Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 14 tháng 6 năm 2023 | 16:44

Giá càphê tăng phi mã: Những khuyến cáo đối với bà con nông dân

Dù giá càphê nhân liên tục tăng “phi mã” nhưng ngành chức năng khuyến cáo bà con không nên chặt bỏ các loại cây trồng khác để trồng càphê, gây “vỡ quy hoạch" diện tích cây trồng của các địa phương.

Giá càphê nhân liên tục tăng “phi mã” lên mức xấp xỉ 65.000 đồng/kg - mức giá cao kỷ lục được ghi nhận trong 15 năm qua, tuy nhiên ngành chức năng ở Đắk Lắk, Kon Tum đã đưa ra một số khuyến cáo đối với người trồng càphê.

Vì sao càphê tăng giá đột biến?

Lý giải giá càphê tăng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu càphê nhận định thị trường đang chịu tác động mạnh mẽ bởi quy luật cung-cầu.

Việt Nam đứng đầu thế giới về sản lượng càphê Robusta. Nhu cầu về càphê Robusta những năm gần đây liên tục tăng, trong khi sản lượng càphê Robusta của Việt Nam đang giảm khoảng 10-15% khiến nguồn cung thiếu hụt.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngoài ra, tình hình lạm phát thời gian qua làm cho giá nguyên, nhiên vật liệu đều tăng, nhất là giá vật tư nông nghiệp tăng từ 2-3 lần làm giá thành sản xuất, chế biến càphê tăng cao dẫn đến giá bán tăng.

Mặt khác, những năm qua, giá càphê không cao, nhu cầu về quả sầu riêng năm 2022 tăng mạnh dẫn đến nhiều hộ dân chuyển diện tích trồng càphê sang trồng sầu riêng.

Tại Đắk Lắk, theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh, 4 tháng đầu năm 2023, tỉnh xuất khẩu khoảng 165.000 tấn càphê nhân, giữ được tốc độ xuất khẩu càphê so với các năm trước. Giá càphê tăng cao làm kim ngạch xuất khẩu tăng. Tuy nhiên, thụ hưởng của người dân và doanh nghiệp khi giá càphê tăng là không nhiều.

Trong khi đó, tại Kon Tum, niên vụ càphê 2022 tại tỉnh Kon Tum đã kết thúc từ cuối năm 2022. Tại niên vụ này, tỉnh có trên 24.000ha càphê cho thu hoạch, với tổng sản lượng thu được gần 62.500 tấn. Tuy nhiên, niên vụ 2022 đã kết thúc từ cuối tháng 12/2022 nên đa số bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã thu hái, phơi và bán cho các thương lái, đại lý từ thời điểm đó.

Theo ông Bùi Đức Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum, giá càphê tăng đột biến do hai nguyên nhân chính là lạm phát đã khiến các chi phí sản xuất, chế biến, logistics… tăng cao; thứ hai là do nguồn cung càphê của thế giới có sự biến động theo chiều hướng giảm.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh đã qua mùa thu hoạch, lượng càphê dự trữ trong nhân dân và một số doanh nghiệp còn rất ít, chủ yếu lượng hàng dự trữ để xuất cho các hợp đồng đã được ký kết. Do đó, từ đợt tăng giá đột biến này, chỉ có một bộ phận số ít người sản xuất, cơ sở, doanh nghiệp chế biến được hưởng lợi từ lượng càphê dự trữ.

Theo ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) - đơn vị xuất khẩu gần 101.000 tấn càphê nhân năm 2022, công ty dự đoán giá càphê tăng trong mức kỷ lục của 15 năm qua là 56.000 đồng/kg càphê nhân, tăng đến mức giá như hiện nay là không lường trước được. Tuy nhiên, thời điểm này, hầu như càphê trong dân không còn, doanh nghiệp do chịu áp lực tài chính nên mua đến đâu bán đến đó, ít doanh nghiệp còn trữ hàng để bán.

Duy trì diện tích cây càphê, không phát triển ồ ạt

Theo đại diện ngành nông nghiệp Kon Tum, khi giá càphê tăng cao, nguy cơ bà con nông dân chặt bỏ các loại cây trồng khác để trồng càphê, gây “vỡ” quy hoạch diện tích cây trồng của tỉnh.

“Ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum đang phối hợp với các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện sản xuất càphê theo đúng định hướng chung của tỉnh; không phát triển ồ ạt khi thấy giá cả tăng cao; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trồng càphê trên địa bàn tỉnh sản xuất ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, theo các tiêu chuẩn: VietGAP, Faitrde, 4C, UTZ, RFA..., ông Bùi Đức Trung khẳng định.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum cũng khuyến cáo bà con thực hiện việc trồng và chăm sóc càphê theo các quy trình, quy chuẩn và tiêu chuẩn đã khuyến cáo nhằm đạt được năng suất cao, chất lượng tốt và sản lượng cao nhất.

Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm Một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) - đơn vị xuất khẩu gần 101.000 tấn càphê nhân năm 2022, lại cho rằng do cơn sốt đất ở Tây Nguyên năm 2021-2022, giá đất nông nghiệp tăng quá cao, tâm lý làm nông không còn quan trọng dẫn đến nông dân đầu tư chăm sóc kém vườn càphê.

Mặt khác, những năm qua, nhu cầu về quả sầu riêng năm 2022 tăng mạnh dẫn đến nhiều hộ dân chuyển diện tích trồng càphê sang trồng sầu riêng.

Theo Giám đốc một hợp tác xã nông nghiệp ở Đắk Lắk, về lâu dài, với giá càphê tăng cao, người nông dân được hưởng lợi nhiều nhất. Quan trọng nhất là giá càphê tăng, người dân không chuyển sang trồng sầu riêng nữa, cố gắng chăm sóc vườn cây, đầu tư tốt hơn sẽ cho năng suất tốt.

Theo ông Huy, nông dân cần duy trì diện tích cây càphê, chăm sóc theo hướng chất lượng cao, càphê đặc sản. Ngoài ra, người dân cần lưu ý một số cảnh báo mới của các thị trường khó tính trong sản xuất, như vậy cây càphê sẽ đảm bảo sinh kế bền vững cho nông dân.

Theo Vietnam+

 

Ý kiến bạn đọc
Top