có múi, đề xuất chỉ đạo rải vụ cây trồng phù hợp với thị trường tiêu thụ, có giá bán tốt và hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh; theo dõi sát diễn biễn thị trường nguyên liệu, nguồn cung và giả nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh tình trạng tăng đột biến về giá cả. Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất kế hoạch xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (ngô, sẵn), tập trung vào một số khu vực có tiềm năng như Tây Nguyên, miền núi phía Bắc.
Trong lĩnh vực thủy sản, sẽ kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật về thủy sản tại địa phương về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định; theo dõi diễn biến của thời tiết, dự báo ngư trưởng, nhu cầu của thị trưởng kịp thời chỉ đạo sản xuất nuôi trồng, khai thác thủy sản hiệu quả, đạt các mục tiêu kế hoạch năm...
Đồng thời, theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ; Phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch. Trình Chính phủ đề xuất xây dựng Nghị định quản lý thương hiệu nông sản quốc gia Việt Nam. Tổ chức các Diễn đàn 970 hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản. Triển khai dự án Điều tra thực trạng chế biến nông sản gắn với sản xuất nguyên liệu và nhu cầu thị trường.
Kết luận tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, năm 2023 là năm khó khăn đối với toàn ngành Nông nghiệp, nên công tác điều hành phải linh hoạt, giải pháp phải kịp thời, đặc biệt chú trọng đến quan tâm xúc tiến mở rộng thị trường các sản phẩm nông nghiệp. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục xúc tiến mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp nhằm phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu theo kế hoạch năm 2023.
Ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu trong quý II/2023 tăng trưởng giá trị gia tăng 2,9 - 3,0%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 14 tỷ USD. |
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.