Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 12 tháng 8 năm 2023 | 13:16

Giá lúa gạo toàn cầu leo thang, Việt Nam dư 7-8 triệu tấn gạo xuất khẩu

Trước những biến động của giá lúa gạo và khủng hoảng lúa gạo toàn cầu đang có xu hướng leo thang, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Lê Minh Hoan khẳng định đảm bảo an ninh lương thực trong nước.

"Chóng mặt" vì giá gạo

Trước thông tin xuất khẩu gạo tăng mạnh, một số cửa hàng ở Cần Thơ đã rục rịch tăng giá gạo bán lẻ từ 1.300 - 3.000 đồng/kg. Giá gạo tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí sinh hoạt của nhiều hộ gia đình.

Vừa mua gạo Đài thơm 8 có giá 16.000 đồng/kg 5 ngày trước thì nay, quay trở lại, chị Phạm Huỳnh My (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) đã phải trả thêm 2.000 đồng cho mỗi kg gạo.

Theo các chủ cửa hàng tại TP Cần Thơ, số lượng gạo bán ra trung bình mỗi ngày từ 400 - 500 kg. Song nguồn gạo để nhập hàng vẫn ổn định, chưa có dấu hiệu thiếu gạo cung cấp. Ảnh minh họa: Bích Ngọc

Chị My cho biết: "Tôi chưa bao giờ thấy cảnh giá gạo tăng chóng mặt như hiện nay, mới mua 10 kg mấy ngày trước với giá 160.000 đồng, nay cũng 10 kg gạo đó đã lên 180.000 đồng".

Theo chị My, giá gạo tăng cao là tình hình chung, tuy nhiên với thu nhập mỗi tháng chỉ hơn 5 triệu đồng, giá gạo tăng ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí sinh hoạt của gia đình chị.

"Gia đình có 3 người, thu nhập chính là từ đồng lương phụ hồ của chồng tôi, vừa tốn cả triệu đồng lo quần áo cho con đi học, giờ thêm giá gạo tăng thì tiền thức ăn như thịt, cá cũng phải cắt xén để bù qua mua gạo" - chị My nói.

Như trước đó Lao Động đã thông tin, trước sức ép giá gạo tăng, các quán ăn bình dân cũng bắt đầu tăng giá từ 2.000 - 5.000 đồng/phần đã ảnh hưởng không nhỏ đến người lao động có thu nhập thấp và sinh viên.

Nữ công nhân Thu Thủy (công nhân chế biến thủy sản tại tỉnh Hậu Giang) cho biết: "Tôi vừa ăn sáng 1 đĩa cơm hết 27.000 đồng, đã tăng 2.000 đồng, kể từ hôm nay, chắc tôi chỉ dám ăn sáng bằng mì gói".

Giữ mức giá bán bình ổn

Đối mặt với giá gạo tăng từng ngày, người dân không khỏi mong muốn giá gạo bình ổn.

Ông Phạm Văn Bảy (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) cho biết: "Bây giờ ra chợ mua gạo có giá từ 15.000 đồng cũng khó. Giá lúa tăng thì gạo cũng phải tăng, nhưng nếu tăng 1.000 - 2.000 đồng và giữ mức bán bình ổn thì còn đỡ, tôi sợ sẽ tăng lên từng ngày".

Mặc dù, thị trường lúa gạo biến động, nhưng chị Mỹ Linh - tiểu thương kinh doanh tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ vẫn giữ mức giá bán bình ổn để người dân ai cũng có thể mua. Được biết, giá bán tại cửa hàng chị Linh từ 16.000 - 25.000 đồng/kg, tùy loại.

"Người thân tôi đi làm ở xa, họ gọi về nói 1 bao gạo 25kg, loại thường đã lên đến 400.000 đồng, giá cao nhưng lại khó mua. Do đó, tôi quyết định giữ giá bán bình ổn nhất để người lao động đỡ khó khăn một chút" - chị Linh nói.

Dù giá nhập hàng tăng, nhưng cửa hàng kinh doanh gạo của anh Thành Công (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) vẫn giữ mức bán ổn định, không dám tăng nhiều vì sợ mất khách.

Anh Thành Công cho biết: "Khách đến chỗ tôi toàn là người quen, nếu tăng cao quá thì sợ mất khách, hơn nữa gạo là mặt hàng thiết yếu nên tôi không dám tăng nhiều. Bây giờ, anh em tiểu thương phải thỏa thuận với nhau mức giá bán để còn giữ chân khách".

Bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu lúa gạo

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phục vụ phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tuần tới, an ninh lương thực (ANLT) quốc gia luôn là vấn đề thiết yếu, cấp bách khi nguồn cung và khả năng tiếp cận lương thực đang chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh xuyên biên giới ngày càng khốc liệt, khó lường; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ.

 

Kim ngạch xuất khẩu gạo trong 7 tháng năm 2023 đạt 2,58 tỉ USD, tăng 29,6%. Ảnh minh họa: Lục Tùng

Việc giữ đất lúa là cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời phải bảo đảm sinh kế, thu nhập cho người trồng lúa trên cơ sở phát huy nguồn lực của Nhà nước, nhân dân và các thành phần kinh tế.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, một số biến động thị trường gần đây đặt ra thêm những thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu. Đơn cử, Ấn Độ và một số quốc gia dừng xuất khẩu gạo; Thái Lan khuyến nghị giảm diện tích trồng lúa để tránh hiện tượng El Nino; rủi ro biến đổi khí hậu nhanh hơn dự kiến; xung đột địa chính trị kéo dài...

Theo tính toán ở mức an toàn rất cao của Bộ NN-PTNT, lượng lúa dùng cho đảm bảo ANLT của 100 triệu dân và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác (dùng chế biến, thức ăn chăn nuôi, dự trữ, làm giống...) khoảng 29,5 triệu tấn thóc/năm. Như vậy, chúng ta còn khoảng 13,5 triệu tấn thóc, tương đương 7-8 triệu tấn gạo dùng cho xuất khẩu.

Bên cạnh lượng sản xuất hàng năm thì hàng năm còn nhập khẩu. Ví dụ, lượng nhập khẩu từ Campuchia đạt khoảng trên 1 triệu tấn/năm, có thể bù đắp trong trường hợp cần thiết. Việt Nam cũng nhập khẩu từ Ấn Độ nhưng chủ yếu sử dụng cho nhu cầu chế biến thực phẩm, làm thức ăn chăn nuôi nên việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng không ảnh hưởng lớn đến gạo phục vụ cho tiêu dùng của Việt Nam.

Ngoài lúa gạo, hàng năm Việt Nam còn sản xuất bình quân khoảng hơn 7 triệu tấn thịt hơi xuất chuồng, 10 triệu tấn thủy sản và chục triệu tấn rau quả. Như vậy, về tổng thế ở cấp độ quốc gia vấn đề ANLT nếu xét trên khả năng cung cấp là đảm bảo.

Tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho xuất khẩu nông sản

Với các khó khăn trong xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) vẫn hiện hữu, nhu cầu thị trường phục hồi chậm, một số biến động thị trường gần đây đặt ra thêm những thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội.

Để khắc phục khó khăn, tận dụng cơ hội trong bảo đảm an ninh, an toàn nguồn cung thực phẩm trong nước và gia tăng xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2023, Bộ NN-PTNT sẽ tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm như:

Cập nhật, phân tích đánh giá thông tin, diễn biến thị trường một cách toàn diện, cẩn trọng để kịp thời phổ biến, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó, tận dụng cơ hội thị trường.

Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương gia tăng, đổi mới tổ chức truyền thông quảng bá chất lượng đặc thù vượt trội của nông sản Việt tại thị trường trong và ngoài nước.

Chỉ đạo sản xuất linh hoạt, đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đảm bảo nguồn cung phù hợp với nhu cầu xuất khẩu.

Về dài hạn, Bộ NN-PTNT ưu tiên chỉ đạo triển khai các nội dung: Hoàn thiện chính sách pháp luật phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực; Tổ chức sản xuất nông nghiệp bền vững theo mục tiêu, định hướng tại Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững và các giải pháp cụ thể tại các Đề án đang triển khai.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Đề án “Phát triển hệ thống logistic nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050”.

7 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 29,13 tỉ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2022; nhưng các doanh nghiệp cũng đã tận dụng được thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm mặt hàng có lợi thế.

Trong đó có 4 mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu vượt trội so với cùng kỳ là rau quả (3,2 tỉ USD, tăng 68,1%), gạo (2,58 tỉ USD, tăng 29,6%), cà phê (2,76 tỉ USD, tăng 6%), hạt điều (1,95 tỉ USD, tăng 9,8%).

Theo laodong.vn

 

Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top