Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 24 tháng 5 năm 2023 | 10:53

Giá lợn hơi có nơi vượt 60.000 đồng/kg, người nuôi vẫn chưa thể vui

Thời gian gần đây giá lợn hơi vẫn tiếp tục xác lập các kỷ lục mới, người chăn nuôi đã có lãi nhưng vẫn e ngại không tái đàn, vì sao?

Giá lợn hơi tăng mạnh, có nơi đạt 61.000 đồng/kg

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hanh – chủ trang trại nuôi lợn tại xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội cho hay, giá lợn hơi tăng mạnh vượt giá thành, người chăn nuôi có lãi.

Dự báo giá lợn hơi có thể tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Ảnh: Dương Phương/C.P

“Thời gian qua, do dịch bệnh và giá lợn quá thấp, chúng tôi không đẩy mạnh tái đàn, hiện tổng đàn của trại giảm còn ½ số lợn. Giá lợn tăng nhưng khó đẩy mạnh bán ra bởi số lượng lợn trong dân không còn nhiều” – ông Hanh nói.

Ông Nguyễn Văn Giang, chăn nuôi lợn tại Khoái Châu (Hưng Yên) cho hay, từ 2 ngày nay giá lợn hơi tại Hưng Yên đã cán mức 60.000 đồng/kg, là mức giá cao nhất tại các tỉnh phía Bắc.

“Do giá cám hạ nên giá thành chăn nuôi lợn thời gian này chỉ còn 55.000 đồng/kg, với giá bán khoảng 60.000 đồng/kg, mỗi con lợn 1 tạ người nuôi có thể lãi 500.000 đồng, nếu chăn nuôi nhỏ lẻ thì mức lãi này không nhiều, nhưng với trang trại hàng nghìn con, thì người nuôi có thể để dư ra một khoản tiền không nhỏ” – ông Nguyễn Văn Giang chia sẻ.

Khảo sát của PV cho thấy, giá lợn hơi cao nhất hiện nay ở tỉnh Long An và mức giá này đã được giữ vững từ nhiều ngày nay. Trên cả nước, sau khi tăng từ 1.000-3.000 đồng/kg, hàng loạt địa phương có giá lợn hơi ở mức 60.000 đồng/kg gồm: Thanh Hóa, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng.

Ở các tỉnh còn lại, giá lợn hơi bán ra ở mức từ 57.000-59.000 đồng/kg.

Người chăn nuôi vẫn chưa vui

Mặc dù giá lợn hơi liên tục tăng trong mấy ngày nay, nhưng người chăn nuôi vẫn chưa mấy phấn khởi. Bà Nguyễn Thị Thúy (Hoàng Công Khế - Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: Mỗi con lợn nuôi vất vả 6-7 tháng trời chỉ cho mức lãi 500.000 đồng nên bà đã bỏ không nuôi hơn 1 năm nay.

“Mức lãi này vẫn rất mỏng, chỉ cần 1 con ốm, hoặc chết, là coi như cả chuồng 5-7 con bị lỗ. Hơn nữa, hiện tại dịch tả lợn Châu Phi vẫn chưa được kiểm soát, lợn vẫn chết nhiều nên hầu như các hộ dân nuôi nhỏ lẻ không dám nuôi trở lại” – bà Thúy cho biết.

Ông Nguyễn Hanh cũng lưu ý về sự nguy hiểm của dịch tả lợn Châu Phi đã khiến hầu như trang trại nào cũng bị “dính”. Lợn chết nhiều khiến người nuôi hụt vốn, lo sợ nếu dịch quay trở lại coi như trắng tay.

Hơn nữa, theo ông Hanh, mặc dù giá lợn lên nhưng giá lợn giống vẫn không mấy lạc quan.

“Gia đình tôi hiện còn 270 lợn nái. Giá 1 con lợn giống 7kg hiện nay chỉ ở mức 1,2-1,2 triệu đồng/con nhưng vẫn rất khó bán. Lợn hậu bị làm giống cũng “đóng băng” mọi giao dịch. Chăn nuôi lợn vẫn còn nhiều khó khăn” – ông Hanh nói thêm.

Nhiều hộ chăn nuôi cho rằng, từ nay đến Tết giá lợn hơi sẽ tăng, nhưng không chắc chắn mức tăng có bền vững không.

“Để người nuôi có thể yên tâm đầu tư, giá lợn hơi phải ở mức 70.000-75.000 đồng mới đủ khuyến khích. Tuy nhiên, nếu ở mức giá này, giá thịt lợn trên thị trường sẽ bị đẩy lên cao như mấy năm trước, khiến người tiêu dùng cắt giảm mua thịt lợn. Điều này có thể khiến chăn nuôi lợn lâm vào vòng luẩn quẩn, giá trồi sụt thất thường rất khó kiểm soát”, ông Hà Văn Thi – chăn nuôi lợn ở Trực Ninh, Nam Định nêu ý kiến.

Cần giúp đỡ nông hộ gia tăng lên quy mô trung bình để dễ dàng ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm tăng năng suất, tăng độ đồng đều và ổn định sản phẩm và giảm chi phí, giá thành sản phẩm.

Cần tiếp tục hỗ trợ để người chăn nuôi nông hộ liên kết, hợp tác với nhau (nhóm cùng sở thích, tổ hợp tác, HTX,..) nhằm tăng khả năng tiếp cận và cạnh tranh trên thị trường, huy động nguồn lực (đất đai, vốn, phương tiện sản xuất,..) tốt hơn.

Có chính sách bảo vệ, bảo hộ người sản xuất vừa và nhỏ, đặc biệt là xây dựng và phát triển các chuỗi hàng hóa, phát triển ngành hàng hiệu quả, phát triển các hình thức liên kết, hợp đồng  với doanh nghiệp để ổn định sản xuất, ổn định thị trường.

Tiếp tục nghiên cứu thúc đẩy, phát triển các “mô hình chăn nuôi nông hộ kiểu mới” theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả sản xuất, gắn chăn nuôi với các hoạt động sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp như: Du lịch nông nghiệp, mô hình trải nghiệm, mô hình chăn nuôi sinh thái,…

(Ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ NNPTNT)

 

Theo laodong.vn

 

Ý kiến bạn đọc
Top