Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 22 tháng 4 năm 2024 | 16:32

Dứa - cây đặc sản ở Đồng Tháp Mười được giá, nông dân lãi cao

Với năng suất bình quân trên 20 tấn/ha và giá thương lái thu mua bình quân 9.000 đồng/kg, nông dân đạt giá trị thu hoạch khoảng 180 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng không dưới 100 triệu đồng/ha.

Người dân thu hoạch dứa bán cho thương lái. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Tân Phước là huyện nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, có diện tích dứa chuyên canh lớn nhất tỉnh Tiền Giang và là cây trồng đặc sản có lợi thế cạnh tranh của địa phương.

Ông Trần Hoàng Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tân Phước, cho biết với gần 14.000ha dứa chuyên canh đang trong thời kỳ khai thác, thu hoạch, dự kiến năm nay, nông dân Tân Phước đạt sản lượng khoảng 285.000 tấn quả.

Riêng đến cuối tháng Tư này, nông dân Tân Phước đã thu hoạch gần 3.800ha dứa với sản lượng gần 77.000 tấn quả phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tân Phước Trần Hoàng Phong, từ đầu năm đến nay, giá dứa luôn đứng ở mức cao, dao động trong khoảng từ 9.000-10.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi cùng kỳ năm trước. Dứa được giá, giúp nông dân vùng chuyên canh tăng thêm nguồn thu nhập nên cuộc sống ổn định, bà con rất phấn khởi.

Ước tính, với năng suất bình quân trên 20 tấn/ha và giá thương lái thu mua tại ruộng bình quân 9.000 đồng/kg, nông dân đạt giá trị thu hoạch khoảng 180 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng không dưới 100 triệu đồng/ha.

Để giúp nông dân nâng cao hiệu quả cây dứa cũng như trình độ thâm canh, trong quý 1 vừa qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tân Phước đã tổ chức 54 cuộc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt cho gần 1.500 hộ nông dân vùng chuyên canh, chủ yếu kỹ thuật thâm canh, tuyển chọn giống tốt, cải tạo và trẻ hóa vườn dứa, xử lý cho trái rải vụ để có sản phẩm thu hoạch quanh năm...

Đặc biệt, địa phương đang khuyến khích nông dân chuyển đổi từ giống dứa Queen truyền thống đang có dấu hiệu suy thoái, nhiều hạn chế sang giống dứa MD2 có nhiều ưu điểm vượt trội.

Lãnh đạo huyện Tân Phước đánh giá, dứa MD2 là giống lai giữa Queen và Cayenne nên hội tụ đầy đủ những ưu điểm: quả vàng-giòn-ngọt, chắc của dứa Queen và trái to, mắt cạn, lá không gai của dứa Canyenne.

Dứa MD2 thường có trọng lượng 1.5-2,5kg/trái, trái hình trụ tròn, mắt nở nang, hốc mắt nông, khi bắt đầu chín có màu xanh lá mạ, khi chín 100% có màu vàng sáng, vỏ bóng láng. Ước tính, trên địa bàn huyện Tân Phước hiện có khoảng 100 ha dứa MD2.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tân Phước, với kỹ thuật xử lý cho trái rải vụ, chủ động thời điểm thu hoạch được ngành nông nghiệp đúc kết, chuyển giao và nông dân đang áp dụng một cách rộng rãi đã tạo nên cuộc cách mạng khoa học công nghệ trên lĩnh vực thâm canh cây dứa đặc sản vùng Đồng Tháp Mười.

Nhờ vậy, dứa Tân Phước cho thu hoạch gần như quanh năm. Từ đó, giảm được nguy cơ được mùa, mất giá do mất cân đối cung-cầu thị trường nông sản bởi thường thu hoạch tập trung vào một thời điểm nhất định trong năm như trước. Nông dân vùng trồng dứa chuyên canh an tâm đẩy mạnh sản xuất, thâm canh.

Ông Trần Văn Cường, canh tác 20ha dứa tại xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước, phấn khởi cho biết mỗi năm, ông đạt sản lượng dứa thương phẩm khoảng 400 tấn, bán thu khoảng 4 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi trên 2 tỷ đồng. Nhờ cây dứa, ông đã tạo dựng nên cơ nghiệp vững vàng trên miền đất mới khai hoang Đồng Tháp Mười. Gần đây, ông đã trồng thử nghiệm 1ha dứa MD2 cho kết quả rất khả quan.

Với kinh nghiệm nhiều năm thâm canh, ông Trần Văn Cường đánh giá từ đầu năm đến nay, dứa luôn có giá bởi nhu cầu thị trường cao; đồng thời, nông dân vùng chuyên canh quan tâm ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản hàng hóa.

Đặc biệt, với kỹ thuật xử lý cho trái rải vụ được áp dụng rộng rãi đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân tránh được nguy cơ “trúng mùa, mất giá” như những năm trước đây./.

 

Theo TTXVN/Vietnam+
Ý kiến bạn đọc
Top