Với kết quả ấn tượng 6 tháng đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nâng mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm cao hơn 2 - 3 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Đây cũng là tiền đề để các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nỗ lực bứt tốc trong những tháng cuối năm.
Xuất khẩu tăng ấn tượng nhưng các DN chế biến, xuất khẩu các mặt hàng nông sản lại đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Gánh nặng giá nguyên liệu sản xuất
Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hạt điều đạt 1,95 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 3,22 tỷ USD, giảm 10,6% về lượng, nhưng tăng 34,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt 634,2 triệu USD, giảm 6,8% về lượng nhưng tăng 30,5% về trị giá.
Theo đó, các mặt hàng trên không ngừng lập kỷ lục về giá bán tại thị trường trong nước. Cụ thể, giá cà phê đang ở mức 127-129 ngàn đồng/kg; giá hồ tiêu dao động ở mức 150-151 ngàn đồng/kg, có thời điểm tăng lên mức 180 ngàn đồng/kg (vào tháng 6); giá hạt điều thô có mức trên 50 ngàn đồng/kg. Đây đều là những mức giá cao kỷ lục trong vòng nhiều năm trở lại đây.
Chế biến hạt điều xuất khẩu tại Công ty TNHH Hồng Đức (huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông).
Xuất khẩu tăng ấn tượng nhưng các DN chế biến, xuất khẩu các mặt hàng nông sản lại đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, với ngành chế biến, xuất khẩu hạt điều, tuy xuất khẩu tăng cao nhưng nhiều DN trong ngành này càng làm càng lỗ.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, sự biến động của giá hạt điều thô sẽ tác động lớn đến hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu của DN trong thời điểm quý III và quý IV-2024. Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân khiến DN không thể ký hợp đồng xuất khẩu với đơn vị mua trong những tháng cuối năm do chưa xác định được giá nguyên liệu cụ thể và sản lượng hạt điều thô nhập khẩu. Áp lực cạnh tranh trong ngành này ngày càng lớn vì các DN phải đối mặt với chi phí nguyên liệu đầu vào cao hơn, đồng thời phải đảm bảo giá bán vẫn cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho DN xuất khẩu hạt điều, nhất là với DN nhỏ và vừa, có khả năng cạnh tranh hạn chế.
Đây cũng là bài toán khó cho ngành hàng tiêu, cà phê. Hơn 10 năm qua, giá cà phê luôn ở mức thấp. Hiện nay, giá cà phê tăng cao giúp người trồng hưởng lợi. Tuy nhiên, giá cà phê đã tăng quá cao, vượt ngoài dự báo là tín hiệu không tốt đối với ngành hàng cà phê. Các DN trong chuỗi cung ứng cà phê, từ các đại lý thu mua tới nhà xuất khẩu, thương mại, rang xay… phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Hiện nhiều DN không mua được nguyên liệu hoặc buộc phải gồng lỗ, mua với giá cao để có hàng, kịp giao cho đối tác đã ký kết từ trước.
Đối mặt nhiều thách thức
Giá nguyên liệu sản xuất tăng cao, các DN chế biến lo không đủ số lượng để hoàn thành hợp đồng, đành chấp nhận tăng giá thu mua nguyên liệu theo thị trường, dẫn đến thua lỗ, phá vỡ hợp đồng, hoặc giảm chất lượng xuống mức thấp so với tiêu chuẩn ngành hàng để đủ số lượng xuất khẩu.
Ngoài ra, chi phí logistics tăng cao cũng đang chồng thêm gánh nặng không nhỏ trong xuất khẩu nông sản. Ngay cả các DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng lo ngại tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và vấn đề giữ chữ tín trong kinh doanh.
Đại diện Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam (thuộc Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cho biết, DN chủ yếu xuất khẩu nhân và sản phẩm chế biến từ hạt điều. DN đang xuất khẩu khoảng 40 ngàn tấn điều/năm, trong đó có nhiều thị trường khó tính như: châu Âu, Hoa Kỳ... Khó khăn của DN là thu mua nguyên liệu từ nhiều nguồn, trong khi nông dân trồng điều tại Việt Nam còn làm theo hình thức manh mún, nhỏ lẻ, chưa có vùng chuyên canh tập trung nên khó truy xuất nguồn gốc. DN phải tăng cường kiểm nghiệm mẫu sản phẩm khiến chi phí này tăng hơn, nhưng vẫn có một số lô hàng bị trả vì bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Thời gian qua, giá điều thô tăng cao gây khó cho DN vì nhiều đơn hàng đã được ký kết trước đó. Ngoài ra, chi phí logistics hiện tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với cùng kỳ cũng ảnh hưởng lớn đến DN.
Đây cũng là khó khăn chung của các DN xuất khẩu các mặt hàng nông sản khác.
Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Vina T&T Group (Thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Đình Tùng đánh giá xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Trung Quốc trong năm 2024 có sự tăng trưởng tốt. Đối với Hoa Kỳ và các quốc gia khác ở châu Âu, tình hình xuất khẩu gặp hạn chế do chi phí vận chuyển tăng quá cao. Điều này làm giá trái cây Việt Nam tăng cao hơn và chịu áp lực cạnh tranh rất lớn với trái cây cùng chủng loại tại các nước này.
Nâng mục tiêu, nâng chất lượng
Năm 2024, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) dự kiến thu hoạch ít nhất 300 - 400ha sầu riêng. Trong đó, tổng sản lượng tại Việt Nam đạt khoảng 800 tấn, diện tích trồng tại Lào cũng dự kiến sẽ thu được lượng trái bói đầu tiên trong năm nay. HAGL của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) là một trong những doanh nghiệp niêm yết mạnh tay đầu tư cho quả sầu riêng với tổng diện tích tại Việt Nam và Lào là hơn 1.970 ha.
Chia sẻ về những kế hoạch này, Bầu Đức cho biết, HAGL làm sầu riêng giá thành 15.000 đồng/kg, bán giá nào cũng lời. Mỗi ngày công ty liên tục đón các đoàn thương lái đến hỏi thăm và mua tại vườn. Dù sầu còn non, thương lái Trung Quốc vẫn muốn mua và sẵn sàng đặt cọc với giá hấp dẫn. Ông khẳng định, trong 10 năm tới sầu riêng vẫn chưa đủ cung ứng nhu cầu tiêu dùng.
Sầu riêng là loại trái cây xuất khẩu dẫn đầu trong 6 tháng đầu năm với giá trị đạt 1,5 tỷ USD.
Theo Bộ NN&PTNT, sầu riêng là loại trái cây xuất khẩu dẫn đầu trong 6 tháng đầu năm với giá trị đạt 1,5 tỷ USD. Nhờ việc liên tục xô đổ nhiều kỷ lục, năm nay sầu riêng đặt mục tiêu xuất khẩu 3,5 tỷ USD, tăng đến 55% so với năm ngoái. Cần thêm 2 tỷ USD nữa ngành sầu riêng mới có thể cán đích kỷ lục, tuy vậy Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng đây hoàn toàn là mục tiêu khả thi.
Nửa đầu năm nay, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản đạt 3,38%, cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm gần đây.
Giá trị xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản - 3 thị trường xuất khẩu nông lâm thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam, cũng đang tăng. Trong đó, Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 20,7%, tăng 20,8%; Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 9,5% và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 5%.
Với kết quả này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nâng mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm lên 57 - 58 tỷ USD, cao hơn 2 - 3 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao từ đầu năm.
Thay đổi tư duy, đầu tư công nghệ
Không chỉ ở lĩnh vực nông sản, ngành thủy sản cũng đang có nhiều cơ hội mới cho những tháng cuối năm. Nắm bắt được Mỹ là thị trường còn nhiều cơ hội tăng trưởng cho xuất khẩu những tháng cuối năm, nhiều DN đã xây dựng kế hoạch để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, công ty chủ trương sẽ bán vào thị trường Mỹ 20% sản lượng trong năm nay. Để làm được điều đó, công ty hoàn thiện và đẩy mạnh nuôi tôm thương phẩm theo Công nghệ sinh học MPBiO, tạo ra sản phẩm tôm chất lượng cao.
Đầu tư công nghệ tạo ra sản phẩm tôm chất lượng cao.
Còn với CTCP Thực phẩm G.C thì chứng nhận ESG là “tấm kim bài” công ty hướng đến để mở rộng thị phần xuất khẩu tại Mỹ và châu Âu. Năm 2024 G.C đã đầu tư máy móc để sản xuất sản phẩm kích thước nhỏ cho 1 người sử dụng 1 lần, mục tiêu bán sang siêu thị tại châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên hiện “vua nha đam” chỉ có các thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á, Trung Quốc, Trung Đông; một phần nhỏ xuất sang châu Âu. Trong dài hạn, nếu muốn tăng quy mô xuất khẩu vào châu Âu và Mỹ, đặc biệt với châu Âu thì chuẩn ESG là yếu tố bắt buộc.
“Hiện nay, hầu hết nhà mua hàng khi làm việc với GCFood đều đặt vấn đề đã có chứng nhận ESG chưa. Công ty đã nghiên cứu tìm hiểu, tuy nhiên cũng gặp những khó khăn. Mong là trong 1 - 2 năm tới sẽ làm được điều này”, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT nói, đồng thời cho biết công ty đang tìm đơn vị tư vấn về lộ trình và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay.
Quay trở lại câu chuyện của quả sầu riêng – trái cây xuất khẩu chủ lực, được các nhà XK kỳ vọng rất lớn trong những tháng cuối năm. Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn thứ 2 cho Trung Quốc. Hiện, dư địa vào thị trường này vẫn còn rất lớn, để tăng thị phần, ngành hàng sầu riêng cần tập trung ổn định sản lượng và chất lượng sản phẩm.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình, để quản lý chất lượng quả sầu riêng, các cơ quan chức năng và các cơ quan chuyên ngành địa phương cần vào cuộc giám sát việc thực hiện quy trình sản xuất, từ vật tư đầu vào đến chăm sóc, thu hoạch...; quản lý chặt chẽ nhằm ngăn chặn việc tranh mua tranh bán làm rối loạn thị trường; đồng thời kiểm tra, giám sát việc cấp và sử dụng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đúng, hiệu quả; đẩy nhanh tốc độ đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics tại các vùng sản xuất tập trung, đầu mối trung chuyển, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu...
Theo giới phân tích, mặc dù ngành nông nghiệp đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng chủ yếu vẫn xuất hàng thô, hàm lượng chế biến thấp nên giá trị và mức độ cạnh tranh không cao. Đây không phải là hướng đi bền vững và hiệu quả. Để mở rộng thị phần xuất khẩu, đặc biệt là sang các nước châu Âu và Mỹ, doanh nghiệp Việt cần phải thay đổi tư duy, đầu tư công nghệ hiện đại để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe.
Để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ triển khai nhiều giải pháp như tiếp tục phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông lâm thủy sản. Ngoài ra, tăng cường phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán thương mại, Tham tán nông nghiệp thu thập và cung cấp thông tin, thị hiếu, nhu cầu, cập nhật các chính sách, quy định cho doanh nghiệp, địa phương.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các địa phương chỉ đạo sản xuất lúa phù hợp diễn biến thời tiết và thị trường; theo dõi sát sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả, đặc biệt đối với cây ăn quả chủ lực để có chỉ đạo rải vụ phù hợp; tăng tỷ lệ sản phẩm có chứng nhận an toàn, VietGAP.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, khẳng định, phải nhất quán chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy đến hành động sang kinh tế nông nghiệp; quán triệt phương châm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024 là: "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững". Phải chuyển đổi tư duy từ lấy sản lượng sang lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; chuyển đổi theo hướng khai thác đa tầng, đa giá trị trên một diện tích đất./.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.