Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 31 tháng 7 năm 2023 | 16:23

Doanh nghiệp “tính đường đi nước bước” trước lệnh cấm xuất khẩu gạo

Ấn Độ, Nga, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã có lệnh cấm xuất khẩu với hầu hết các loại gạo trắng, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất thận trọng trước vấn đề này.

Doanh nghiệp lo ngại thông tin cấm xuất khẩu gạo ở một số quốc gia sẽ tác động lớn đến thị trường xuất khẩu lúa gạo Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Cẩn trọng “tính đường đi nước bước”

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo cộng với xung đột Nga - Ukraine có thể sẽ khiến thị trường gạo bị thiếu hụt nguồn cung. Đây sẽ là cơ hội lớn cho gạo Việt Nam xuất khẩu vươn lên. Doanh nghiệp sẽ đàm phán dễ dàng hơn trong các thương vụ xuất khẩu gạo.

“Tuy nhiên, chúng tôi cũng lo ngại là khi giá tăng, sản lượng xuất khẩu tăng thì có ảnh hưởng đến an ninh lương thực hay không và chính sách của Nhà nước có phương án gì để phòng chống rủi ro an ninh lương thực”, ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, khi xuất khẩu sản lượng lớn cần xem lại quy mô sản xuất trong nước có đáp ứng được đầy đủ nhu cầu xuất khẩu và nhu cầu sử dụng trong nước hay không.

Cũng theo ông Tùng, hiện nay, doanh nghiệp này đang có lượng đơn hàng xuất khẩu ký hợp đồng từ trước rất ổn định. Thế nhưng, nếu giá gạo tăng lên trong thời gian tới, doanh nghiệp có thể gặp thua lỗ với những hợp đồng đã ký từ trước vì giá gạo “chốt” từ đầu năm.

Tuy nhiên, với những hợp đồng ký mới thì cơ hội dành cho doanh nghiệp là rất lớn. Đây cũng là tín hiệu vui với những người trồng lúa.

Ông Trương Mạnh Linh, Giám đốc ngành gạo Tập đoàn Tân Long chia sẻ, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo sẽ giúp giá gạo Việt Nam gia tăng trong thời gian tới. Bởi, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 4 trên thế giới và cạnh tranh trực tiếp với các dòng gạo “bình dân” của Việt Nam như gạo 504, gạo tấm...

Thế nhưng, theo ông Linh, thời điểm Ấn Độ đưa ra thông tin cấm xuất khẩu gạo lại gây trở ngại không nhỏ cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu.

Cụ thể, Ấn Độ đưa ra lệnh cấm vào chính vụ hè thu của Đồng bằng Sông Cửu Long, ngay lúc các doanh nghiệp xuất khẩu đang thu mua lúa và nguyên liệu phục vụ cho các đơn hàng đã ký trước đó. Việc mua cao hơn vài trăm đồng/kg, thậm chí 1.000 - 2.000 đồng/kg để giao hàng khiến cho nhiều doanh nghiệp thiệt hại lớn.

Cũng theo ông Linh, với các doanh nghiệp đã ký đầu vào (từ nông dân), việc Ấn Độ cấm xuất khẩu khiến giá tăng đột biến cũng không đem lại lợi ích nào cho doanh nghiệp và người nông dân. Bởi, đầu vào đã ký sẵn, đầu ra cũng ký sẵn và nhiều bên không thể nhận thêm đơn hàng.

Ông Linh dự báo, giá gạo Việt Nam sẽ còn tăng từ nay tới cuối năm, ít nhất là đến vụ Đông Xuân năm sau.

“Phải nhìn nhận là giá tăng ở khâu nào, có phải đơn hàng xuất khẩu ký được giá cao hơn không, hay là giá nội địa tăng cao do nhiều doanh nghiệp đã ký bán trước đó nay cần mua vào gấp để giao hàng khiến giá tăng đột biến”, ông Linh nói.

Ông Linh cho biết, trên thực tế, từ 1 - 2 tháng trước, nhiều khách hàng nước ngoài đã ký mua gạo cho tháng 7, 8, 9, cộng với việc giá tăng cao đang khiến nhu cầu xuất khẩu yếu đi. Các nước châu Phi, Trung Quốc gần như không mua hàng. Nhu cầu các nước nhập khẩu như Philippines cũng yếu, quốc gia này đã mua được lượng gạo khá lớn nên cũng không vội ký tiếp.

Ông Linh nhận định, giá tăng cao là giá nội địa mua vào và không phản ánh được giá xuất khẩu bán được thời điểm này.

Xuất khẩu chưa tăng nhưng giá lúa đã “nhảy múa”

Bà Dương Thanh Thảo, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Gạo Ông Thọ cho biết, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo đã khiến giá lúa trong nước “nhảy múa” khá mạnh. Trong 5 ngày qua, giá lúa OM18 đã tăng 10%.

Cụ thể, vào ngày 20/7, giá lúa tươi OM18 mua tại đồng là 6.300 đồng/kg thì đến 25/7 đã tăng lên 6.900 - 7.000 đồng/kg.

Doanh nghiệp nên bám sát thông tin thị trường. (Ảnh minh họa)

Bà Thảo chia sẻ, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo cũng là cơ hội lớn cho Việt Nam nhưng nguy cơ cũng không hề nhỏ. Điển hình như nguy cơ thiếu hụt gạo nguyên liệu dùng cho sản xuất trong nước, bởi những năm gần đây, Việt Nam đang “chạy theo” chương trình gạo chất lượng cao. Điều này khiến cho gạo sản xuất có giá “nhảy múa”, trong khi gạo thơm các dòng ST thì cũng không nhiều.

“Tôi nghĩ doanh nghiệp nên bám sát thông tin thị trường, dù có nhiều chuyên gia nước ngoài đã liên tưởng đến cơn sốt gạo đã từng diễn ra vào năm 2008. Các nhà quản lý cần biết rõ lượng tổn thực và tình hình mùa vụ của Ấn Độ và Trung Quốc. Bởi hai quốc gia này sẽ cho chúng ta thấy được bức tranh tổng thể của thị trường gạo thế giới. Từ đó, Việt Nam sẽ tính toán, đưa ra những bước đi phù hợp để chiến thắng trong chính sách bán hàng của mình”, bà Thảo nói.

Theo bà Thảo, chắc chắn Việt Nam không bị ảnh hưởng an ninh lương thực vì sản xuất trong nước luôn dư thừa. Do đó, Việt Nam chỉ cần dự đoán sao cho đúng “đỉnh” để xuất khẩu đúng thời điểm, thu lợi nhiều về cho nước nhà.

Còn theo ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, Ấn Độ cấm xuất khẩu rõ ràng là cơ hội lớn của doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, muốn ngành gạo phát triển bền vững thì ngoài những cơ hội như hiện nay, cần phải nâng cao chất lượng lúa gạo nhằm gia tăng tính cạnh tranh.

Ông Thuận cho biết, những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới có những biến động phức tạp, đặc biệt là hiện tượng El Nino gây hạn hán, các nước bị thiếu lương thực dẫn đến nhu cầu mua dự trữ lương thực tăng thêm.

Ấn Độ - nơi chiếm khoảng 40% hoạt động thương mại gạo toàn cầu thông báo dừng xuất khẩu đang là cơ hội tốt cho các nước xuất khẩu gạo nói chung và Việt Nam nói riêng. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để trở thành điểm cung ứng gạo bền vững cho thị trường lương thực quốc tế.

Theo ông Thuận, dù đang có nhiều thuận lợi nhưng gạo Việt Nam vẫn gặp phải nhiều thách thức. Điển hình như việc nông dân chưa tối ưu hóa được hiệu quả sản xuất dẫn đến năng suất và chất lượng lúa chưa cao. Điều này dẫn đến giá bán sẽ khó cạnh tranh hơn.

Cụ thể, nông dân chưa tiếp cận được với nguồn giống xác nhận, do đó năng suất lúa chưa đạt mức tối ưu, giá thành tăng do lượng giống sử dụng nhiều dẫn đến tăng lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Điều này không chỉ giảm lợi nhuận mà còn có hại cho môi trường.

Thu mua lúa gạo phục vụ chế biến xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở quận Thốt Nốt,TP. Cần Thơ.

Bên cạnh đó, ông Thuận cho rằng, lượng phân bón nông dân sử dụng cũng đang nhiều hơn nhu cầu. Do đó, nông dân có thể giảm lượng phân bón sẽ giúp giảm chi phí, giảm sâu bệnh dịch hại và tránh tình trạng phú dưỡng của đất trồng lúa.

Đối với tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hiện nay có nhiều qui trình trồng lúa đáp ứng với yêu cầu về chất lượng của từng thị trường. Tuy nhiên, nông dân trồng lúa chưa được tiếp cận nhiều với các quy trình này dẫn đến tình trạng lúa hàng hóa không theo tiêu chuẩn cụ thể, do đó không thể xuất khẩu theo đúng thị trường có nhu cầu cụ thể.

Đối với dịch vụ nông nghiệp, ông Thuận cho rằng, dịch vụ nông nghiệp đang chiếm hơn một nửa giá thành sản xuất lúa tại ruộng. Tuy nhiên, do chưa được tổ chức đồng bộ, dẫn đến lãng phí trong đầu tư khiến hiệu suất sử dụng thiết bị chưa đạt đến mức tối ưu.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam phối hợp tăng cường đôn đốc các hội viên, nhất là doanh nghiệp lớn, giữ vai trò dẫn dắt, tổ chức thu mua và tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành.

Dự báo giá gạo xuất khẩu có thể lên đến 1.000 USD/tấn

Giới quan sát nhận định việc Ấn Độ ngưng xuất khẩu gạo sẽ khiến nhiều quốc gia khó có thể tìm kiếm các lô hàng thay thế, nhất là từ các nước có nguồn cung nhỏ lẻ. Do đó, Thái Lan và Việt Nam – hai nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới sẽ nổi lên là ứng viên sáng giá nhất thay thế cho toàn bộ nguồn cung bị mất đi từ Ấn Độ.

Nhiều thương nhân quốc tế nhận định giá gạo xuất khẩu khu vực châu Á, đặc biệt là của Thái Lan và Việt Nam, có thể tăng lên tới 600 USD/tấn; thậm chí các loại gạo chất lượng cao sẽ đạt mức trung bình 700 USD/tấn.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện cho biết “Ngay sau thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo nhiều đối tác đã đề nghị chúng tôi ký hợp đồng dài hạn để đảm bảo nguồn cung nhưng công ty vẫn đang xem xét”.

Đóng gói gạo phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Bên cạnh đó, một số thương nhân xuất khẩu gạo cho biết họ vẫn đang tập trung lo xử lý các đơn hàng đã ký khi hoạt động xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay tăng mạnh. Một số đơn vị cho biết “gần như vét sạch kho để thực hiện các hợp đồng hiện tại” và buộc phải chờ thu mua lúa gạo vụ mới mới có hàng để giao tiếp. Do đó, việc ký các hợp đồng mới khi giá gạo xuất khẩu trên thị trường còn nhiều biến động sẽ đối mặt rủi ro cao.

Trên thị trường nội địa Việt Nam, giá các mặt hàng gạo cũng đã tăng khá mạnh trong tuần qua. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 12.500 đồng/kg, giá bình quân 12.304 đồng/kg, tăng 754 đồng/kg so với trung tuần tháng 7.

Gạo 15% tấm có giá cao nhất 12.300 đồng/kg, giá bình quân 12.050 đồng/kg, tăng 742 đồng/kg so với trung tuần tháng 7. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 12.100 đồng/kg, giá bình quân 11.758 đồng/kg, tăng 692 đồng/kg. Đặc biệt, giá gạo xát trắng loại 1 tăng mạnh nhất 963 đồng/kg, giá trung bình là 12.500 đồng/kg.

Theo GS. Võ Tòng Xuân, giá gạo dự báo còn tăng mạnh. Với nguồn cung gạo trên toàn cầu thiếu hụt lượng lớn, GS. Võ Tòng Xuân nhận định, giá gạo có thể tăng lên ngưỡng 1.000 USD/tấn như thời điểm năm 2008.

Thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/7, nước ta xuất khẩu gần 4,5 triệu tấn gạo, thu về 2,39 tỷ USD.

Cục Xuất nhập khẩu yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước; bên cạnh đó tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường gạo; chủ động trao đổi, tổng hợp ý kiến của hội viên về khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cung ứng, lưu thông gạo trên thị trường trong nước và quốc tế để báo cáo và đề xuất giải pháp phù hợp với các bộ, ngành liên quan.

Với thương nhân, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị thương nhân thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo về việc thu mua thóc, gạo hàng hóa nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top