Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 5 tháng 7 năm 2023 | 14:58

Điều kiện cần để tăng sức cạnh tranh của nông sản: Liên kết tạo chuỗi dịch vụ và hoàn thiện hạ tầng logistics

Để tăng sức cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh việc sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại, marketing, quảng bá tiếp cận thị trường quốc tế, thì cần quan tâm đến hệ thống logistics, lưu trữ bảo quản nông sản.

Kém cạnh tranh do chi phí logistics cao

Tại buổi tọa đàm “Nâng cao chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu - gắn kết hiệu quả với hệ thống logistics” tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T, cho biết: “Chi phí logistics nông sản tại Việt Nam khá cao, chiếm 20-25% giá trị hàng hóa, trong khi ở Thái Lan là 12%, nhiều nước trên thế giới là 14%. Mặc dù nông sản của các nước có thể không hơn Việt Nam về chất lượng nhưng lại hơn về giá thành. Chỉ riêng chi phí logistics, giá thành sản phẩm của  ta đã hơn các thị trường khác mười mấy phần trăm. Như vậy rất khó để cạnh tranh”, ông Tùng nhận định.

Quả vải của tỉnh Bắc Giang, Hải Dương xuất khẩu phải đưa vào TP.HCM chiếu xạ khiến cho chi phí, thời gian và giá thành đội lên.

Trong khi đó, bà Nguyễn Tú Uyên, Giám đốc Công ty Logistics CMU, cho biết, nông sản Việt  xuất khẩu có nhiều thuận lợi nhưng lại bất lợi, kém cạnh tranh với các nước trong khu vực. “Thái Lan có nhiều chuyến bay đến Mỹ, châu Âu, Úc, Trung Đông…, tần suất đều mỗi ngày. Các hãng tàu có 70 điểm đến ở châu Á, Ấn Độ, Trung Đông. Giá cả vận tải của Thái Lan đi đến các thị trường quốc tế thấp hơn so với Hà Nội, TP.HCM  1 - 1,2 USD/kg”, bà Uyên cho biết.

Bà Uyên dẫn chứng: “Chúng ta đang vào mùa vải, muốn xuất đi Mỹ thì phải vận chuyển vải từ tỉnh Bắc Giang lên sân bay Nội Bài, rồi về sân bay ở TP.HCM. Sau đó chở về nhà máy đóng gói, tiếp tục chuyển đến nhà máy chiếu xạ, rồi lại kéo ra cảng mới xuất đi. Quá nhiều công đoạn nên giá thành cao, chưa nói chất lượng không tươi mới như vừa hái ở vườn”.

Bà Uyên cho biết thêm, cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ của chúng ta phát triển chưa đồng bộ, chưa thật sự kết nối nên phát sinh nhiều thời gian, chi phí, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, giá thành của nông sản.

Hệ thống cao tốc vẫn bị kẹt xe tại các nút giao, điểm nghẽn. Hệ thống kho bãi manh mún, cơ sở chế biến nông sản còn thiếu, quy mô nhỏ. Chuỗi kho mát, kho lạnh phục vụ cho nông sản còn thiếu.

Hãng tàu, hãng hàng không đang hoạt động tại Việt Nam hầu hết đều của nước ngoài, nên doanh nghiệp bị phụ thuộc vào giá cước vận chuyển, thời gian transit, lịch vận chuyển…

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho rằng:  Hạ tầng cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản tại Việt Nam còn yếu khiến tình trạng hao hụt ở mức cao.

“Rau quả xuất khẩu phải có những kho riêng, phương tiện vận chuyển riêng nhưng hiện chúng ta chưa có, vẫn thực hiện cùng với các loại nông sản khác. Chính vì vậy, hao hụt, tổn thất sau thu hoạch rất cao, lên tới 30-35%”, ông Bình nói.

Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Vân Nam (Trung Quốc) chủ yếu mới đi qua các cửa khẩu của tỉnh Lào Cai.

Giải pháp phát huy sức mạnh logistics

Trong bối cảnh việc đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu chưa thể khôi phục trong một sớm một chiều, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Giá cước vận chuyển sẽ chưa hạ nhiệt ngay lập tức. Hơn nữa, chi phí lưu kho bãi cũng tăng hơn 20% do nhu cầu lưu kho bãi tăng trong khi nguồn cung chưa đủ đáp ứng, nhân lực thiếu và giá bất động sản tăng cao… Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp ứng phó để hạ nhiệt logistics, giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Từ thực tế này, bà Nguyễn Tú Uyên cho rằng: “Cần có quy hoạch xây dựng các trung tâm logistics nông sản, trong đó có kho mát để phân loại, bảo quản, sơ chế giúp nâng cao chất lượng và ổn định giá thành. Đồng thời tăng cường đầu tư hạ tầng logistics cho hàng hoá nông sản, nhất là các vùng nông sản tập trung, chủ lực. Kết nối đường thuỷ - đường bộ - đường sắt phát huy sức mạnh tổng thể logistics nội địa”.

Bà Uyên kiến nghị Chính phủ quan tâm đẩy mạnh hơn nữa đầu tư cơ sở hạ tầng vận tải đường bộ kết nối từ các vùng nguyên liệu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để người nông dân, HTX có cơ hội đưa sản phẩm nông nghiệp đến các thị trường xuất khẩu với chất lượng tốt nhất.

Về phía doanh nghiệp, bà Uyên cho rằng, các doanh nghiệp logistics nên áp dụng công cụ quản lý tiên tiến: AI, Big Data, Blockchain…, giúp giảm chi phí, tăng hiệu suất kinh doanh. Đồng thời, cần xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng logistics đa phương thức và toàn diện.

PGS.TS Hồ Thị Thu Hoà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI), đề xuất, phát triển mô hình liên kết 2 nhà là Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit); mô hình liên kết 4 nhà gồm VLA, Vinafruit, UNIDO (Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp quốc) và VLI.

“Cần liên kết các đơn vị tạo chuỗi dịch vụ logistics tích hợp đối với hàng nông sản xuất khẩu giúp khách hàng giảm chi phí, thời gian. Liên kết ngang với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nhằm phát triển mạng lưới”, Viện trưởng VLI nhấn mạnh.

Theo ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC),  bên cạnh tổ chức hợp lý hoá trong chuỗi cung ứng trong tổ chức sản xuất, vấn đề kết nối hạ tầng, vấn đề phát triển các phương thức vận tải mới cũng như đẩy mạnh vận tải đường sắt, đặc biệt tổ chức các tuyến vận tải thuỷ nội địa để kết nối tuyến quốc tế... là giải pháp căn cốt trong tiết giảm chi phí doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng, nền kinh tế nói chung.

Ông Nguyễn Đình Tùng đồng tình quan điểm và cho rằng, để hoạt động chuỗi cung ứng đạt hiệu quả hơn, cần đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng logistics nông sản: Vùng nguyên liệu tập trung đủ lớn - trạm sơ chế - nhà máy - kho lạnh - hệ thống vận tải - chiếu xạ - cảng biển, hàng không.

Liên kết để kết nối giữa các hãng tàu lớn trong và ngoài nước nhằm ổn định giá cước vận chuyển. Tăng cường liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng nông sản: Nông dân - thương lái - nhà máy chế biến - doanh nghiệp thương mại - doanh nghiệp logistics.

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top